Cách giao tiếp lịch sự kiểu Mỹ

0

Sẵn sàng du học – Đôi khi, bạn cần dùng đến “white lie” (lời nói dối vô hại) trong giao tiếp để tránh làm mất lòng đối phương.

ssdh-hoc-tieng-anh

Lúc mới sang Mỹ, hầu hết mọi người cảm thấy dân Mỹ rất thân thiện. Lý do là họ gần như không nói gì làm mình cảm thấy “offended” (mất lòng). Tuy nhiên, thực ra đây là văn hóa xã giao của họ.

Sự thân thiện thể hiện bằng các câu nói hàng ngày, như “excuse me?” khi ai đó đứng chắn đường của bạn trong siêu thị. Kiểu “ngoại giao” này rõ ràng có tác dụng rất tốt trong việc giảm stress cho cả xã hội nói chung. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, đôi khi bạn sẽ thấy sự móc máy trong ngữ điệu của người nói. Có nghĩa là, khi nói “excuse me”, họ “đính kèm” thêm: “I don’t mean what I say, get out of my way”.

Nhưng nó cũng có thể gây phiền phức cho những người không hiểu về văn hóa Mỹ, và quá thật thà. Đơn giản, trong văn hóa Mỹ, bạn nên tránh đối đầu trực tiếp bằng cách nói thẳng: “I think you’re wrong”. Cách nói thông thường là: “I partly agree with you…” hoặc “you’re kind of right, but…”.

Ở khía cạnh khác, lịch sự kiểu Mỹ có thể gây ra hiểu lầm cho người không quen với văn hóa. Ví dụ, khi bạn tặng người khác một món quà, và người ấy nói: “Waooo, it’s wonderful, thank you”, chưa chắc họ đã thực sự thích món quà đó. Lúc này, để đoán được thực sự họ nghĩ gì, phải dựa vào sắc mặt, cách nói, biểu hiện của người nói để đoán được. Những tình huống như vậy xảy ra hàng ngày.

Một ví dụ khác, khi bạn đi xem phim với một người Mỹ và cảm thấy bộ phim dở tệ, nhưng người bạn lại nói “It’s a wonderful film, isn’t it?”, bạn sẽ trả lời thế nào? Một trong những cách để trả lời câu hỏi trên là tìm ra một khía cạnh nào đó của bộ phim mà bạn thấy thú vị, chẳng hạn: “Yes, the actress is really beautiful, I like her so much”.

Vấn đề này trong ngôn ngữ học gọi là “pragmatics”, tức là một câu nói ra ở những tình huống khác nhau sẽ được hiểu khác nhau, tùy vào tình huống mà lựa chọn cách nói phù hợp. Người học tiếng Anh ở Việt Nam ít quan tâm tới vấn đề này, nên khi ra nước ngoài hoặc khi giao tiếp với người bản xứ gặp không ít rắc rối. Ví dụ làm sao để bày tỏ sự không đồng tình một cách lịch sự, làm sao để từ chối mà không “offend” người đối diện.

Với những tình huống như trên, bạn có thể nói giảm nói tránh, tức là không tập trung vào chủ đề chính, mà nói về một phần vấn đề (khen cảnh quay phim đẹp, diễn viên xinh…), hoặc có thể khơi gợi để người kia nói thêm về bộ phim “so, what do you think about (the plot)?”.

Về “white lie”, lời nói dối vô hại, người Mỹ sử dụng khá nhiều trong giao tiếp và được hiểu như một cách nói lịch sự. Người bản xứ giao tiếp với nhau đều nhận ra đó có phải là “white lie” hay không, và họ chấp nhận vấn đề đó. Ví dụ, nếu chủ nhà mời ăn món mà bạn thấy không ngon, thay vì cứ cố gắng ăn, thì họ có thể sẽ nói là “the food is great but I’m on a diet”, như vậy, chẳng ai nói được gì. Chủ nhà có thể đoán được đó là một “white lie”.

Tuy nhiên, trong giao tiếp, không có đáp án đúng tuyệt đối. Bạn luôn có thể chọn lựa phong cách “thật thà” như Steve Jobs, nói “this is crap” khi ông thấy một sản phẩm không hoàn hảo hoặc một phong cách nho nhã như Obama. Nhưng hãy chắc chắn rằng người khác không hiểu sai ý của bạn. Đó chính là chỗ giao thoa giữa học ngôn ngữ và học văn hóa.

Cá Domino (SSDH) – Theo vnexpress.net

Share.

Leave A Reply