Sẵn sàng du học – Muốn làm kiến trúc sư phải bắt đầu từ đâu, ngành nghề này rốt cục bao gồm những khía cạnh nào? Hãy cùng SSDH tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Trở thành kiến trúc sư là ước mơ của nhiều bạn trẻ. Đây cũng là một trong những ngành thu hút nhiều lao động đặc biệt là ở các nước đang phát triển và phát triển. Vậy muốn làm kiến trúc sư phải bắt đầu từ đâu, ngành nghề này rốt cục bao gồm những khía cạnh nào? Hãy cùng SSDH tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Thế tóm lại làm Kiến trúc sư là làm gì?
Theo cách hiểu rộng nhất, Kiến trúc sư là công việc đòi hỏi sự tổng hòa của hai yếu tố chính bao gồm kĩ năng thiết kế và kiến thức về xây dựng.
Bạn có thể sẽ nhận được đơn đặt hàng thiết một toàn nhà hoàn toàn mới hoặc mở rộng quy mô của một công trình xây dựng đã có từ nhiều năm. Nhiều kiến trúc sư còn đóng vai trò cố vấn trong việc bảo tồn và duy trì những công trình kiến trúc lâu đời.
Với vai trò là một kiến trúc sư, bạn sẽ phải bắt tay vào những công việc thủ công như thiết kế trên giấy, với chính đôi bàn tay cùng chiếc bút chì của mình, đồng thời thành thạo các chương trình thiết kế chuyên dụng trên máy tính.
Bên cạnh đó, một trong những yếu tố làm nên sự thành công của người kiến trúc sư chính là việc dung hòa được cả hai yếu tố sáng tạo và thực tế (tính khả thi) trong từng thiết kế của mình. Thậm chí, bạn còn cần có những hiểu biết nhất định về luật quy hoạch cũng như chính sách của Chính phủ về vấn đề này.
Và đừng quên, bạn không phải lúc nào cũng làm việc độc lập. Những công trình với quy mô lớn sẽ đòi hỏi bạn tương tác, phối hợp với một đội ngũ những kiến trúc sư khác – những người cũng tài năng và thông thái chẳng kém gì bạn.
Những tiêu chí để trở thành một kiến trúc sư?
Mỗi quốc gia có tiêu chuẩn khác nhau đối với người làm trong lĩnh vực chuyên môn này. Lấy UK làm ví dụ thì một cá nhân sau khi hoàn thành chương trình đào tạo 7 năm tại trường đại học và khóa thực tập sẽ chính thức được công nhận là một kiến trúc sư, bởi Hội đồng Đăng kí Kiến trúc sư nước này (Architect’s Registration Board – ARB).
Quá trình này bao gồm 03 giai đoạn chính:
– Giai đoạn 1: Chương trình Cử nhân (04 năm);
– Giai đoạn 2: Chương trình chuyên sâu về kiến trúc (02 năm) + thực tập (01 năm);
– Giai đoạn 3: Vượt qua kì kiểm tra và đánh giá.
Học kiến trúc ở đâu?
Theo bảng xếp hạng gần đây nhất của QS Top University, top 03 khóa học ngành Kiến trúc chất lượng nhất lần lượt thuộc về các trường:
– Massachusetts Institute of Technology (MIT);
– UCL (University College London, Bartlett School of Architecture);
– Delft University of Technology (Netherlands).
Tuy nhiên đừng ngần ngại tìm hiểu thêm về những trường đào tạo chuyên ngành Kiến trúc khác bởi đây là một trong những lĩnh vực vô cùng phổ biến với nhu cầu việc làm cao. Chính vì thế, hãy nghiên cứu kĩ lưỡng và tìm cho mình ngôi trường phù hợp nhất.
Cơ hội việc làm đối với nghề kiến trúc sư?
Trong suốt khoảng thời gian một năm kinh nghiệm làm việc bắt buộc, bạn sẽ học hỏi được rất nhiều điều cả về kiến thức lẫn việc xây dựng các mối quan hệ. Hãy tạo dựng cho mình một mạng lưới quan hệ xã hội ngay từ khi còn là thực tập sinh của một công ty nào đó.
Bạn cũng cần nhớ rằng, rất nhiều công ty thiết kế trên thực tế là những hãng khá nhỏ. Nếu bạn cảm thấy một môi trường làm việc với số lượng đồng nghiệp vừa phải và gắn bó khăng khít sẽ là điểm đến thích hợp với mình thì hãy tìm đến những cơ hội ở các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ.
Ngoài ra, để nói về những công ty lớn, với tầm cỡ quốc tế trong ngành kiến trúc thì có thể kể đến năm “ông lớn”: Gensler (US), Nikken Sekkei (Japan), AECOM (US), Perkins & Will (US) và HDR cũng của Mỹ.
Nhà tuyển dụng cần gì ở bạn?
Bạn sẽ cần cho họ thấy khả năng sáng tạo cao của mình và đương nhiên kĩ năng vẽ và thiết kế sẽ là điểm nhấn làm nên hình ảnh của bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
Song bạn cũng không thể cả ngày chỉ ngồi lì bên chiếc bàn làm việc và đắm chìm trong các bản vẽ của mình. Một kiến trúc sư đòi hỏi phải có kĩ năng giao tiếp và làm việc nhóm tốt để có thể phối hợp với những thành viên khác trong công ty. Bởi rõ ràng, không một công trình nào được xây nên chỉ bởi một bàn tay.
Người dịch: Ánh Dương (SSDH)