Sẵn sàng du học – Gần đây chủ đề “kỳ thi vào 10” và lựa chọn trường cấp 3 cho con đang nhận được nhiều sự quan tâm từ rất nhiều phụ huynh. Đấy là câu chuyện về đầu vào, vậy thì “đầu ra” phổ thông thì sao? Chúng ta cùng SSDH xem thông tin chia sẻ dưới đây nhé.
Cuối bậc phổ thông, thông thường sẽ có 3 hướng/mục tiêu chính:
- Tốt nghiệp phổ thông (high school diploma): đủ điều kiện để đi làm, học nghề, học cao đẳng.
- Xét tuyển Đại học (college/university admissions): đủ điều kiện để được xét tuyển vào Đại học
- Miễn giảm tín chỉ ở bậc Đại học (college credits and/or advanced standing): ở một số nước/trường cho phép học sinh phổ thông có cơ hội kiếm tín chỉ đại học, từ đó được giảm số môn học, thời gian học và chi phí khi lên Đại học.
Mỗi quốc gia có hệ thống giáo dục khác nhau. Do đó, con đường để đạt được một trong 3 mục tiêu ở trên cũng sẽ có nhiều khác biệt.
Ở Việt Nam, học sinh hoàn thành chương trình phổ thông sẽ thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tập trung do Bộ giáo dục tổ chức. Kết quả của kỳ thi này sẽ là căn cứ để xét tốt nghiệp (nhận bằng tốt nghiệp, nếu thoát điểm liệt), cũng như dùng để xét tuyển vào Đại học. Tuy nhiên, nếu học sinh phổ thông muốn được miễn giảm tín chỉ ở bậc Đại học thì thường không có lựa chọn. Đối với học sinh muốn chuyển sang giáo dục nghề nghiệp (học nghề), thì có thể lựa chọn mô hình 9+ đang phổ biến hiện nay.
Tại Anh, giáo dục phổ thông chia thành 2 giai đoạn, gồm giai đoạn phổ thông cơ bản; và giai đoạn định hướng. Khi hoàn thành giai đoạn 1 (thông thường là cuối lớp 11), học sinh thi các kỳ thi tập trung do các trung tâm khảo thí tổ chức (exam boards) và nhận chứng chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông (GCSE). Với tối thiểu 5 đầu điểm, chứng chỉ này cho phép học sinh đi làm, đi học nghề và đi học cao đẳng (rồi sau đó có thể liên thông lên Đại học, nếu muốn). Học sinh nào có nguyện vọng lên Đại học luôn thì sẽ học tiếp giai đoạn 2 với chương trình Tú Tài nâng cao (AS-A Levels) hoặc các khoá chuyển tiếp vào Đại học, như Dự bị Đại học (Foundation) hay BTEC. Do phân thành 2 giai đoạn như vậy, ở Anh, học sinh cũng không có nhiều lựa chọn, nếu muốn kiếm tín chỉ Đại học ngay từ bậc phổ thông cơ bản.
Tại Mỹ, giáo dục phổ thông là 12 năm, nhưng Đại học thường kéo dài 4 năm (nhiều hơn 1 năm so với các chương trình Đại học của Anh). Thông thường học sinh hoàn thành phổ thông sẽ được các cơ sở giáo dục cấp chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông (standard US High School Diploma), và đây cũng là điều kiện tối thiểu để đi học nghề, cao đẳng hoặc đi làm. Nếu học sinh muốn vào thẳng Đại học thì sẽ phải học thêm các lớp Honors hoặc lấy thêm các chứng chỉ như SAT/ACT để đủ điều kiện xét tuyển. Đối với những học sinh giỏi kỳ vọng vừa đỗ Đại học, vừa có cơ hội kiếm được tín chỉ Đại học (college credits) ngay trong lúc học chương trình phổ thông thì có thể chọn các chương trình kép (Dual Enrollment), hoặc các lớp tăng cường để thi các kỳ thi như AP, CLEP, hay DANTES. Ngoài ra, theo học các chương trình quốc tế như IB hoặc A Levels cũng giúp học sinh có cơ hội đạt cả 2 mục tiêu trên (tuỳ chính sách của từng trường).
Ở Úc với New Zealand, thì học sinh được quy đổi mức điểm đạt được ở bậc phổ thông ra điểm đầu vào Đại học (UEP ở New Zealand hoặc ATAR ở Úc) và dùng nó để xét tuyển vào Đại học (theo kiểu 2 trong 1). Ở một số trường Đại học (không nhiều), tương tự như Mỹ, họ cũng có chương trình riêng để cho học sinh giỏi ở bậc phổ thông lấy tín chỉ đại học sớm. Ví dụ, ở New Zealand, có chương trình UC STAR của Đại học Canterbury cho phép học sinh đăng ký theo học một số môn học của năm một (first-year degree-level courses) ngay khi đang học phổ thông, và sẽ được miễn giảm khi lên Đại học sau này. Ở Úc, thì có chương trình SUN của Đại học CQU cũng tương tự. Thường các trường này sẽ có tiêu chí đầu vào khá cao đối với học sinh phổ thông muốn đăng ký.
Phân tích ở trên cho thấy, bên cạnh 2 mục tiêu phổ biến (tốt nghiệp và đỗ Đại học), học sinh giỏi phổ thông Việt Nam, có kế hoạch du học Mỹ, Úc hay New Zealand cũng có thể tính toán tới các lựa chọn giúp bổ sung hồ sơ học tập để được miễn giảm tín chỉ khi lên Đại học sau này. Không có 1 phương án hoàn hảo, do đó quan trọng, phụ huynh và học sinh cần phải xác định rõ nhu cầu, định hướng, và mục tiêu ở bậc Đại học càng sớm thì quá trình lên kế hoạch sẽ càng chính xác và tối ưu.
Bài viết này không những chia sẻ về điểm chung của giáo dục Việt Nam mà còn ở các nước nói tiếng Anh. Tác giả bài viết là anh Nguyễn Quang Minh – Giảng viên đại học Massey, New Zealand.
SSDH team