Đi du học vì mê Running Man, cô bạn “gục ngã” trên đất Hàn vì làm thêm quá cực

0

Sẵn sàng du học – Sang Hàn Quốc du học vì gia đình, vì đam mê thần tượng, nhưng có lẽ gánh nặng cơm áo gạo tiền đã đè quá nặng lên đôi vai của cô gái này.

"Mình đang đi làm thêm nên có thể sẽ trả lời tin nhắn chậm, hơn 30 tiếng rồi mình chưa được ngủ".

Câu chuyện của chúng tôi đã bắt đầu như vậy.

Đi Hàn du học vì mê Running Man

K.A. sinh ra trong một vùng quê nghèo ở huyện Nam Đàn, Nghệ An, vùng đất "màu mỡ" của các công ty môi giới du học vì ngày nào cũng có người vào tận từng nhà để mời chào đi du học với những lời lẽ bay bổng, vẽ ra một cuộc sống du học màu hồng ở xứ ở kim chi.

Chị gái sang Hàn xuất khẩu lao động, bố mẹ cũng đã định hướng cho K.A được sang đó với khát vọng đổi đời mặc dù cô bạn đã đỗ vào Học viện Báo chí và tuyên truyền vì cho rằng con gái báo chí bôn ba, sau lập gia đình cũng khổ. Cô gái 20 tuổi bắt đầu những lo toan của cuộc sống ở vùng đất khách quê người từ đây.

Một phần vì bố mẹ, một phần nữa cũng vì đam mê những thần tượng xứ Hàn mà mặc cho con đường học vấn rộng mở phía trước, cô vẫn khăn gói du học Hàn Quốc.

"Mình sang Hàn được hơn 9 tháng rồi, đi theo diện tự túc. Mình đi một phần lí do vì Running Man. Mình là admin của page Running Man, mình đi theo tiếng gọi trái tim. Bên này mình cũng đi được nhà hàng Haha (nhà hàng của một thành viên trong Running Man) rồi." – K.A. tâm sự.

Sau một lần đi offline của fanpage, nhận thấy mọi người đam mê Running Man quá, một ý nghĩ lóe lên trong đầu: "Hay mình đi tiên phong, đưa fans Việt gần lại với Running Man hơn."

Cuộc sống du học tươi đẹp những ngày đầu mới sang của K.A.

Cuộc sống du học tươi đẹp những ngày đầu mới sang của K.A.

Những đêm học bằng đèn nhà vệ sinh

Mọi thứ dừng lại ở đó thì chúng ta đã có một câu chuyện đẹp, tuy nhiên, cuộc sống du học không hề màu hồng như K.A vẫn nghĩ, Hàn Quốc không chỉ có idol, nó còn có cả những vất vả, những khó khăn, những toan tính cơm áo, những mệt nhoài sau những giờ vật vã làm thêm.

Sang Hàn Quốc, cô bạn sống ở một thành phố gần Seoul, không hề quen biết ai, không như bạn bè, người nhà đến tận phòng để cho quà, tặng đồ ăn Việt Nam, dẫn đi du lịch, đi tìm việc làm, còn K.A vẫn lủi thủi một mình, rong ruổi khắp các con đường đầy tuyết rơi để xin việc.

Đêm đến, trong khi bạn bè say giấc, cô bạn bật đèn nhà vệ sinh trong căn phòng dài 2m rộng 1m để học xuyên đêm, vì xác định sang đây là để học, sau khi về biết 2,3 thứ tiếng, tương lai sẽ rộng mở hơn.

K.A muốn theo đuổi việc học vì đã đánh mất giấc mơ trở thành nữ nhà báo ở Việt Nam nhưng mỗi lần nhà gọi điện sang, cô bạn lại khóc, lại thương bố mẹ, vì bố mẹ cứ nghe hàng xóm khoe con nhà này, nhà kia vừa gửi về bao nhiêu tiền, vừa xây cái nhà to lắm. Thế nên K.A lại tự bắt mình vào guồng quay học hành, làm thêm đến kiệt sức, chỉ muốn gục ngã.

Căn phòng bé nhỏ dài 2m, rộng 1m của K.A. tại Hàn

Căn phòng bé nhỏ dài 2m, rộng 1m của K.A. tại Hàn

Bị quỵt tiền làm thêm

Sang 2 tháng thì K.A đi làm ở quán phở Việt, chủ là người Hàn. Thời gian đầu bà chủ rất đon đả, ngon ngọt, nhưng khi có bầu, tính khí thay đổi 180 độ. Suốt ngày cô bạn bị mắng chửi, gây áp lực. K.A bị stress nặng, nhiều khi muốn chỉ muốn hét lên rồi bỏ về, nhưng gánh nặng đồng tiền đè trên vai nên phải chịu nhục, nhẫn nhịn.

Cho đến đầu tháng trước, bà chủ bảo sẽ giảm giờ làm của K.A, tính ra mỗi ngày bà chỉ trả cô có 150 nghìn tiền Việt. Cô bạn khóc ngay giữa quán như một đứa con nít bị cướp đồ chơi vậy. Thế là K.A thất nghiệp.

Một tháng rồi mà bà chủ vẫn chưa chịu trả lương. K.A gọi điện bà không thèm bắt máy, nhắn số ngân hàng cho nhưng bà ấy không thèm đọc. Thậm chí đến tận cửa hàng thì bà ấy nhắn bảo về và đợi đi. K.A đợi 6 tiếng, đêm đi làm về mệt quá nên thôi ra về, vừa đi, vừa khóc.

K.A vẫn mạnh mồm nói với bạn bè trên lớp là thôi thì nghỉ chỗ này làm chỗ khác, chơi một vài tuần rồi tìm việc khác. Thế mà trong tối đấy đi tìm đủ mọi group, page xin việc tại Hàn nhưng K.A vẫn không tìm được việc. Có hôm còn đến trung tâm môi giới việc làm nhưng họ không nhận du học sinh.

Dù có vất vả, K.A. vẫn luôn yêu đời

Dù có vất vả, K.A. vẫn luôn yêu đời

Sự quyết tâm của cô gái tuổi 20

Tầm 4 ngày sau K.A nhắn tin cho mấy quán ăn và được đặt lịch phỏng vấn. Tuy mới sang 9 tháng nhưng tiếng Hàn của cô khá tốt, được 2 nơi tuyển, và cô bạn quyết định làm tại nhà hàng đêm.

Làm việc từ 10h tối đến 7h sáng, đi làm xong đi học luôn đến 2h chiều, về ngủ tầm 5 tiếng lại lục đục dậy sửa soạn đi làm. Cuộc sống bây giờ tuy mệt mỏi nhưng tinh thần còn đỡ hơn lúc trước làm quán phở.

K.A. cho biết: "Bây giờ về nước mình chẳng biết bắt đầu từ đâu và khi đi gia đình mình cũng đang nợ rất nhiều. Mình muốn tự gánh vác, mình có thể khổ, nhưng tuổi trẻ của mình còn dài, cho phép vấp ngã. Bố mẹ còn sống bao nhiêu để hưởng thụ đâu."

Con đường đến trường vẫn ngày ngày cùng cô nuôi dưỡng ước mơ đổi đời.

Con đường đến trường vẫn ngày ngày cùng cô nuôi dưỡng ước mơ đổi đời.

Vé về Việt Nam ăn Tết K.A đã đặt trước tận 7 tháng cũng phải huỷ vì mới đổi việc họ không cho về. Hàn Quốc mùa đông lạnh, tuyết rơi dày, hằng đêm cô bạn vẫn chăm chỉ đến chỗ làm khi mọi người sắp yên giấc và trở về nhà khi trời đã sáng. Tuyết, mưa gió, gian nan, vất vả, bị chèn ép… vẫn không thể khiến cô bạn ngừng cố gắng.

Cuộc sống của K.A. bây giờ so với thời gian mới sang đã tốt hơn rất nhiều, với công việc mới, mỗi tháng cô kiếm được khoảng 45 triệu đồng, được nghỉ phép 4 ngày. 

Câu chuyện của K.A. là câu chuyện điển hình của biết bao du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc. Khó khăn là thế, vất vả là thế nhưng không ai từ bỏ, bởi vì trong ai cũng quyết tâm đã ra đi là phải vinh quang trở về. Khi có một giây phút nào đấy yếu lòng, hãy nhớ đến lý do bạn quyết định sang đây. 

Thái Hải (SSDH) – Theo TTVN

Share.

Leave A Reply