Ngọc Ánh và Kim Châu: hai cô bạn học ‘siêu’

0
SSDH – Hai nữ sinh Việt Nam là Lê Nguyễn Ngọc Ánh và Hứa Thị Kim Châu nằm trong nhóm 5 sinh viên tài chính Đại học La Trobe đã giành chiến thắng trong vòng thi toàn quốc của cuộc thi CFA Global Investment Research Challenge (Tạm dịch: Thách thức nghiên cứu đầu tư toàn cầu) do Viện CFA tổ chức.
0images

 

Tóm lược

 

  • Lê Nguyễn Ngọc Ánh sinh năm 1988, trước đây là học sinh chuyên Lý trường chuyên Lê Quý Đôn, thành phố Đà Nẵng. Vào năm 2006, Ánh đỗ thủ khoa Đại học Kinh tế Đà Nẵng và nhận được học bổng du học của thành phố Đà Nẵng.

     

  • Hứa Thị Kim Châu, cũng sinh năm 1988, vốn là một sinh viên Đại học Ngoại thương TP.HCM. Vào năm 2009, Châu sang Úc du học theo chương trình liên kết 2+2 giữa Đại học Ngoại thương TP.HCM và Đại học La Trobe, Úc.

     

Đây là một cuộc thi nhằm giúp sinh viên nâng cao kiến thức về tài chính và đầu tư thông qua việc nghiên cứu, đánh giá và viết một bản báo cáo về tình hình tài chính của một doanh nghiệp cụ thể.

 

Trong số bảy trường đại học của Úc tham gia, có bốn trường được chọn để trình bày báo cáo và nhóm của Ngọc Ánh và Kim Châu đã xuất sắc chiến thắng để giành được tấm vé tham dự vòng chung kết Châu Á được tổ chức tại Bali, Indonesia vào tháng 2/2011 với tư cách là đại diện cho nước Úc. Theo kế hoạch, vòng chung kết sẽ được tổ chức vào tháng 4/2011 tại Mỹ.

 

Vượt qua rào cản tiếng Anh

 

Điều thú vị là Ngọc Ánh và Kim Châu thời mới sang Úc du học đã từng gặp phải rào cản ngôn ngữ trong học hành lẫn giao tiếp với bạn bè.

 

Mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên Bay Vút, Ngọc Ánh cười bẽn lẽn và kể lại: “Vào năm đầu tiên khi học Đại học ở Úc, việc nghe và hiểu tiếng Anh là điều vô cùng khó khăn với em, nhất là khi em phải học chung với sinh viên Úc bản xứ trong các buổi hướng dẫn tìm hiểu sâu hơn kiến thức và làm bài tập (tutorial) ở trường. Vào thời điểm đó, thật sự là em không hiểu gì hết!”

 

Ngọc Ánh đã rất buồn tự hỏi: “Tại sao mình lại không hiểu gì khi các bè bạn sinh viên khác nói chuyện?”. Và cô bạn nhỏ nhắn nhưng đầy nghị lực này đã quyết tâm ‘chinh phục’ tiếng Anh sau một năm. “Thông thường ở Úc, một tuần các sinh viên chỉ lên lớp 12 tiếng nên không có nhiều cơ hội để kết bạn và giao lưu. Vì vậy, nếu mỗi người không tự tạo cơ hội để tiếp xúc và nâng cao tiếng Anh thì trình độ ngoại ngữ vẫn sẽ ‘dậm chân tại chỗ”, Ánh cho biết.

 

Cũng theo Ánh, một trong những cách hiệu quả nhất để nâng cao vốn tiếng Anh cũng như kiến thức là chăm nói chuyện và hỏi bài các giáo viên bản xứ.

 

Tương tự Ngọc Ánh, rào cản ngôn ngữ và văn hóa cũng là một trong những khó khăn của Kim Châu trong những ngày đầu đến Úc. Châu chia sẻ kinh nghiệm bản thân: “Em cố gắng làm quen với nhiều bạn đến từ các nước khác để nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. Việc hướng dẫn lại bài vở cho bạn học cũng là một cách rất tốt để giúp nâng cao kiến thức lẫn vốn tiếng Anh. Trong năm đầu đại học, em thường giảng bài cho một bạn Ấn Độ và em nhận thấy trình độ tiếng Anh của mình đã được nâng lên khá nhiều. Sau đó, em cũng tích cực giảng bài cho các bạn đến từ các nước khác, kể cả Úc”.

 

“Một số du học sinh chưa tận dụng triệt để môi trường học tập và môi trường sống để nâng cao tiếng Anh nên sau vài năm học ở Úc nhưng tiếng Anh vẫn không khá lên nhiều. Em cảm thấy đó là sự lãng phí cơ hội”, Châu bày tỏ.

 

Thủ khoa đi hái nấm

 

Ngọc Ánh sang Úc du học theo diện học bổng của thành phố Đà Nẵng nhưng vẫn phải tự túc một phần tiền sinh hoạt phí. Vì vậy, cô thủ khoa Đại học Kinh tế Đà Nẵng năm 2006 này vẫn phải đi làm thêm khá nhiều công việc như chạy bàn, bán bánh mì, bán sushi và gắn bó với công việc hái nấm hiện nay.

 

Ánh cho biết: “Đối với em, việc làm thêm không gây ảnh hưởng tới việc học và em cảm thấy mình không hề bị áp lực của việc vừa học vừa làm vì em luôn bố trí thời gian học một cách hợp lý”.

 

Kim Châu trước đây vốn cũng từng ‘kinh qua’ một số công việc làm thêm ở Úc và hiện nay, cô đang làm việc tại một tiệm bánh. “Đi làm thêm tạo ra áp lực về thời gian nên đòi hỏi em phải biết cách bố trí thời gian học hiệu quả hơn. Hơn nữa, việc làm thêm ở những cửa hàng có yêu cầu cao cũng giúp em nâng cao khả năng giao tiếp và học được nhiều điều trong cuộc sống”, Châu tươi cười cho biết.

 

Mặc dù đều phải đi làm thêm để tự trang trải cuộc sống đắt đỏ ở Úc nhưng thành tích học tập của hai cô bạn này đều rất đáng nể. Điểm trung bình của Châu đạt 83% (trên tổng số 100% – tương đương với 10 điểm), trong khi đó Ánh cũng ‘siêu’ không kém với số điểm trung bình 87% và các môn chuyên ngành đều trên 90%.

 

Vươn lên giành chiến thắng

 

Chia sẻ cho cái ‘sự liều’ của mình khi đăng kí tham dự cuộc thi CFA Global Investment Research Challenge (vốn có nhiều lợi thế hơn đối với các sinh viên cao học), Ánh và Châu cho biết mục đích ban đầu của hai bạn cũng chỉ muốn thử sức ‘cọ xát’ và học hỏi kinh nghiệm bởi ‘không thành công thì cũng thành nhân’.

 

Khó khăn lớn nhất của hai bạn trong quá trình tham dự kì thi này là làm sao để sắp xếp thời gian hợp lý, vừa học trên trường, vừa dành thời gian nghiên cứu để dự thi, lại vừa phải đi làm thêm trang trải cuộc sống.

 

“Đây là học kì cuối nên em và Ánh đều muốn đạt điểm thật cao để có cơ hội xin học bổng cao học. Mặc dù thời gian khá căng thẳng nhưng các thành viên đều có chung suy nghĩ là phải quyết tâm đến cùng và nhất định không bỏ cuộc. Đến đêm cuối cùng hoàn thành báo cáo để nộp cho hội đồng chấm thi, chúng em phải thay nhau ngủ trên một chiếc ghế sofa”, Châu hồi tưởng lại giai đoạn gay cấn nhất.

 

Kiến thức, kinh nghiệm, cách truyền đạt ý kiến một cách hiệu quả nhất cũng như cách tổ chức, sắp xếp thời gian hợp lý và sự kiên nhẫn, mở rộng giao lưu với bè bạn quốc tế… là những bài học quý giá nhất mà Ánh và Châu có được qua cuộc thi lần này.

 

“Thầy giáo không bất ngờ lắm với chiến thắng của nhóm em nhưng ba mẹ em thì mừng lắm. Hôm em gọi điện về nhà báo tin, nhà bị ngập nước do bão lớn, mẹ em vất vả dọn nhà mà vẫn cười hoài…”, Châu chia sẻ niềm vui.

 

Tiếp tục con đường học vấn

 

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc CFA vòng Úc, Ánh và Châu được trường Đại học La Trobe nhận làm trợ giảng trong vòng một năm. Hai bạn đều có dự định học lấy bằng Danh dự (Honour) để có cơ hội làm tiếp nghiên cứu sinh ở Úc.

 

Ngọc Ánh dự định sẽ quay trở về nước làm việc sau khi học xong. Kim Châu thì cho biết sẽ ở lại Úc một thời gian bởi “nếu được làm việc trong một thị trường tài chính hoàn chỉnh và phát triển như Úc thì em sẽ có nhiều cơ hội để học hỏi hơn”.

 

Châu bày tỏ quan điểm: “Mặc dù chúng em có bằng cấp nước ngoài nhưng lại chưa có kinh nghiệm làm việc. Do đó, mức lương khởi điểm chưa chắc đã cao hơn những bạn tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu của Việt Nam. Em nghĩ rằng bằng cấp không phải là yếu tố quyết định tất cả mà điều quan trọng là kiến thức mà bạn gặt hái được sau chuyến du học cũng như khả năng bạn áp dụng những điều đã học vào thực tế”.

Thục Uyên – Theo ABC

Share.

Leave A Reply