Chơi với người Việt hay người Anh?

0

Sẵn sàng du học – Người Việt chúng ta khi mới đặt chân sang Anh Quốc thường tìm đến cộng đồng người Việt trước tiên và có xu hướng chỉ giao tiếp trong cộng đồng đó. Nhưng có nhiều người trẻ sang Anh du học lại mang theo mình tư tưởng “chỉ muốn chơi với người bản xứ”, vậy tư tưởng nào mới phù hợp với người Việt?

Người Việt, một cộng đồng gắn bó

Bất kì dân tộc, nhóm người nào ở một đất nước xa lạ cũng đều có xu hướng tụ họp lại với nhau chứ không riêng gì người Việt. Đây là tâm lí hoàn toàn bình thường khi bạn mới đặt chân lên một vùng đất mới, nó không biến bạn trở thành một người lười giao tiếp bằng ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ hay thiếu năng động ở môi trường mới. Chỉ đơn giản là bạn đang tìm về cội nguồn và những giá trị văn hoá thuần Việt của mình mà thôi. Ở một nơi mà bạn lần đầu tới và còn quá nhiều bỡ ngỡ về văn hoá và con người, nếu có một người bạn nói thứ tiếng của mình, biết văn hoá của mình và giúp đỡ mình nhiệt tình thì còn gì tuyệt vời hơn.

du-hoc-sinh-viet-nam

Những người bạn Việt Nam ở thành phố Birmingham – Nguồn nuocanh.info

Tôi có một câu chuyện về người anh khi mới đặt chân sang UK. Cảm giác khi mới xuống máy bay lúc đó miêu tả bằng hai từ “lạc lõng”. Cái mùi khô trong không khí và những đợt gió lạnh khác hẳn ở Việt Nam khiến tôi muốn lập tức lên máy bay quay về. Nhưng anh là người Việt đầu tiên tôi nói chuyện, giúp tôi mua vé tàu từ sân bay về nhà, tìm một căn phòng cho tôi thuê ở khu gần trường, thuận tiện cho việc đi học và giới thiệu tôi với những người bạn mới khác. Đến giờ khi đã học xong, nghĩ lại về quãng thời gian làm quen với cuộc sống mới và đánh vật với nỗi nhớ nhà, tôi vẫn rất cảm kích vì sự giúp đỡ ban đầu của anh bởi đó là mốc khởi đầu an tâm và ấm áp nhất khi đến UK.

Và hãy nghĩ đến những bữa ăn của bạn ở xứ sở sương mù này. Anh không phải là một đất nước được đánh giá cao về ẩm thực. Vậy nên để thoả mãn cái bao tử của bạn bằng những món ăn như nem cuốn, phở gà, bún riêu là cả một vấn đề. Ở cùng nhà với 2 cậu bạn Việt Nam, chúng tôi thường xuyên ăn chung và nấu những món rất Việt để thoả nỗi thèm và nỗi nhớ nhà. Đây là điều mà bạn khó có thể làm nếu sống với một anh bạn người Anh.

Mỗi trường Đại học ở Anh thường có một cồng đồng Vietsoc riêng, viết tắt của Vietnamese Society. Các cộng đồng này đều do sinh viên Việt Nam ở mỗi trường thành lập và phát triển với nhiều hoạt động và các buổi tụ họp để các sinh viên đoàn kết hơn, sống vui hơn ở môi trường nước ngoài. Một trong những Vietsoc lớn mạnh nhất ở Anh là Vietsoc LSE trường London School of Economics. Cộng đồng này nổi tiếng bởi những show VNLSE thường niên được tổ chức công phu, chuyên nghiệp và tham gia thực hiện SVUK show, một trong những show thu hút nhiều sinh viên Việt Nam nhất.

Vui chơi đừng quên mục đích

Ông bà ta có câu “nhập gia tuỳ tục”, bạn không thể hoà nhập nếu bạn chỉ sống thu lu trong một cộng đồng. Các Vietsoc được lập ra cũng để kết nối các sinh viên Việt Nam và hỗ trợ tân sinh viên trong cuộc sống mới. Vì vậy thay vì tự giới hạn bản thân trong một cộng đồng người Việt, hãy tận dụng chính cộng đồng đó để vươn ra những người bạn quốc tế. Khi tôi còn đi luyện thi IELTS, có một câu chuyện mà thầy giáo thường nhắc lại để chấn chỉnh lũ sinh viên chúng tôi. Ông kể trước đây có một bạn từng học ông và sau đó sang Melbourne du học. Một năm sau bạn này thi IELTS và số điểm tụt hẳn so với thời gian trước khi đi, và lí giải là bởi bạn ấy chỉ vui chơi, sinh hoạt trong cộng đồng người Việt mà sao lãng thực tế rằng mình đang ở xứ sở nói tiếng Anh là chính. Vậy nên bài học nằm lòng của bất cứ tân sinh viên Việt Nam nào, đó là hãy bắt chuyện, làm bạn với những người bạn nước ngoài, những người bản xứ.

sinh-vien-anh

Bồi dưỡng kiến thức về cuộc sống với những người bạn không cùng tiếng nói, màu da – Nguồn nuocanh.info

Chắc chắn là không dễ để bạn có thể gạt bỏ sự ngại ngùng ban đầu, giao tiếp bằng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, nhưng mẹo nhỏ dành cho bạn là “hãy cứ nói dù có sai”. Sẽ chẳng có ai cười bạn nếu bạn phát âm không chính xác một từ, hiểu sai một câu hay ấp úng đôi lần. Những người muốn nghe bạn nói, họ sẽ hiểu bạn nói gì. Những người bạn ngoại quốc đó có thể là bạn cùng lớp, đồng nghiệp ở chỗ làm thêm hoặc thầy cô giáo dạy bạn.

Tóm lại, đừng bỏ lỡ những cơ hội để mở rộng cuộc sống của mình ở nước Anh. Hãy cứ yêu những nét Việt, ăn những món Việt, chơi cái Tết Việt với những người bạn Việt, nhưng đừng quên mở lòng với những người bạn nước ngoài. Hãy rủ vài người bạn trong lớp lên thư viện trước kì thi; chịu khó nói chuyện với thầy cô về bài tập nhóm sắp tới; tìm một việc làm thêm vừa để tăng thu nhập, vừa tạo cơ hội cho bản thân giao tiếp nhiều hơn, biết nhiều hơn và tự lập hơn. Đi du học không chỉ đơn thuần là học những kiến thức sách vở ở trường mà còn là những trải nghiệm cuộc sống mà chắc chắn bạn không thể có ở Việt Nam, hãy tận dụng khi còn có thể.

Nguyễn Vương

Trường: Birmingham City University

Thái Hải (SSDH) –  Theo ukinmyeyes

Share.

Leave A Reply