Canada: Vì sao em chọn ĐH The Uni of British Columbia thay vì The Uni of Toronto

0

SSDH – Đây chia sẻ của Đan Thanh, du học sinh đã học xong PTTH tại Canada. Thanh cũng vừa trải qua quá trình nộp đại học tại Canada và được nhận vào hai trường đại học top. Bạn ấy buộc phải chọn lựa, khó khăn nhưng đã chọn đúng. Thanh đã chọn theo tiêu chí gì? Hãy xem chia sẻ của Thanh cùng SSDH nhé.

The University of British Columbia

 

Vừa qua, em vinh dự được nhận vào cả 2 trường đại học gần như được xem là tốt nhất Canada là The University of Toronto (UofT) và The University of British Columbia (UBC). Em thật sự rất vui vì kết quả này. Ở cả hai ngôi trường danh giá này, em đều được nhận những lợi ích riêng mà mỗi trường mang lại, thế nên em khá đắn đo lúc đầu trong việc quyết định xem mình nên chọn đại học nào cho hành trình 4 năm sau của em. Sau khi dành thời gian cân nhắc cẩn thận, em cuối cùng cũng có thể đưa ra sự lựa chọn là quyết định nhập học tại UBC cho chương trình đại học của mình.

Vài thông tin dưới đây là một ít tổng quan cũng như các lý do tại sao em lại đề cao UBC hơn so với UofT khi xem xét việc nhập học đại học, mọi người có thể tham khảo. Bài viết chia sẻ trên Du học định cư Canada.

VÀI ĐIỀU TỔNG QUAN

  • Em là một du học sinh cấp ba tại Toronto, bang Ontario. Hệ thống điểm và chương trình học của em sẽ khác so với các bạn học chương trình tại Việt Nam.
  • Em nộp UBC 2 nguyện vọng, bao gồm:
  • Nguyện vọng 1: Engineering – Bachelor of Applied Science. Chuyên ngành yêu thích của em là Biomedical Engineering (BME)
  • Nguyện vọng 2: Bachelor of Science. Chuyên ngành yêu thích là

Sau quá trình xét tuyển, em may mắn đỗ nguyện vọng 1 của em tại UBC là Engineering. Ngay sau đó, UBC sẽ chủ động huỷ bỏ việc xét tuyển vào nguyện vọng 2 của em.

  • Về UOT, em nộp vào Life Sciences (Bachelor of Science) với chuyên ngành yêu thích Pharmacology. Khi lên năm 2 hoặc 3, học sinh UofT sẽ được lựa chọn chuyên ngành cụ thể hơn.
  • Vào đầu tháng 3/2021, UofT gửi em offer, đặc biệt hơn, em được nhận vào Trinity College, là college được xem là danh giá nhất nằm trong hệ thống của UofT tại cơ sở St.George. Về phía UBC, em được nhận vào UBC muộn hơn, vào đầu tháng 5/2021, sau đó vài ngày, UBC gửi em phần học bổng đầu vào $80,000dành cho sinh viên quốc tế. Đây là mức học bổng đầu vào tối đa một sinh viên quốc tế có thể nhận tại UBC. Cả 2 thành tựu này làm em rất vui và tự hào
  • Bản thân em nộp vào 2 ngành như trên là vì có niềm ham thích đồng đềudành cho cả hai, cụ thể hơn là về các vấn đề khoa học, y khoa và hoá sinh. Thế nên, cho dù đỗ vào ngành nào, em vẫn sẽ hài lòng với quyết định của mình. Vấn đề làm em băn khoăn chính là về môi trường học, thành phố sinh sống, cách sắp xếp chương trình học của từng trường, cơ hội sau tốt nghiệp,… của cả 2 đại học trên nên đứng giữa UBC và UofT, em đã phải cân nhắc suy nghĩ rất nhiều.

Dưới đây là một vài quan điểm và lý do cá nhân cho việc tại sao em lại chọn UBC so với UofT

  1. Chương trình CO-OP tại UBC

Một điểm cộng lớn của UBC so với UOT chính là chương trình học BME tại UBC có đi kèm chương trình CO-OP (Co-operative Program: là chương trình vừa đi học vừa đi làm có hưởng lương tại các cơ sở, tổ chức có liên kết với trường). Chương trình CO-OP của UBC sẽ được phổ biến rộng với các học sinh vào khoảng năm 3 và năm 4 của chương trình học. Mặc dù không đảm bảo tất cả các học sinh đều sẽ được nhận vào các kỳ CO-OP, thế nhưng đây rõ ràng là một cơ hội việc làm lớn khi học tại UBC. Bản thân em tin rằng nếu có sự cố gắng, em sẽ chinh phục được một suất CO-OP cho mình . Và điều này đương nhiên sẽ đẩy mạnh khả năng được tuyển dụng sau tốt nghiệp (graduate employability) cho em về sau này.

Về UofT, chương trình học không đi kèm CO-OP đối với ngành học của em (mặc dù nếu có, chắc chắn chương trình Co-op của UofT sẽ rất đỉnh, thuộc top đầu Canada bên cạnh UWaterloo).

  1. Cơ hội nghề nghiệp của Biomedical Engineering (BME) so với Pharmacology

Niềm ham thích của em ở cả hai ngành là như nhau, em rất mong mọi người lưu ý điều này ạ. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc kỹ những cái được và mất giữa 2 sự lựa chọn, bản thân em nhận định BME mang lại cho em nhiều cơ hội hơn:

  • Career paths của Pharmacology bị giới hạn hơn so với BME.

Pharmacology là ngành học đào tạo những chuyên viên nghiên cứu tác dụng của thuốc trong phòng thí nghiệm, điều chế và quan sát các quá trình của thuốc. Một Pharmacologist sẽ hoạt động chủ yếu ở trong phòng thí nghiệm và sẽ không có đủ quyền hạn để regulate hoặc advise thuốc tại các phòng khám, drugstore hoặc tại các tổ chức, công ty về dược phẩm. Để làm được như vậy, em cần một tấm bằng cao hơn (ví dụ: Pharmacy) và để được như thế, em sẽ phải học lên trong 4-6 năm. Con đường xa nhất để Pharmacology có thể đi dường như là Pharmacy.

BME sẽ cho em nhiều sự lựa chọn hơn. BME đào tạo những nhà tiên phong, những nhà thiết kế các giải pháp dùng trong y khoa, dược phẩm. BASc in BME sau khi ra trường, sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn so với Pharmacology, và sự thiếu thốn nhân lực ở BME là nhiều hơn so với Pharmacology. Sau khi học BME, môi trường làm việc của em sẽ đa dạng hơn là thay vì chỉ có thể làm trong phòng thí nghiệm, em sẽ có cơ hội làm việc tại các công ty tổ chức về dược phẩm, thiết bị y khoa, chuyên viên kỹ thuật tại các cơ sở y tế,… Ngoài ra, em cũng có đa dạng con đường sau đại học hơn khi chọn BME như là học tiếp lên Dentistry, Pharmacology (sau đó có thể là Pharmacy),… và đặc biệt là thoả điều kiện để có thể nộp được vào Medical School (bên cạnh những yêu cầu khắt khe khác) và có thể học thành một bác sĩ (doctor). (sau đại học, em sẽ có những định hướng cụ thể và lượng sức mình tốt hơn, để biết rõ mình có thể chọn con đường gì phù hợp với bản thân mình).

Đối với em, BME mang lại sự đa dạng cơ hội tốt hơn so với Pharmacology.

  • Nếu có một con đường làm việc tại Việt Nam, BME (kỹ sư y sinh) sẽ có nhiều cơ hội hơn so với ngành Pharmacology (Dược lý học).

Hiện nay, tại Việt Nam, thị trường việc làm đang thiếu thốn các kỹ sư BME, nhưng lại có hơi hướng thiếu việc làm nhất định để đáp ứng đủ cho những người với một tấm bằng về ngành dược. Bên BME sẽ cho em con đường rộng hơn so với Pharmacology. Đặc biệt hơn, giá trị của một tấm bằng BME sẽ lớn hơn so với Pharmacology tại cả Việt Nam và Canada (theo ý kiến của những người trong nghề và đánh giá của bản thân em ạ).

  1. Học bổng $80,000 tại UBC 

Một lý do quan trọng chính là khoảng học bổng $80,000 CAD mà UBC đã trao cho em. Chúng ta đều biết, Canada không phải là một quốc gia có nhiều nguồn học bổng dành cho sinh viên quốc tế, và phải nói rằng, lượng học bổng được cho đi với giá trị không cao và con số khá khiêm tốn. Thế nên, việc nhận được con số $80,000 học bổng là một bất ngờ cực kỳ lớn với em và nằm ngoài dự đoán của bản thân em. Nó cho em một lý do rất lớn để chọn ở lại với UBC. Về cơ bản, học phí ban đầu của cả 2 trường đều như nhau, nên khoảng học bổng này đã tạo ra khoảng cách lớn về học phí mà em phải chi trả cho cả 2 trường.

  1. Vancouver vs Toronto: A big plus goes to Van 

Cả Toronto và Vancouver đều là những thành phố nhộn nhịp, là trung tâm của đất nước Canada. So với Vancouver, Toronto dường như là thành phố rộn rã hơn, sầm uất hơn, và có nhiều cơ hội để phát triển hơn.

Trên thực tế, Vancouver lại nổi tiếng là một thành phố thanh bình hơn, trong lành hơn, cuộc sống sẽ đỡ bận rộn hơn và mang đến một cảm giác con người ta sẽ đỡ vội vàng hơn so với Toronto. **Với sở thích của cá nhân em **và với những điểm cộng trên, Vancouver chiếm một vị trí cao hơn trong lòng em.

Đặc biệt nhất chính là campuses của trường, tại UBC, Vancouver campus xanh hơn, thiên nhiên chan hoà và có rất nhiều cảnh đẹp để ngắm hơn. Campus của UBC luôn được cho là xanh và đẹp hơn so với UofT.

Về cơ hội phát triển, có thể nhiều người sẽ chọn Toronto nhiều hơn Vancouver (và nó đúng), thế nhưng em không quá quan trọng vấn đề đấy. Em luôn có niềm tin bản thân em là một người có năng lực, em nghĩ rằng dù sự lựa chọn của em nằm ở đâu, em sẽ luôn có thể thích nghi tốt để phát triển được một sự nghiệp như mong muốn cho bản thân mình .

(Thật ra em vẫn rất yêu Toronto, và em nhất định sẽ quay lại Toronto vào một ngày gần nhất)

  1. Cá nhân em muốn trải nghiệm, tìm hiểu một cuộc sống mới

Hành trình của em tại thành phố Toronto là 509 ngày, và em có niềm yêu thích nhất định đối với thành phố nhiều kỷ niệm này. Toronto là một thành phố đáng sống, em hoàn toàn đồng ý với điều đấy. Tuy nhiên, bản thân em là một người ham thích trải nghiệm, em vẫn luôn hi vọng mình có thể thử sức với những điều mới, muốn thay đổi môi trường sống xung quanh để bản thân có cơ hội thử nhiều thứ hơn. Thế nên, em quyết định nộp đại học ở một thành phố khác, xa xôi, mới mẻ hơn, cho 4 năm sắp tới để em thách bản thân mình. Em có nộp đại học McGill ở Montreal cũng như UBC Vancouver Campus, và khi em cầm được offer của UBC, em thật sự hi vọng mình có duyên với ngôi trường này trong 4 năm sau của mình.

Nói như vậy không có nghĩa là em đã trải nghiệm hết Toronto, hay là không còn hứng thú muốn trải nghiệm nơi này nữa. Em chỉ biết là, em muốn làm mới cuộc sống xung quanh của mình, và em nhất định sẽ quay lại Toronto, vào một ngày không xa.

Trên đây là sơ lược những gì em muốn chia sẻ với mọi người. Những ý kiến trên đều là suy nghĩ của cá nhân em, nên nó có thể sẽ không đồng thuận với một vài quan điểm khác, em mong mọi người sẽ cẩn thận cân nhắc và đón nhận khách quan nhất.

Ngoài ra, em xin lưu ý là em không đại diện cho bất kỳ một cơ quan, tổ chức, công ty nào cả. Trên đây chỉ là những chia sẻ trải nghiệm chân thành nhất của em thôi ạ và những chia sẻ trên chỉ mang tính chất tham khảo, nên mọi người cố gắng đón nhận một cách cởi mở nhất nhé. Em cảm ơn rất nhiều.

Tháng 9 sắp tới, em sẽ bắt đầu việc học tại UBC, và em mong cuộc hành trình mới này của em sẽ lại thành công rực rỡ và em sẽ lại có những trải nghiệm khác để có thể cùng trò chuyện với mọi người.

SSDH Team

Share.

Leave A Reply