Du học sinh tiết lộ những góc khuất khi học ở Mỹ

0

Sẵn sàng du học – Trung tâm tư vấn du học Mỹ không phải là cứu cánh cho du học sinh, bộ hồ sơ ấn tượng không nằm ở bảng thành tích dày đặc…

Tại tọa đàm “Góc khuất du học Mỹ” do Học viện Phát triển tư duy và kỹ năng IEG tổ chức ngày 13/8, Nguyễn Chí Hiếu – top 100 sinh viên xuất sắc thế giới năm 2006 và Hoàng Minh Tuệ – sinh viên Đại học Duke, người Việt đầu tiên đạt điểm SAT tuyệt đối 2400/2400 chỉ trong một lần thi, đã chia sẻ thẳng thắn về con đường du học Mỹ, từ quá trình nộp hồ sơ đến thực tế học tập.

Những câu chuyện ở trung tâm tư vấn du học

Nhiều phụ huynh và học sinh cho rằng có rất nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học như tài chính, tìm kiếm hoạt động ngoại khóa, điền giấy tờ hay tạo dựng “thương hiệu cá nhân”. Họ bắt đầu tìm đến trung tâm tư vấn du học mà ở đó số tiền bỏ ra càng lớn, cơ hội trúng tuyển trường top đầu của Mỹ càng cao.

Tuy nhiên, Hoàng Minh Tuệ, người Việt đầu tiên đạt điểm SAT tối đa, cho rằng mọi người không nên phụ thuộc quá nhiều vào trung tâm tư vấn. Không phủ nhận vai trò của những trung tâm này, nhưng với Tuệ những khó khăn được vạch ra, nếu có thể hãy tự mình giải quyết. 

Lớp 11, sau khi có một năm trải nghiệm học tập ở Mỹ theo học bổng trao đổi văn hóa, Tuệ trở về Việt Nam và bắt đầu hành trình chuẩn bị hồ sơ du học bậc đại học. Được mẹ dẫn đến nhiều trung tâm tư vấn du học được cho là uy tín, Tuệ đã phải trải qua những câu chuyện dở khóc dở cười.

“Do học một năm ở Mỹ, một số trung tâm định hướng hồ sơ của em theo kiểu hiểu biết sâu sắc về văn hóa, lịch sử, địa lý quốc gia này. Nhưng thực sự em không hiểu sâu vấn đề đó và thấy rất buồn cười khi phải làm theo ý thích của họ. Thậm chí, có trung tâm còn không hài lòng khi điểm học tập lớp 10 ở Mỹ của em khá bết bát”, Tuệ kể lại.

hoang-minh-tue

Hoàng Minh Tuệ thẳng thắn chia sẻ những câu chuyện trên con đường du học Mỹ. Ảnh: Dương Tâm

Về vấn đề tài chính, Tuệ tự tin hồ sơ của mình rất tiềm năng và có khả năng cao nhận được học bổng. Tuy nhiên, trung tâm tư vấn du học yêu cầu em phải đóng số tiền từ 10.000 đến 15.000 USD để chắc một suất vào trường top 20 của Mỹ. “Em đã khăng khăng chỉ đủ khả năng trả 5.000 USD. Họ nói không đảm bảo để vào trường tốt. Đó là lúc em cảm thấy may mắn nhất vì có thể tự làm một hồ sơ du học mà không cần qua trung tâm nào”.

Nghe câu chuyện của Tuệ, anh Nguyễn Chí Hiếu, top 100 sinh viên xuất sắc thế giới năm 2006, đặt ra câu hỏi để phụ huynh tự trả lời: “Một trung tâm tư vấn cho 20 người thì chỉ tập trung vào người xuất sắc, khả năng cao nhận học bổng của trường top để nâng cao tên tuổi trung tâm họ hay tập trung vào cả 20 người”? 

Cốt lõi của một bộ hồ sơ ấn tượng có nằm ở thành tích?

Hầu hết phụ huynh nhận thấy cần có kết quả học tập cao, bề dày hoạt động ngoại khóa, một cuộc phỏng vấn tự tin, một bài luận sáng tạo hay thư giới thiệu của tổ chức uy tín để gây ấn tượng với nhà tuyển sinh. “Phụ huynh và học sinh thường cố để đạt được những điều ấn tượng bề ngoài đó mà không nghĩ đến việc phải tự thay đổi những cái bên trong”, Tuệ nói.

Theo du học sinh này, điểm cao mà không giỏi thực sự, hoạt động ngoại khóa nhiều nhưng không có hoạt động nào ý nghĩa, phỏng vấn không có định hướng, nhân cách rõ ràng, cứ xu nịnh nhà tuyển sinh thì không gọi là ấn tượng.

“Ở cuộc phỏng vấn vào Đại học Duke, em đã nói sai ngành c của họ, không trả lời được câu hỏi về thử thách đạo đức. Nhưng rồi em vẫn qua. Một năm sau, em được ngồi vào Ban phỏng vấn tuyển sinh của trường Duke và nhận ra họ chẳng quan tâm gì đến câu trả lời của mình, điều họ quan sát là thái độ trả lời, phản ứng trước câu hỏi như thế nào”, Tuệ thông tin.

Về thư giới thiệu, học sinh thường tự viết, tâng bốc mình lên rồi dựa vào mối quan hệ để xin chữ ký của người có uy tín. Điều này không hề khó và không phải yếu tố tiên quyết để nhà tuyển sinh chú ý. “Muốn có một bộ hồ sơ khác biệt phải thực sự là một con người khác biệt”, nam sinh khẳng định.

Thực tế học tập ở Mỹ không “trải đầy hoa hồng” như nhiều người vẫn nghĩ. Hoàng Minh Tuệ khẳng định không phải điều gì ở Mỹ cũng lung linh. “Phương pháp giảng dạy ở xứ sở cờ hoa khác với Việt Nam, có nhiều thầy giảng hay nhưng cũng có nhiều người giảng rất dở”, Tuệ nói.

Tuệ cho biết khi mới vào năm học, sinh viên sẽ có hai tuần tham gia các lớp để có cơ sở đăng ký lớp học cho phù hợp. Sau khi đăng ký, dù thấy thầy giảng dở cũng phải theo tới cùng, vẫn phải hoàn thành yêu cầu của những lớp học đó. “Có lớp thầy giảng chán hơn nhiều học cấp ba ở Việt Nam”, Tuệ thẳng thắn so sánh.

Với anh Nguyễn Chí Hiếu, 10 giáo viên Mỹ dạy thì chỉ thích được hai thầy. Ở lớp của tám thầy còn lại, anh thà lấy tài liệu về tự học còn hơn. “Dù thầy giảng dở hay không thì việc tự học mới là yếu tố quan trọng nhất, đặc biệt khi khối lượng bài tập khó lớn gấp nhiều lần ở Việt Nam”, anh Hiếu khẳng định.

Không phải 100% học sinh vào trường top 20 của Mỹ đều hạnh phúc

Anh Hiếu thông tin một năm có ba đến bốn học sinh Việt Nam trúng tuyển Harvard. Sau thời gian ngắn theo học, ít nhất một người trong số họ bị vấn đề về tâm lý bởi nhiều lý do như điểm không cao, không phải học sinh giỏi của trường, không theo kịp người khác…

“Điều này không quá ngạc nhiên và không chỉ học sinh Việt Nam mới như vậy. Trường hàng đầu thế giới như MIT vẫn có sinh viên tự tử do vấn đề tâm lý”, anh Hiếu nói.

Theo cựu du học sinh ở Anh và Mỹ, có rất nhiều vấn đề, cám dỗ mà học sinh không có nền tảng vững chắc sẽ không thể tự giải quyết. Ví dụ, bạn cùng phòng dẫn bạn gái về ngủ, bạn mời hút thuốc, uống bia rượu hay rủ thuê xe đi chơi xa. “Đây là những vấn đề xảy ra hàng ngày khi học tập tại Mỹ. Nếu học sinh không có năng lực tự quyết định sẽ dễ bị sốc tâm lý”, anh Hiếu chia sẻ và cho biết bản thân từng nhiều lần rơi vào trường hợp như vậy.

Đặc biệt, có một sự thật mà ít người nhắc đến là sinh viên của trường càng danh tiếng thì xác suất bị hư càng cao. “Ở những trường nhỏ, xa trung tâm, cám dỗ sẽ ít hơn. Bên cạnh đó, do chỉ có ít sinh viên nên nhà trường dễ dàng quản lý hơn”, anh Hiếu nói.

Thái Hải (SSDH) –  Theo VnExpress
Share.

Leave A Reply