SSDH – Hiện nay, ngày càng nhiều du học sinh Việt Nam sang nước ngoài học tập. Đến một môi trường hoàn toàn mới, không phải ai cũng có những trải nghiệm sống, thông thạo tiếng bản địa nên nhiều du học sinh dễ bị mắc bẫy.
Úc là một trong những quốc gia được nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam lựa chọn. Tuy vậy, khi sang đến đây, không ít bạn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tại Úc, tình trạng “cò” nhà ở diễn ra khá phổ biến. Các thông tin mua bán, cho thuê nhà được rao trên mạng, khiến nhiều du học sinh tin tưởng, gửi tiền đặt cọc vào tài khoản của “cò” và mất trắng.
Bên cạnh đó, nhiều du học sinh còn bị lừa mua điện thoại xịn giá rẻ. Song, đa số các điện thoại này đều là hàng ăn trộm hoặc bị khóa, chỉ được sử dụng một thời gian và người sử dụng có thể bị cơ quan chức năng triệu tập điều tra.
Đến Úc học tập, nhiều du học sinh cũng dễ bị mắc lừa với những lời quảng cáo về công việc làm thêm “nhàn hạ, thu nhập cao”. Tuy nhiên, sau khi nộp phí cho đơn vị môi giới, các du học sinh chỉ nhận được những công việc bấp bênh, thu nhập thấp với thời gian làm việc căng thẳng nên sau một thời gian ngắn, họ phải tự bỏ việc.
Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn nhìn nhận, hiện đang có một xu hướng mới: đi du học ngay từ bậc phổ thông. Theo nghiên cứu, lứa tuổi 13 – 17 là giai đoạn mà các em thích được khám phá, trải nghiệm để phát triển toàn diện, đồng thời dễ dàng thích nghi với văn hóa và phương thức học tập mới. Quan trọng nhất là các bậc phụ huynh hãy sớm nắm bắt các nguồn thông tin chính thức về môi trường sẽ đến du học tại các đại sứ quán/ lãnh sự quán. Việc chuẩn bị tốt sẽ giúp các du học sinh lường trước những khó khăn và tránh được những rủi ro đáng tiếc.
Theo một giám đốc công ty tư vấn du học, điều quan trọng nhất đối với những du học sinh khi ra nước ngoài học tập là phải thông thạo ngoại ngữ, chuẩn bị đủ kinh phí phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt trong dăm tháng đầu tiên bởi thời gian ban đầu, việc tìm kiếm việc làm khá khó khăn. Bên cạnh đó, các du học sinh tuyệt đối không để lộ thông tin cá nhân, đưa giấy tờ và thẻ ngân hàng cho người lạ. Trong trường hợp bị mất giấy tờ, các em phải báo ngay với cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Đồng thời, phải đề cao cảnh giác với những đối tượng “cò mồi”, những dịch vụ miễn phí, các sản phẩm công nghệ cao giá rẻ (iPhone, iPad…), công việc “dễ làm, thu nhập cao”. Các du học sinh cũng nên liên lạc với Đại sứ quán của các nước tại Việt Nam, người thân của mình ở nước sở tại để kiểm tra thông tin về trường sắp nhập học và các chương trình học bổng (nếu có).
TS Đặng Ngọc Tú (cựu sinh viên tại ĐH Quốc gia Úc) đánh giá, sinh viên Việt Nam vốn quen với cách học thụ động trong nước, vì vậy, nhiều em khá lúng túng khi phải chủ động trong học tập. Để có kết quả học tập tốt tại các trường của Úc, các sinh viên phải chủ động trong mọi việc, từ đăng ký khóa học, đến đọc giáo trình, tài liệu, trao đổi ý kiến với giáo sư, bạn học. Trên lớp, giáo viên chủ yếu chỉ giới thiệu các vấn đề và tài liệu cần đọc, còn để hiểu rõ các vấn đề sinh viên phải tự nghiên cứu, tìm hiểu. Bên cạnh đó, sự khác biệt về văn hóa, hạn chế về kiến thức chung cũng như rào cản ngôn ngữ cũng là những trở ngại cho sinh viên Việt Nam muốn hòa nhập.
TS Giáp Văn Dương (người có nhiều năm tham gia các hoạt động hỗ trợ du học sinh Việt Nam ở nước ngoài) cho hay, có những người đi du học rất thuận lợi, vì có người quen, bạn bè ở đó trước và giúp đỡ. Tuy nhiên, cũng có người chật vật vì khó hội nhập, do chênh lệch về kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, và đặc biệt là hạn chế ngôn ngữ, hoặc sốc văn hóa. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Vậy nên, dù có khó khăn ban đầu, các du học sinh càng phải cố gắng để thích nghi với môi trường mới.
Võ Hồng (SSDH)