SSDH – Luôn có một mẫu số chung khi những du học sinh muốn đạt được học bổng du học ra nước ngoài, đó là phải học giỏi, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và trình độ tiếng Anh vững chắc. Chỉ khác nhau ở chỗ, với mỗi du học sinh sẽ là một câu chuyện nỗ lực riêng biệt và với Đỗ Ngọc Điệp đó là cả 1 quá trình tự xác định lấy mục tiêu cho chính mình và không ngừng vươn lên trong học tập lẫn cuộc sống
Bạn Đỗ Ngọc Điệp
Trước khi quyết định chọn hướng du học, Đỗ Ngọc Điệp chỉ suy nghĩ đơn giản rằng: không học thì thôi, đã học thì phải học hành cho đàng hoàng, cho tốt nhất. Vì thế, suốt những năm cấp 2 rồi cấp 3, Điệp liên tục giữ vững danh hiệu học sinh giỏi, với học lực luôn trên 8.5, thậm chí còn đạt một số giải học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố nữa. Không chỉ có chăm chỉ học tập, Điệp còn là “tay thể thao” của trường, luôn tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ và hội trại khác.
Ý định du học chỉ manh nha khi càng ngày cậu học sinh Ngọc Điệp này càng thấy mình có đam mê mãnh liệt với việc chế tạo và sữa chữa. Điệp luôn tò mò với những máy móc tân tiến, đặc biệt là máy bay. Mà ở Việt Nam thì chuyên ngành dạng này chưa thực sự phát triển, Điệp bắt đầu ôm mộng sẽ đi du học tự túc đến Singapore. Điệp cũng từng nộp hồ sơ xin học bổng của trường NUS nhưng không đạt vì trình độ tiếng Anh lúc này chưa thật vững. Điệp cấp tốc bổ sung nâng cấp vốn Anh ngữ cho chính mình và trong lần nộp hồ sơ với trường Taylors College, Điệp được trường chọn cấp học bổng 50%. Lúc này, cậu học sinh năng động chỉ vừa hoàn thành xong khóa học tiếng Anh tại VUS mà thôi và chỉ đang sẵn sàng cho cuộc thi TOEFL iBT.
2 năm xa nhà để theo học tiếp 2 năm cấp 3 tại Taylors College là khoản thời gian mà Ngọc Điệp được trải nghiệm thực tế nhiều nhất. Dù may mắn có người thân bên Úc song Điệp vẫn gặp phải một số bỡ ngỡ và lạ lẫm, nhất là việc tìm đường. Nhiều khi đã xem qua bản đồ, xác định đường đi rồi nhưng do di chuyển bằng xe bus hoặc xe lửa nên vẫn khó khăn trong việc xác định điểm đến, thời gian đầu, có đôi lần Điệp vẫn bị lạc đường. Những lúc như thế Điệp phải hỏi thăm người dân bản xứ, phải mất khoảng 1 – 2 tuần, Điệp mới tập quen dần. Để không trễ giờ đi học, Điệp còn nhờ người quen dẫn đường đến trường một vài lần, sau đó Điệp chủ động đạp xe đi học. Nhờ việc tìm đường này mà Điệp thấy mình dạn dĩ hơn, chủ động hơn và học được cách người bản xứ giao tiếp với nhau.
Do điều kiện kinh tế của gia đình chỉ ở mức vừa phải, để trang trải bớt gánh nặng về việc ăn học của bản thân, Điệp luôn nỗ lực vươn lên trong học tập để dành thêm những suất học bổng. Hai năm học cấp 3 ở Taylor College, Điệp luôn nằm trong Top 5 học sinh giỏi của trường. Năm lớp 12, Điệp được bầu làm Student leader và được nhận học bổng 5000$. Ngoài việc học, Điệp còn tham gia nhiều hoạt động thể thao và giải trí khác trong trường.
Đối với Điệp hiện tại thì việc học giỏi rất là quan trọng vì những suất học bổng như thế này sẽ giúp cậu học sinh trẻ tuổi này san sẽ được gánh nặng với gia đình. Điệp mong mình sống tự lập thật tốt, có trách nhiệm với chính tương lai của bản thân mình. Cho nên những giờ lên lớp, là thời gian mà Điệp luôn tập trung học cao độ. Ngoài giờ học, những gì không hiểu rõ, Điệp tìm đến thầy cô để hỏi thêm hoặc trao đổi cùng bạn bè ngay cho đến khi hiểu cặn kẽ mới thôi. Mỗi ngày, Điệp luôn dành thời gian để tóm lược lại những gì đã học để nắm rõ hơn và nhớ lâu hơn.
Đọc thêm sách cũng là một trong những thói quen tốt của riêng Điệp. Để hiểu sâu hơn và kỹ hơn một vấn đề nào đó, ví dụ như môn Lý chẳng hạn, Điệp tìm thêm 3 cuốn sách khác nhau, có cuốn sẽ lý giải thật đơn giản song có cuốn sẽ lý giải dài dòng hơn, cố gắng xem qua cả 3 cuốn như thế, Điệp tự sàng lọc ra cho mình một cách giải thích hợp lý nhất, logic nhất để theo đó mà học và sau đó nữa là giới thiệu cho bạn bè mình cùng xem.
Nhưng nếu được hỏi rằng: đây có phải là bí quyết riêng thì Ngọc Điệp sẽ không thừa nhận đâu, em tâm sự: vốn dĩ môi trường học & cách học ở Úc khác với Việt Nam. Tự môi trường học đã khích lệ cho học sinh luôn muốn tìm tòi học hỏi nhiều hơn nếu không muốn thua sút bạn bè và kiến thức giảng dạy cũng thực tế hơn nhiều. Ngọc Điệp và những bạn học sinh trong lớp được học những vấn đề từ chính thực tế cuộc sống, từ đó học sinh tự biết cách chọn lọc kiến thức cho chính mình, nhờ vậy mà khả năng tự học cũng được phát triển theo.
Học trong môi trường quốc tế cũng giúp Điệp học được cách làm việc nhóm với bạn bè từ nhiều nước khác nhau, biết cách sắp xếp công việc sao cho phù hợp với khả năng của từng bạn trong nhóm, cũng như biết kết hợp điểm mạnh và điểm yếu để hoàn thành được công việc. Những kỹ năng này không chỉ cần thiết trong việc giao lưu, kết bạn mà còn rất hữu ích khi ứng dụng cho cuộc sống thực tế sau này.
Ngọc Điệp cũng chia sẽ thêm rằng: các bạn du học sinh khi chọn du học không chỉ chọn môi trường học tốt mà cả môi trường sống cũng phải tốt nữa, ví như: mọi người có thân thiện không? Giá cả sinh hoạt như thế nào? Vì nếu phải bận tâm lo lắng nhiều sẽ dễ bị stress, buồn bực và sẽ ảnh hưởng không tốt đến việc học. Trong tháng 3 tới, Điệp sẽ chính thức trở thành sinh viên ngành Kỹ sư Hàng không của đại học Sydney – Úc. Mọi thứ với chàng sinh viên trẻ này vẫn đang diễn ra tốt đẹp vì đã có được một công việc phù hợp, giúp em trang trải thêm cho việc ăn – học.
Kiếm việc làm thêm ở Úc với sinh viên là hoàn toàn trong khả năng của bạn – Điệp nói: vì khu mà em sinh sống có nhiều người Việt nhưng làm việc cho người nước ngoài thì sẽ khó khăn hơn. Bù lại, bạn có cơ hội được trau dồi thêm khả năng giao tiếp và cách ứng xử trong cuộc sống, rèn luyện được khả năng làm việc tập thể và những cách xử lý những tình huống phức tạp. Có khá nhiều việc cho sinh viên làm như: bán hàng trong shop quần áo, siêu thị, làm phục vụ ở quán café, nhà hàng lớn, hoặc dạy thêm…tùy theo khả năng và cách sắp xếp thời gian học tập của bạn mà có thể lựa chọn việc làm phù hợp.
Hiện Ngọc Điệp đang nhận làm ở MC Donals, công việc cũng vừa sức và quan trọng là giúp chàng sinh viên trẻ này có điều kiện trang trải cuộc sống sinh hoạt. Còn học phí thì Điệp vẫn đặt quyết tâm như trước: học giỏi để lấy học bổng. Ngành Kỹ sư Hàng không này mất 4 năm mới tốt nghiệp ra trường, Điệp đang ôm ấp một dự định: nếu đủ điều kiện sẽ sang Mỹ theo diện trao đổi học sinh, để học lên tiếp vì ngành công nghiệp hàng không ở Mỹ phát triển hơn nhiều so với Úc.
Học xa nhà, phải tự lập sớm có đôi khi cũng khiến chàng sinh viên trẻ này nao nao nỗi nhớ nhà nhưng khát khao và đam mê khám phá lại đủ lớn hơn để Ngọc Điệp có thêm nghị lực vượt qua. Vì Điệp cho rằng: du học là để mở mang đầu óc, trau dồi kiến thức, nếu nói lấy gì làm trọng thì học cách làm việc của nước ngoài, rồi đặt ra mục tiêu phấn đấu là tốt nhất, có bạn bè để cạnh tranh cũng tốt nữa. Chàng trai trẻ này vẫn luôn cố gắng học tập để có thể đạt học bổng 100% cho những năm học sau hoặc may mắn được một Công ty nào đó đỡ đầu trong học tập.
SSDH – Đàm Hương