Đi du hí bằng… học bổng ngắn hạn

0

SSDH – Bạn có thể dùng “chất” riêng săn tìm những chuyến đi xuất ngoại miễn phí để vừa học vừa chơi. Rất nhiều bạn sinh viên Việt Nam thích đi khắp nơi trên thế giới nhưng không phải lúc nào bạn cũng đủ tiền hoặc đủ “chất” liều mạng để có thể xách ba lô lên và phượt. Chia sẻ kinh nghiệm săn Học bổng du học ngắn hạn của Đỗ Thiện – người vừa có chuyến đi Nhật miễn phí bổ ích.

 

Không có tiền thì phải có “chất”

 

Năm 18 tuổi, tôi bước chân vào TP.HCM học đại học với số tiền ít ỏi, ăn còn thiếu nói chi là đi chơi. Khoa Quan hệ Quốc tế (ĐH KHXH&NV TP.HCM) – nơi tôi học được xem là cái nôi sinh ra nhiều sinh viên đi Đông đi Tây. Nhiều sinh viên đi nước ngoài như… đi chợ. Họ đi nước ngoài để du học, du lịch nghỉ mát, hoặc tham gia chương trình mà tôi ví von là “vừa làm, vừa học và vừa chơi” tại nhiều nước.

 

Khi tìm hiểu qua mạng Internet và nhiều bạn bè, tôi phát hiện không ít chương trình giao lưu văn hóa, kinh tế-xã hội, chính trị và các khóa học chuyên môn ngắn hạn miễn phí. Một người thầy của tôi vốn sống và học tập nhiều năm tại Đức đã dạy tôi rằng “Em không có tiền thì hãy tìm cách đi những chương trình… miễn phí như thế. Muốn vậy, em phải có “chất”.

 

Biết tạo ra kiến thức và kỹ năng sống

 

Chữ “chất” của thầy, tôi hiểu đơn giản là kiến thức xã hội cần và kỹ năng sống. Nhiều trường đại học, đại sứ quán, công ty xuyên quốc gia, học viện quốc tế, chính phủ các nước… sẵn sàng lo cho bạn từ A tới Z, thậm chí cho thêm tiền tiêu vặt, tiền mua quà trong những chuyến đi học và chơi tại nước ngoài nếu bạn có “chất” như thế.

 

Đi du hí bằng... học bổng ngắn hạn

Đỗ Thiện (áo cờ đỏ sao vàng) cùng các sinh viên Nhật Bản, ASEAN trong khóa học An ninh con người và Khoa học năng lượng tại Kyoto, Nhật Bản.

 

Gia đình không cho tôi tiền nhưng cho tôi tình thương và động lực để đủ sức học. Mẹ dạy tôi sự chân thành, lòng chân thật và tính vị tha đủ để tôi tạo cảm tình một cách bền vững với nhiều người tôi gặp. Nghĩa là trên bước đường tôi đi luôn có những người bên cạnh, giúp tôi tự tạo ra cái “chất” của riêng mình.

 

Thầy cô, bạn bè cho tôi cảm hứng để nghiên cứu khoa học, viết báo, viết tạp chí, tham dự hội thảo khoa học về ngành học của mình. Họ còn cho tôi sự can đảm để phát âm tiếng Anh sai và sửa, nói từng câu rồi sẽ nói được nhiều câu. Nhờ vậy mà tiếng Anh không còn là nỗi sợ hãi cho những hành trình cùng với những sinh viên vốn khác biệt màu da, tiếng nói. Môi trường học thuật và tình thầy trò, bè bạn đã cho tôi kiến thức chuyên ngành, khả năng thuyết trình và tư duy phản biện bằng ngoại ngữ. Tuy không nhiều và không giỏi nhưng đủ để tôi nghe, đọc hiểu, trình bày ý kiến cá nhân, hay đại diện nhóm trao đổi những vấn đề chung tại các buổi giao lưu, chương trình hội thảo, các khóa học ngắn hạn tại nước ngoài.

 

Bên cạnh đó, cuộc sống đại học còn cho tôi những chuyến đi tình nguyện, hoạt động đoàn, hội, câu lạc bộ, sinh hoạt ngoại khóa… để tôi xây dựng kỹ năng tổ chức sự kiện, giao tiếp ứng xử, quản lý thời gian. Đó là phương tiện để tôi hòa nhập vào cộng đồng sinh viên đa quốc gia.

 

Biết biến mình thành người phù hợp

 

Thực tế trong những cuộc đua đoạt lấy tấm vé máy bay đi “học và chơi” miễn phí, bản thân tôi nhận ra rằng nếu chỉ có “chất” thì vẫn chưa đủ. Mỗi chương trình học bổng ngắn hạn tại nước ngoài hay giao lưu văn hóa – chính trị – xã hội giữa các nước… đều có những đối tượng riêng. Điều này giống chuyện học bổng cho người giỏi toán sẽ có yêu cầu khác với người giỏi văn. Nhiệm vụ của bạn là tìm hiểu rõ “người cho tiền bạn đi học và đi chơi đang cần gì” và hãy cố gắng làm họ thỏa mãn bằng cách thể hiện bản thân trong sơ yếu lý lịch, đơn dự tuyển và quan trọng hơn là trình bày thuyết phục trong vòng phỏng vấn.

 

Hãy dùng “chất” riêng để thể hiện một cách chân thành và khiêm tốn niềm đam mê nghiên cứu vấn đề môi trường, sẵn sàng hành động vì môi trường, cố gắng đưa ra sáng kiến bảo vệ môi trường, khả năng thuyết phục cộng đồng hành động vì môi trường và quyết tâm đi đến cùng với ngành môi trường… thì bạn sẽ là ứng cử viên sáng giá cho một chuyến du khảo sinh thái một vài tuần tại Đức, Nhật hay đất nước nào đó.

 

Và khi thành công, hãy cố gắng “đi – quan sát – ngẫm – viết”. Mỗi chuyến đi cho tôi những trải nghiệm, bài học mới để tôi trưởng thành, đồng thời cho tôi quan hệ mới để tôi biết mình đang ở đâu và cần gì. Hai điều này là động lực, cơ hội cho những chuyến đi “vui để học” ở nước ngoài miễn phí tiếp theo.

 

Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí

Share.

Leave A Reply