SSDH – “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” – câu ca quen thuộc từ bao đời cha ông, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. “Bánh chưng xanh” đã trở thành một “linh vật” không gì thay thế được trong không khí sum họp gia đình vào những ngày Tết đang đến gần.
Chỉ riêng có ở ngày Tết Việt Nam, bánh chưng không còn đơn thuần là loại bánh tiến Vua năm nào nữa, thay vào đó, thứ bánh được làm từ gạo nếp, từ thịt mỡ, lá dong được cha ông bao đời truyền dạy như một thức đồ linh thiêng, quý báu trên ban thờ tổ tiên những ngày lễ Tết.
Loại bánh hình vuông làm nên đặc trưng ngày Tết trên dải đất hình chữ S được coi là đồ vật không thể thiếu trong mỗi gia đình. Đi xa đến đâu, dù ở phương trời nào, bánh chưng luôn được nhớ về như một vật “bất di bất dịch” trong nét văn hóa đậm đà của người dân Việt Nam.
Jenny Phạm, cô sinh viên đang du học tập tại Thụy Sĩ tâm sự: “Học tập xa nhà, đêm 30 tháng Chạp, Jenny chỉ mong được thấy sắc xanh của tấm lá dong gói vuông vức thành từng hàng dài những chiếc bánh chưng xếp ngay ngắn trên bàn thờ thơm mùi hương khói”.
Lời người xưa truyền dạy rằng: Bánh có hình vuông tượng trưng cho đất đai, gạo nếp cũng lớn lên từ đất, lá dong từ đất mà nên cây… Ý nghĩa nhân văn của thứ bánh này vì thế càng đáng trân trọng.
Bánh chưng là sự quyện hòa giữa sắc xanh của lá dong với màu trắng nhừa nhựa của những hạt gạo nếp được chọn lọc kỹ lưỡng. Thịt lợn để làm nhân bánh cũng phải chọn loại thịt tươi, ngon và phải được tẩm ướp gia vị thật đậm đà.
Bánh chưng không thể thiếu lá dong, không thể thiếu gạo nếp của ruộng đồng. Với những đứa con xa quê, chỉ một khao khát bé nhỏ là được tận mắt nhìn thấy màu xanh tươi mới của thứ lá này, nhưng không phải ai, không phải lúc nào món bánh được làm theo cách cổ truyền của dân tộc cũng đầy đủ nguyên liệu và giữ nguyên được màu sắc, hương vị của nó.
Nói về những khó khăn khi gói bánh chưng vào dịp lễ Tết nơi xứ người, Phương Uyên, du học sinh Việt tại Liên bang Nga cho biết: “Cuối năm năm ngoái thôi, trong một lần gia đình gửi đồ cho mình, cùng rất nhiều đồ dùng, đồ ăn, thức uống, mẹ có gói ghém vài cọc lá dong để mình tiện làm bánh chưng khi ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần. Nhưng đến sân bay, mẹ đành phải ngậm ngùi để lại vì quy định cấm mang loại hành lý này đi theo. Đã 4 năm rồi, Uyên chưa một lần được nhớ lại mùi vị quen thuộc này”.
Cô bạn chia sẻ: “Cùng bạn bè đồng hương tụ tập cùng tận hưởng không khí sum họp, mong sao được nhớ lại một chút hương vị ngày Tết quê nhà, Uyên cùng các bạn đã phải dùng đến nhiều loại lá khác nhau, thậm chí có đôi lúc phải dùng đến cả nilon thay lá dong gói bánh chưng. Những tấm bánh tuy không vuông vức, xanh màu xanh non tươi của sắc màu quê nhà, nhưng cũng phần nào cho Uyên và những đứa con nơi xứ người này một cảm giác ấm áp, thiêng liêng lắm”.
Không riêng gì xứ sở hoa bạch dương, việc tìm được những chiếc lá dong nơi xứ bạn quả thật không phải chuyện dễ dàng gì. Johny Trần, cậu bạn đang du học tại Australia cho hay: “Những ngày như này, mình cũng như các bạn đến từ Việt Nam đều đang khá bận rộn với bài tập vì mới quay lại với giảng đường sau kỳ nghỉ Tết “tây” nhưng mình biết ai ai cũng khấp khởi, bồi hồi ngóng về dải đất nơi chôn rau, cắt rốn. Nhớ lắm một lát bánh chưng nóng hổi đậm đà…”.
Tết âm lịch hay còn gọi là “Tết ta” là một trong những nét văn hóa đáng tự hào của một số rất ít các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với riêng mảnh đất mang trong mình truyền thống hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước này, cái Tết sum họp, cái Tết đoàn viên không khi nào thiếu được hình ảnh của cặp bánh chưng xanh vẫn thơm mùi gạo nếp trắng quyện lại trong từng tấm lá dong non xanh trong mảnh vườn của bà, của mẹ.
Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí