SSDH – Với một nền giáo dục phát triển, du học Đức đang là sự lựa chọn hàng đầu của rất nhiều các bạn trẻ Việt Nam hiện nay.
Bên cạnh đó cũng đã có một thế hệ sinh viên đã từng “gửi gắm” những năm tháng tuổi trẻ của mình trên ghế giảng đường Đại học Đức, nay đã về Việt Nam sống và làm việc. “Nước Đức trong kí ức bạn bây giờ như thế nào?” là câu hỏi đã được đặt ra cho rất nhiều các cựu du học sinh và phần lớn, tất cả đều nói rằng họ rất nhớ nước Đức và khâm phục tính cách của những con người ở đất nước này: thông minh và kiên cường. Thư, một cựu du học sinh ở Berlin phát biểu: “Tôi rất thích phong cách làm việc của người Đức, họ có những nguyên tắc mà bạn phải tuân theo nhưng lại không hề gò bó mà rất thoải mái”, nhiều bạn khác thì lại nhớ những năm tháng đi làm thêm ở Đức trong thời gian học, những điều mà trước đây khi ở Việt Nam họ hầu như chưa từng biết đến. Một điều khá thú vị nữa là hầu hết các bạn nam đều rất nhớ bia và xúc xích Đức, còn các bạn gái thì lại nhớ cuộc sống thanh bình ở đất nước tươi đẹp này. “Tôi nhớ những ngày mùa hạ, nằm phơi mình trên những thảm cỏ xanh, vừa đọc sách, vừa tận hưởng sự bình yên của cuộc sống. Tôi nhớ cả những buổi chiều lang thang không biết chán dọc dòng sông Rhein, ngắm nhìn dòng người qua lại, cuộc sống thật dễ chịu” là lời tâm sự của Trang – cựu học sinh ĐH Bonn.
Rất nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam từng sống và du học ở Đức khi trở về đều mang theo rất nhiều nỗi nhớ. Mời bạn cùng phóng viên của Tạp chí Hương Việt “gặp lại“ những cựu du học sinh này và lắng nghe những tâm sự của họ.
1. Nguyễn Tuấn Anh
Nguyễn Tuấn Anh đã có gần 6 năm sống và học tập tại CHLB Đức
Mình đã có gần 6 năm sống và học tập tại CHLB Đức. Trước khi quay trở về Việt Nam mình đã theo học ngành chế tạo máy – Roboter (Master) tại đại học Hannover (LUH). Những năm tháng sống và học tập ở Đức có lẽ cũng là những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất của mình. Kỷ niệm về những người Đức tốt bụng luôn nhiệt tình giúp đỡ , kỷ niệm về những lần lang thang trên con đường vắng và gặp một người hoàn toàn xa lạ với nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt, kỷ niệm về một giáo sư già tận tâm giúp đỡ mình trong những ngày gần thi cử. Những năm tháng sống và học tập ở Đức, hành trang tôi mang theo khi trở về không chỉ là về tri thức, công nghệ được học trên giảng đường mà còn là hành trang về tư duy, cách nghĩ, ý thức và lối sống nữa. Ví dụ ngày xưa mình có thể vô tư vượt đèn đỏ khi đi đường mà không đắn đo suy nghĩ gì nhiều, còn giờ thì tuân thủ luật giao thông một cách tuyệt đối. Ngày xưa mình ít khi xin lỗi hay cảm ơn ai đó còn giờ thì luôn là thế. Rõ ràng là mọi thứ đều thay đổi, nói không ngoa thì nước Đức làm mình hiểu thế nào là một cuộc sống “văn minh”. Nói theo quan điểm triết học thì môi trường tác động tới con người, và đúng như thế thật. Mình được sống trong một môi trường mang tính kỷ luật và chuẩn mực rất cao thế nên sự tiếp thu những phong cách sống đó nó dần hình thành trong mình theo thời gian. Sau những năm tháng sống ở Đức, khi trở về Việt Nam mình cũng bỡ ngỡ rất nhiều với môi trường làm việc cũng như phong cách sống. Ví dụ ở Đức 8h là 8h, nhưng ở Việt Nam thì có khi 8h là 10h hay ở Đức, việc ai người đó làm, họ càng tránh va chạm hay xung đột lợi ích của nhau càng tốt. Vì thế nên tại sao mỗi người Đức khi làm gì gây hại liên quan đến người khác họ đều tỏ ra rất lo lắng thật sự. Nhưng ở Việt Nam mọi thứ đều bình thường. Nước Đức có rất nhiều cái để các bạn trẻ Việt Nam ngày nay học tập, đó là trách nhiệm và nhận thức. Nếu trình độ nhận thức được nâng lên, họ sẽ hiểu thế nào là đúng, thế nào là sai, là tốt hay là xấu và có thế thì một xã hội mới tiến bộ được. Cho đến bây giờ mỗi lần nghĩ về nước Đức mình luôn mang trong lòng cảm giác bồi hồi và xúc động, khi nào có điều kiện mình sẽ trở lại nước Đức. Sẽ đi những chuyến tàu điện đến trường, sẽ ngồi vào những giảng đường của một thời sinh viên để lại một lần được nghe giảng. Sẽ đi hái dâu tây tại những thửa ruộng dâu, sẽ chụp những tấm ảnh mà trong đó có bầu trời trong xanh tuyệt đẹp của mùa hè nước Đức hay sẽ đi dạo khi những bông tuyết đang rơi đầy trên áo. Nước Đức đã là một phần của mình, mình yêu nước Đức và cảm thấy tự hào mỗi khi đội tuyển bóng đá Đức thắng một đội nào đó.
2. Lê Thu Huyền
Lê Thu Huyền từng là nghiên cứu sinh ngành GTVT tại Đại học Kỹ thuật Darmstadt
Tôi là giảng viên trường Đại học Giao thông Vận tải. Từ 2006-2009, tôi được học bổng nhà nước tham gia chương trình đào tạo nghiên cứu sinh ngành GTVT tại Đại học Kỹ thuật Darmstadt. Sau hơn 3 năm sống và làm việc, nước Đức đã trở thành mảnh đất rất gắn bó đối với tôi. Những kỷ niệm về nước Đức rất nhiều và đến nay vẫn còn tràn đầy mầu sắc và tình cảm trong tôi. Đặc biệt là những con người, những người bạn Đức, các bạn sinh viên quốc tế, các bạn Việt nam trên nước Đức. Trong những năm tháng sống và học tập ở nước Đức, bên cạnh kiến thức chuyên môn, tôi cũng có dịp được tiếp xúc và làm việc với các giáo sư giầu kinh nghiệm, các đồng nghiệp vững vàng về chuyên môn, phương pháp làm việc và nghiên cứu khoa học một cách bài bản và hệ thống. Tôi cũng có dịp được tham gia những hoạt động ngoại khóa với sinh viên, với các tổ chức như DAAD, IGM, v.v… Từ đó, có điều kiện học hỏi và rèn luyện khả năng làm việc, tổ chức công việc của cá nhân, cũng như trong tập thể. Theo tôi, đó cũng là điều mà các bạn trẻ Việt nam có thể học tập ở nước Đức: tính kỷ luật, tổ chức và khoa học. Thật ra, nước Đức có một từ mà tôi không biết chọn từ nào cho phù hợp trong tiếng Việt: ORDNUNG. Sau khi về Việt nam, tôi tiếp tục làm việc trong trường Đại học Giao thông Vận tải, cơ quan tôi đã làm việc trước đây. Trong môi trường giáo dục và nghiên cứu, tôi vẫn có cơ hội liên lạc và làm việc với các trường, các cơ quan nghiên cứu của Đức. Với tư cách là alumni của DAAD, trong tương lai, tôi cũng có kế hoạch quay trở lại Đức theo chương trình “học bổng nhắc lại” để thực hiện các nghiên cứu khoa học, cập nhật các thông tin và kiến thức mới, cũng như hợp tác đào tạo với các cơ quan, trường Đại học của Đức.
3. Nguyễn Duy Ninh
Sau sáu năm học về CNTT ở Uni Erlangen – Nürnberg tôi đã trở về Việt Nam và làm cho một công ty của Đức. Tôi còn nhớ rất rõ hôm đó là ngày đầu tiên tôi xuống Erlangen, sau một hồi lạc đường với chiếc bản đồ và địa chỉ đến lớp học tiếng, đang loay hoay không biết làm sao vì lúc đó là sáng sớm trên đường gần như không có ai để hỏi thì một cụ bà tóc trắng với khuôn mặt phúc hậu được trang điểm nhẹ nhàng đi xe đạp tiến lại gần tôi hỏi “Kann ich Ihnen helfen?” tôi như vớ được vàng bập bẹ mấy câu tiếng Đức để hỏi đường, sau khi bà cụ nói một tràng cách tìm đến địa chỉ tôi cần rồi hỏi tôi có hiểu không, thấy tôi ậm ừ bà cụ liền hiểu ra vấn đề và bảo “Folgen Sie mir”, nói xong bà cụ xuống xe và dắt xe đi bộ cùng tôi, vừa đi bà cụ vừa hỏi chuyện tôi rất thân thiện. Đi được một đoạn xa tôi bảo bà cụ là tôi tự đi được không cần cụ đưa đi nữa nhưng cụ nhất định đưa tôi đi tiếp, qua nói chuyện tôi được biết bà cụ đang trên đường đi chợ, khi biết thế tôi càng cảm thấy áy náy và bảo cụ cứ đi chợ đi nhưng cụ nhất định đưa tôi đến tận nơi, khi đến nơi cụ còn đứng chờ cho đến lúc có người ra đón tôi cụ mới chào và đi. Sự giúp đỡ tận tình và đầy trách nhiệm của cụ bà hôm đó thật sự đã khiến tôi rất cảm động. Đó là trải nghiệm đầu tiên và có lẽ cũng là ấn tượng nhất của tôi về tinh thần trách nhiệm của người Đức. Người Đức không chỉ thể hiện đức tính đó trong công việc mà người ta có thể tìm thấy đức tính đó trong từng lời nói và hành động của họ. Hầu hết những câu chuyện khiến tôi nhớ mãi không quên đều là những câu chuyện hết sức đời thường nhưng chính vì thế nó nói lên rất nhiều điều và tôi đã có được những bài học không thể nào quên từ những câu chuyện bình dị đó. Tôi còn nhớ lúc mới sang trong một lần đi dạo quanh khu mình ở tôi thấy một người phụ nữ trẻ ăn mặc khá đẹp có dắt theo một con chó nhỏ, trong lúc dắt chó đi dạo tôi thấy con chó dừng lại và tìm chỗ đi đại tiện, lúc đó tôi cũng không để ý vì chuyện này hoàn toàn bình thường, sau khi chú chó nhỏ giải quyết xong nỗi buồn thì người phụ nữ cúi xuống lúi húi làm gì đó, về sau tôi mới biết người phụ nữ đó cúi xuống thu gom những gì chú cún vừa thải ra vào một cái bọc đặc biệt để mang đi vứt, khi biết điều đó tôi thực sự ngạc nhiên và suy nghĩ rất nhiều, tự hỏi tại sao dân người ta lại có ý thức cao đến thế, tự nhủ không biết đến bao giờ người dân mình mới có được một phần ý thức như họ.
Trên chỉ là một vài kỉ niệm đáng nhớ trong rất nhiều kỉ niệm cả vui lẫn buồn của tôi trong suốt thời gian học tập và làm việc ở Đức, ngay trong lúc viết những dòng này trong tôi có một cảm xúc khó tả, những kỉ niệm lại ùa vể với hình ảnh của những người bạn đến từ khắp nơi trên thế giới, những người bạn, người đồng nghiệp Đức vô cùng tốt bụng … Giờ đây mỗi khi nhớ lại nhứng kỉ niệm dù vui hay buồn tôi lại cảm nhận được vị “ngọt”, “ngọt” vì tất cả đều đem đến cho tôi hoặc những kỉ niệm đẹp không bao giớ quên hoặc những bài học vô giá đã khiến tôi trưởng thành hơn tự tin hơn mà nếu không ở Đức thì chắc tôi sẽ không thể có được, tôi thầm cảm ơn và trân trọng nó, vì tôi tin rắng nó sẽ không chỉ giúp ích tôi rất nhiều mà còn định hướng tôi trên suốt quãng đường phía trước.
Đông Đức (SSDH) – Theo Tạp chí Hương Việt