SSDH – Học sinh, sinh viên sẽ bị đánh rớt visa ngay nếu không chứng minh được bản thân có khả năng tự túc tài chính gồm: học phí, ăn ở, sinh hoạt, di chuyển… Do đó người học phải chứng minh và thuyết phục được viên chức bộ phận visa việc gia đình có đủ khả năng tài chính kể cả khi gia đình có người là quan chức nhà nước.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Quốc Hiệp, Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra khẳng định: Hiện nay, dự thảo Đề án Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã lấy ý kiến các bộ ngành và trình lên Thủ tướng Chính phủ. Đề án đã làm rõ nhiều hạn chế trong công tác kiểm soát thu nhập đối với người có chức vụ quyền hạn…
TS Nguyễn Quốc Hiệp cho biết:
Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được Luật Phòng chống tham nhũng, công ước quốc tế xác định là một trong những giải pháp rất quan trọng để ngăn chặn và phòng ngừa tham nhũng. Hiện nay, chúng ta đang tập trung kiểm soát thu nhập và tiến tới phải kiểm soát tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.
Để kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, chúng tôi đã đề ra việc kiểm soát các hoạt động công vụ như minh bạch tài sản, kê khai tài sản, minh bạch trong đấu thầu dự án.
Phải có quy định rõ về minh bạch, công khai các hoạt động bổ nhiệm, bố trí cán bộ. Từ đó từng bước phải kiểm soát thực thi quyền lực nhà nước. Hiện nay, tại các cơ quan nhà nước đã tiến hành công khai nhưng sâu sắc đến đâu thì vẫn chưa được đánh giá.
TS Nguyễn Quốc Hiệp
Đề án đặt trọng tâm vào những giải pháp gì, thưa ông?
Đề án tập trung vào 4 nội dung cơ bản gồm: Thiết lập và xây dựng các quy định của pháp luật về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn như quy định về kê khai, giải trình về tài sản, thu nhập; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước đều phải qua ngân hàng; rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về nhận, tặng quà và nộp lại quà tặng.
Quà tặng hiện nay có rất nhiều hình thức, giá trị khác nhau mà mình phải quy định. Ngoài ra, phải quy định hợp lý hơn về cách thức nộp lại quà tặng. Quy định về tặng và nhận quà hiện đã có nhưng chưa phù hợp.
Thưa ông, việc kiểm soát thu nhập sẽ đạt kết quả đến đâu khi mà đa số giao dịch vẫn dùng tiền mặt?
Trong đề án đã đề cập sâu vấn đề này. Cùng với việc tham mưu xây dựng Đề án kiểm soát thu nhập thì Ngân hàng Nhà nước cũng đang nghiên cứu đề án về kiểm soát và tiêu dùng bằng tiền mặt.
Đây là hai công việc cùng phải được triển khai, tuy nhiên do việc sử dụng tiền mặt kéo dài quá lâu nên chúng ta phải thực hiện có lộ trình và bước đầu tập trung vào người có chức vụ, quyền hạn.
Khi triển khai đề án, với những khoản chi tiêu lớn như mua biệt thự, cho con đi du học nước ngoài, quan chức có phải kê khai tài chính không, thưa ông?
Thực ra, với các hoạt động không liên quan công vụ thì mình chưa thể kiểm soát được ngay vì thu nhập đến từ rất nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên nếu như có dấu hiệu vi phạm thì những khoản chi tiêu như vậy phải được kiểm tra, giám sát. Đề án này cũng đề cập các khoản chi lớn của quan chức làm cơ sở để kiểm tra, xác minh.
Đề án cũng đặt ra yêu cầu thiết lập cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cung cấp, trao đổi thông tin liên quan thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xây dựng hệ thống dữ liệu về thu nhập; hình thành cơ chế kiểm soát các khoản chi đầu tư và chi tiêu có giá trị lớn của người có chức vụ, quyền hạn nhằm làm cơ sở đối chiếu, xác minh.
Dường như có ít quan chức mang quà tặng nộp lại cho nhà nước, thưa ông?
Tôi muốn nhấn mạnh là quy định về nhận quà, tặng quà với quan chức đã có nhưng chúng ta chưa kiểm soát được việc này. Chúng ta cũng chưa tạo ra được văn hoá, suy nghĩ đúng cho việc nộp lại quà tặng trong cơ quan nhà nước, trong ngoại giao hoặc thực thi công vụ.
Tại nhiều nước, tôi biết quy định rất chặt chẽ, nếu quan chức không nộp lại quà tặng thì cũng khó mà sử dụng được. Như tôi đã nói ở trên, quy định về nhận và tặng quà sẽ phải được sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới, đảm bảo tính thực thi.
Trong Nghị định 78 cũng đã quy định về tặng, nhận quà nhưng vấn đề là nếu cán bộ đó không kê khai thì vẫn chưa có biện pháp kiểm soát. Hướng tới chúng ta phải có được dữ liệu cá nhân, bao gồm cả dự liệu về thu nhập của cá nhân người có chức vụ, quyền hạn.
Một đề án chúng ta không thể cầu toàn được mà phải tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tập trung vào đối tượng có vị trí, chức vụ dễ phát sinh tham nhũng như lĩnh vực đầu tư, tổ chức cán bộ, xây dựng, cấp phát vốn, đất đai. Chúng ta cần tập trung vào một số nhóm đối tượng, lĩnh vực để làm có hiệu quả và tránh dàn trải. Đây là những nội dung căn bản của Đề án, từ đó Chính phủ sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành…
Cảm ơn ông.
Theo Thanh tra Chính phủ, nhiều quy định sẽ được ban hành, sửa đổi bổ sung như: quy định về tặng và nhận quà; giao dịch qua tài khoản; thí điểm chi trả qua tài khoản các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho người có chức vụ, quyền hạn; quy chế phối hợp cung cấp thông tin về thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn…
TS Nguyễn Quốc Hiệp |
Đông Đức (SSDH) – Theo Tiền Phong