Chàng trai 9x được Microsoft mời sang Mỹ làm việc

0

SSDH – Tốt nghiệp xuất sắc chuyên ngành khoa học máy tính ở Singapore, Phạm Quang Vũ (sinh năm 1991) sẽ sang Mỹ làm việc cho tập đoàn Microsoft vào đầu tháng 10 tới.

 

Tháng 8/2013, Phạm Quang Vũ (Hà Nội) tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Vào tháng 10/2012, khi còn là sinh viên năm cuối, chàng trai nhận được lời mời ứng tuyển cho vị trí kỹ sư lập trình ở tập đoàn Microsoft, làm việc ở Seattle (Mỹ). Mức lương thỏa thuận là 180 triệu đồng mỗi tháng, mỗi năm tăng lương 20% đến 30%, chưa kể thưởng. Vũ  trở thành nhân viên trẻ tuổi nhất được nhận khi Microsoft về NTU tuyển dụng.

 

Tuy nhiên, gặp một số trục trặc về giấy tờ nên Vũ chưa thể qua Mỹ, đành ở lại Singapore làm việc cho công ty máy tính Paypal. Trong thời gian đó, Microsoft vẫn ưu ái dành vị trí cũ cho cậu. Một số nơi như Amazon, Google cũng gửi thư mời nộp hồ sơ nhưng Vũ từ chối vì đã nhận lời Microsoft. Tháng 10 tới, cậu sẽ trở lại Mỹ để bắt đầu công việc.

 Phạm%20Quang%20Vũ.jpg

Vũ (áo xanh) bên cạnh các ” học trò” trong đội tuyển thi tin học của trường Chuyên Sư phạm. Ảnh: Hoàng Phương.

 

Tranh thủ thời gian ít ỏi còn lưu lại ở Việt Nam, Vũ đi dạy bồi dưỡng cho đội tuyển quốc gia môn Tin học của trường chuyên Sư phạm (ĐH Sư phạm Hà Nội). Sáu năm nay, đều đặn mỗi dịp nghỉ hè từ Singapore về quê nhà, Vũ đều được các thầy giáo cũ nhờ đảm nhiệm vai trò hướng dẫn cho học sinh các đề thi và kỹ năng làm bài.

 

Khi Vũ học lớp 11 chuyên toán của trường, các thầy giáo thấy cậu có năng khiến với tin học nên khuyên em đầu tư cho môn này. Vũ có hai năm liên tiếp giành giải nhì quốc gia môn tin học. Chính tin học cũng đưa cậu bước chân ra ngoài thế giới rộng lớn hơn khi sang Singapore học về chuyên ngành Khoa học máy tính.

 

Cậu chọn Singapore vì gần nhà, an toàn và có môi trường học tập rất tốt. Vũ cho rằng, học sinh có thành tích tương đương và hơn em ở Hà Nội thì có rất nhiều. Với những người có năng khiếu về khoa học tự nhiên thì lựa chọn học công nghệ cao, khoa học cơ bản ở Singapore và một số nước Châu Á như Nhật Bản là điều phù hợp. Ở đây có nhiều hỗ trợ tài chính, học bổng để thu hút tài năng từ các nước đang phát triển đến.

 

Đi du học là quyết định tự lập lớn đầu tiên trong cuộc đời Vũ. Từ nhỏ, cậu được bố mẹ bao bọc rất kỹ, lên lớp 12 vẫn được bố đưa đi đón về. Gia đình không muốn con trai đi du học vì sợ xa nhà sẽ không tự chăm sóc được bản thân.

 

Trước khi đi du học, Vũ được các thầy cô giáo ở trung tâm Henxagon dạy cho chương trình A Level trong vòng hai tháng để thành thạo kỹ năng và các phương pháp thi. Vừa chuẩn bị hồ sơ du học, Vũ vừa chuẩn bị ôn thi, đi thi thử đại học vào chuyên ngành kinh tế lẫn y khoa đến tận cuối tháng 5.

 

“Kỳ thi đến gần, thấy Hà Nội nắng nóng, ngột ngạt, người đổ về đông đúc quá nên em quyết định không thi nữa. Hơn nữa em cũng nhận được thông báo trúng tuyển của Nanyang từ hồi tháng 3”, Vũ kể lại.

 Phạm%20Quang%20Vũ2.jpg

Trước khi sang Mỹ, Vũ tranh thủ thời gian huấn luyện cho đội tuyển quốc gia thi Tin học

của trường Chuyên Sư phạm. Ảnh: Hoàng Phương.

 

“18 tuổi, em thực sự phân vân không biết nên đi học đại học trong nước hay ra nước ngoài, cuối cùng vẫn chọn đi du học. Có thể đó chưa chắc là con đường đi tốt nhất nhưng lại là con đường đúng với suy nghĩ và hy vọng nhất cho đến tận bây giờ”, Vũ chia sẻ.

  

Ở trong ký túc xá của trường nên Vũ không phải lo lắng nhiều chuyện ăn ở. Khi đó, chàng trai 18 tuổi một mình trải nghiệm cuộc sống nơi xứ người. Bước sang năm thứ hai, cậu đi làm cho công ty máy tính Paypal, thu nhập ổn định nên không nhận trợ cấp từ gia đình nữa.

 

Năm đầu, Vũ tham gia cuộc thi lập trình viên quốc tế (ACM ICPC) và dừng chân ở vòng khu vực Châu Á khi chưa có kinh nghiệm. Hai năm tiếp theo, cậu giữ vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Năm cuối, Vũ trở thành huấn luyện viên dẫn dắt đội tuyển của NTU đi thi. Ngoài ra, cậu còn giành giải thưởng Koh Boon Hwee dành cho những sinh viên có khả năng lãnh đạo, đóng góp lớn cho cộng đồng, cùng với huy chương vàng Infocom dành cho người điểm cao nhất của chuyên ngành Khoa học máy tính.

 

Suốt khóa học, Vũ luôn nằm trong top 5% sinh viên xuất sắc nhất trường. Cậu tự đánh giá mình không có phương pháp học một cách khoa học, theo kiểu ”lúc thích thì học nhiều, không thích thì 10 phút nữa kiểm tra cũng để đó”, nhưng khi làm việc thì sẽ tập trung phát huy hết khả năng. Vũ còn tự nghĩ ra những lý do để mình có cảm hứng với những môn mình không thích nên kết quả khá khả quan. Ngoài tin học, cậu còn nghiên cứu thêm về tài chính, kinh tế, tâm lý.

 

Chàng trai trẻ cho rằng trong trường còn nhiều bạn học giỏi hơn cậu. Mục tiêu của họ không phải là vị trí hạng nhất mà quan trọng là thu lượm được gì trong suốt 4 năm học. “Chương trình học ở nước ngoài có ưu điểm là thực hành nhiều, ứng dụng môn học vào đời sống cao. Vậy nên, 100 sinh viên ra trường thì hầu hết đều làm được việc vì họ có kỹ năng và kiến thức nền khá tốt”.

 Phạm%20Quang%20Vũ3.jpg

Vũ từng nhận được huy chương Lý Quang Diệu dành cho sinh viên tốt nghiệp thủ khoa

của ĐH Công nghệ Nanyang. Ảnh: NVCC.

 

Vũ dự định trước mắt sẽ đi làm cho Microsoft rồi đi học thêm khi có điều kiện. Thời gian làm việc ở nưóc ngoài là cơ hội tốt để cậu tiếp xúc với nhiều người giỏi hơn, giúp mình tiến bộ. Trở về Việt Nam có thể cậu sẽ có công việc tốt nhưng chỉ dừng lại ở một ngưỡng nào đó. “Làm việc ở Việt Nam hay Mỹ thì quan trọng vẫn là làm được gì, có chứng tỏ được năng lực hay không? Em còn rất trẻ nên chưa muốn đứng yên một chỗ”, Vũ chia sẻ.

 

Nhìn lại quãng đường đã đi, Vũ cho rằng các bạn trẻ nếu có ước mơ vươn tới những “gã khổng lồ” như Microsoft hay các tập đoàn khác thì cứ mạnh dạn nghĩ đến một môi trường học tập ổn định ở nước ngoài. Những sân chơi lớn như Singapore, Nhật Bản là gợi ý không tồi nhưng trước khi đi phải xác định rõ mục tiêu và trả lời được câu hỏi “10 năm sau mình là ai”. Nhiều bạn cho rằng chỉ cần đi du học về là sẽ có vị trí tốt, công việc với mức lương cao nhưng thực tế thì không phải vậy.

 

Chàng trai trẻ tâm niệm rằng dù học tập ở Singapore và sau này sang Mỹ làm việc song “chưa bao giờ em quên mình là người Việt Nam và vẫn luôn cố gắng hết sức mình vì niềm tự hào ấy”. Trở thành kỹ sư lập trình của tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, Vũ nhận mình tính khí vẫn trẻ con, thích nấu ăn, học thổi sáo dở tệ, thích ngồi ăn trưa cùng học trò “để nghe các em ấy than thở về bài học, cách học, ‘nói xấu’ thầy cô giáo, y như mình vài năm về trước”.

 

Nguồn: Vnexpress

Share.

Leave A Reply