SSDH – Xuất phát là dân chuyên Toán, Nguyễn Hoàng Duy Phương thừa nhận từng “mất gốc” tiếng Anh hồi đầu năm cấp 3. Duy Phương cho rằng học tiếng Anh là quá trình cần sự kiên trì.
Chàng sinh viên thạc sĩ 2 văn bằng của ĐH Copenhagen (Đan Mạch) kể đầu năm cấp 3 bị mất căn bản tiếng Anh nghiêm trọng. Mặc dù khá chịu khó nói tiếng Anh nhưng kỹ năng đọc và viết của Phương rất tệ. “Vì học chuyên khối A nên đa phần em chỉ học theo kiểu đối phó và cũng không học thêm”, Phương nhớ lại.
Đến đầu năm lớp 11, chàng trai này học tiếng Anh giao tiếp do một số người Ấn Độ dạy. Vì lần đầu tiên được học với người nước ngoài, cũng như cách học rất tương tác, tập trung vào kỹ năng nghe nói nên Phương không cảm thấy nhàm chán.
“Lúc đó, em nói tiếng Anh theo kiểu tiếng bồi, không tập trung ngữ pháp mà chỉ cố phát âm đúng, học những từ vựng đơn giản. Sau khoảng 3 tháng, em rất thích vì mình phản xạ tiếng Anh với người nước ngoài tốt hơn”, Phương nói.
Sau đó, Phương quyết tâm học nói tiếng Anh bài bản hơn nên tìm đến cô giáo người Việt chuyên dạy IELTS ở Đà Nẵng. Lúc này, Phương được học lại ngữ pháp cơ bản. Những bài đọc của IELTS có nhiều từ khó, khiến Phương luôn cảm thấy nản chí. Kỹ năng viết cũng khiến em gặp nhiều khó khăn vì phải bấm giờ để viết theo đúng “format”.
“Thật ra lúc đấy em đã nộp tiền đăng ký thi vào đầu năm lớp 12 nên trong suốt khoảng thời gian hè em tập trung làm nhiều đề đọc và nghe. Mỗi tuần cũng đặt mục tiêu viết 2 đề thi IELTS để cô sửa”.
Phương luyện kỹ năng nói bằng cách xem các kênh tiếng Anh trên YouTube, rồi bắt chước và tự tập nói một mình. Ban đầu, cậu chỉ đặt mục tiêu 5.5 IELTS là mức tối thiểu để có thể nhập học chương trình cử nhân ở Nhật Bản, nhưng kết quả em đạt 6.0.
Nhận thấy với trình độ 6.0 IELTS khó có thể đạt điểm cao trong các bài luận hoặc thi viết nên trước khi sang Nhật học đại học, em học thêm một khóa viết chuyên sâu dài 2 tháng với cô giáo người Việt.
Quá trình luyện thi IELTS, đọc là kỹ năng khó nhất với Phương, vì rất dễ bị ngợp và chán nản khi phải đọc 3 bài khá dài trong khi có quá nhiều từ mình không hiểu.
Lúc đó, chàng trai cũng tham khảo nhiều mẹo để làm bài tốt như “skim”, “scan” hay đoán nghĩa của từ dựa vào văn cảnh, nhưng tới bây giờ Phương đảm bảo rằng những kỹ năng đó thường chỉ dành cho những người vốn đã có nền tảng từ vựng tốt và thường xuyên đọc tài liệu bằng tiếng Anh.
“Với những bạn ở mức 5.0 – 6.0, em nghĩ những mẹo này không thực sự giúp cải thiện quá nhiều điểm số. Chỉ có thể dựa vào vốn từ vựng cũng như luyện đọc nhiều để không bị chán nản, mất kiên nhẫn mới có thể cải thiện được kĩ năng này”, Phương chia sẻ.
Yếu tố quan trọng nhất để sau khi hoàn thành chương trình cử nhân, IELTS của Phương từ 6.0 lên 8.0, là nhờ môi trường giao tiếp có sự tương tác với mọi người xung quanh. Trường đại học ở Nhật mà Phương theo học là trường quốc tế nên có nhiều cơ hội giao tiếp tiếng Anh trong và ngoài giờ học.
“Năm đầu còn có những môn về viết và đọc học thuật nên em tập trung vào những môn này. Năm 2 may mắn em được làm trợ giảng tiếng Anh và dạy tiếng Anh trong trung tâm ngôn ngữ của trường nên các kỹ năng của em tốt lên rất nhanh”.
Đến năm 4 phải thi IELTS để nộp cho chương trình Thạc sĩ thì việc ôn luyện lúc này không quá khó với Phương. Để đạt được điểm cao vào thời điểm này, em tập trung làm nhiều đề thi thử để nâng cao tính chính xác trong câu trả lời. Các mẹo trong cách đọc, cách làm bài cũng được Phương áp dụng để tiết kiệm thời gian làm bài.
“Khi làm sai và dò đáp án, mình cũng dễ dàng biết được tại sao mình lại làm sai chứ không khó hiểu và chán nản như trước đó 4 năm”, Phương nói.
Hiện tại theo học chương trình thạc sĩ 2 văn bằng ở ĐH Copenhagen, Phương hầu như không còn gặp bất cứ rào cản ngôn ngữ nào.
Chàng trai Đà Nẵng cho rằng học tiếng anh là một quá trình dài và phải được áp dụng vào cuộc sống của mình thì tiếng Anh sẽ không còn là một ngôn ngữ quá khó.
Hai yếu tố mà Phương đề cao là sự kiên trì và môi trường tương tác. “Môi trường tương tác ở đây không nhất thiết là phải tới trung tâm ngoại ngữ đắt tiền, có giáo viên nước ngoài, mà chỉ cần bạn chăm xem các clip tiếng Anh trên YouTube chẳng hạn rồi bắt chước theo, hay tham gia các hoạt động tình nguyện với người nước ngoài ở Việt Nam, tới các quán cà phê tiếng Anh… để mình được áp dụng những kiến thức đã học vào sử dụng thực tế”.
Thái Hải (SSDH) – Theo Vietnamnet