Sẵn sàng du học – Có một thực tế là xã hội hiện nay dường như vẫn dễ dàng tiếp nhận những câu chuyện về “con nhà nghèo học giỏi” hơn là “con nhà giàu học giỏi” nên những “cậu ấm, cô chiêu” sẽ phải cố gắng nhiều hơn để vượt qua tiếng, thành công là do “cậy nhờ cha mẹ”.
Kế thừa truyền thống gia đình
Sinh ra trong một gia đình có điều kiện tốt, bố là Giám đốc một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản lớn, có uy tín tại Hà Nội, mẹ là Giám đốc một quỹ đầu tư phát triển, chị gái là Giám đốc một doanh nghiệp đầu tư, dịch vụ quốc tế có dự án tại Việt Nam, Nhật Bản và Mỹ, Đặng Hữu Vương, sinh năm 2000, cựu học sinh THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội), hiện đang là học sinh Trường Trung học Quốc tế Kanto International Tokyo (Nhật Bản) chính xác là một “cậu ấm” được bao bọc trong nhung lụa.
Thế nhưng, Vương không vì thế mà ỷ lại, ngược lại ngay từ khi còn nhỏ em đã thể hiện được sự độc lập, chín chắn trong suy nghĩ và luôn muốn khẳng định mình trong học tập.
Những năm học THCS, Đặng Hữu Vương học nổi trội ở môn Toán và Tiếng Anh, em từng đoạt giải thưởng Cambridge quốc tế, giải thưởng ngôi sao Concorde của Trường Concorde International Old Royal Naval College London (Vương quốc Anh). Ngoài ra, em còn nổi trội về thành tích thể thao và âm nhạc.
Điều kiện tốt, cộng thêm kết quả học tập tốt, du học là con đường tất yếu mà Đặng Hữu Vương lựa chọn với mục tiêu hết sức rõ ràng, đó là để trở thành một nhà lãnh đạo, quản trị giỏi để kế thừa và phát triển những thành tựu của gia đình trong tương lai. Chuẩn bị cho hành trang này, tốt nghiệp THCS, gia đình đã gửi em theo học tại Trường Trung học Quốc tế Kanto International Tokyo (Nhật Bản).
Mới đây, em đã gửi thư để ghi danh vào học Luật Kinh tế tại Trường Đại học Keio (Nhật Bản). Lí do được em đưa ra là thực tế trong quá trình kinh doanh của gia đình cho thấy có quá nhiều lỗ hổng pháp lý trong các hợp đồng kinh tế dẫn tới việc giải quyết tranh chấp và xử lý hợp đồng rất khó khăn.
Vương mơ ước trở thành một nhà lãnh đạo tài ba, một luật sư giỏi, một doanh nhân thành đạt bằng việc viết đúng những bản hợp đồng kinh tế cho gia đình, cụ thể hóa, chi tiết hóa những bản hợp đồng ấy để quá trình thực hiện và giám sát hợp đồng sẽ diễn ra thuận lợi.
Lớn lao hơn, Vương nhận thức được đất nước Việt Nam đang không ngừng phát triển. Để có thể duy trì, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại, việc thu hút nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư Nhật Bản là việc hết sức quan trọng.
“Em nghĩ, nếu chúng ta không thể tạo được môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch, thủ tục pháp lý gọn gàng đơn giản thì sẽ không thể thu hút đầu tư. Chính vì vậy, em quyết tâm theo đuổi trở thành luật sư quốc tế, để trong tương lai gần có thể tư vấn, hỗ trợ các thủ tục pháp lý giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam. Xa hơn em sẽ nỗ lực để được tham gia các hiệp hội luật sư, doanh nhân, được đóng góp ý kiến nhỏ bé của mình để tham gia hoàn thiện hành lang pháp lý của Việt Nam, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, góp phần đưa kinh tế phát triển” – Vương chia sẻ
Con đường của Đặng Hữu Vương đang ở bước khởi đầu, dù con đường đó có được trải hoa hồng đi nữa thì cũng không thể thiếu sự nỗ lực của chính bản thân em.Vương không nhận mình là “con nhà giàu học giỏi” mà chỉ là một “cậu ấm” muốn tận dụng tốt nhất lợi thế của mình để tự khẳng định bản thân.
Dấu ấn nỗ lực cá nhân
Chia sẻ về việc xã hội dường như vẫn dành sự ưu ái cho “con nhà nghèo” và nghi ngờ sự nỗ lực của “con nhà giàu”, anh Nguyễn Quốc Vương, giảng viên khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nghiên cứu sinh tại Nhật Bản về Lịch sử giáo dục và giáo dục lịch sử Nhật Bản sau 1945 cho rằng, tâm lý thông thường, hoàn cảnh nghèo khó mà học giỏi thì dễ gây ra sự cảm phục, kính trọng từ phía cộng đồng hơn là những trường hợp có điều kiện tốt. Chính vì vậy việc vinh danh con nhà nghèo học giỏi sẽ “hợp lý” hơn trong cả logic truyền thống và hợp với tâm lý chung của mọi người.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Quốc Vương, nếu có cống hiến có ý nghĩa cho cộng đồng, xã hội thì bất kể là nhà giàu hay nhà nghèo đều xứng đáng được vinh danh. “Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, xã hội cần tránh chỉ chú tâm vào việc vinh danh “học giỏi”. Chúng ta đang cần ngày một nhiều hơn những người biết sáng tạo trong học thuật, lao động… nghĩa là những người giỏi trong làm việc, phát minh, sáng chế chứ không chỉ thuần túy là học giỏi để có điểm cao, thủ khoa, giành học bổng…
Tất cả những cái đó chỉ là bề nổi và là bước đầu. Quan trọng hơn là chặng đường đời sau này. Cần chú ý vinh danh điều đó. Khi nhìn nhận sự vinh danh ở phạm vi rộng như vậy thì không cứ con nhà nghèo mà con nhà giàu cũng rất đáng khen. Điều kiện gia đình là một phần nhưng không thể phủ nhận nỗ lực cá nhân của các em, vì vậy chuyện vinh danh phải là đương nhiên”.
"Nhìn nhận xa hơn về việc thay đổi cách nhìn của xã hội với những bạn trẻ có xuất phát điểm tốt, điều đó sẽ giúp chúng ta dần thoát ra khỏi một định kiến nặng nề giữa giàu và nghèo. Các cá nhân có thể sinh ra trong những hoàn cảnh không công bằng nhưng khát vọng hướng tới lý tưởng của các cá nhân là ngang nhau. Ở bình diện xã hội cần phải đánh giá công bằng điều đó" – Anh Nguyễn Quốc Vương bày tỏ quan điểm.
Thái Hải (SSDH) – Theo GDTĐ