SSDH – Đối với Lê Ngọc Tường Vân, tình nguyện là một đam mê lớn, đồng thời cũng là bí quyết được nhận học bổng toàn phần từ 7 trường đại học danh tiếng nước Mỹ.
Thông tin cá nhân Họ và tên: Lê Ngọc Tường Vân Ngày sinh: 8/4/1995 Thành tích:
|
Thành tích “khủng” và hoạt động ngoại khóa xuất sắc
Được nhận học bổng toàn phần từ 7 trường đại học danh tiếng của Mỹ: Harvard, Yale, Stanford, Princeton, University of Pennsylvania, Emory University, University of California at Berkeley, Tường Vân đã làm không ít bạn trẻ ngưỡng mộ.
Trong suốt những năm trung học, cô bạn đã luôn có kết quả học tập đáng tự hào. Năm đầu tiên sang Mỹ học (lớp 7), Tường Vân đạt được danh hiệu “học sinh xuất sắc toàn diện của trường”.
Lên cấp 3, Vân theo học tại trường Stanton College prepo Jacksonville Florida (thành phố Florida, Mỹ) và được nhận bằng khen của thống đốc bang Florida về thành tích học tập. Do học chương trình của đại học, khó hơn so với bình thường, quy định điểm tối đa là 5.0, nên điểm tốt nghiệp của cô bạn khá khác biệt: 4.93/4.
Cô gái Việt với thành tích học đáng nể Lê Ngọc Tường Vân.
Mặc dù thành tích học tập nổi trội nhưng theo Vân, bí quyết để được nhận những học bổng “khủng” chính là các hoạt động ngoại khóa. “Hiện nay, rất nhiều trường đại học lớn trên thế giới đánh giá cao các hoạt động xã hội, tình nguyện mình tham gia hơn là nhìn vào bảng thành tích học tập. Thông qua các hoạt động đó, không chỉ giúp mình phát triển được một cách toàn diện mà còn là một điểm mạnh để dễ dàng săn được học bổng”, Vân nói.
Cũng chính sự năng nổ của mình trong công tác tình nguyện, cô gái nhỏ nhắn này từng được tuyên dương là một trong những TNV ưu tú của tổ chức HandsOn Jacksonville và nhận huân chương của Tổng thống Mỹ Brarack Obama về thành tích hoạt động từ thiện năm học lớp 12.
Lựa chọn Havard là ngôi trường đại học sẽ gắn bó 4 năm, Tường Vân cho rằng đây là môi trường thích hợp tạo mọi điều kiện giúp mình trở nên năng động, tự tin hơn và nhiều cơ hội giao lưu học hỏi với bạn bè các nước.
Đăng ký chuyên ngành Kinh tế, Vân đang nỗ lực học tốt để sau này có thể tự mở công ty và thực hiện ước mơ trở thành doanh nhân giỏi, cống hiến nhiều cho đất nước.
Mong muốn truyền tải đam mê tình nguyện
Đối với Vân, tình nguyện không đơn thuần là cách “ghi điểm” cho hồ sơ lung linh, mà đã trở thành đam mê, tâm huyết lớn. Mong muốn của Vân là truyền tải đam mê đó tới những người khác.
Cô bạn bày tỏ: “Bằng cách chia sẻ với mọi người những hoạt động, kết quả đạt được và niềm vui, thành công khi trải nghiệm các chương trình cụ thể, em nghĩ mình có thể truyền cảm hứng để họ khám phá và yêu hơn công việc này, từ đó tiếp tục cống hiến”.
Lần đầu tiên đến với hoạt động từ thiện đã khắc sâu ấn tượng trong Vân: phát đồ ăn cho những người vô gia cư. Đoàn tình nguyện của cô bạn chỉ kéo dài 30 phút nhưng đã có đến trăm người xếp hàng ngoài đường đợi đồ ăn.
“Em rất ngạc nhiên vì số lượng người vô gia cư quá đông. Khi đó, em cảm thấy dường như mình rất thiếu hiểu biết về xã hội xung quanh, rằng đang có nhiều người cần tìm hiểu và giúp đỡ. Sống trong một cộng đồng, mình phải có bổn phận góp phần cải thiện, làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn. Và bằng cách tìm hiểu, giúp đỡ những người xung quanh, em nhận được nhiều niềm vui, ý nghĩa trong cuộc sống”, Vân bày tỏ.
Có nhiều vấn đề trong quá trình tổ chức các chương trình tình nguyện như: vận động tài trợ, thiếu nhân lực…, Vân cũng không tránh khỏi cảm giác nản chí, mệt mỏi.
Vân chia sẻ: “Em có rất nhiều ý tưởng lớn và táo bạo nhưng vì không đủ kinh phí, nguồn lực nên thường phải thay đổi ý tưởng, dự định của mình. Cũng vì điều này, em ước mong sau này khi có tổ chức, công ty riêng hoặc công việc ổn định, sẽ dành dụm và đầu tư vào các hoạt động tình nguyện của những bạn trẻ”.
Vân cho biết, khi đã đủ nguồn lực về tài chính, sẽ tìm kiếm những giáo viên và tổ chức chương trình dạy học cho học sinh nhà nghèo, đồng thời định hướng, tư vấn giúp các em vào đại học, tìm việc trong tương lai.
Ý tưởng này xuất phát từ niềm đam mê với giáo dục của Vân. Hiện tại, cô bạn cũng đang đang dạy kèm cho một số học sinh. “Em nghĩ giúp đỡ đối tượng này sẽ có hiệu quả lâu dài vì tạo động lực cho các em vươn lên, giúp đỡ gia đình thoát khỏi sự nghèo khó”, Vân nói.
Điểm hạn chế trong mô hình này: giáo viên nhiệt tình nhưng khó theo đến cùng do không thể hoàn toàn từ bỏ công việc của mình để giúp đỡ các em. Vì qua nhiều giáo viên – nhiều phương pháp, chương trình học nên việc tiếp thu kiến thức của các em không hiệu quả. Nhìn nhận được điều đó, Vân cho rằng, giải pháp duy nhất hiện tại có thể làm được là tiếp tục tham gia và chuyển tiếp, gửi gắm niềm tin, tình yêu công việc đến những thế hệ sau để hoạt động luôn được tiếp nối.
Cô bạn sẽ tiếp tục cống hiến vào những thời gian rảnh rỗi của mình. Mới đây, Vân là đồng sáng lập của “IM Venture” – chương trình giao lưu văn hóa tạo cầu nối giữa du học sinh Việt Nam và sinh viên trong nước. Ngoài hoạt động dạy học, Vân cũng từng làm bánh, bán quà lưu niệm handmade cùng bạn bè để lấy tiền giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn…
Nguồn: Dân Trí