Sẵn sàng du học – Trong nhiều năm trở lại đây, du học đang trở thành một hướng đi được nhiều bạn trẻ Việt Nam lựa chọn. Trong quan niệm của nhiều người, được đi du học, được ra nước ngoài chắc chắn sẽ có cuộc sống sung túc với thu nhập lên đến hàng nghìn đô. Nhưng thực tế có đúng như vậy hay không?
Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có khoảng hơn 120.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại các nước Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ, Anh và Trung Quốc… Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng để con em mình được học tập trong những môi trường tiên tiến bậc nhất thế giới. Nhưng đằng sau cuộc sống màu hồng được tô vẽ nên ấy, ít ai biết các bạn du học sinh đang phải đối mặt với những khó khăn như thế nào?
Thiếu thốn tình cảm
Đối với những du học sinh, một trong những thử thách lớn nhất là sự thiếu thốn tình cảm từ gia đình, bạn bè, người thân. Ở Việt Nam, hầu hết các bạn học sinh đều nhận được sự bao bọc, che chở, hậu thuẫn từ phía gia đình, chính điều này đã khiến cho các bạn luôn cảm thấy cô đơn, tủi thân khi một mình sống tự lập ở nơi đất khách quê người.
Trần Quỳnh Anh (du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc) chia sẻ: "Khó khăn lớn nhất của mình là nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè, người yêu. Tối nào mình cũng nghĩ tới bố mẹ đã phải vất vả để nuôi mình đi du học. Có những lúc ốm đau nhưng mẹ gọi điện lại bật dậy nói cười cho mẹ yên tâm rằng mình vẫn ổn và tự lo cho bản thân rất tốt. Ngoài ra, yêu xa cũng là thử thách lớn, có những ngày lễ vì sợ mình cô đơn, người yêu mình ở nhà gọi điện 23/24 tiếng, đi ngủ cũng không tắt máy".
Nguyễn Minh Tâm (du học sinh tại Đức) tâm sự: "Xa nhà là nỗi sợ lớn nhất. Mình nhớ như in ngày bà nội mất trùng vào mùa thi ở trường đại học nên mình không thể nghỉ để về Việt Nam. Ngồi trong giảng đường mình nấc nghẹn từng tiếng vì từ nhỏ mình đã sống với bà vậy mà ngày bà mất mình lại…hôm ấy ở quê, mẹ mình nhờ người khóc thuê, nhưng mình biết cả nhà lúc đó đều mong mình về".
Có thể nói, sự thiếu thốn tình cảm chính là rào cản lớn nhất, cũng là rào cản đầu tiên của bất cứ du học sinh nào. Vì lẽ đó, nhiều bạn đã không đủ bản lĩnh vượt qua phải bỏ dở việc học giữa chừng.
Sốc văn hóa
Sự khác biệt về văn hóa cũng là điều đáng lo của mỗi du học sinh. Từ học tập, đến giờ giấc sinh hoạt, giao thông, văn hóa ứng xử cho đến ẩm thực đều hoàn toàn khác biệt.
Được học tập ở những nền giáo dục tiên tiến như Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, nhiều du học sinh đã vô cùng ngỡ ngàng trước cách học và kiểm tra kiến thức ở những quốc gia này. Nếu như ở Việt Nam, giáo dục luôn là vấn đề nóng và nhiều bất cập thì ngược lại các quốc gia tiên tiến đã hoàn thiện chương trình giáo dục với những mô hình học tập hiện đại bậc nhất. Nhiều bạn trẻ Việt Nam vốn đã quen với lối học "đọc chép", học "thuộc lòng", không có kỹ năng phản biện, nên đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình làm quen với môi trường học tập mới.
Trần Ngọc Anh (du học sinh tại Nhật Bản) cho biết: "Học tiếng Nhật trên sách vở với mình đã là khó khăn lớn, nhưng khi áp dụng vào giao tiếp lại càng khó khăn hơn, nhiều từ mình phải hỏi những bạn cùng lớp hoặc những người du học lâu năm mới hiểu được. Ngoài ra việc học thật, thi thật cũng là áp lực lớn, phải thật chăm chỉ thì mới mong ra trường với kết quả tốt".
Bên cạnh đó, cả việc ăn uống hàng ngày cũng là những khác biệt lớn mà mọi du học sinh phải đối mặt, nhất là những bạn học tập tại các quốc gia có nền ẩm thực đặc trưng khác biệt hoàn toàn với Việt Nam.
Vũ Thu Hằng (du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản) cho biết: "Những tháng đầu mới sang Nhật, mình không thể ăn được gia vị ở đây, 2 thùng mì tôm là những vị cứu tinh của mình, nhưng do ăn uống không khoa học nên mình bị tụt mất 5kg. Sau đó, mình phải tập ăn từ những món dễ ăn nhất rồi dần dần ăn những món địa phương. Bây giờ mình đã khá quen nhưng nhiều lúc vẫn cảm thấy không ngon miệng. Mỗi khi nghe tin có người chuẩn bị sang Nhật, mình đều tranh thủ nhờ mang gia vị Việt Nam sang".
Văn hóa ứng xử là một phần không thể thiếu trong cơn sốc văn hóa của những du học sinh người Việt. Ở các quốc gia văn minh như Anh, Đức, Nhật Bản, văn hóa ứng xử đã trở thành thứ mà bất kể du học sinh Việt Nam nào cũng cảm thấy bất ngờ.
Trần Ngọc Anh (du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản) chia sẻ: "Ở Nhật giao thông cực kì chuẩn, nếu cố tình vượt đèn đỏ hay đỗ xe không đúng quy định sẽ bị phạt nguội lên đến hàng triệu đồng Việt Nam. Hay pháp luật của Nhật quy định trên 20 tuổi mới là người lớn, mới được uống bia, được đăng kí sim điện thoại, được đi chơi quá 10h tối,…".
Mai Linh (du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ) tâm sự: "Ở Mỹ do là hợp chủng quốc với rất nhiều dân tộc, nhiều chủng người, nhiều nền văn hóa khác nhau, nên việc làm quen là cực kì khó. Mỗi khi đi sang một tiểu bang khác lại là một cách ứng xử khác. Nhiều khi mình đi học, đi siêu thị còn bắt gặp những ánh mắt kì thị hay sự phân biệt đối xử nhưng cũng chẳng biết làm thế nào".
Sốc văn hóa dường như trở thành nỗi ám ảnh của nhiều bạn du học sinh, những theo một chiều hướng tích cực, nếu có đủ bản lĩnh và kiên trì, qua nhiều tháng ngày sinh hoạt bạn cũng sẽ dần dần làm quen và bắt nhịp với lối sống ở quốc gia đó.
Gánh nặng kinh tế
Để có tiền trang trải cho việc đi du học, nhiều gia đình đã phải chấp nhận vay ngân hàng, hay thậm chí làm thêm 3-4 việc để có tiền gửi cho con. Ở đất nước đang phát triển như Việt Nam, muốn cho con du học ở những nền kinh tế top đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản là cả thử thách lớn. Sau quá trình chứng minh khả năng tài chính vô cùng gắt gao, việc lo đủ học phí và sinh hoạt phí là gánh nặng rất lớn của mỗi gia đình có con em đang du học, nhất là những bạn du học tự túc, không có học bổng.
"Nhà không có điều kiện, sang đã ôm 1 khoản vay rất lớn nên là phải đi làm thêm để đủ tiền ăn học, trang trải hằng ngày còn dành dụm được bao nhiêu thì gửi về cho bố mẹ ở nhà" – Ngọc Anh (du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản) chia sẻ.
Thu Hiền (du học sinh Việt Nam tại Đức) cũng cho biết: "Áp lực về kinh tế là khó tránh khỏi. Nhưng ở Đức được miễn học phí nên cũng bớt đi phần nào. Nhưng đi kèm với đó thì sinh hoạt phí ở Đức khá đắt đỏ nên nhiều du học sinh đều phải đi làm thêm để có tiền trang trải. Trong kì nghỉ hè, bọn mình làm fulltime để tự lo cho cuộc sống , bớt gánh nặng cho gia đình. Trước khi sang đây bố mẹ mình cũng đã phải chuẩn bị 8640 Euro (hơn 200 triệu VNĐ) trong tài khoản cho quá trình chứng minh tài chính".
Nguy cơ khủng bố
Đối với các bạn du học sinh, nhất là du học sinh tại các nước Âu-Mỹ, nỗi lo sợ khủng bố không còn xa lạ. Đặc biệt những năm gần đây, một loạt các vụ khủng bố liên tiếp nổ ra như vụ đánh bom ngày 22/5/2017 tại buổi hòa nhạc của ngôi sao ca nhạc người Mỹ Ariana Grande ở thành phố Manchester đã khiến 22 người thiệt mạng hay vụ khủng bố ở Trèbes, miền Nam nước Pháp ngày 23/03/2018 làm 4 người thiệt mạng,… Đồng thời tình hình chính trị thế giới đang ngày càng phức tạp khiến cho khủng bố có xu hướng lan rộng sang cả những nước châu Á. Vì vậy, dù học tập ở môi trường nào, nỗi sợ khủng bố vẫn luôn thường trực đối với các du học sinh.
Minh Đức (du học sinh Việt Nam tại Đức) cho biết: "Dù ở Đức an ninh được thắt chặt, độ an toàn có thể xem là khá nhất trong những nước Tây Âu, nhưng khủng bố vẫn là nỗi ám ảnh của du học sinh tụi mình. Khi ở Pháp, Nga hay Anh có các vụ xả súng, đánh bom mình không dám đi tàu điện hay bus vì sợ".
Nỗi sợ người nhập cư
Theo thống kê năm 2017 có khoảng gần 400.000 di cư từ các nước châu Phi, Trung Đông, Tây Á vào các nước châu Âu gây nên làn sóng "khủng hoảng người nhập cư" trên diện rộng, làm xáo trộn cả về an ninh, chính trị, xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến các du học sinh đang học tập ở các nước này.
Thu Hiền (du học sinh Việt Nam tại Đức) cho biết: "Những người nhập cư dù có người tốt, người xấu nhưng ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến đời sống ở đây. Có những vụ học sinh đang đi lại bình thường thì bị đủn xuống đường xe ra tàu, hay tình trạng móc túi, bán cần sa của một bộ phận người Thổ cũng gây ra những hỗn loạn".
Khó khăn là vậy, nhưng việc gì cũng có 2 mặt của nó. Du học vừa là thời cơ vừa là thách thức lớn đối với những bạn trẻ đang tìm kiếm những hướng đi mới cho cuộc đời mình. Sướng hay khổ ? Đó là câu hỏi mà mà chỉ chính những du học sinh mới có thể trả lời được. Nhưng có một điều chắc chắn rằng khi được sang những quốc gia tiên tiến, nếu chuẩn bị tâm lý thật vững vàng, có nghị lực, suy nghĩ tích cực và tinh thần ham học hỏi, nhìn về tương lai phía trước để cố gắng thì những tấm bằng danh giá cùng cơ hội làm việc với mức lương cao sẽ đến với những du học sinh Việt Nam.
Thái Hải (SSDH) – Theo Kenh 14