SSDH – Không còn đủ sức khỏe phục vụ quân đội, Quang Linh đành trở về Việt Nam chữa bệnh. Chàng trai 21 tuổi vừa đi học hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật Quân sự vừa miệt mài làm gia sư.
Nguyễn Quang Linh khi còn theo học tại Phân viện Hải quân Pie. Ảnh: NVCC.
Gần 22h, gió lạnh len khắp phố phường Hà Nội, Nguyễn Quang Linh (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) mới từ nhà học trò trở về. Lững thững đi bộ về phòng trọ, Linh tranh thủ viết trên trang Facebook cá nhân: “Đi dạy về, mùi hoa sữa khiến mình nôn nao quá”. Hương hoa sữa sót lại đầu đông làm chàng trai khó chịu, hắt hơi liên tục. Căn bệnh ung thư vòm họng khiến cơ thể Linh vốn nhạy cảm với khói bụi và thời tiết, giờ dị ứng luôn cả loài hoa có hương nồng này.
Tuyến nước bọt không còn, vòm họng bị thu hẹp khiến mỗi lần ăn uống với cậu là một cực hình. Trước đây, Linh ăn cháo hoặc cơm xay nhưng giờ cậu cố ăn cơm vì “ăn mới có sức mà học và chống chọi với bệnh tật”.
Học hết năm nhất Học viện Hải quân với thành tích giỏi, chàng trai được sang Nga du học vào năm 2011. Nhưng chỉ hơn hai tháng học tập tại Phân viện Hải quân Pie (Học viện Hải quân Nga), Linh phát hiện bị mắc bệnh ung thư vòm họng, phải về nước điều trị tại viện Quân y 108 rồi chuyển sang Viện Phóng xạ và U bướu Quân đội điều trị bằng hóa – xạ trị. Bệnh ung thư giai đoạn 4 khiến Linh bị thu hẹp vòm họng, mất tuyến nước bọt, ăn uống khó khăn.
Linh rời khỏi quân đội đã được hơn một tháng. Sau gần nửa năm ở nhà điều trị và chờ đợi sức khỏe phục hồi, cậu ngày càng xanh xao, giọng nói vẫn khàn đặc và thi thoảng lại sốt kéo dài. Chàng học viên hải quân khỏe mạnh, nặng 63 kg ngày nào sụt cân chóng mặt, giờ chỉ còn hơn 50 kg.
Trong lần tái khám mới nhất vào đầu tháng 9, Linh nhận được kết luận: “Không đủ sức khỏe phục vụ lâu dài trong quân đội”. Điều đó đồng nghĩa với việc cậu không thể trở lại Học viện Hải quân và phải rời quân ngũ.
“Lúc nhận được thông báo, em không sốc nhưng thấy buồn vì không còn được trở thành hoa tiêu dẫn đường tàu mặt nước và tàu ngầm nữa. Em vẫn yêu biển, yêu màu áo hải quân lắm. Nhưng bệnh ung thư vòm họng có thể tái phát bất cứ lúc nào nên đành chấp nhận”, Linh buồn bã nói.
Căn bệnh ung thư vòm họng đã dập tắt ước mơ của chàng trai trẻ. Ảnh: NVCC.
“Em còn trẻ. Em muốn làm một điều gì đó, không muốn ngồi ở nhà mãi”. Chàng trai 21 tuổi quyết định chấp nhận sự giới thiệu của Đoàn 871 Tổng cục Chính Trị (Bộ Quốc phòng) đi học hệ dân sự của Học viện Kỹ thuật quân sự. Chia tay ước mơ du học Nga và xa mái trường Học viện Hải quân, Nguyễn Quang Linh trở thành tân sinh viên lớp Công nghệ thông tin. Linh bảo học trường ngoài khác nhiều so với trong quân đội. Cậu phải tự lo phòng trọ, tự nấu cơm ăn khiến thời gian đầu không quen lắm, nhưng giờ thì cũng ổn.
Phòng trọ bày biện đơn sơ. Chiếu còn chưa kịp mua, Linh trải một chiếc chăn bộ đội được cấp ngày còn ở trong Nha Trang. Chiếc chăn cùng với bộ quần áo Học viên Hải quân cậu vẫn còn giữ làm kỷ niệm. “Trước khi sang Nga du học, em cất cẩn thận ở nhà, giờ cũng có lúc dùng đến. Hy vọng nó sẽ giúp em qua được mùa đông của Hà Nội”, Linh tâm sự.
Điều Linh ám ảnh nhất là nghe tiếng thở dài của cha, nhìn những giọt nước mắt lã chã của mẹ khi cậu không thể tiếp tục theo học hải quân. Chị Lê Thị Hương, mẹ của Linh, khóc cạn nước mắt thương con trai bệnh tật, giờ không được đi học coi như ước mơ tắt hết.
Hiện nay, Linh vẫn sang Viện Y học Phóng xạ và U bướu Quân đội khám và lấy thuốc điều trị. Từ ngày ra quân, bảo hiểm quân đội cũng bị cắt nên mỗi lần lấy thuốc rất tốn tiền. Ở nhà, mẹ đang bị bệnh suy tim độ 4 hành hạ. Bố vẫn miệt mài đi sớm về khuya ở các công trường với đồng lương công nhân cầu đường ít ỏi để nuôi sống cả nhà. Cậu em út bỏ học đi làm lấy tiền phụ giúp bố mẹ nuôi anh trai ăn học. Căn nhà tình nghĩa được xây năm 2006 càng thêm xác xơ từ ngày Linh bị bệnh ung thư. Cả nhà vừa vật lộn mưu sinh, vừa cố gắng kiếm tiền cho em đi học.
Vừa nhập học xong, Linh đi làm gia sư bốn buổi tối mỗi tuần. Nhờ bạn bè giới thiệu, cậu nhận dạy thêm hai môn Toán, Lý vốn là sở trường. Sau hơn một năm không đến giảng đường, nhưng cậu vẫn đủ kiến thức để dạy hai học trò lớp 8. “Làm gia sư cũng có nhiều thú vị. Em vừa có việc để trang trải học hành, cũng vừa để nắm lại dần kiến thức đã bị bỏ quên trong suốt một năm không đi học”, chàng trai tâm sự.
Đối với Nguyễn Quang Linh, còn đi học là còn niềm vui. Ảnh: Hoàng Phương.
Phòng trọ ở cách chỗ dạy khá xa, lại không tiện tuyến xe buýt. Nhiều hôm, Linh xuống xe rồi đi bộ gần 2 km tới nhà học trò. Tan dạy khi đêm đã muộn, cậu lại về nhà người cô ở gần đó để ngủ nhờ, sáng dậy sớm đi học. “Mới đây, nhà gửi ra cho một chiếc xe đạp nhưng trong quá trình vận chuyển nó lại bị hỏng phanh và một số bộ phận khác. Đường Hà Nội đông quá khiến em nhiều phen tránh không kịp, phải dùng chân để phanh”, chàng trai cười tươi kể chuyện.
Linh bảo sẽ dành dụm tiền làm gia sư, mua một chiếc xe đạp cũ để đi dạy, thi thoảng còn đạp xe đi quanh phố phường Hà Nội cho quen dần đường phố. “Em sẽ cố gắng dạy thêm đều để lấy tiền trang trải học hành. 5 năm học công nghệ thông tin sẽ rất dài nhưng còn được đi học là còn niềm vui”, Linh nói.
Đông Đức (SSDH) – Theo VNE