Sẵn sàng du học – Từ bánh tráng gánh, bánh tráng trộn, nướng, cuốn, chiên… đều đã trở thành món ăn khoái khẩu không thể thiếu của các bạn trẻ Sài Gòn.
Từ khi xuất hiện đến nay, bánh tráng dường như đã góp phần vào nét văn hóa ẩm thực độc đáo ở Sài Gòn với rất nhiều loại đa dạng. Bánh tráng len lỏi khắp các nẻo dường, các con hẻm, góc phố, trước trường học… và vô tình trở thành món ăn vặt vô cùng hấp dẫn đối với các bạn trẻ nơi đây.
Thế nhưng, bạn sẽ giật mình khi cố tình tìm xem có bao nhiêu loại bánh tráng ở Sài Gòn. Bởi không chỉ có món bánh tráng trộn “huyền thoại” mà ở Sài Gòn còn “ẩn nấp” rất nhiều món bánh tráng ngon không kém cạnh. Hãy cùng tìm hiểu xem gia phả bánh tráng Sài Gòn tổng cộng có bao nhiêu loại bạn nhé.
Bánh tráng gánh
Bánh tráng gánh là từ dùng để chỉ chung cho các thế hệ bánh tráng đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn. Các loại bánh tráng này hầu như đều xuất xứ từ Tây Ninh với rất nhiều loại đa dạng và vô cùng hấp dẫn. Kể từ khi mới xuất hiện ở Sài Gòn, các gánh hàng rong với những bịch bánh tráng treo lủng lẳng đã trở thành hình ảnh vô cùng thân thuộc và bình dị trên khắp các nẻo đường, con phố. Với giá cả rất bình dân khoảng 2 – 4k/ bịch nên các loại bánh tráng này đã nhanh chóng trở thành món ăn vặt vui miệng của biết bao thế hệ trẻ sinh sống và học tập nơi đây.
Bánh tráng gánh có rất nhiều loại đa dạng. Đơn giản nhất là loại bánh tráng tẩm muối ớt mặn mặn cay cay, khi ăn chỉ đơn giản là xé từng miếng bánh cho vào miệng, lúc này bánh sẽ mềm ra và có độ dai dai rất dễ ăn. Hoặc có loại bánh tráng ống cuộn ruốc bên trong được phết thêm chút mỡ hành ăn vừa ngon ngọt, ngậy béo.
Nếu bạn thích ăn cay thì có thể chọn loại bánh tráng trộn sa tế và muối ớt. Các bịch bánh tráng này hầu như đã được cắt nhỏ và trộn sẵn nên bạn chỉ việc mua và thưởng thức chứ không cần mất thời gian chờ người bán trộn cho.
Ngoài ra, cũng có loại bánh tráng tự trộn, tức là người bán sẽ kèm sẵn các bịch gia vị như đậu phộng, hành phi cùng nước sốt me hoặc trái tắc (quất) để sau khi mua về thì người ăn tự trộn lấy hoặc tự cuốn lấy và thưởng thức. Nếu thích ăn trộn thì bạn cứ cắt nhỏ bánh tráng ra rồi cho hết các gia vị vào và trộn đều, còn nếu thích ăn cuốn thì bạn cũng cho gia vị lên bánh tráng rồi cuốn tròn lại, sau đó chấm nước sốt me và thưởng thức. Chỉ nhắc qua thôi là mùi bánh tráng, mùi me chua, mùi ớt cay đã bay thoang thoảng trong trí nhớ rồi đúng không?
Tính chất của các gánh hàng rong bánh tráng này là di động nên bạn có thể vô tình bắt gặp ở bất cứ nơi đâu, từ các con đường lớn, các hẻm nhỏ, trước trường học, khu vui chơi, công viên… Ngoài ra, ở Sài Gòn thì điểm tập kết các loại bánh tráng đông đảo nhất là trên cánh đường Nguyễn Hữu Thận, đối diện với chợ lớn Bình Tây. Nơi đây được ví như là thiên đường của các loại bánh tráng tại Sài Gòn. Tuy nhiên, các gánh hàng rong, xe đẩy bán bánh tráng ở đây chỉ nhộn nhịp vào khoảng chiều tối, bởi ban ngày thì các gánh hàng này bận rong ruổi khắp các con phố phục vụ khách hàng trên muôn nẻo đường.
Bánh tráng trộn
Bánh tráng trộn có thể xem là thế hệ thứ 2 của bánh tráng ở Sài Gòn. Bắt nguồn từ các bịch bánh tráng trộn sẵn giá rẻ, nhu cầu của thực khách bắt đầu cao hơn, muốn thưởng thức bánh tráng trộn chất lượng hơn. Do đó, bánh tráng bắt đầu được trộn tại chỗ với đa dạng các nguyên liệu như trứng cút, khô bò, khô mực, ruốc (chà bông) thịt, rau thơm, đậu phộng, xoài xanh cùng các loại nước sốt chua cay…
Lâu dần, bánh tráng trộn ở Sài Gòn không chỉ có những gánh hàng rong mà bắt đầu xuất hiện các xe đẩy cao cấp, các điểm bán cố định nổi tiếng và tất nhiên là trộn cũng chuyên nghiệp hơn, chất lượng cũng được nâng cấp, giá tiền cũng đắt hơn.
Bánh tráng trộn hiện nay có giá từ 10 – 20k và ngoài các gánh hàng rong, xe đẩy rong khắp đường phố thì bạn cũng có thể tìm đến vài địa chỉ bánh tráng trộn nức tiếng Sài Gòn như bánh tráng trộn chú Viên ở quận 5, bánh tráng trộn Long ở quận 3, bánh tráng trộn cô Thảo ở quận 5, bánh tráng trộn “nghệ sĩ” ở Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh…
Bánh tráng kẹp
Bánh tráng kẹp được du nhập từ miền Trung và trở thành món ăn vặt không thể bỏ qua của giới trẻ Sài Gòn. Có 2 loại bánh tráng kẹp là bánh tráng giòn và mềm. Bánh kẹp giòn thường có giá khoảng 5k còn bánh tráng mềm có giá khoảng 10k.
Bánh tráng kẹp cũng có nhiều hương vị khác nhau như bánh tráng kẹp pa tê, bánh tráng kẹp trứng cút ốp la, bánh tráng kẹp khô bò, bánh tráng kẹp mắm ruốc… Và khác với bánh tráng nướng, bánh tráng kẹp đã được cắt sẵn thành từng miếng nhỏ nên dễ cầm và thuận tiện hơn khi ăn.
Bánh tráng sau khi được cho các nguyên liệu theo yêu cầu sẽ được đặt lên vỉ nướng giòn. Khi ăn, thực khách sẽ cho nước chấm lên bánh rồi kẹp lại và thưởng thức. Hoặc có khi khách sẽ chấm hẳn bánh vào nước chấm để đậm vị hơn.
Một trong những quán bánh tráng kẹp nổi tiếng hiện nay ở Sài Gòn là quán bánh tráng kẹp dì Hoa trên đường Tôn Thất Thuyết, quận 4. Và nếu ghé qua đây vào giờ cao điểm khoảng 5 – 6 giờ chiều thì có lẽ bạn sẽ đợi hơi “dài cổ” vì lúc này quán cực kỳ đông khách.
Bánh tráng nướng
Bánh tráng nướng ở Sài Gòn vốn được mệnh danh là “pizza Đà Lạt” vì nó có cũng bắt nguồn từ xứ sở sương mù. Khi vừa mới xuất hiện, món bánh tráng nướng đã từng “gây bão” trong cộng đồng giới trẻ nơi đây. Bánh tráng được nướng giòn giòn lại cho thêm nhiều topping hấp dẫn như thịt, gà xé, phô mai, hải sản, trứng, xúc xích, ruốc khô… tạo đủ vị cay, béo, ngọt, mặn mà chỉ nghĩ đến thôi là đã đủ thấy thèm rồi.
Nếu rảnh rỗi chạy dọc con đường Cao Thắng vào buổi tối, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi rất nhiều quán bánh tráng nướng “đóng quân” tại đây. Đây là những quán vỉa hè bình dân, thực khách trẻ cũng ngồi ngay trên vỉa hè thưởng thức. Không gian buối tối ngoài trời mát mẻ lại ngồi thưởng thức bánh tráng nướng nóng hổi, thơm lừng rồi “tám” đủ chuyện trên trời dưới đất thì đúng là không có buổi tối nào thú vị hơn.
Ngoài tuyến đường Cao Thắng thì món bánh tráng nướng cũng xuất hiện ở những nơi các bạn trẻ thường đến vui chơi như phố đi bộ Nguyễn Huệ, hồ Con Rùa, công viên 30/4… Mỗi phần bánh tráng nướng thế này dao động từ 10 – 20k thôi bạn nhé.
Bánh tráng cuốn
Cũng là các nguyên liệu khô cơ bản như xoài, trứng, rau răm… nhưng thay vì trộn đều thì món bánh này lại cuốn giống như gỏi cuốn hoặc bò bía. Bánh tráng khô được thấm chút nước cho mềm rồi cuốn các nguyên liệu bên trong khi ăn rồi chấm với nước sốt đặc biệt của quán.
Ngoài ra, có nơi bánh tráng sau khi cuốn xong sẽ được cắt ra thành khoanh nhỏ rồi cho thêm xoài xanh, sốt mayonnaise, dầu tỏi phi thơm và nước sốt đậm đà vào nên đĩa bánh tráng cuốn vừa nhìn qua đã thấy vô cùng hấp dẫn và khó cưỡng rồi.
Mặc dù không đông đảo như bánh tráng trộn nhưng bánh tráng cuốn ở Sài Gòn cũng có rất nhiều quán đáng để thử qua như bánh tráng cuốn dì Hồng ở quận 4, bánh tráng cuốn cô Giang ở Phú Nhuận, bánh tráng cuốn dì Mai ở chợ Hồ Thị Kỷ, bánh tráng cuốn bà Bắc ở quận 4… Mỗi quán đều có hương vị khác nhau nên mang đến nhiều trải nghiệm ẩm thực thú vị hơn cho các thực khách ghé qua.
Giá bánh tráng cuốn cũng khá bình dân khoảng 3 – 4k/cuốn, tuy nhiên có nơi chất lượng thì lên đến 6k/cuốn nhưng rẻ nhất hiện nay là 1,5k/ cuốn, một hộp 10 cuốn chỉ mất 15k mà no căng cả bụng.
Bánh tráng chiên giòn
Với phần nhân gồm các nguyên liệu đa dạng như ruốc (chà bông) thịt, trứng cút, pa tê, xúc xích, mỡ hành… được cuốn trong bánh tráng và mang đi chiên giòn. Đây là món rất hợp khẩu vị đối với các bạn thích vị chiên rán nhiều dầu, béo ngậy.
Bánh tráng sau khi chiên xong sẽ được cắt ra thành khoanh nhỏ rồi cũng được cho thêm các nguyên liệu khô khác như xoài xanh cắt sợi, nước sốt bò, nước sốt me, mayonnaise… nên hương vị rất đậm đà và đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, đặc biệt là cực béo ngậy.
Mỗi phần bánh tráng cuốn chiên giòn có giá trung bình khoảng 20k cho một hộp đầy tràn và no ứ bụng. Nếu muốn thưởng thức món bánh tráng mới lạ này thì bạn có thể ghé qua các điểm bán nổi tiếng như bánh tráng chiên Đặng Văn Ngữ (Phú Nhuận), bánh tráng chiên Hậu Giang (quận 6), bánh tráng chiên Lê Hồng Phong (quận 10), bánh tráng chiên Dì 6 trên đường Ông Ích Khiêm (quận 11)…
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14.vn