Chuyện du học sinh làm thêm ở Mỹ

0
DH6Thật là thú vị khi đọc được những hồi ức của “dân du học” như mình. Người ta thường nói ai đi du học cũng phải có nhiều tiền, nhà giàu lắm. Còn tôi thì ngược lại.

>> Chuyện đi chợ của SV Việt ở Mỹ

>> Ngày đầu tiên đi học trên đất Mỹ

>> Chuyện SV du học Mỹ làm chui

Nhà tôi không giàu, nhưng nghèo thì cũng không đến nỗi. Bố mẹ làm công chức và đều đã nghỉ hưu khi tôi quyết định thử vận may “xin đi du học”. Thật ra cũng chỉ vì đua đòi muốn được đi để coi mình gan lì đến mức nào thôi, con gái út mà.

Phỏng vấn lần đầu không được, tôi đi phỏng vấn lần thứ hai với tâm trạng, “thôi, đi cũng không biết có tiền mà đóng tiền học không” nên lúc phỏng vấn, tôi thiếu điều cãi tay đôi với người ở Đại sứ quán vì người này cứ hỏi hoài là “làm sao tôi biết được bạn qua Mỹ rồi sẽ không cố lấy chồng để được ở lại”.

Bực quá tôi trả lời “đã nói đi học là đi học, nếu muốn lấy chồng để đi Mỹ thì xin đi du học làm gì cho mệt, anh nhìn mặt tôi khó lấy chồng lắm sao!”. Ai dè sau đó lại đươc visa. Cầm tờ giấy đậu phỏng vấn trong tay, tôi vui vì thành công của mình, nhưng cũng lo lắm vì biết rằng những ngày khó khăn đang đợi mình phía trước.

Tôi bước xuống sân bay San Francisco vào dịp hè tháng 6, mà một đứa từ xứ sở nhiệt đới như tôi cứ tưởng là một cái máy lạnh khồng lồ đang thổi hết công sức. Không đâu, thời tiết bình thường của San Francisco đó.

Trên đường từ sân bay về nhà cậu mợ tôi ở thành phố San Jose. Nhìn con đường 4 lanes mỗi bên, và một emergency lane nữa, tổng cộng là 10 (free way) lanes kẹt kín mít là xe hơi nhích từng tí một vì kẹt xe. Tôi thầm nghĩ cái đất nước này giàu thật. Trên đầu tôi chằng chịt nhiều cầu vượt khác nhau hệt như trong những cuốn phim Mỹ tôi đã từng coi. Tôi lại nghĩ, cơ sở hạ tầng của Mỹ không chê được.

Stress trên đất Mỹ

Hai tuần ở Mỹ tôi bắt đầu thấm thía nỗi nhớ nhà. Tôi khóc, khóc nhiều lắm, hầu như tối nào cũng khóc. Khóc vì nhớ gia đình, bạn bè, hàng xóm, nhớ cảnh đông đúc nghẹt xe máy va khói bụi mà tôi rất ghét khi còn ở nhà, tôi nhớ Việt Nam.

Tôi khóc cũng vì cảm thấy stress, cảm thấy mình không biết gì hết. Mỹ thì rộng mênh mông mà xe thì không có, cũng chưa học lái xe, đường sá cũng chưa biết. Dù cho tiếng Anh của bạn tốt mấy khi ở Việt Nam, bạn cũng sẽ gặp khó khăn khi nói chuyện với người bản xứ. Tôi khá tự tin vào khả năng giao tiếp bằng tiềng Anh khi ở Việt Nam, nhưng khi đi chợ Mỹ hầu như tôi chi hiểu được 30%, và mình trả lời họ không hiểu lắm do thói quen dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh rồi mới nói và cũng vì accent của mình nữa. Nói chung là tôi có cảm giác như mình là một đứa trẻ con trong một cái xác lớn vậy (con nít bên đây còn đỡ hơn mình vì nó có thể đàm thoại được).

Không bạn bè, không gia đình, không đi đâu được, không hiểu hết người khác muốn nói gì với mình. Bước ra khỏi cửa cả ngày lẫn đêm hiếm khi nào thấy một bóng người, hoạ chăng thì thấy được vài chiếc xe hơi vội vàng lướt qua. Điều này nhất là đối với một đứa con gái từ thành phố đông nghẹt người như tôi càng tệ hại hơn. Nếu cảm nhận được tôi đang nói gì, bạn sẽ chạy ngay về nhà để nói với gia đình bạn là bạn cần họ đến mức nào, họ quan trọng với bạn đến mức nào. Bạn cũng sẽ không gây gổ với bạn bè “nối khố” của bạn bao giờ nữa. Bạn sẽ cảm nhận được họ có ý ngiã như thế nào với bạn. Vì tôi đã cảm nhận được từ những ngày đầu đến Mỹ cho tới tận bây giờ.

Tôi đã gửi cho ba mẹ và ông bà tôi một lá thư mà tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể viết được. Tôi viết lá thơ cho nhà để nói là tôi đã thật may mắn và hạnh phúc khi có họ bên cạnh, rằng tôi thương ba mẹ tôi vô cùng. Ho thật sự có ý nghĩa rất nhiều mà tôi chưa hề nhận ra điều đó khi họ bên cạnh tôi. Tôi cũng xin lỗi mẹ tôi vì có vài lần tôi đã cãi lại mẹ. Đây cũng là một điều mà tôi phải cảm ơn nước Mỹ vì đã giúp tôi nhận ra giá tri to lớn của gia đình. Vì đi Mỹ, tôi mới nhận ra được tầm quan trọng của gia đình.

Một tháng trôi qua, tôi quyết định bằng mọi giá phải lái được xe. Tôi được một người quen đưa cho một tờ báo Việt để tìm thầy dạy lái xe. Giá là 300USD bảo đảm đậu mới lấy tiền. Sau một hồi “kỳ kèo, kể khổ” giá mà tôi phải trả là 250USD. Thầy đến tận nhà đón đi ra một bãi đậu xe lớn của một shopping mall để tập. Học lái xe không khó lắm nên tôi đậu ngay lần đầu thi lấy bằng lái xe.

Đậu bằng lái, tôi mượn tiền mua cho mình một chiếc xe Honda cũ với giá 1.500USD. May mắn cho tôi là máy xe rất tốt, không bị hư hỏng nhiều nếu không thì tôi sẽ phải trả cả ngàn USD để sửa xe.

Xin việc… làm chui

Biết lái xe rồi, tôi đi xin việc làm chui sau giờ học. Tôi xin được một chân cashier ở một tiệm giặt đồ tự động (laundry) với mức lương 5 USD một giờ. Đúng như một số bạn đã nói, du học sinh đi làm hay bị bắt chẹt. May mắn thì gặp được chủ đàng hoàng, dù là rất hiếm thấy. Nói là làm cashier nhưng tôi hầu như phải làm mọi thứ trong tiệm: cashier, giặt đồ cho khách, sấy đồ, gấp đồ, cuối giờ thi phải lau hết tất cả các máy móc trong tiệm và lau chùi sàn nhà, đổ rác, thậm chí còn phải trông hai đứa con trai cho chủ. Hôm nào khách chưa về, tôi sẽ phải ở lại đến nửa đêm mà không đươc trả thêm lương.

Qua một người quen tôi xin được làm 2 ngày cuối tuần ở một cây xăng. Mọi người nói làm cây xăng rất nguy hiểm vì có thể bị cướp, nhưng khi bạn biết bạn không có nhiều lựa chọn và bạn phải làm gì để tồn tại được, bạn sẽ chấp nhận bất cứ công việc chân chính nào dù là nguy hiểm. May mắn cho tôi, chủ cây xăng la người Việt-Hoa rất tốt. Tôi may mắn được trả 8$/giờ.

Nhưng cứ làm toán nhẩm thì biết, tiệm giặt đồ tôi được khoảng 550$/tháng + hai ngày cuối tuần ở cây xăng được khoảng 350$/tháng. Phải chi trả tiền học không cũng chưa đủ, nói chi đến tiền xăng, sách vở, tiền bảo hiểm (tôi may mắn không phải trả tiền nhà khi ở chung với cậu mợ). Tôi quyết định làm thêm dịch vụ đưa đón hoc sinh. Sáng sớm thức dậy lúc 6h30 sáng, tôi đưa con của cậu mợ và ba bé khác đến trường. Giữa giờ nghỉ trưa, tôi tranh thủ chạy đi rước. Một tháng tôi cũng kiếm được thêm khoảng 300$. Vậy là tôi làm 3 việc và đi học full time (du hoc sinh không được học ít hơn 12 units).

Vậy là một ngày, tôi thức dậy lúc 6h30 sáng, đi làm về khoảng 11 đến 12h đêm. Tôi ngồi vào bàn học đến 2 giờ sáng hoặc hơn, và cứ như vậy. Bạn sẽ nghĩ tôi bị khùng lao đầu vào như vậy. Tôi không thể dựa dẫm vào ai hết, ba mẹ tôi không đủ điều kiện để chu cấp cho tôi. Tôi bắt buộc phai tìm cách cho chính mình trên đất người. Nước Mỹ dạy cho tôi sự gan lì, tự lập và nhất quyết không bỏ cuộc dù là đứa con gái út không phải làm gì như tôi phải bắt đầu tự lo cho mình và đương đầu với mọi thử thách nơi xứ người.

Chưa hết. Khi cố gắng hết sức mình như vậy, đôi khi tôi không đủ minh mẫn để tập trung khi lái xe. Đôi khi tôi thiếu ngủ vì chạy theo guồng quay đó. Tôi tông xe. Tôi tông 3 lần. Có một lần, do đi làm về trễ sau một ngày mệt mỏi, tôi không còn minh mẫn đủ nên tông vào một cột chỉ đường. Xe tôi bị hư nặng, nhưng may thay vì là nửa đêm, không ai để ý, tôi – khóc và run bần bật vì sợ – cố gắng bình tĩnh lại và tiếp tục lái xe về nhà.

Sau những gì xảy ra, tôi không tự thúc ép mình nữa. Vì tôi nhận thấy, tôi càng thúc ép tôi, mọi chuyện càng rối tung lên vì tôi không đủ sức khoẻ để tập trung, để giữ mình luôn minh mẫn xử lý tình huống. Đây là một điều nữa mà tôi học được khi sống tại Mỹ. Lúc đó tôi mới hiểu vì sao người Mỹ có câu “take it easy”

Hy vọng câu chuyện của tôi khi mới đến Mỹ sẽ giúp được những bạn đã, đang, và sẽ qua Mỹ học. Còn bây giờ, tôi đã tìm được cách để không bị như trước nữa. Đường càng đi càng sáng mà. Chỉ cần tìm cho kỹ, sẽ có đường đi.

Theo VnExpress/Tuổi Trẻ

Share.

Leave A Reply