Bí kíp luyện viết tốt áp dụng với mọi thứ tiếng.

0

SSDH – Kĩ năng viết luôn là kĩ năng đòi hỏi bạn nỗ lực nhiều nhất trong việc học ngôn ngữ. Làm thế nào để luyện viết tốt, bạn đã đọc nhiều tài liệu rồi nhưng SSDH tin bài viết này là cực kì sát và hữu ích cho bạn. Nào nghiên cứu cùng chúng tôi nhé.

Ai cũng hỏi mình chuyện viết. Một số bạn thì đang thanh niên muốn rèn kĩ năng còn một số người khác thì là phụ huynh hỏi để cho con em mình.
Kì thực thì chuyện rèn viết của mình không có gì li kì rùng rợn mà nó là tích lũy và hệ thống hóa suy nghĩ qua thời gian dài.
Hồi cấp 1 mình quả thực không nghĩ mình có duyên gì với văn chương. Ngày đó, đi học rồi mới bắt đầu luyện chữ. Chấm điểm vở sạch chữ đẹp của mình thì lúc nào cũng “Bảy, Bảy, Bê” và bị mẹ quật cho lên tọi vì điểm kém còn dám khoe ra.
Đến lớp ba, mình mới bắt đầu học tập làm văn mà toàn bài tả con mèo, với nhiều lắm là tả bà tả mẹ. Mà nói thật, tả một hồi thì thấy con mèo chó giống nhau, bà đứa nào cũng da đồi mồi, ngồi bán hàng tạp hóa. Thế nên, mình ghét văn lắm.
Mãi phải đến năm lớp bốn, mẹ cho mình đi học thêm văn cô Nam, luyện thi vào cấp hai Ams thì mình mới được tiếp xúc với một dạng văn mới.

ĐỀ THI VĂN TRƯỜNG VÀO AMS CẤP HAI NGÀY ĐÓ CÓ GÌ ĐẶC BIỆT?

Mình còn nhớ như in đề thi cả mẫu cả thật của trường Ams là đề 15 câu. Mỗi câu trả lời rất ngắn (thường dưới 50 chữ) về cấu trúc ngữ pháp hoặc cảm nhận văn học về một đoạn văn hay đoạn thơ nào đó.
Về cấu trúc ngữ pháp:
  • Mình ở trường bình thường cũng được dạy kết cấu chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, định ngữ, bổ ngữ, câu ghép đầy đủ.
  • Thế nhưng ở mức độ đề thi Ams thì độ phức tạp cao hơn nhiều. Ví dụ như định ngữ ở trong văn thường thức chỉ là một từ, thì trong đề văn vào cấp hai Ams là cụm 5 từ, 10 từ, thậm chí nguyên một câu văn.
Điều này có ý nghĩa gì?
  • Thực ra, tư duy ngôn ngữ của một người không phát triển từ việc học tất cả các nghĩa của những từ trong từ điển. Nó phát triển từ khi nối các từ, cụm từ với nhau, trong một văn cảnh để hiểu được sát nhất ý nghĩa của người muốn truyền tải nó
  • Việc cố gắng phân tích ngữ pháp chuẩn giúp mình bóc tách và hiểu từng phần từng từ của câu rõ ràng hơn, từ đó hiểu đủ và sát nhất ý nghĩa của tiếng Việt.
  • Thực ra ngay từ cấp một, các trường cũng có đọc đoạn văn với câu siêu phức.
  • Thế nhưng, bài tập ngữ pháp lại không lấy những câu này mà dùng câu mẫu đơn giản hơn rất nhiều. Điều này vô hình chung tách rời việc cảm thụ văn học với sự hay ho của ngữ pháp Việt.
Lại nói về cảm thụ văn học:
  • Đề thi của trường Ams ngày đó thường yêu cầu trả lời rất ngắn, 2 3 câu thôi.
  • Như vậy, học sinh phải cảm nhận rất sâu mới có thể nêu ra được đúng ý. Còn không có kiểu chém lan man 10 ý trúng 3 thế là nguyên điểm như đề thi tập làm văn dài loằng ngoằng.
Nếu nhìn kĩ thì cả hai mục trên của đề văn Ams cấp hai liên quan khá chặt chẽ với nhau:
  • Việc phân tích ngữ pháp giúp một người hiểu sâu ý nghĩa của từng câu, từng đoạn.
  • Sự hiểu sâu này giúp cô đọng ý nghĩa, suy nghĩ một các logic hơn. Từ đó, một người có thể viết cảm thụ văn học dù ngắn nhưng vẫn đủ ý.
Vậy nên, muốn viết tốt, việc trước tiên cần làm có lẽ là vừa đọc vừa phân tích câu theo thành phần được định nghĩa trong sách giáo khoa. Các bạn phải đảm bảo rằng dù chỉ đọc một câu, một đoạn (thay vì cả một bài viết hay cuốn sách) bạn cũng hiểu được tận cùng những thành phần của nó.

THỰC SỰ THÌ GIÁO DỤC VIỆT NAM ĐÀO TẠO KĨ NĂNG NÀY CHƯA TỐT

Nếu các bạn cho rằng mình sẽ đổ lỗi cho giáo viên hay hệ thống giáo dục thì mình lại không nghĩ thế. Ai cũng kêu giáo dục Việt Nam nặng, cần giảm tải. Thế nhưng, ở Mỹ, khi chương trình cấp 1, cấp 2 nhẹ hều, cấp 3 sâu hơn tí tùy trường, thì cũng không phải ai cũng là nhà văn giỏi.
Muốn giỏi thì chương trình nặng hơn, có vậy thôi. Thực ra, mấy lần kêu giảm tải còn làm giáo viên dạy kém hiệu quả hơn ấy. Cô giáo cấp một mình kể rằng sách mới giảm ở chỗ không còn tiết dạy “Hô ngữ” nữa mà đưa vào tiết luyện tập. Vậy nên, giờ giáo viên vẫn phải dạy hô ngữ mà không được gọi nó là hô ngữ. Học sinh đâm ra lại càng thấy khó hiểu.
Mà đó mới là lần giảm tải trước. Lần giảm tải sau đó thì ai ai cũng lôi sách giáo khoa ra mắng vì tội kể những câu chuyện vô bổ không có ý nghĩa. Ô hay, dạy đầy đủ thì kêu nặng, làm văn cho các cháu dễ đọc nhẹ nhàng thì kêu vô bổ, giờ sao? Bạn nào đủ não để làm bộ sách vừa dễ vừa bổ, chắc chắn não phải hơn cả thiên tài. Còn mình thì chắc chắn không phải.

QUAY LẠI CHUYỆN VIẾT TỐT, HỌC NGỮ PHÁP XONG CẦN HỌC GÌ?

Cô Nam trường Ams về sau không chỉ là cô giáo dạy thêm mà còn là cô dạy văn chính trên lớp mình nữa. Cô dạy đề thi hay bao nhiêu thì dạy văn trên lớp giống văn mẫu bấy nhiêu. Hầu hết đến lớp học thêm là đọc chép. Xong mình đến lớp học chính chép ý một đoạn như vậy, ít chữ hơn. Điều đó khiến mình chán đến độ điểm văn trên lớp kém vẫn hoàn kém.
Thế rồi lại thêm một lần học thi chuyển cấp vào cấp ba, mình bén duyên với cô Di, cũng dạy Ams luôn.
  • Mình còn nhớ hồi đầu mình ghét học cô lắm vì ít nhất cô Nam đọc chép là xong. Cô Di bắt mình nghĩ và giải trình suy nghĩ đàng hoàng. Một đứa đã bỏ thói quen suy nghĩ văn chương lâu, tự dưng bị bắt nghĩ. Thật khó lắm thay.
  • Được đến buổi thứ năm, khi lớp đang học đến trước đoạn Kiều được Từ Hải cứu và trả thù những người từng hại mình, cô hỏi: “Kiều muốn giết ai đầu tiên?” Cả lớp quay ra nhìn nhau vì đã đọc đâu, cũng không có trong sách. Mình nghĩ nghĩ trong đầu nếu mình là Kiều thì mình sẽ giết “Hoạn Thư” xong buột miệng ra luôn.
  • Mình ngồi sau lưng một bạn, cô không nhìn thấy nên hỏi: “Bạn nào nói đấy?” Mình sợ sai nên không dám lên tiếng nhận. Cô đợi mãi không thấy, cuối cùng nói: “Đúng là Kiều muốn giết Hoạn Thư đầu tiên, nhưng sau lại tha bổng Hoạn Thư đầu tiên, tại sao vậy?
  • Vì cô nói mình đoán đúng nên mình dũng cảm hơn chút, rón rén nói: Có phải vì Hoạn Thư rất yêu chồng không ạ?” Cô gật đầu, rồi cô hỏi thêm mình đôi câu trước khi giảng cho cả lớp.
  • Thật sự đó là lần đầu tiên trong đời học văn mà mình cảm thấy không phải học thuộc. Đơn giản là đặt bản thân vào suy nghĩ của một nhân vật để suy đoán và để cảm nhận. Và cũng vì thế, mà từ đó về sau, mỗi lần đi học cô Di là một lần vui đáo để của mình. Mãi tận 2015, mình vẫn mỗi năm đi chơi 20/11 cô một lần.
  • Lúc mình qua Mỹ, mình bắt mẹ mình ở nhà đi hộ luôn bởi vì cô không cho mình một trình văn cao ngất ngưởng nhưng cô đánh chừa thói lười suy nghĩ cố hữu dù trong văn chương hay trong cuộc sống của mình.
Mình nói chuyện này làm gì?
  • Thực ra muốn viết tốt thì một người luôn nên đặt bản thân vào hoàn cảnh của nhân vật mình viết về và hướng tới. Dù nhân vật này ở trong tiểu thuyết hay đời thực.
  • Có một số bài trong nhóm mình viết mà sinh viên hay phụ huynh đọc đều cảm thấy được cảm thông. Hoặc giả có lần mình sửa bài luận cho một bé mà bé thì kêu: “Đây chính là những gì em muốn nói” còn phụ huynh bé thì nói: “Chị đọc xong mà thương con quá.” Đó chính là ví dụ lớn nhất của việc đặt mình vào tình huống của từng đối tượng mà viết.
  • Muốn làm như vậy, thì một người phải quan sát và suy nghĩ thật sâu về cách một nhân vật hay hành động của nhân vật đó hình thành: Nguyên nhân, thói quen, suy tính hậu quả, v.v. trước khi viết ra bất cứ thứ gì.
  • Đừng sợ phải đoán. Khi đọc hết ba chương đầu của một cuốn sách, hãy mạnh dạn đoán xem 2 chương sau nhân vật mình thích sẽ hành xử như thế nào. Qua thời gian, so sánh xem cái mình đoán với cái thực sự xảy ra, cái nào hợp lý và gần thực tế hơn.
  • Trong cuộc sống cũng vậy, tỉ mẩn quan sát mọi người rồi đoán xem trong một trường hợp cụ thể (ví dụ: mua trà sữa cho văn phòng mà bên giao hàng nhầm sản phẩm) thì người đó phản ứng thế nào.
  • Dần dần, bạn phát triển cho mình những ghi chép (hoặc ghi nhớ trong não) về thói quen, hành vi, phân loại hành xử của con người vào những nhóm khác nhau. Cái này khác hoàn toàn với phán xét một người, vì nó tập trung vào hành động và tâm trạng với mục đích thấu hiểu và cảm thông.
Khi đã đạt đến tầm thấu hiểu, cảm thông và suy nghĩ theo hướng nghĩ và thói quen của nhân vật, thì việc viết sẽ đến một cách khá tự nhiên. Ngoài ra, thì việc này còn giúp một người không quá tập trung vào suy nghĩ và cảm nhận của mình, rồi “thương xuân buồn thu.” Khi một người bắt đầu tích lũy quan sát người khác, họ sẽ có góc nhìn rộng hơn về thế giới và tự dưng cởi mở hơn.

SAU NGỮ PHÁP, CẢM THÔNG, MỚI LÀ TÌM HIỂU BẰNG CHỨNG, CÂU TRÍCH DẪN, HOẶC CÂU CHUYỆN BẰNG CHỨNG KHÁC QUA SÁCH VỞ HOẶC CÁC NGUỒN MỞ TRÊN MẠNG

Khi chữa luận cho các bạn mình phát hiện rất nhiều bạn đưa câu trích dẫn của người nổi tiếng vào như một thủ thuật viết hay. Thế nhưng, đoạn ngay sau đó thì không liên quan gì đến câu dẫn đó nữa, văn cảnh của câu dẫn cũng không được giải thích rõ ràng:
  • Thực ra, bản thân câu trích dẫn không phải là một thủ thuật viết hay.
  • Câu trích dẫn chỉ hay khi bạn hiểu rõ tại sao người nổi tiếng đó nói một câu như vậy VÀ giải thích được cảm xúc của mình với câu nói đó.
Ví dụ, trong một bài mình viết về chuyện mình không quan tâm đến việc nhiều bạn đăng bài mình không để nguồn, mình từng trích dẫn một câu:

Tôi không quan tâm đến việc họ lấy ý tưởng của mình… Điều tôi quan tâm là họ không tự có ý tưởng của họ.
– Nikola Tesla –

Với chỉ một câu trích này, mình đã phải giải thích trong bài:
  • Tesla bị Marconi đánh cắp ý tưởng về sóng truyền phát thanh như thế nào (văn cảnh)
  • Nhưng mình phục Tesla ở chỗ Tesla không kiện Marconi cho đến khi ông cần tiền để làm một ý tưởng lớn hơn cho nhân loại. Mình cảm động vì đây cũng không phải lần đầu tiên ông vì nhân loại. Trước đó Tesla đã bỏ toàn bộ quyền sở hữu với dòng điện xoay chiều chỉ để phổ cập nó cho toàn dân (cảm xúc)
Nhìn chung câu trích dẫn này chỉ giúp mình bổ sung cho tranh luận “Bản quyền là vì cá nhân hay vì nhân loại” của mình thôi. Nó là điểm nhấn minh họa chứ không phải toàn bộ ý chính của bài.
Cái mình muốn nói ở đây về cách viết là:
  • Bạn phải có ý thô từ chính ngữ pháp và sự cảm thông của mình trước. Viết nó ra.
  • Khi có dàn ý khung chính, bạn hẵng đi tìm câu chuyện, câu trích dẫn liên quan để LÀM GIÀU nó.
  • Với mỗi câu trích, câu chuyện, bạn đừng chỉ nhìn thấy hay hay là viết nó vào bài. Bạn phải ĐỌC KĨ XEM VĂN CẢNH VÀ CẢM XÚC ĐÀNG SAU TỪNG CÂU NÓI LÀ GÌ. Còn không thì thà bạn viết một bài quan điểm không bằng chứng còn hay hơn.
Nếu các bạn nhìn cách mình viết lại về Hiệu ứng Dunning Kruger để người khác tránh hiểu không đầy đủ về nó sau khi một bạn đăng hình đồ thị ứng dụng DK thì các bạn sẽ hiểu việc tìm hiểu này nên sâu đến mức nào.

THẾ CÒN VIẾT TIẾNG ANH THÌ SAO?

Mình đã tổng hợp cho các bạn rằng viết cần: NGỮ PHÁP ĐỂ HIỂU ĐÚNG, CẢM THÔNG ĐỂ KỂ CHUYỆN, VÀ TÌM HIỂU THỰC TẾ ĐỂ LÀM GIÀU CÂU CHỮ.
Tất cả những điều này đều có thể áp dụng với tiếng Anh. Mình chỉ có một vài lưu ý nhỏ:
  • Nhiều bạn học tiếng Anh với mẫu câu. Mẫu câu không phải là ngữ pháp trong định nghĩa trên của mình. Cái mình cần là các bạn tìm rõ chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ, định ngữ trong từng câu tiếng Anh. (Nếu có thể thì phân biệt xem cách từng thứ đó khác với cách hành văn trong tiếng Việt như thế nào.)
  • Cách học hiểu nghĩa ang áng trong IELTS hay TOEFL sẽ giúp nhiều bạn tăng điểm rất nhanh nhưng cũng không giúp viết luận một cách xuất sắc. Vì vậy đừng hiểu nhầm rằng điểm tiếng Anh cao thì viết tiếng Anh tốt hơn tiếng Việt.
  • Khi viết những bài luận với độ phức tạp cao, bạn nên viết tiếng Việt trước. Rất nhiều bạn khi viết tiếng Anh bị quên mất ý mình định viết mà chỉ viết mẫu câu. Cái này làm ý tưởng của bài văn bị lệch (vì nắn câu) và không phản ánh được suy nghĩ đúng của người viết.
  • Sau đó, khi bạn chuyển sang tiếng Anh, thì nên dùng câu đơn và từ đơn giản trước (nghĩ từ nối và từ thay thế sau). Nhiều bạn cố dịch nguyên câu ghép và từ hay nhưng vì mẫu câu và sắc thái từ chưa thạo hẳn, lúc dịch bạn cũng bị lệch ý luôn. Việc dịch bằng câu đơn sẽ khiến bài văn ban đầu hơi giống quái vật chắp vá, nhưng sau đó, nếu bạn giành thời gian tra lại mẫu câu, nghĩa, sắc thái từ và nhìn lại các thành phần ngữ pháp, thì câu sẽ chuẩn và ý tứ mạch lạc hơn.
Cuối cùng, bạn vẫn phải “tìm hiểu thực tế” để xem người đọc có hiểu đúng ý văn cảnh Việt Nam không và thay thế nó bằng văn cảnh dễ hiểu hơn cho người đọc bài của bạn. Ví dụ:
  • Có bạn viết về một câu lạc bộ ở Việt Nam, chuyên làm về kĩ năng sống ở rừng, giải mã, nhóm lửa, vân vân mây mây.
  • Trong văn cảnh Mỹ, những hành động này là của “hướng đạo sinh nam” – boy scout. Tại Mỹ, những hướng đạo sinh từ bé thường được đánh giá là coi trọng sự trung thực, sự giúp đỡ cộng động. Nhiều hướng đạo sinh Mỹ lớn lên trở thành những nhân vật rất quan trọng trong cả chính trường và doanh nghiệp. Bởi vậy nếu bạn này giải thích được câu lạc bộ của bạn ấy là boyscout phiên bản Việt Nam thì tự dưng người chấm bài (Mỹ) sẽ có rất nhiều cảm xúc tích cực với bạn ấy.
Ở chiều ngược lại của văn cảnh cũng vậy, nhiều bạn nói về vấn đề học thêm quá độ ở Việt Nam nhưng không để ý rằng ở Mỹ nhiều bạn bố mẹ còn không cho đi học. Vậy nên họ hoàn toàn không thông cảm được, trừ khi bạn kể một câu chuyện cụ thể hơn để họ hình dung được văn cảnh Việt Nam. Thế nên, khi viết một bài tiếng Anh, điểm đặc biệt quan trọng là tìm hiểu sự khác nhau trong văn cảnh và cuộc sống.

NHIỀU NGƯỜI SẼ HỎI MÌNH RAO GIẢNG NÃY GIỜ NHƯNG CHỈ NỘI ĐỌC BÀI NÀY KHÔNG ĐÃ THẤY KHÔNG BIẾT BAO NHIÊU LỖI CHÍNH TẢ VÀ NGỮ PHÁP THÌ SAO?

Cách đây vài năm, Tiến sĩ Bùi Hiền ra một bộ chữ tiếng Việt mới bị bà con mắng cho vuốt mặt không kịp vì đây không phải là bộ phát âm mọi người quen dùng. Cơ mà bản thân mình khi giành thời gian học nó thì lại thấy mình viết tiếng Việt nhanh hơn và ít sai hơn rất nhiều. Bản thân bộ chữ của Tiến sĩ Bùi Hiền cũng dựa trên nghiên cứu về tốc độ học của người chưa từng biết chữ tiếng Việt và thấy chữ mới đơn giản và nhanh hơn nhiều. Cái này khả năng cao sẽ giúp phổ cập tiếng Việt cho người mù chữ nhanh hơn ở vùng sâu vùng xa.
Mình nói cái này vì thật ra chính tả chỉ là quy ước, nếu có lỡ sai một chút mà vẫn chuyển tải 90% suy nghĩ của mình được tới người đọc thì đã rất xuất sắc rồi. Ngay cả Anh Anh, Anh Mỹ còn phát âm khác nhau và bác Hồ còn viết “Kách mệnh” thì mong rằng các bạn cũng đừng vì quá để ý chính tả mà lạc mất ý khi viết.
Thế còn ngữ pháp thì sao?
  • Mình viết nhiều câu sai ngữ pháp thật, đặc biệt lại rất thích bắt đầu câu bằng “Và, Còn, Cơ mà, Có một.” Thế nhưng, mình giám chắc là trên 80% câu mình viết là ít nhất đủ cụm chủ vị.
  • Thực ra, viết được sai ngữ pháp, dùng nhiều câu “đoản ý” mà người đọc vẫn hiểu và thấy cuốn có nghĩa là người viết phải cực kì chắc ngữ pháp khi phân tích nó.
  • Đến cuối cùng việc hiểu cặn kẽ ngữ pháp là để hiểu ý một câu nói trọn vẹn, phát triển khả năng tư duy phức hợp khi kể chuyện của bản thân, chứ không phải để viết câu phức tạp hay viết mười câu như một.
Ngay cả như việc viết nghiên cứu mà mình viết với các thầy suốt những năm vừa rồi cũng như vậy. Thầy mình rất giỏi tư duy phức hợp khi kể chuyện trong bài nghiên cứu, nhưng người sửa ngữ pháp luôn là mình (một đứa kém hơn trong tư duy phức này). Xong bài nghiên cứu, cả thầy cả mình còn phải đem nó cho một bên thứ ba để “là lượt” lại chính tả dù bên này không có kiến thức quá sâu về chủ đề mình viết nữa cơ. Cho nên bạn hãy viết câu đủ chủ vị nhiều nhất có thể là được, còn lại nên đâu tư cho cảm thông và suy nghĩ phức hợp khi kể chuyện trong bài viết.

CUỐI CÙNG, PHỤ HUYNH MUỐN CON HỌC VIẾT THÌ PHẢI LÀM SAO?

Thực ra, các bạn các em học nhiều nhất là từ làm gương. László Polgár, một giáo viên cờ vua và nhà tâm lý học trẻ em, đã làm một thí nghiệm trên chính ba con của mình bằng cách chơi cờ với chúng như người lớn ngay từ khi còn nhỏ. Hai trong số ba con của ông trở thành số một và số hai thế giới trong cờ vua. Người ta làm cả một bộ phim về vấn đề này luôn:
Thực ra kĩ năng ngôn ngữ và giao tiếp đối với trẻ con cũng rất tương tự:
  • Rất nhiều phụ huynh khi con còn nhỏ thì nói bằng ngôn ngữ cưng nựng, câu ngắn. Việc này tạo thói quen cho các bạn trẻ cũng nói theo những câu ngắn này và giới hạn khả năng tư duy ngôn ngữ phức.
  • Ngược lại, nếu phụ huynh luôn nói với con bằng câu đầy đủ cả chủ vị thì tư duy ngôn ngữ của những bạn trẻ này sẽ cao hơn rất nhiều.
Cơ mà ngay cả việc này nhiều khi cũng rất khó làm. Bạn cứ nghĩ người lớn thì nói hay viết sẽ đủ chủ vị, còn mình thì luôn thấy ngay cả đọc báo chính thống, hay văn bản của văn phòng chính phủ gửi sang, lần nào mình cũng tìm ra câu chủ ngữ mà không có vị ngữ. Mà đây không phải là câu vẫn có ý rõ ràng đâu. Ý treo lửng lơ luôn. Vì vậy, thật sự mà nói nếu phụ huynh không có thói quen tự kiểm tra ngữ pháp và ý của mình khi nói hoặc viết thì cũng khó dạy con viết giỏi lắm.
Đến cuối ngày, nếu bạn hỏi mình hướng dẫn làm sao cho bạn hoặc con bạn viết tốt, mình cũng chỉ có thể nói rằng bạn nên chủ động tích lũy về ngữ pháp, cảm thông, và tìm hiểu thực tế qua nhiều năm mà thôi. QUAN TRỌNG NHẤT VẪN LÀ PHẦN CHỦ ĐỘNG VÀ KHÔNG NẢN CHÍ LÀ ĐƯỢC. Còn nếu bạn không có những tích lũy này, thì có cho bạn một rừng mánh và khóe, việc viết tốt cũng gần như không thể.
Share.

Leave A Reply