SSDH – Cảm thấy ngại ngần khi được gọi là “thần đồng” và “Đặng Thái Sơn thứ 2” của Việt Nam, Trung cho rằng: “Người ta gọi tôi bằng những danh xưng như thế là vì lòng quý mến thôi”.
Nguyễn Việt Trung được chọn là một trong tám tài năng trẻ piano trên toàn thế giới tham gia biểu diễn trong chương trình Junior Academy Eppan cùng giáo sư nổi tiếng Andrea Bonatta vào tháng 3-2013.
Nguyễn Việt Trung sở hữu tám giải thưởng âm nhạc danh giá: giải Nhất cuộc thi piano dành cho trẻ em tại Ba Lan; giải Nhất cuộc thi piano dành cho pianist trẻ mang tên Emmy Alberg tại Lodz, Ba Lan; giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi piano dành cho pianist trẻ tại Zyrardow, Ba Lan; Nốt nhạc vàng dành cho thí sinh quốc tế chơi nhạc Mozart hay nhất; giải Ba cuộc thi âm nhạc quốc tế tại Glubczyce và đoạt giải dành cho tay đàn thể hiện bản nhạc thế kỷ 20 hay nhất; giải Nhì cuộc thi quốc tế mang tên Chopin cho người trẻ tuổi tại Warszawa; giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi Rotaract – Rotary Piano Competition.
Được coi là “cậu bé vàng” của piano tại Ba Lan, Nguyễn Việt Trung (17 tuổi) vừa có buổi diễn lần thứ ba trong chương trình Pastoral Symphony cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại Hà Nội tuần qua dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Honna Tetsuji.
Chiều đông. Hà Nội heo may gió. Trong căn nhà tại phố Tô Hiến Thành vang lên tiếng dương cầm dìu dặt. Cậu trai cao lớn với gương mặt thơ trẻ đang lướt mười ngón tay dài trên những phím đàn, những ngón tay mà Trung cho là “không cân đối với cơ thể” bởi nó quá dài.
Trung vẫn còn nhớ cảm giác mê mẩn khi nhìn những ngón tay của chị gái lướt trên phím đàn. Giờ chị giải lao, Trung, khi đó 5 tuổi, đặt những ngón tay mảnh dẻ của mình lên phím đàn. Được bà giáo khích lệ, Trung bấm lên những phím màu đen và trắng. “Sau đó bà giáo khuyên bố mẹ nên cho tôi học đàn”. Và thế là mỗi lần chị gái tập đàn, Trung lại mon men đến tập cùng. Cây đàn piano gắn với Trung từ đó…
“Tôi không phải thần đồng”
Đã từng tham gia biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới: Ukraine, Đức, Hungary… nhưng ấn tượng nhất với Nguyễn Việt Trung, hiện đang là học sinh lớp 10 Trường Âm nhạc Im Oskara Kolberga (Warszawa, Ba Lan), là một buổi biểu diễn ở Hungary. Trung kể: “Khi đó, tôi chơi bài Chopin Nocturne C-sharp minor op.posthume”.
Bản nhạc này, cách đây nhiều thập kỷ, đã cứu mạng một nghệ sĩ piano người Ba Lan bị phát xít Đức bắt sau khi người nghệ sĩ chơi bài này cho một sĩ quan Đức nghe. “Khi đánh xong bản này, tôi nhìn thấy nhiều người đã khóc. Họ yêu cầu đánh lại đến bốn lần”. Đó là năm 2008, Trung 13 tuổi.
Cảm thấy ngại ngần khi được gọi là “thần đồng” và “Đặng Thái Sơn thứ 2” của Việt Nam, Trung cho rằng: “Người ta gọi tôi bằng những danh xưng như thế là vì lòng quý mến thôi chứ tôi nghĩ mình không phải là thần đồng. Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ của thế giới, ít người được như ông lắm. Chỉ cần trở thành học trò giỏi của ông đối với tôi đã là hạnh phúc lắm rồi”.
Theo cha mẹ sang Ba Lan từ bé, thụ hưởng một nền giáo dục hiện đại và tiên tiến, từng đi biểu diễn nhiều nơi trên thế giới nhưng trong lòng Việt Trung lúc nào cũng háo hức cảm giác được trở về Việt Nam. Để được đón làn gió heo may giữa mùa đông, đủ lạnh để húp xì xụp một bát phở thật nóng khi trên đường từ sân bay về nhà; để được đi dạo trên những con phố nhỏ với hàng cây xanh mát, hay để nhìn hàng lá trút giữa mùa thu cùng hương hoa sữa ngào ngạt.
“Tôi nhớ tất cả những gì từ Hà Nội, cả những thứ có thể chạm vào và cả những thứ vô hình như mùa thu Hà Nội” – nghệ sĩ trẻ tâm sự trong một ngày Hà Nội đã vào đông.
Môn nghệ thuật phải học suốt đời
Năm 2010, trở về Việt Nam với tư cách khách mời của cuộc thi piano quốc tế do Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức, Trung đã có điều kiện tiếp cận với các bạn trong nước.
Trung kể: “Khi đó tôi đã rất ngạc nhiên về khả năng âm nhạc của các bạn Việt Nam. Được giao lưu với các học viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, tôi thấy các bạn ấy thật giỏi, nếu được tạo điều kiện tốt hơn thì âm nhạc Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai cùng thế giới”. Trung cũng từng học master class với nghệ sĩ Đào Trọng Tuyên, người mà Trung cho rằng: “Thầy dạy rất tuyệt vời”.
Tuy nhiên, theo nhận xét của cậu, “hình như ở Việt Nam có quá ít trường dạy nhạc, chỉ tập trung ở Hà Nội, TP.HCM và Huế”. Trung mơ ước trở thành một nghệ sĩ biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới và khi có tiền sẽ về Việt Nam mở trường dạy nhạc.
Còn bây giờ, ngoài lưu diễn và trau dồi văn hóa là… piano, dù “thỉnh thoảng tôi cũng theo mẹ đi chợ mua sắm hay tranh thủ đá bóng và lên mạng tán gẫu với bạn”. Việt Trung chia sẻ: “Đối với một nghệ sĩ piano, kể từ khi biết đặt tay vào phím đàn đến khi đôi tay không còn lướt trên phím được nữa, có nghĩa là trừ lúc ngủ và ăn, tất cả thời gian còn lại đều dành cho việc luyện tập và biểu diễn… Công việc ấy nếu không có gia đình động viên thì quả là hết sức cực nhọc, bởi lựa chọn piano có nghĩa là chọn một môn nghệ thuật mà mình phải học suốt đời”.
Đông Đức – Theo Kênh 14