SSDH – Trời đã chập choạng tối. Vốn dĩ xe buýt ở Đức rất chuẩn giờ, nhưng tôi đã đợi đến hơn 10 phút mà vẫn chưa thấy tăm hơi gì. Ngoài đường vắng tanh. Tôi đứng ngồi không yên, bởi lẽ đó là giờ học yêu thích của tôi, và tôi không muốn đến muộn…
Xem thêm:
- Câu chuyện Erasmus Mundus (Kỳ 1): Khu kí túc không Giáng sinh
- Câu chuyện Erasmus Mundus (kỳ 2): Một sự thật
- Câu chuyện Erasmus Mundus (kỳ 3): Thủ lĩnh ký túc
Nghiên cứu châu Âu (Euroculture) là một trong hơn 200 ngành thạc sỹ bằng kép được Uỷ Ban Châu Âu tài trợ, cũng là chương trình mà sinh viên toàn cầu có cơ hội xin học bổng Liên Minh châu Âu Erasmus Mundus trong 2 năm học (48.000EU, bao gồm tiền học phí, tiền bảo hiểm, chi phí sinh hoạt và đi lại).
Sinh viên tốt nghiệp các ngành xã hội nhân văn có nguyện vọng khám phá chính trị, xã hội và văn hoá châu Âu đều được khuyến khích ứng tuyển, và bắt buộc trải nghiệm ở vài trong số 8 nước châu Âu thuộc khuôn khổ chương trình (Pháp, Đức, Thuỵ Điển, Tây Ban Nha, Ý, Séc, Ba Lan và Hà Lan).
Tác giả bài viết Vũ Hồng Trang là sinh viên Việt đầu tiên đạt học bổng của ngành học này, khoá 2015 – 2017. Trang chọn học kỳ 1 ở trường đại học Strasbourg, Pháp kỳ 2 tại Đại học Goettingen, Đức, 1 tuần học bắt buộc tại Olomouc (Séc) và kỳ 3 tại đại học Uppsala, Thuỵ Điển.
Lớp học tự chọn Giới tính trong thế giới toàn cầu hoá của tôi diễn ra vào buổi tối chỉ có 3 người, và giáo viên đứng lớp là Tiến Sỹ Kimura – một chuyên gia người Nhật về các vấn đề phụ nữ giải khuây cho quân đội Nhật thời chiến tranh thế giới thứ hai, và là giảng viên khách mời từ trường đại học Anh dạy những chuyên đề về góc nhìn giới tính trong toàn cầu hoá và trong chiến tranh.
Đó không phải là môn học bắt buộc của kỳ 2 tại Đại Học Göttingen trong chương trình thạc sỹ Châu Âu học của tôi, nhưng nhà trường luôn khuyến khích và cấp tín chỉ cho những sinh viên muốn học thêm.
Trời đã chập choạng tối. Vốn dĩ xe buýt ở Đức rất chuẩn giờ, nhưng tôi đã đợi đến hơn 10 phút mà vẫn chưa thấy tăm hơi gì. Ngoài đường vắng tanh. Tôi đứng ngồi không yên, bởi lẽ đó là giờ học yêu thích của tôi, và tôi không muốn đến muộn.
Có một đôi vợ chồng già tuổi đi qua nhìn tôi lạ lẫm pha lẫn ái ngại. Họ nói với nhau bằng một thứ tiếng mà tôi không hiểu rồi ra xe ô tô cách đỗ đó vài bước. Bất chợt, người vợ quay lại bến xe buýt nơi tôi đang đứng, rồi nói với tôi bằng tiếng Đức:
– Này cháu, hôm nay không có xe buýt đâu.
– Sao lại thế ạ? Tôi ngạc nhiên hỏi.
– Hôm nay xe buýt đình công, cả ngày không chạy.
Tôi ngớ người, vì cách đây mấy hôm, thầy giáo có nhắc cả lớp về vấn đề này, nhưng vì mấy ngày bận lu bù nên tôi quên mất. Ở Strasbourg 7 tháng, tôi chứng kiến 3 lần xe-buýt đình công, nhưng vẫn có xe chạy, chỉ là ít hơn nhiều so với thường lệ. Tôi biết đình công ở Đức không rầm rộ và nhan nhản như Pháp, nhưng không có nghĩa là tuyệt nhiên không có.
Rồi bác ôn tồn nói:
– Có phải cháu chuẩn bị đi đến khu giảng đường trung tâm không?
– Dạ vâng. – Tôi thật thà đáp.
– Vợ chồng bác cũng đi đến đó. Hai bác có thể cho cháu đi nhờ.
Nhìn đồng hồ sắp đến giờ vào lớp, và nếu đi bộ nhanh cũng mất 25 phút, tôi đồng ý lời đề nghị chân thành của bác. Tôi tin tưởng tuyệt đối vào đôi mắt lương thiện của người phụ nữ đứng trước mặt mình. Ngồi lên xe, tôi rối rít cám ơn hai vợ chồng bác rồi tự giới thiệu bản thân. Hai bác là những người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ, trước đây sống ở Dresden, miền đông nước Đức, nơi họ có rất nhiều hàng xóm là người nhập cư từ Việt Nam. Tôi luôn phấn khích khi những người nước ngoài biết về Việt Nam, bởi lẽ mấy cuộc chiến tranh chống cường quốc không khiến Việt Nam quá nổi tiếng trên thế giới như tôi từng lầm tưởng. Ngày tôi ở Ý, không ít người cao tuổi hỏi tôi đầy thương cảm rằng không bietes cuộc chiến đã qua chưa. Có người Ý còn tưởng Việt Nam ở vùng Ca-ri-bê vì họ nghĩ Mỹ chẳng dại gì đưa quân sang tận một đất nước cách đến nửa địa cầu.
– Cũng may là hai bác tiện đường đi qua đó. – Tôi nói đầy cảm kích.
Người chồng nói:
– Không phải là đi qua đó thôi đâu, mà là hai bác cũng đi đến trường.
– Hai bác cũng đi đến khu giảng đường trung tâm? – Tôi hết sức ngạc nhiên.
– Ừ, hai bác cũng đi học.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, bác gái cười hiền từ:
– Con cái đã trưởng thành, giờ mới có thời gian đi học cháu ạ.
– Thế hai bác học môn gì ạ?
– Hai bác học 2 môn văn học thuộc bậc đại học tại khoa nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ.
– Cháu phục hai bác quá!
– Cả đời kiếm tiền, đến khi nghỉ hưu mới có thời gian tận hưởng tri thức. Cũng may chính phủ Đức tạo điều kiện để những người cao tuổi theo kịp với thời đại. Bác trước làm lái xe, còn bác gái bán kebab. Cả ngày lam lũ, tiền đủ dùng nhưng chẳng có thời gian mà trau dồi bản thân. Tiền chỉ có thể làm no bụng, ấm thân chứ không làm giàu não được.
Bác gái tiếp lời:
– Hai bác đi học để còn trau dồi tiếng mẹ đẻ. Ở Đức mấy chục năm rồi thấy mình xa cái văn hoá gốc quá. Hai bác có 4 đứa cháu. Mình không muốn chúng nó mất gốc thì chính mình cũng phải thông thạo tiếng mẹ đẻ để còn dạy con dạy cháu.
– Hôm nay bọn bác sẽ học về nhà thơ đương đại Nazim Hikmet – Bác trai hãnh diện nói.- Cứ nghĩ mình sắp có tấm bằng ở cái tuổi thất thập mà lòng sung sướng quá. Lĩnh hội tri thức cần thời gian và tâm huyết. Tri thức khiến người ta trẻ ra, khoẻ lại. Đi học văn học cho đỡ nhớ quê hương. Cứ bảo sao ai người ta cũng khao khát làm giới tinh hoa của xã hội. Mà từ ngày đi học, hai vợ chồng cũng có nhiều cái hay ho để trao đổi. Nghiền ngẫm văn học khiến người ta tự dưng muốn lắng nghe thêm, đọc thêm, nói nhiều hơn, và muốn viết nữa.
Tôi xuống xe và tạm biệt hai người Thổ Nhĩ Kỳ tốt bụng đang hào hứng với tiết học ở toà nhà khoa Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ và không quên lưu lại địa chỉ liên lạc của họ. Bác gái còn với lại nói với tôi:
– Này cháu, ngày mai, trời có gió, lạnh hơn đến vài độ đấy. Mặc áo phông thế này là không được đâu.
Tôi cảm ơn bác đã chu đáo nhắc nhở. Tôi cũng chẳng đoái hoài xem ngày mai trời có lạnh hay không. Chỉ biết rằng giờ đây, tôi thấy rất ấm lòng: tôi đã có thêm 2 người bạn mới.
Thái Hải (SSDH) – Theo Scholarship Planet