Sẵn sàng du học – Mới đây, lãnh đạo một trường đại học uy tín hàng đầu Nhật Bản đã phải cúi đầu xin lỗi công chúng và các thí sinh dự thi vào trường vì cáo buộc cố tình sửa điểm thi tuyển sinh của hàng loạt sinh viên, nhằm giảm tỷ lệ nữ sinh theo học tại trường.
Phân biệt giới tính
Theo tờ Japan Times, trường đại học được nhắc tới là Đại học Y Tokyo, một trong những trường đào tạo y khoa uy tín nhất Nhật Bản. Vụ việc sửa điểm thi tại trường này đã xuất hiện từ khoảng năm 2010. Lãnh đạo trường bắt đầu thao túng kết quả thi tuyển sinh nhằm giảm lượng thí sinh nữ trúng tuyển. Cụ thể năm 2010 nữ sinh đỗ vào trường Đại học Y Tokyo chỉ chiếm 30%, trong khi trước đó tỷ lệ nữ sinh được tuyển chiếm khoảng 40% tổng số thí sinh.
Vụ thao túng điểm của các thí sinh nói trên do cựu Chủ tịch Đại học Y Tokyo Masahiko Usui (77 tuổi) và cựu hiệu trưởng Mamoru Suzuki (69 tuổi) ra lệnh, theo Kyodo News.
Thông tin từ Japan Times cho hay, nhà trường giảm số lượng nữ sinh vì lãnh đạo trường muốn tránh tình trạng thiếu hụt bác sĩ ở những bệnh viện có liên kết đầu ra với trường. Họ cho rằng nữ bác sĩ có xu hướng nghỉ việc khi sinh con, hoặc tạm nghỉ một thời gian lâu dài khi sinh con dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực ở bệnh viện. Do đó, trường đại học này đã giảm tối thiểu từ 10-20% số điểm đầu vào của các ứng viên nữ, nhằm dập tắt hi vọng trở này bác sĩ của những thí sinh này.
Công tác tuyển sinh của trường Đại học Y Tokyo gồm 2 vòng, vòng 1 là thi trắc nghiệm, những người vượt qua vòng thi này sẽ tham gia vòng hai, thi viết luận và phỏng vấn. Rất nhiều thí sinh nữ đã bị hạ điểm ngay từ vòng đầu tiên nhằm hạn chế số lượng thí sinh nữ có thể tiến vào vòng 2.
Trong tổng số 1596 nam thí sinh và 1018 nữ thí sinh nộp đơn vào đại học này trong năm học 2018, có 303 thí sinh nam vượt qua vòng trắc nghiệm, số thí sinh nữ lọt vào vòng 2 chỉ là 148. Kết quả, có 141 thí sinh nam đã trúng tuyển vào nhà trường, trong khi con số này với nữ chỉ là 30
Cúi đầu nhận lỗi
Cáo buộc phân biệt giới thu hút sự quan tâm lớn của dư luận Nhật Bản khi ngôi trường này cũng đang bị điều tra một vụ bê bối khác. Ông Futoshi Sano, 58 tuổi, cựu Cục trưởng Cục Chính sách Khoa học và Công nghệ của Bộ Giáo dục và Khoa học đã bị bắt với cáo buộc lạm dụng chức quyền.
Ông này bị cho là ủng hộ Đại học Y Tokyo bằng cách để ngôi trường này nhận trợ cấp nghiên cứu của chính phủ trong năm tài chính 2017, đổi lấy việc trường đảm bảo một vị trí cho con trai ông Sano trong kỳ thi tuyển sinh đại học.
Tuy nhiên, Trường Đại học Y Tokyo không chỉ tăng điểm cho con của ông Sano mà qua phân tích dữ liệu trong máy tính của trường đại học này, Cơ quan thanh tra đặc biệt Tokyo cũng phát hiện ra những liên quan đến kỳ thi tuyển sinh Đại học lần thứ nhất trong năm diễn ra vào tháng 2 vừa qua, với kết quả thi của nhiều học sinh đã được sửa và tăng điểm số.
Tin tức về vụ bắt giữ ông Sano khiến các quan chức của Bộ này đã bày tỏ sự hoài nghi và thất vọng. “Tôi sợ những gì đã xảy ra”, một quan chức cấp cao giấu tên cho hay. “Sự công bằng là điều quan trọng nhất khi nói đến kỳ thi tuyển sinh”. Một quan chức khác nói, “Tôi không nghĩ bây giờ là lúc có thể thao túng điểm thi tuyển sinh. Chiến thuật này quá cũ”.
Hiện cả ông Futoshi Sano, hai lãnh đạo nhà trường là ông Mamoru Suzuki và Masahiko Usui đều đã bị truy tố vì hành vi của mình. Phía Đại học Y Tokyo thì cho hay họ sẽ chỉ bình luận về vụ việc sau khi có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra.
“Chúng tôi đã phản bội lòng tin của công chúng. Chúng tôi muốn chân thành xin lỗi vì điều này. Xã hội đang thay đổi nhanh chóng và chúng ta cần thích nghi với điều đó. Bất kỳ tổ chức nào không coi trọng vai trò của phụ nữ sẽ trở nên yếu kém” – GS Yukioka, Giám đốc điều hành kiêm Chủ tịch hội đồng quản trị trường cúi đầu xin lỗi và thừa nhận trong cuộc họp báo hồi tháng 8 vừa qua.
“Những sự việc như vậy sẽ không bao giờ nên xảy ra nữa”, ông Keisuke Miyazawa, Phó Chủ tịch của Trường Đại học Y Tokyo khẳng định, đồng thời cam kết rằng, kỳ thi tuyển sinh năm tới sẽ diễn ra công bằng, minh bạch.
Các lãnh đạo trường nói rằng họ không hay biết gì về sự việc sửa điểm thi đã diễn ra. Tuy nhiên, họ sẽ sẵn sàng cân nhắc bồi thường cho những thiệt hại không đáng có.
Bị lên án kịch liệt
Sự nghiêm trọng của vụ gian dối điểm thi đã gây nên sự phẫn nộ của công luận, chính phủ Nhật Bản. Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản Yoshimasa Hayashi ngay lập tức lên án sự phân biệt đối xử về giới ở Đại học Y Tokyo và đã ra lệnh cho cơ quan chức năng điều tra bê bối của trường trong 6 năm qua.
“Phân biệt đối xử với nữ sinh viên trong kỳ thi là điều không thể chấp nhận được. Bộ Giáo dục đang yêu cầu nhà trường giải trình càng sớm càng tốt về cáo buộc, trước khi tiến hành các biện pháp điều tra xử lý”, ông Hayashi nói.
Theo kết quả điều tra mới nhất của các luật sư, trường đại học này đã sửa tất cả kết quả bài thi đầu vào bắt đầu từ năm 2000 hoặc thậm chí có thể sớm hơn. Không chỉ hạ điểm của nữ sinh, nhà trường còn bị cáo buộc cộng thêm tới 20 điểm cho bài thi của các thí sinh nam vào năm ngoái.
Các luật sư cho biết thêm, hiện không thể ước tính có bao nhiêu nữ sinh bị ảnh hưởng bởi việc gian lận điểm thi tại Trường Đại học Y khoa Tokyo. Năm 2018, tỷ lệ phụ nữ được nhận vào trường sau vòng kiểm tra đầu tiên là 14,5%, tỷ lệ ở nam là 18,9%. Ở vòng thứ hai và cuối cùng, chỉ có 2,9% người nộp đơn là nữ được nhận vào. Trong khi đó các thí sinh nam chiếm 8,8%.
Ngày 10/8/2018, Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng đã yêu cầu kiểm tra thủ tục nhập học của sinh viên tại 81 trường đào tạo y khoa công lập và tư nhân. Các nhà chức trách cho biết sẽ xem xét kỹ tỷ lệ giới tính của sinh viên trúng tuyển trong sáu tháng qua. “Nếu câu trả lời của họ được đánh giá là không hợp lý, chúng tôi sẽ hỏi thêm các câu hỏi hoặc truy cập trực tiếp các dữ liệu”, một quan chức Bộ Giáo dục cho biết.
Tiến sĩ Takako Tsuda, một bác sĩ gây mê, kiêm chủ tịch Hiệp hội chuyên gia y tế nữ Nhật Bản cho hay, “Không thể chấp nhận được chuyện vì là nữ giới nên họ bị tước đi cơ hội học tập và trở thành bác sĩ. Sự việc của trường Đại học Y Tokyo thực sự rất vô lý, gây sốc và cần phải chấm dứt ngay từ bây giờ”.
Nữ bác sĩ Ruriko Tsushima lên tiếng: “Tôi không thể tha thứ cho những gì mà ngôi trường này đã làm với những người cố gắng học tập chăm chỉ để vào đại học, hy vọng trở thành bác sĩ. Điều này không nên xảy ra ở một đất nước dân chủ nơi được cho là cung cấp cơ hội giáo dục bình đẳng”.
Hiện nay trên thực tế, phụ nữ Nhật có trình độ học vấn rất cao, nhưng các thói quen làm việc tại đất nước này, nhất là thời gian làm việc nhiều, thường xuyên phải làm thêm ngoài giờ. Những yêu cầu về thời gian làm việc trong ngành Y lại càng khắt khe, khiến nhiều nữ bác sĩ buộc phải chọn dừng sự nghiệp khi lập gia đình, nhất là sau khi sinh con.
Ngay cả khi ngày càng có nhiều bệnh viện đã cải thiện điều kiện làm việc cho phái nữ, nhất là mở nhà trẻ cho con em nhân viên và miễn cho các nữ bác sĩ có con nhỏ một số nhiệm vụ, nhưng tại bệnh viện của các trường đại học, mọi chuyện tiến triển rất chậm, đa phần bác sĩ vẫn là nam giới.
Không chỉ riêng ngành y, sự phân biệt về giới diễn ra trong tất cả các ngành nghề tại Nhật Bản. Tuy nhiên, giờ làm việc khắt khe và một nền văn hóa trọng nam tại xứ sở hoa anh đào vẫn khiến không ít phụ nữ Nhật Bản dù có trình độ học vấn cao nhưng nhiều người thường được yêu cầu từ bỏ công việc sau khi kết hôn để dành toàn bộ thời gian ở nhà chăm sóc gia đình.
Để khắc phục tình trạng này, dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra chính sách kinh tế “Womenomics” nhằm khuyến khích phụ nữ tham gia lao động và thúc đẩy phụ nữ đến các vị trí cấp cao.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Pháp Luật