Sẵn sàng du học – Các đại học Canada duy trì thứ hạng toàn cầu của mình trong bảng xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education World University Rankings năm nay, nhưng sẽ cần tăng đầu tư cho nghiên cứu nếu họ muốn theo kịp cuộc cạnh tranh toàn cầu khốc liệt về giáo dục đại học.
Một lần nữa, Đại học Toronto dẫn đầu Canada với hạng 22, còn Đại học British Columbia tăng hai hạng để giành lại hạng 34 của mình năm 2015. Đại học McGill giữ nguyên hạng 42, với Đại học McMaster có thứ hạng tăng vọt, Đại học Montreal và Đại học Alberta cũng lọt vào nhóm 200 đại học hàng đầu thế giới.
Về quốc tế, Mỹ tụt hạng, với Caltech (Viện Công nghệ California) mất hạng nhì về tay Đại học Cambridge, và các đại học Mỹ nhìn chung tụt hạng.
Phil Baty, tổng biên tập của ban xếp hạng toàn cầu của Times Higher Education, nói, “Giữ vững theo cách như Canada là một kết quả hết sức tích cực. Ta thực sự phải chạy nhanh mới đứng yên trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt này.”
Các đại học Canada bám giữ được vị trí của mình giữa lúc các nước khác đang đầu tư mạnh để lọt vào hàng ngũ những đại học tốt nhất thế giới. Các trường ở Châu Á đã chi hàng tỷ đô-la để đào tạo hoặc chiêu mộ những nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên có trình độ và năng lực cao. Nhờ đó, Trung Quốc hiện nay có 7 đại học trong nhóm 200 đại học hàng đầu thế giới, và các nước khác như Singapore và Đài Loan đang có nhiều trường tiếp tục tăng hạng.
Đại học Quốc gia Singapore tăng hai hạng từ năm ngoái để đồng hạng 22 với Đại học Toronto trong năm nay.
Ông Baty cũng nói rằng trong khi thành tựu của Canada trong bảng xếp hạng này nhất quán với thành tựu của các nước/lãnh thổ có GDP tương tự, Hong Kong và Singapore đã đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống giáo dục của họ.
Patrick Deane, hiệu trưởng Đại học McMaster ở Hamilton, Ontario, lý giải cặn kẽ hơn về vấn đề đầu tư: “Nếu thiếu cam kết mạnh mẽ [về tài trợ nghiên cứu], chỉ cần nhìn số liệu là thấy rõ thực tế của tương lai sẽ ra sao. Tuy một số trường có thể giữ nguyên hoặc tăng hạng chút ít, sẽ có xu hướng tụt hạng nói chung do những nơi khác đang có đầu tư mạnh mẽ.”
Đại học McMaster tăng vọt từ hạng 113 lên hạng 78 năm nay. Đại học này cũng tăng 17 hạng trong bảng xếp hạng Academic Ranking of World Institutions năm nay.
Tiến sĩ Deane nói trường của ông tăng hạng một phần là nhờ chi tiêu để chiêu mộ những nhà nghiên cứu hàng đầu có công trình xuất bản quốc tế và thảo luận vấn đề nghiên cứu trong lớp học.
Giới khoa học gia Canada đang vận động chính phủ liên bang của Đảng Tự do áp dụng các khuyến nghị của một bản báo cáo đánh giá được công bố hồi đầu năm về việc tài trợ nghiên cứu khoa học cơ bản của Canada. Dưới sự chủ trì của David Naylor, cựu hiệu trưởng Đại học Toronto, báo cáo này cho rằng Canada cần tăng tài trợ của liên bang một phần ba trong vòng 4 năm tới. Nhưng chính phủ chưa cam kết với chỉ tiêu đó.
Trong khi đó, chính phủ liên bang của Đảng Tự do tài trợ một chương trình chiêu mộ từ 15 tới 35 Chủ tịch Nghiên cứu Canada mới và phòng nghiên cứu của họ. Chương trình này mở cửa đón chào những nhà nghiên cứu ngoại quốc hoặc những nhà nghiên cứu Canada ở nước ngoài. Các học giả giai đoạn đầu đã chất vấn liệu số tiền 118 triệu đô-la đã chi cho chiến dịch chiêu mộ này lẽ ra đã nên được phân bổ đồng đều hơn.
Tuy nhiên kết quả của khảo sát năm nay cho thấy danh tiếng học thuật của Canada có thể cần sự hỗ trợ đó. Trong khi tất cả các số đo khác về thế mạnh của trường đại học có cải thiện, chỉ số về giảng dạy và nghiên cứu tại các đại học Canada năm nay bị xem là hơi xấu hơn năm 2016.
Kết quả này tương tự với kết quả của bảng xếp hạng QS World University Rankings, được công bố hồi đầu mùa hè năm nay.
Nếu các đại học Canada tiếp tục cổ xúy sự cởi mở của mình với sinh viên và giảng viên quốc tế, xu hướng giảm xuống đó có thể được đảo ngược, theo ông Baty.
Ông nói, “Có một cơ hội tuyệt vời vô tiền khoáng hậu cho Canada, do những biến đổi chính trị khác thường trong chính trị phương Tây.”
Bảng xếp hạng World University đã trở thành một sự kiện then chốt trong lịch học thuật quốc tế và là công cụ để các đại học chiêu mộ sinh viên và giảng viên.
Cá Domino (SSDH) – Theo tincanada24h.com