SSDH – Trong quá trình sinh sống và học tập ở nước ngoài, bên cạnh những khó khăn về việc sử dụng, giao tiếp bằng ngôn ngữ của nước sở tại thì sinh viên còn gặp khó khăn về tài chính, nhất là đối với các sinh viên đi du học tự túc.
Chính vì lẽ đó, rất nhiều bạn sinh viên đăng ký làm thêm ở các phòng thí nghiệm của trường, của khoa hoặc tìm kiếm các công việc làm cuối tuần, làm ngoài giờ học ở nhiều nơi trong thành phố. Mỗi công việc đều đem đến những thử thách, những đòi hỏi trong việc làm thế nào để sắp xếp hợp lý giữa việc học và việc làm thêm.
Bên cạnh đó, dù là công việc đúng với chuyên môn, đúng với ngành nghề mà các sinh viên đang theo học hay những việc làm “phổ thông” thì đều đem đến cho mỗi người những trải nghiệm, một chút thu nhập để trang trải trong việc học tập, sinh hoạt. Trong vô số những công việc mà các bạn du học sinh đang thực hiện thì dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cho sinh viên tại trường và cho những ai muốn tìm hiểu về văn hóa, con người Việt Nam đang được nhiều bạn lựa chọn.
Trau dồi ngoại ngữ, văn hóa, kiến thức chuyên môn
Để cải thiện khả năng giao tiếp, trau dồi kiến thức ngoại ngữ của bản thân, nhiều bạn đã đăng ký tham gia giảng dạy tiếng Việt tại các trung tâm ngoại ngữ của thành phố. Bạn Toàn Thắng (SV Đại học kỹ thuật Berlin) – người đã có “thâm niên” trong giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài chia sẻ: “Các lớp học thường diễn ra vào cuối tuần vì người học là những người đã đi làm nên thời gian không nhiều”.
Với bạn Minh Anh (Học viên Cao học ngành Kinh tế tại ĐH Magdeburg) thì “học trò” là những sinh viên tại trường, đang theo học cùng ngành nên ngoài những giao tiếp thoải mái trong các buổi dạy còn là những chia sẻ về văn hóa giữa các nước cũng như những “bí kíp” trong học tập, du lịch.
Bạn Quỳnh Hoa (Sinh viên dự bị Đại học tại Freiburg) thì “liều mạng” hơn khi đăng tin tìm người giúp đỡ về tiếng Đức và bạn sẽ hỗ trợ cho người muốn học tiếng Việt. Kết quả là đã tìm được một sinh viên cùng trường cực kỳ chăm chỉ, rất thân thiện và cũng muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam để đi du lịch và thậm chỉ là làm việc sau khi tốt nghiệp.
Thêm kinh phí để trang trải học tập
Ngoài những bạn sinh viên muốn tìm người giúp đỡ để cải thiện khả năng ngoại ngữ và thể hiện sự “có qua có lại” bằng việc dạy tiếng Việt miễn phí thì hầu hết các sinh viên tham gia công việc này đều có những thu nhập đáng kể hàng tháng.
Trên diễn đàn của các du học sinh tại châu Âu, bạn Đình Toàn chia sẻ vừa xin được vào dạy tiếng Việt tại một trung tâm ngoại ngữ mà thu nhập cũng ổn định hơn rất nhiều so với những việc làm thêm khác. Với những lớp “cấp tốc” thì người học luôn quan tâm nhiệt tình hơn với người dạy.
Bạn Nguyễn Minh (Học tại Leipzig) thì “may mắn” hơn vì sau một thời gian hướng dẫn tiếng Việt cho một gia đình người Đức đã được nhận làm con nuôi với sự hỗ trợ tài chính đến hết thời gian hoàn tất chương trình Đại học.
Thường các lớp “chính quy” để dạy tiếng Việt cho người nước ngoài hay những chương trình học “một thầy – một trò” đều có những quy định rõ ràng thể hiện qua hợp đồng giảng dạy mà kết thúc mỗi tháng tiền thu lao sẽ được chuyển qua tài khoản cá nhân của người dạy ở ngân hàng. Vì lẽ đó, các bạn du học sinh hoàn toàn yên tâm để làm việc cũng như cống hiến hết mình những gì mình biết.
Có rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống tại Đức và ngày càng nhiều sinh viên có nguyện vọng học tập tại đất nước này. Người Việt Nam, sinh viên Việt Nam luôn được đánh giá cao về tinh thần chịu khó, chăm chỉ trong học tập và đạt được những thành tích rất đáng tự hào.
Mỗi sinh viên Việt Nam, bằng nhiều “con đường” đã ngày càng quảng bá hình ảnh của một đất nước Việt Nam năng động, hòa bình và mến khách đến với nhiều người bên cạnh công việc học tập của mình.
Dạy tiếng Việt – một việc làm của các du học sinh bên cạnh việc đem lại những trải nghiệm thú vị cho mỗi người còn là một “cầu nối” về văn hóa, du lịch, kinh tế giữa nhiều nước khác nhau với Việt Nam.
Nguyễn Quốc Vỹ – Theo Dân Trí