Sẵn sàng du học – Khi gặp một anh người Nhật, em muốn hỏi ‘anh đã có con chưa’ nhưng nói nhầm từ kondomu (bao cao su). Nghe xong, mặt anh ấy đỏ bừng, nhìn em ngạc nhiên.
Nguyễn Huyền Trang, 21 tuổi, hiện du học tại Tokyo, Nhật Bản. Cô là niềm tự hào của ba mẹ khi đậu vào khoa Dược, Cao đẳng Asean. Thế nhưng, đang là sinh viên năm hai, Trang quyết định bỏ ngang, mặc bố mẹ ra sức phản đối để chọn con đường du học tự túc.
Cô gái quê Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, hiện cô đang học trường dạy tiếng Nhật tại Tokyo được hơn một năm. Năm tới, cô sẽ được chuyển lên hệ đại học hoặc học trường nghề. Ngành cô dự định chọn là hướng dẫn viên du lịch hoặc thông dịch viên.
Dưới đây là chia sẻ của Huyền Trang về cuộc sống tại Nhật và quyết định từ bỏ cuộc sống sung túc ở đất Hà thành để chọn con đường xuất ngoại theo đam mê.
Chào Trang, tại sao đang học một trường nhiều người mơ ước bạn lại bỏ ngang, lựa chọn những vất vả, khó khăn?
Em đi học ngành dược là ý nguyện của bố mẹ. Em thích được đi đây đó, khám phá nhiều nơi, vì thế, em muốn chọn học ngành hướng dẫn viên du lịch hoặc ngôn ngữ học, nhưng bố mẹ không đồng ý.
Suốt gần hai năm học ngành bố mẹ chọn, em thấy chán và không thể tập trung học được. Em nghĩ, nếu mình không thích mà cứ ‘cố đấm ăn xôi’ sẽ không hiệu quả, có khi lại phản tác dụng.
Một phần em thấy, từ nhỏ đến lớn, cái gì mẹ cũng lo cho em, từ ăn uống, quần áo, đi lại. Em muốn tự lo cho cuộc sống của mình để trưởng thành hơn. Vì thế, em quyết định một lần làm trái ý bố mẹ.
Ban đầu, bố mẹ kịch liệt phản đối. Mẹ nói: 'Con chọn con đường của con, sau này khổ đừng than’. Em nói với mẹ: ‘Nhất định con sẽ làm bố mẹ tự hào về đứa con gái út này’.
Đấu tranh với bố mẹ để đi du học tự túc, Trang phải xoay sở cuộc sống ra sao?
Đi du học theo diện tự học tự làm rất vất vả. Em may mắn khi vừa qua Nhật đã gặp được nhiều người giúp đỡ. Em được ở cùng một bạn người Việt. Hai đứa học cùng trường luôn. Bạn ấy hướng dẫn em đường đi, cách đi tàu điện ngầm, xe buýt, rồi đi làm thẻ tàu cho em nữa.
Ổn định chỗ ở, em lên mạng tìm việc làm ngay. Sau mấy ngày lang thang tìm kiếm, em được nhận vào làm cho một cửa hàng thức ăn nhanh. Một tuần em làm 28 tiếng tại đó. Thời gian còn lại thì đi học.
Ban đầu, em chưa giao tiếp được tiếng Nhật vì thế em được phân làm trong bộ phận bếp. Dù được làm với rất nhiều người Việt nhưng em luôn bị bắt nạt. Có hôm ức quá, em chỉ biết ngồi khóc tu tu vì tủi thân.
Giờ, em được ra đứng bán vì giao tiếp tiếng tốt. Được làm việc với nhiều bạn người Nhật, em có cơ hội học tiếng và học cách làm việc của họ.
Bố mẹ muốn giúp em tiền học, nhưng em từ chối. Em nói, con làm việc lương cao lắm, bố mẹ hãy yên tâm về con nhưng lúc nào gọi điện qua mẹ cũng lo cho em hết.
Vậy có trở ngại nào làm khó Trang khi mới đặt chân đến nước Nhật không?
Mới sang, em không biết giao tiếp tiếng như thế nào. 6 tháng học tiếng Nhật ở nhà, sang bên này thành công cốc. Nghe người bản địa nói, em không hiểu gì cả. Đi đâu, em cũng phải đi với bạn cùng phòng.
Sau đó, em tự cải thiện bằng cách lên mạng học từ, rồi giao tiếp với người bản địa. May mắn, khu em ở có viện dưỡng lão. Các ông bà ở đó rất thích nói chuyện.
Cứ đi học về, em qua trò chuyện với các ông, các bà. Khi đi làm và đi học, em tiếp cận với các bạn người Nhật để nói chuyện. Ban đầu là chào hỏi. Sau đó, em tập nói những câu đơn giản, rồi câu dài. Bây giờ, em nói tiếng Nhật thạo lắm rồi.
Có kỷ niệm nào 'khó đỡ' khi Trang mới giao tiếp với người Nhật không?
Từ kondomu và kodomo trong tiếng Nhật đọc gần giống nhau. Khi gặp một anh người Nhật, em muốn hỏi ‘anh đã có con chưa’ nhưng nói nhầm từ kondomu (bao cao su). Nghe xong, mặt anh ấy đỏ bừng, nhìn em chằm chằm. Còn em thì cứ ngơ ngác vì không biết làm sao.
May lúc đó, em nhớ ra mình nói nhầm nên xin lỗi. Còn anh ấy hiểu ra hai từ đó đọc gần giống nhau nên nói: ‘Anh chưa có con, chưa kết hôn’. Đến giờ, nhớ lại kỷ niệm đó em vẫn ngại vô cùng.
Nhiều du học sinh, khi xa Việt Nam thường rất nhớ đồ ăn Việt. Trang thì sao?
Đồ ăn của Nhật rất phong phú nhưng có vị lợ, rất khó ăn. Lúc mới sang, em ăn không ngon miệng. Từ cô gái cao 1m56, nặng 86kg, nhưng qua đây hơn một năm, em giảm được hơn 20kg rồi.
Em thích ăn tương ớt. Bên này, tương ớt rất ít và giá cao. Lúc về thăm nhà, em phải mang tương ớt qua ăn dần.
Trang thấy cuộc sống ở Nhật khác với Việt Nam như thế nào?
Bên này cũng có bốn mùa như Hà Nội. Mùa đông có tuyết, nhiệt độ thấp nhưng không buốt như mùa đông Hà Nội.
Buổi sáng ở bên này ai cũng đi làm, đi học, vì thế khắp các tuyến xe buýt, ga tàu điện ngầm đều đông.
9 giờ mới vào học nhưng em đi học lúc 5 giờ sáng. Đến trường, em phải tranh thủ ngủ bù.
Đến bây giờ, bố mẹ Trang đã đồng ý với quyết định của cô con út chưa?
Quyết định qua đây du học, dù phải vất vả, tự trang trải cuộc sống, nhưng em luôn thấy đúng, không tiếc nuối gì cả. Qua đây hơn một năm, tự lo mọi thứ cho mình, em thấy trưởng thành hơn rất nhiều.
Mới qua, cuộc sống khó khăn một chút nhưng em biết vun vén chi tiêu nên cũng đủ. Bây giờ, em đã tự lo cho cuộc sống của mình. Bố mẹ muốn hỗ trợ em tiền học nhưng em không đồng ý.
Cuối tháng 3 vừa rồi em được nghỉ học hai tuần nên về thăm nhà. Đón em về, bố mẹ rất vui. Bố mẹ nói rất tự hào về em. Còn em thì thấy, quyết định đi du học là đúng đắn, dù mới đầu cuộc sống có khó khăn, nhưng em luôn thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình.