Sẵn sàng du học – Có thể nói với "Don’t Cry Mommy", đạo diễn Kim Yong Han đã hoàn thành tốt sứ mệnh cảnh tỉnh và lên án tội ác trong xã hội, không để cho chúng có cơ hội ẩn mình trong lớp bụi thời gian và biến mất trong tâm trí của người đời.
Không phải tự nhiên mà điện ảnh đóng vai trò quan trọng đến vậy trong đời sống văn hoá của con người. Không chỉ là phương tiện giải trí, đôi lúc điện ảnh còn thực hiện nhiệm vụ tái hiện và phản ánh những điều bất cập trong cuộc sống hiện thực, nhắc đến những điều mà ít ai nhắc đến, kể những câu chuyện mà ít ai dám kể, hoặc đôi khi, nhớ về những việc mà ít ai dám nhớ. Lúc bình thường, điện ảnh là chuyến tàu lượn để thoát khỏi hiện thực nhưng đến khi cần thiết, nó cũng có thể là tiếng thét cảnh tỉnh lôi con người ta trở lại với hiện thực.
Năm 2012, tưởng như dư luận Hàn Quốc đã lãng quên vụ án hãm hiếp của 41 nam thanh niên đối với một nữ sinh 15 tuổi xảy ra 8 năm về trước thì bộ phim Don’t Cry Mommy (Mẹ Ơi Đừng Khóc) của đạo diễn Kim Yong Han chính thức ra mắt. Sự xuất hiện của tác phẩm như một lần nữa đào sâu thêm nỗi đau trong quá khứ, nhắc nhở chúng ta rằng không bao giờ được phép lơ là trước tội ác, không được để mặc cho nỗi đau của nạn nhân trôi vào lãng quên.
Nội dung bộ phim kể về cuộc sống của Eun Ah (Nam Bo Ra), một nữ sinh cấp 3. Sau khi bố mẹ ly hôn, cô bé chuyển đến sống cùng mẹ (Yoo Sun) và học ở một ngôi trường mới. Tại đây, em cảm nắng một học sinh lưu ban nhưng đẹp trai là Jo Han (Shin Dong Ho). Dù được bạn bè cảnh báo là đừng lại gần nhưng Eun Ah vẫn cố tình tiếp cận để lấy lòng cậu ta.
Vào một ngày nọ, Jo Han đồng ý gặp riêng cô bé. Tuy nhiên, Eun Ah không thể ngờ được rằng cuộc đời của em đã trở thành bi kịch chỉ sau ngày hôm đó. Jo Han và nhóm bạn của cậu ta đã lần lượt cưỡng bức Eun Ah rồi quay clip, đe doạ rằng nếu cô bé không chịu im lặng thì sẽ công khai đoạn phim này trên mạng xã hội.
Kể từ đó, tinh thần của Eun Ah bị khủng hoảng trầm trọng. Mặc dù mẹ của cô bé đã đưa đơn kiện thủ phạm ra trước toà nhưng vì các hung thủ đều chưa đủ tuổi vị thành niên nên mức phạt cao nhất chỉ là vài tháng tù treo. Chưa hết, sau khi hả hê vì thắng kiện, nhóm thanh niên côn đồ còn tiếp tục nhắn tin đe doạ Eun Ah, gọi cô đến để tiếp tục cưỡng bức, nếu không bọn chúng sẽ tung clip lên mạng.
Quá uất ức, Eun Ah đã chọn cách tự sát vào đúng sinh nhật của mình để chấm dứt nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Trước khi chết, cô bé đã đặt một chiếc bánh kem có dòng chữ "Don’t cry, Mommy" (Mẹ ơi đừng khóc). Trước nỗi oan khuất không thể nào đong đếm được, người mẹ đã quyết định tự mình truy cầu công lý, bắt những kẻ dã thú kia phải trả giá bằng tính mạng.
Trả lời về lý do thực hiện bộ phim, đạo diễn Kim Yong Han nói rằng ông muốn đưa ra một lời cảnh tỉnh về vấn nạn này bằng cách "miêu tả cuộc sống của nạn nhân và gia đình họ một cách chân thực nhất có thể, cho thấy bạo hành tình dục có thể huỷ hoại tâm hồn một con người ghê gớm đến thế nào".
Ở nửa đầu phim, đạo diễn cố tình hạn chế việc dẫn dắt cảm xúc khán giả. Các góc máy đơn giản, tập trung vào các hoạt động đời thường của nhân vật như lái xe, nói chuyện, đi bộ,… hoàn toàn không sử dụng nhạc nền. Phải đến phút thứ 36 của bộ phim thì âm nhạc mới được sử dụng. Đó là khi Eun Ah một mình đi vào hang cọp nơi bọn côn đồ gọi em đến để thủ ác lần hai.
Nam Bo Ra, nữ diễn viên từng vào vai công chúa Minhwa lúc nhỏ trong phim truyền hình Mặt Trăng Ôm Mặt Trời, gây ấn tượng bởi khuôn mặt ngây thơ, trong sáng, đối lập hoàn toàn với hoàn cảnh bi thảm mà nhân vật phải chịu đựng. Người xem không khỏi nhói lòng khi chứng kiến cảnh Eun Ah bị nhóm thanh niên bắt ngồi chơi đàn Cello để chúng quay phim lại sau khi vừa bị cưỡng hiếp. Một phân đoạn đầy ám ảnh, đánh thẳng vào tâm lý của người xem.
Tuy nhiên, đạo diễn đã có phần hơi non tay trong khâu kịch bản. Dù xuất hiện trong gần một nửa thời lượng nhưng vẫn có cảm giác sự có mặt của Eun Ah còn hơi ít. Lẽ ra, đạo diễn nên tạo ra nhiều không gian cho đời sống tâm lý của cô bé hơn. Giả dụ như có thêm nhiều cảnh miêu tả cảm nghĩ của cô bé về cuộc ly dị của bố mẹ, tại sao Eun Ah lại để ý và bị thu hút bởi Jo Han đến thế, thay vì chỉ là một vài tin nhắn và hộp bánh tự làm. Như vậy, khán giả sẽ đồng cảm hơn với bất hạnh của nhân vật cũng như sự căm phẫn dành cho những kẻ thủ ác sẽ cao hơn.
Cũng tương tự như vậy với vai diễn của Yoo Sun trong vai người mẹ đau khổ tuyệt vọng. Ở đầu phim, khán giả có ấn tượng rằng đây là một người mẹ giàu tình yêu thương nhưng vì mải đi tìm hạnh phúc mới sau cuộc hôn nhân đổ vỡ mà lơ là cuộc sống của con gái. Tuy nhiên, ấn tượng này dần phai mờ đi theo thời lượng của bộ phim và đến khi cô bắt đầu bước chân vào cuộc trả thù rồi thì người xem không còn cảm nhận thấy sự hối hận của một người mẹ vì không đủ quan tâm mà đã đánh mất con mình đâu nữa.
Tuy nhiên, Yoo Sun vẫn làm tốt trong những cảnh miêu tả cảm xúc đau khổ tột cùng của nhân vật. Khuôn mặt sững sờ và bất lực khi chứng kiến đoạn clip đe doạ trong máy điện thoại của Eun Ah, tiếng hét uất nghẹn và đôi mắt căm thù không khoan nhượng – người mẹ của Yoo Sun hiện lên như một con người đã không còn gì để mất, chỉ còn biết cách bấu víu vào công lý do chính tay mình tạo ra trong khi cảnh sát và toà án đều đã quay lưng.
Vào thời điểm ra mắt, Don’t Cry Mommy đã tạo ra một làn sóng dư luận khá mạnh mẽ trong xã hội. Sau bộ phim, những thông tin về vụ án năm xưa đã được cộng đồng lật lại và theo dõi triệt để. Dù thoát án và đã trưởng thành nhưng những kẻ thủ ác năm xưa vẫn bị xã hội lên án và tẩy chay quyết liệt. Có thể nói với tác phẩm của mình, đạo diễn Kim Yong Han đã hoàn thành tốt sứ mệnh của một bộ phim trong vai trò cảnh tỉnh và lên án tội ác trong xã hội, không để cho chúng có cơ hội ẩn mình trong lớp bụi thời gian và biến mất trong tâm trí của người đời.
Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14