Sẵn sàng du học – Trải dài từ Brunei qua Malaysia đến Indonesia, Borneo là hòn đảo chiếm diện tích lớn nhất châu Á. Nhiều năm qua, với nỗ lực bảo tồn thiên nhiên của chính phủ và nhiều tổ chức trên thế giới, Borneo vẫn giữ được môi trường sinh thái và hệ thống động thực vật phong phú đa dạng, đồng thời là nơi lý tưởng để khám phá vô vàn những bí ẩn dưới rừng mưa nhiệt đới.
VIÊN NGỌC THÔ MANG TÊN “NGÀY MAI”
Sau một ngày dạo quanh thủ phủ Kota Kinabalu hiện đại sầm uất, chúng tôi quyết định “đi trốn” ở resort Mañana, một “thiên đường” dường như hoàn toàn tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài tại Borneo.
Từ trung tâm Kota Kinabalu, chúng tôi đón xe đến thị trấn Kota Balud, cách đó khoảng 30km. Trạm cuối là một cầu cảng thô sơ, xung quanh rải rác vài mái nhà dân và dăm ba đứa trẻ địa phương đen nhẻm nô đùa. 30 phút sau, chiếc canô chở chúng tôi vào một hòn đảo nhỏ ngoài khơi, có bãi biển cát trắng nằm khuất sau rặng núi được phủ kín bởi rừng cây cối xanh tươi. Gọi là resort nhưng Mañana chỉ có vài căn nhà nhỏ với những tiện nghi đơn giản và tiết kiệm năng lượng nhất có thể. Các căn nằm cách nhau khoảng một mét, tường gạch và mái được lợp bởi lớp lá dừa khô. Phòng tắm thiết kế ngoài trời để đón ánh sáng và gió trời tự nhiên nhưng vẫn kín đáo, riêng tư.
Khu nghỉ dưỡng này được xây dựng bởi một người Malaysia luôn ôm ấp tình yêu lớn với biển và thiên nhiên. Ông dùng tất cả khoản tiền tiết kiệm được để mua lại bãi biển nguyên sơ này nhằm mục đích góp một phần nhỏ bảo tồn vẻ đẹp hoang sơ đang ngày mai một trước cuộc sống công nghiệp hóa. Cái tên “Mañana”, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Ngày mai”, được lấy cảm hứng từ một người khách du lịch lỡ yêu nơi này. Mỗi ngày, anh đều nói “ngày mai sẽ đi” nhưng không đành lòng mà lưu lại hết ngày này qua ngày khác. Từ đó, “Ngày mai” trở thành tên gọi thân thương cho cả chủ lẫn nhân viên và khách du lịch mỗi khi ghé thăm Borneo.
Ở đây đúng nghĩa là “đi trốn” vì xung quanh khu vực này cả ngày lẫn đêm chỉ có sóng vỗ và tiếng lá dừa xào xạc. Chỉ cần mở cửa phòng, thêm vài bước chân là bạn có thể ngâm mình trong làn nước trong veo và ngắm đàn cá nhỏ tung tăng bơi lội. Đặc sản của Mañana là nằm đung đưa trên chiếc võng tre ngắm hoàng hôn. Sắc cam đỏ mê hoặc thấm đẫm không gian, nhuộm lên những đám mây tạo nên những kỳ quan độc đáo. Sau mỗi cơn mưa nhiệt đới, hoàng hôn lại càng thêm kịch tính với chiếc thuyền độc mộc neo chòng chành phía xa, khiến cho quang cảnh như một bức tranh vừa lãng mạn vừa cô liêu. Chẳng vậy mà những người tôi gặp ở đây, từ anh quản lý gốc Hoa đến chị nấu bếp, chàng trai trẻ dạy lặn hay những vị khách nước ngoài, chẳng ai nỡ xa nơi này để về lại thành phố.
Những ngày ở đây, tôi để ý các nhân viên sống và chăm sóc nhau như một gia đình. Họ cũng chăm chút hòn đảo này như là một phần quan trọng trong cuộc sống. Mỗi sáng sớm, khoảng 3 người cầm những bao tải to đi dọc bãi biển thu dọn rác trôi về theo dòng hải lưu từ khu dân cư. Trong khoảng 2 giờ, các bao tải rác to được phân loại và buộc chặt để đưa vào đất liền. Thực phẩm như rau củ đều được trồng và thu hoạch ngay phía sau khu nhà nghỉ. Đặc biệt, tuy ở đảo nhưng bạn sẽ không có cơ hội thưởng thức hải sản bởi họ bảo tồn một cách nghiêm ngặt các loài sinh vật biển. Bạn có thể lặn biển ngắm cá và san hô rực rỡ, thậm chí nếu may mắn, bạn có thể bắt gặp loài rùa biển quý hiếm. Tuy nhiên, tuyệt đối không được đánh bắt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái dưới nước. Thức ăn khác ngoài rau củ sẽ được vận chuyển ra từ đất liền. Cuộc sống ở nơi không có “Ngày mai” này luôn đúng theo tinh thần gần gũi với thiên nhiên nhất.
KHÁM PHÁ RỪNG MƯA VÀ NHỮNG DI SẢN THẾ GIỚI
Rừng mưa nhiệt đới trên đảo Borneo có tuổi thọ 140 triệu năm được ví như Amazon của châu Á, là khu vực chứa nhiều bí ẩn nhất luôn thách thức giới hạn của các nhà khoa học và các đoàn thám hiểm. Để có một tuần khám phá cánh rừng mưa nhiệt đới, chúng tôi phải đáp chuyến máy bay địa phương cỡ nhỏ đến Miri, thủ phủ của bang Sarawak. Từ trên máy bay, chúng tôi có thể ngắm trọn thiên nhiên ngoạn mục với màu xanh trải dài bất tận, xen kẽ bởi dòng sông uốn lượn như một con trăn khổng lồ.
Theo thống kê, rừng mưa có mức độ tập trung loài vào hàng đầu trên thế giới với khoảng 185 loài thú, 530 loài chim, 166 loài rắn, 104 loài thằn lằn và 113 loài lưỡng cư. Ngoài ra, bang Sarawak cũng là nơi sinh sống của các loài động vật quý hiếm có trong danh sách đỏ như voi lùn Borneo, khỉ vòi, đười ươi và tê giác. Những ngày ở đây, chúng tôi có dịp được đến thăm trung tâm bảo tồn đười ươi Borneo hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng, được nghe những câu chuyện thú vị từ các tình nguyện viên tận tâm. Phải chứng kiến họ tận tay chăm sóc, bảo bọc đười ươi như những đứa trẻ mới thấy được tình yêu thương động vật của họ thật đáng trân trọng. Những con đười ươi được tìm thấy trong tự nhiên khi đang bị săn đuổi, bị thương, mồ côi hoặc mắc bệnh lý đều được đưa về điều trị, nuôi dưỡng cho đến khi đủ điều kiện để thả lại về rừng. Đặc điểm nhận dạng của loài động vật hoang dã này chính là gương mặt có phần to hơn cùng bộ râu thưa và ngắn hơn các loài đươi ươi khác. Theo ước tính của tạp chí Scientific American, số lượng đười ươi còn lại sẽ giảm khoảng 22% tính đến năm 2025.
Khám phá hang động cũng là một trong những hoạt động không thể thiếu khi đi bộ xuyên qua khu rừng mưa. Borneo xinh đẹp được thiên nhiên ưu ái một số lượng lớn những hang động đá vôi nổi tiếng như Deer, Lang và Clear Water Caves ở Công viên quốc gia Mulu (được công nhận là Di sản thế giới). Trong đó, hang Deer là một hang động đá vôi thuộc Vườn quốc gia Gunung Mulu. Sau hang Sơn Đoòng tại tỉnh Quảng Bình, hiện tại hang Deer đang nắm giữ vị trí thứ 2 trong các hang động lớn nhất thế giới. Hang Deer thực sự là một ngôi nhà khổng lồ của loài dơi bởi đây là nơi sinh sống của hơn 5 triệu con với trung bình gần nửa tấn phân thải ra mỗi ngày. Khi đi lại trong hang, bạn tránh gây tiếng động mạnh làm kinh động đến loài dơi. Ngoài ra, hang Deer còn như một thiên đường trong lòng đất với những cột thạch nhũ khổng lồ lấp lánh, thảm thực vật nguyên sinh tựa vườn địa đàng, các nhũ nước chảy tựa vòi hoa sen tuyệt đẹp… Chúng tôi bước đi trong màn ánh sáng huyễn hoặc rọi xuống từ các lỗ hổng trên đỉnh hang mà cứ ngỡ như đang ở trong một bộ phim siêu thực nào đó. Bên cạnh đó còn có một số tour thám hiểm vào sâu hơn được tổ chức dành cho những ai muốn chinh phục thử thách và khám phá những bí ẩn trong hang.
Ngoài những hang động kỳ vĩ, khu rừng với diện tích gần 53 ngàn hecta có hệ thống sông suối chảy xiết bao quanh tạo nên âm thanh mê hoặc của núi rừng. Rừng nguyên sơ cùng hệ sinh thái đa dạng với 4 nghìn loài nấm, gần 2 nghìn loài rêu cùng hàng nghìn loại cây nhiệt đới. Những gốc cây khổng lồ phải 4, 5 người mới có thể ôm trọn, rễ cây to dài vươn ra khỏi mặt đất vắt vẻo lên những cành cây khác tạo vẻ huyền bí. Những sinh vật nhỏ bé ngày thường ta vẫn thấy như nhện, kiến, khi ở trong khu rừng này bỗng trở nên to lớn và đáng sợ vô cùng. Mỗi ngày với vài tiếng đi bộ, chúng tôi có thể thấy nhiều loài côn trùng kỳ lạ, những loài chim sặc sỡ, trong đó có loài Hornbill mỏ vàng cực kỳ quý hiếm. Chưa bao giờ chúng tôi lại cảm thấy được gần gũi với thiên nhiên đến thế, như đang được tham gia một đoàn thám hiểm thực thụ. Mỗi khi cần trao đổi, ai nấy đều giữ cho âm lượng nhỏ nhất có thể, đôi khi thành ra thầm thì, nghe xì xào như tiếng gió. Các giác quan được tập trung để nghe hơi thở và quan sát cuộc sống của rừng nên dường như, chúng tôi đã có lúc nào đó quên đi thực tại và thực sự tan vào trong rừng thẳm.
CHINH PHỤC DÃY PINNACLES HÙNG VĨ
Thử thách khó khăn nhất mà chúng tôi phải chinh phục là dãy núi đá vôi Pinnacles. Những cơn mưa ào đến bất chợt khiến cho buổi leo núi càng thêm khó khăn. Sau nhiều giờ, một cách thận trọng, chúng tôi băng qua những con suối nhỏ, vượt qua các dốc đá sừng sững, lần theo dây thừng khi gặp vực núi sâu. Có đôi lần tôi suýt trượt chân còn chân tay thì trầy xước vô số, tệ nhất là bị những con vắt khát máu, không hiểu bằng cách nào đó đã có thể xuyên qua lớp quần dài và tất dày bảo vệ mà bám chặt vào bắp đùi.
Cuối cùng, phần thưởng thật xứng đáng khi chúng tôi được chiêm ngưỡng dãy Pinnacles vô cùng ngoạn mục, một trong những di sản thế giới được UNESCO công nhận. Địa hình Pinnacles là ví dụ nổi bật của quá trình xói mòn trên cả hai loại đá (đá vôi và cát). Hàng loạt những cột sa thạch nhọn hoắt, lừng lững nhô ra từ độ cao 45m trên sườn núi Gunung Api và đâm thẳng lên trời trông như cái một bẫy chông bằng đá khổng lồ do thiên nhiên tạo ra. Ăn trưa trên đỉnh Pinnacles và phóng tầm mắt ngắm trọn kỳ tích của tạo hóa là một trong những kỷ niệm ấn tượng nhất của chúng tôi trong chuyến đi này.
Rời khỏi Borneo khi còn nhiều luyến tiếc, nhưng 3 tuần phiêu lưu trong rừng và khám phá những điều tuyệt vời nhất của mẹ thiên nhiên, chúng tôi học được từ người bản địa cách yêu thương và trân trọng đối với từng cái cây ngọn cỏ, từng sinh vật nhỏ bé đến những loài thú hoang dã. Borneo như viên kim cương thô sơ, thanh thuần chưa được mài giũa. Chắc hẳn, chúng tôi sẽ còn gặp lại Borneo không chỉ một lần mà còn nhiều lần nữa.
Cá Domino (SSDH) – Theo elle