Sẵn sàng du học – Các du học sinh VN học tập tại nhiều quốc gia cho rằng để tránh trầm cảm trong quá trình du học, ngoài việc chuẩn bị thật tốt thì các bạn cần hòa nhập với cuộc sống xung quanh, thoát khỏi 'vỏ ốc'.
Coi stress là hiển nhiên để vượt qua
Vũ Đức Hiếu, 23 tuổi, sinh viên Học viện Quân y Kirov, thành phố Saint Petersburg (Nga), cho hay: “Stress là phản ứng mang bản chất thích nghi, không tránh khỏi khi các bạn trẻ chuyển từ môi trường này qua môi trường khác. Stress kéo dài mới là trầm cảm và cần chữa trị. Khi mới xa nhà, xa đất nước, thấy lo âu, buồn bã là tất nhiên”.
Theo Hiếu, trầm cảm của du học sinh cần nhìn nhận trên 3 góc độ là sinh học, tâm lý và xã hội. “Sinh học là các yếu tố bẩm sinh đến nay không thể cải thiện được, chỉ mang giá trị cảnh báo. Sinh viên trước khi sang nước ngoài có trầm cảm bao giờ chưa? Bố mẹ, người thân có trầm cảm không? Nếu có, cần phải nghiêm túc cân nhắc chuyện đi du học. Về vấn đề tâm lý, bạn trẻ cần chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng trước khi đi. Các bạn cần chuẩn bị trước tâm lý rằng không phải lúc nào cũng màu hồng; ra nước ngoài còn đối mặt cơm áo, gạo tiền, phải coi stress là hiển nhiên, thì mới tránh trầm cảm được”, Hiếu chia sẻ.
Anh Hiếu cho rằng về yếu tố xã hội, trước khi ra nước ngoài, các bạn trẻ phải có liên hệ với hội sinh viên nước sở tại, địa phương sở tại, nếu có. Đồng thời bạn trẻ có chỗ dựa tinh thần từ cha mẹ, bạn bè, mọi người có thể kết nối với nhau qua mạng xã hội, như thế sẽ hạn chế được stress kéo dài dẫn đến trầm cảm.
Vũ Đức Hiếu khuyến cáo: “Việc điều trị trầm cảm cho sinh viên ở nước ngoài thường thất bại; giải pháp đưa về nước để điều trị không khả thi. Do đó, nên phòng chống trầm cảm, đừng chờ có bệnh mới đi chữa sẽ khó khăn, phiền phức vô cùng”.
Tham gia các hoạt động ở trường
Phạm Vũ Minh Hoàng, 25 tuổi, cựu du học sinh Oklahoma City University (Mỹ) cho rằng các bạn trẻ nên chuẩn bị thật chu đáo trước khi đi du học, đặc biệt chuẩn bị tốt ngoại ngữ để hòa nhập cuộc sống mới. Kinh nghiệm của Hoàng là gia nhập các hội, nhóm người Việt tại trường ĐH, thành phố mình ở để giao lưu, tham gia các hoạt động ngoại khóa, các dịp nghỉ lễ để không cô đơn, dễ nghĩ quẩn, stress. Theo Hoàng, độ tuổi lý tưởng để du học nên là sau 18 tuổi, khi đó các bạn trẻ có khả năng làm chủ cuộc sống, suy nghĩ, tự lập được.
Nguyễn Quỳnh Anh, 20 tuổi, du học sinh Trường ĐH quốc tế Tokyo (Nhật Bản), cho hay khi đi du học thì cảm giác mất cân bằng hay nhớ nhà trong thời gian đầu mới sang là khó tránh khỏi, cô cũng không phải ngoại lệ. Việc giúp cô lấy lại thăng bằng chính là tham gia các hoạt động trong trường ĐH. “Tôi đăng ký tham gia các câu lạc bộ và tổ chức cộng đồng sinh viên của trường. Tôi thấy đây là cách hay để các bạn trẻ có thể làm quen được nhiều bạn mới, học hỏi thêm nhiều điều về phong tục tập quán nước bạn và sớm hòa nhập với môi trường mới”.
Trong khi đó, Quách Đức Anh, 29 tuổi, cử nhân Trường ĐH Luật Hà Nội, học viên Trung tâm nghiên cứu và đào tạo pháp luật Nhật Bản hợp tác giữa ĐH Luật và ĐH Tổng hợp Nagoya, cho hay các bạn trẻ cần lưu ý không nên ảo tưởng về việc đi du học, bởi nếu quá kỳ vọng sẽ dễ suy sụp, kiệt sức, âu lo, stress nếu gặp thực tế phũ phàng hơn. “Các bạn trẻ cần rèn luyện sức khỏe tốt, cơ thể khỏe mạnh sẽ làm mọi thứ tốt hơn, nhất là ở đất nước khác. Khi còn ở với cha mẹ, các bạn cũng nên học các kỹ năng như nấu ăn, tự chăm sóc cá nhân, bởi du học là tự lập hoàn toàn, nếu không tự lo cho bản thân, sẽ không thể làm gì khác”.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Thanh Niên