Canada: Xuất khẩu lao động nông nghiệp rất dễ

0

SSDH – Bạn không có cơ hội đi du học nhưng mong muốn đi lao động tại Canada, đặc biệt là ngành nông nghiệp. Đi theo con đường này vừa tích lũy kinh nghiệm và được trải nghiệm làm việc tại nước ngoài.

dinh-cu-canada

Khi bạn xem thông tin tham khảo trên mạng, bạn sẽ thấy nhiều tin nhắn quảng cáo đi xuất khẩu lao động nông nghiệp Canada với tiêu chí tuyển chọn khá dễ dàng. Để trả lời câu hỏi này, bạn tham khảo bài viết dưới đây của chị Uyên Nguyễn, hiện đang làm trong lĩnh vực giáo dục du học, định cư nước ngoài trong đó có Canada để hiểu rõ hơn nhé. Hãy gom các quảng cáo lại ta dễ thấy tiêu chí tuyển chọn:

  • Không cần ngoại ngữ
  • Không cần bằng THPT
  • Không cần kinh nghiệm
  • Không giới hạn độ tuổi
  • Được bảo lãnh vợ/chồng sang Canada
  • Được định cư sau 02 năm .
  • Thời gian xuất cảnh “03 tháng kể từ lúc nhận hồ sơ xin thư mời bảo lãnh hợp đồng lao động” (?!!)

Nhờ sự “bứt phá” với các chính sách định cư và việc làm cho người nước ngoài, Canada nổi lên như một “vùng đất hứa”. Tuy nhiên, trong khi thông tin du học Canada dồi dào, bài bản, nhiều tổ chức tư vấn uy tín thì các chương trình lao động hầu như ngược lại. Cần phải nói rằng các chương trình lao động nông nghiệp ở Canada là có, nhưng không phải dễ dàng đi theo kiểu “không cần gì chỉ cần tiền” như thế; và việc định cư cũng không hề đơn giản.

Thế nên dựa trên những thông tin mình biết, mình nghĩ phải viết vài dòng cảnh báo, tóm tắt ngắn gọn về thủ tục để được “lao động hợp pháp” và “định cư hợp pháp” theo diện nông nghiệp; để những người ít kinh nghiệm xem xét kĩ trước khi quyết định đến vùng đất hứa.

Hiện nay, Canada có 2 chương trình cấp phép làm việc cho lao động nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp:

  •  Agricultural Stream: không giới hạn quốc tịch.
  •  Seasonal Agricultural Worker Stream: chỉ dành cho lao động quốc tịch Mexico và các nước vùng Caribe.

Như vậy chỉ có loại hình Agricultural Stream là phù hợp với người Việt Nam muốn đi lao động nông nghiệp. Nếu được cấp phép, người lao động sẽ có thời gian tối đa 24 tháng làm việc toàn thời gian tại Canada. Tuy nhiên, để xin giấy phép lao động diện này, người lao động và người tuyển dụng lao động phải đáp ứng một số tiêu chuẩn chính sau:

Người tuyển dụng lao động:

Có hoạt động sản xuất nằm trong danh mục hàng hóa quốc gia (các sản phẩm từ nghề nuôi ong; trái cây, rau, bao gồm việc đóng hộp, chế biến những sản phẩm này nếu được trồng ở trang trại; nấm; hoa; cây trồng trong vườn ươm bao gồm cây thông Noel, cây trồng hoặc ươm trong nhà kính; hạt giống cải dầu; trồng cỏ; thuốc lá; chăn nuôi bò; bơ sữa; vịt; ngựa; chồn; gia cầm, cừu; heo).

 Công việc phải có liên quan đến hoạt động nông nghiệp cơ bản/sơ cấp (hoạt động trong phạm vi nông trại, vườn ươm, nhà kính, ít nhất phải có liên quan đến 1 hoạt động như vận hành máy móc nông nghiệp; ở, chăm sóc, chăn nuôi, vệ sinh hoặc xử lý động vật khác, trừ cá, nhằm mục đích thu được sản phẩm động vật sống cho thị trường; thu thập, xử lý và đánh giá các sản phẩm thô đó, hoặc trồng, chăm sóc, thu hoạch hoặc chuẩn bị các loại cây trồng, cây gỗ, cây bồ ngót hoặc các loại cây khác để đưa ra thị trường; tương thích với một trong các mã phân loại nghề nghiệp quốc gia sau: 0821, 0822, 8252, 8255, 8431, 8432 và 8611)

  • Phải trả vé máy bay khứ hồi cho người lao động
  • Cung cấp nhà ở ngay tại nơi làm việc hoặc gần nơi làm việc cho người lao động; có quyền trừ một khoản phí cung cấp này (theo quy định của tỉnh bang)
  • Các điều kiện khác về an toàn, sức khỏe theo quy định.
  • Phải đảm bảo quyền lợi và mức lương trả cho lao động nước ngoài tương đương với lao động bản xứ.
  • Phải chứng minh được công việc mà mình muốn tuyển người làm không thể tìm được người bản xứ phù hợp, mặc dù người lao động đã cố gắng (đăng tuyển dụng nhiều lần, tuyển dụng trên nhiều kênh …)
  • Phải xin LMIA (có tên hoặc không có tên người lao động) – loại báo cáo của cơ quan có thẩm quyền đánh giá tác động đối với thị trường lao động Canada khi doanh nghiệp thuê lao động nước ngoài. Muốn kéo dài thời gian làm việc thì chủ lao động phải nộp đơn xin LMIA mới. Thời gian xử lý xin LMIA trung bình khoảng 13 ngày (theo IRCC).

Người lao động:

  •  Chứng minh với cơ quan xét hồ sơ rằng mình sẽ rời Canada khi giấy phép lao động hết hạn;
  •  Cho thấy mình có đủ tiền để chăm sóc bản thân và các thành viên trong gia đình trong thời gian ở Canada và đủ tiền trở về nước;
  •  Tuân theo luật pháp và không có tiền án, tiền sự;
  •  Không phải là mối nguy hiểm cho an ninh của Canada;
  •  Có sức khỏe tốt và khám sức khỏe nếu cần;
  •  Không có dự tính làm việc cho chủ lao động hoạt động trong lĩnh vực không phù hợp theo quy định của chính phủ Canada.
  •  Nếu đang ở Canada thì phải có loại giấy phép học tập/làm việc/phụ thuộc phù hợp.
  •  Thời gian để nhận được giấy phép lao động có thể rất chênh lệch từ 1 tháng cho đến vài chục tháng tùy theo thời gian và tình trạng hồ sơ. Vì vậy không thể đảm bảo bao lâu sẽ có thể xin được giấy phép lao động. Cam kết của quảng cáo về thời gian xuất cảnh “03 tháng kể từ lúc nhận hồ sơ xin thư mời bảo lãnh hợp đồng lao động”

Sau khi có giấy phép và làm việc đủ thời gian quy định, người lao động mới có thể xin thường trú nhân (PR) theo diện Agri-Food Pilot (hiệu lực từ tháng 5/2020). Để có thể xin PR theo diện này, người lao động cần đạt những tiêu chuẩn chung sau:

Kinh nghiệm:

Tối thiểu 01 năm làm việc toàn thời gian, quanh năm (không theo mùa vụ) trong lĩnh vực nghề nghiệp và vị trí công việc phù hợp theo quy định trong 03 năm gần nhất (tương đương 1560 giờ) tại Canada; có giấy phép làm việc hợp phép theo diện TFWP với LMIA thời hạn tối thiểu 12 tháng được chủ lao động nộp cho cơ quan tương ứng.

Công việc:

Các vị trí công việc đều có giới hạn số lượng tuyển dụng mỗi năm (NOC B 8252: 50; NOC C 9462 hoặc NOC B 6331: 1470; NOC D 9617: 730; NOC C 8431: 200; NOC D 8611: 300)

Lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp và vị trí công việc tương ứng là các lĩnh vực sau:

Sản xuất thịt (NAICS 3116) các công việc đủ điều kiện là:

  • NOC B 6331 – Bán lẻ thịt
  • NOC C 9462 – Bán buôn/công nghiệp thịt
  • NOC B 8252 – Giám sát trang trại và công nhân chăn nuôi
  • NOC D 9617 – Lao động chế biến thực phẩm

Ươm trồng hoa nhà kính, bao gồm sản xuất nấm (NAICS1114), các công việc đủ điều kiện là

  • NOC B 8252 – Giám sát trang trại và công nhân chăn nuôi
  • NOC C 8431 – Công nhân nông trại nói chung
  • NOC D 8611 – Lao động thu hoạch

 Chăn nuôi, trừ nuôi trồng thủy sản:

  1. chăn nuôi gia súc và trang trại (NAICS 1121)
  2. lợn và chăn nuôi lợn (NAICS 1122)
  3. gia cầm và sản xuất trứng (NAICS 1123)
  4. chăn nuôi cừu và dê (NAICS 1124)
  5. chăn nuôi động vật khác (NAICS 1129)

Các công việc đủ điều kiện là

  • NOC B 8252 – Giám sát trang trại và công nhân chăn nuôi chuyên biệt
  • NOC C 8431 – Công nhân nông trại nói chung

Ngôn ngữ: đạt trình độ tiếng Anh CLB cấp độ 4 (tương đương IELTS nghe 4.5; nói 4.0; viết 4.0; đọc 3.5), hoặc tiếng Pháp NCLC cấp độ 4.

Trình độ học vấn: tối thiểu phải có bằng THPT của Canada hoặc bằng tương đương nếu học ở nước ngoài

Nguồn tài chính: phải chứng minh có đủ tài chính cho cuộc sống tại Canada, nếu đương đơn đang làm việc và có giấy phép làm việc hợp pháp thì không cần chứng minh.

Thông thường, các công ty tuyển lao động “mờ ám” sẽ xin visa du lịch cho ứng viên sang Canada trước, xin được visa kiểu “hên xui” xong thì mới xin tiếp giấy phép lao động nếu đạt visa. Khâu khó ở đây chính là giấy tờ ứng viên “cái gì cũng không có” như tuyển dụng đăng, thì không “đủ mạnh” để xin visa du lịch tiến vào Canada; nên nguy cơ mất tiền khi xin không được visa hoặc sang được Canada và không xin được giấy phép lao động là rất cao (LMIA không đạt, bị bỏ bỏ vơ …).

Bay rồi không muốn quay về, sẽ dẫn đến việc “làm liều” cư trú và làm việc bất hợp pháp. May mắn xin được giấy phép lao động, làm đủ thời gian để xin PR thì yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh cũng là một trở ngại khá lớn, khi mà đa số các hồ sơ lao động nông nghiệp chưa có đủ nền tảng cơ bản về ngoại ngữ.

Vài thông tin khái quát cho thấy thủ tục, yêu cầu để làm việc hợp pháp và định cư hợp pháp không hề đơn giản. Người quan tâm cần tìm hiểu kỹ về thủ tục, môi trường làm việc, môi trường sống ở Canada để không bị vỡ mộng. Những quy trình như thế này cũng cần phải được các tổ chức có uy tín, được cấp phép thực hiện. Không có chuyện chỉ cần có tiền là xử lý xong. Nếu có, sẽ bằng con đường nào đó “không chính thống” và về lâu dài sẽ không có lợi cho bản thân người nộp đơn nói riêng cũng như người Việt Nam nói chung vì gian lận, không trung thực là hai điều rất cấm kỵ trong văn hóa ở các nước phương Tây.

Tham khảo và tổng hợp thông tin từ website của chính phủ Canada https://www.canada.ca/en.html

SSDH Team

Share.

Leave A Reply