Sẵn sàng du học – Để tìm kiếm nhân tài thông qua giáo dục, nhưng đất nước sau đã hết lòng tạo điều kiện để thu hút du học sinh trên toàn thế giới.
Trong khi một số quốc gia sử dụng chính sách “bế quan tỏa cảng” nhằm tạo điều kiện học tập, làm việc cho người bản xứ thì vẫn tồn tại không ít đất nước trên thế giới cởi mở với du học sinh, liên tiếp ban hành nhiều chính sách giúp sinh viên quốc tế có điều kiện thuận lợi đặt chân lên lãnh thổ mình.
1. Du học Pháp
Nếu còn phân vân địa điểm du học, hãy thử “ngó nghiêng” qua nước Pháp với những chính sách ưu đãi cho du học sinh thuộc hàng top trên thế giới. Những ưu điểm của du học Pháp gồm:
· Chi phí rẻ bậc nhất Châu Âu
Pháp có chính sách miễn học phí trong khối Châu Âu. Nếu bạn chọn trường Công lập, sẽ chỉ phải đóng một khoản phí ghi danh (phụ thuộc vào từng bậc học). Còn lại, học phí sẽ được cộng vào chi phí sinh hoạt khi lập dự kiến ngân sách du học. Còn lại, nếu học trường Tư thục thì sinh viên sẽ phải chấp nhận chi phí cao hơn so với mặt bằng Công lập.
Đặc biệt, chi phí đào tạo bằng tiếng Anh tại Pháp rẻ hơn hẳn so với các nước trong cộng đồng nói tiếng Anh là lợi thế rất lớn với người học. Tín chỉ chung Châu Âu còn giúp sinh viên tốt nghiệp không chỉ dễ dàng xin việc tại Pháp mà còn trên toàn cầu.
· Thực tập có hưởng lương
Nếu lo ngại học phí trường tư đắt, sinh viên sẽ được Chính phủ Pháp hỗ trợ thực tập có hưởng lương, dựa vào năng lực và xếp hạng của trường. Tuy nhiên, lưu ý rằng chính sách này chỉ áp dụng cho sinh viên theo học trường Tư thục.
Ngoài ra, sinh viên quốc tế vẫn được phép kiếm việc làm thêm trong thời gian học tập. Nếu trong thời gian học tiếng tại Pháp, các bạn trẻ có thể đi làm ngay từ năm đầu tiên với điều kiện sở hữu giấy phép làm việc tạm thời (APT) do Sở lao động việc làm cung cấp.
· Các ưu đãi khác
– Trợ cấp nhà ở: Du học sinh có thể xin Chính phủ trợ cấp nhà ở theo diện CAF.
– Hệ thống an sinh xã hội đảm bảo: Securite sociale (hệ thống an sinh xã hội) sẽ chi trả 1 phần tiền thuốc men, khám bệnh khi du học sinh bị ốm.
– Đi lại tự do trong khối Schengen: Sở hữu visa Pháp đồng nghĩa bạn có thể tự do thăm thú các nước Schengen thuộc Châu Âu vào kỳ nghỉ.
Ngoài ra, sinh viên quốc tế còn được ưu đãi khi mua vé tàu điện, tham quan các bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh, vv…
2. Du học Canada
Quốc gia Bắc Mỹ này nổi tiếng hàng đầu trong top các đất nước tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế. Bạn hẳn sẽ phải “lóa mắt” khi nhìn những ưu đãi sau:
· Học phí rẻ
Học phí tại Canada được xếp hạng rẻ trên thế giới, dù giá cả thay đổi phụ thuộc vào từng lĩnh vực. Tuy nhiên, so với người láng giềng Mỹ thì tiền học ở đây “dễ thở” hơn nhiều.
· Ưu đãi visa miễn chứng minh tài chính
Chính phủ Canada đã kết hợp cùng Hiệp hội các trường Cao đẳng và Học viện Canada (CICan) ban hành chính sách đơn giản hóa việc chứng minh tài chính và cấp visa cho du học sinh Việt (CES). CES được áp dụng cho 55 trường đại học, cao đẳng thuộc hiệp hội CICan.
· Vừa học vừa làm cùng chính sách CO-OP
CO-OP (Co-operative Education Programs) là khóa học để sinh viên áp dụng lý thuyết được học vào thực tiễn công việc. Nếu bạn chọn chương trình bao gồm kì học CO-OP thì đây là hoạt động lấy điểm bắt buộc. Du học sinh có thể làm việc tại các công ty, nhận lương và được tính tín chỉ như trong môn học.
· Chính sách định cư cởi mở
Sau khi tốt nghiệp đại học hoặc bậc sau đại học, sinh viên quốc tế được chính phủ Canada cho ở lại làm việc từ 1 đến 3 năm. Qua năm đầu tiên, họ hoàn toàn được quyền nộp hồ sơ định cư. Một số địa phương còn có chính sách vô cùng cởi mở cho những ai muốn ở lại Canada, cụ thể: du học sinh tốt nghiệp các trường thuộc bang Manitoba có quyền xin định cư sau 6 tháng mà không cần xét điểm hay người bảo lãnh, người ở bang Ontario được xin Permanet Resident trong thời gian chuẩn bị tốt nghiệp mà không cần có việc làm, vv…
3. Du học Úc
Úc cũng là điểm đến đầy hấp dẫn trong những năm gần đây, không chỉ bởi nền giáo dục tân tiến mà còn do các chính sách ưu tiên của Chính phủ nhằm thu hút nhân tài toàn cầu.
· Chính sách visa SSVF
Visa SSVF (Simplified Student Visa Framework) được Chính phủ Úc áp dụng từ tháng 6/2016 được hứa hẹn giản tiện hơn thủ tục xin visa trước đó. Thay vì 8 loại visa như chính sách cũ, SSVF chỉ còn 2 mục là Student Visa (subclass 500) và và Student Guardian Visa (subclass 590).
Để nhận visa SSVF, các sinh viên tới từ quốc gia có tỉ lệ rủi ro nhập cư cao sẽ cần nhiều giấy tờ chứng minh tài chính hơn để đảm bảo khả năng chi trả học phí, phí sinh hoạt vv… trong thời gian tại Úc.
· Làm thêm trong thời gian học
Visa du học cho phép học sinh, sinh viên làm thêm 20 tiếng/tuần và không giới hạn thời gian khi bước vào kỳ nghỉ. Tuy nhiên, muốn đi làm, bạn cần xin giấy phép (work permit) tại Cơ quan Di trú (DMIA).
· Cho phép người thân sang cùng
Úc cho phép người giám hộ đi kèm học sinh trong tuổi vị thành niên học tập tại quốc gia này. Điều kiện là người ấy phải trên 21 tuổi, có quyền giám hộ hợp pháp và đảm bảo tài chính trong thời gian sinh sống tại đây.
· Ở lại sau tốt nghiệp
Sau tốt nghiệp, du học sinh Úc được quyền ở lại 18 tháng để tìm việc theo diện visa Subclass 485.
4. Du học New Zealand
Giống “người hàng xóm” Úc, New Zealand cũng có vô vàn chính sách nhân tài đến từ mọi nơi trên thế giới.
· Đa dạng về học bổng
Chính phủ New Zealand đặc biệt quan tâm tới thị trường Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), qua đó cung cấp rất nhiều học bổng, trải dài ở nhiều bậc học cho học sinh, sinh viên.
· Ưu đãi về visa
Từ năm 2012, New Zealand đã áp dụng Pathway Student visa dành cho du học sinh, có thời hạn lên đến 5 năm. Khi có loại thị thực này, bạn có thể học tập 3 khóa liên tục mà không cần gia hạn như trước.
· Dễ dàng tìm việc làm thêm
Cũng giống Úc, sở hữu visa du học đồng nghĩa với việc bạn có 20h làm thêm mỗi tuần và không giới hạn thời gian làm việc vào kì nghỉ. Ngoài ra, khi đi thực tập hoặc có yêu cầu đặc biệt từ trường, bạn có quyền làm vượt số giờ quy định. Tương tự, nghiên cứu sinh của bậc Thạc sĩ và Tiến sĩ có thể làm việc toàn thời gian khi học.
· Bảo trợ du học sinh
New Zealand đã luật hóa Bộ quy chế Bảo trợ và chăm sóc sinh viên quốc tế, trong đó nêu rõ tiêu chuẩn cho các trường có sinh viên đa quốc gia theo học cùng quyền lợi của du học sinh tại đất nước này.
5. Du học Ireland
Còn có vẻ xa lạ trên bản đồ du học thế giới nhưng những năm gần đây, Ireland cũng là một lựa chọn không tồi cho học sinh, sinh viên có mong muốn thụ hưởng nền giáo dục Châu Âu.
· Giá cả sinh hoạt thấp
Chi phí sinh hoạt tại Ireland có phần thấp hơn các nước láng giềng như Anh, Pháp,… và giá cả tại các bang, đảo đều rẻ hơn thủ đô Dublin. Thông thường, phí nhà ở tại quốc gia này rơi vào tầm 400 đến 700 euro/tháng, tiền ăn ở mức 50 – 90 euro/tuần.
· Tạo điều kiện để làm thêm
Sinh viên quốc tế tại Ireland có thể làm việc 20h mỗi tuần trong năm học. Vào kì nghỉ hè, thời gian làm việc 1 tuần lên tới 40h. Mức lương tối thiểu cao (tầm 9.15 euro cho 1 tiếng làm việc) cũng giúp bạn trang trải phần nào sinh hoạt phí nếu có ý định tới quốc gia này.
· Cơ hội ở lại sau tốt nghiệp
Chính phủ Ireland mới đây đã ban hành quy định cho phép sinh viên tốt nghiệp ở lại quốc gia này kiếm việc làm trong 6 tháng. Một khi có việc, bạn có quyền nộp đơn xin giấy phép lao động hoặc thẻ cư trú (green card).
Cá Domino (SSDH) – Theo eduvietglobal.vn