SSDH – Nắm được những “bí kíp” này thì du học sẽ không còn là giấc mơ xa vời với bất kỳ ai.
Du học vẫn là giấc mơ xa vời với nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những học sinh, sinh viên ở vùng quê. Thiếu sót ở đây đôi khi không phải là kiến thức, năng lực mà là hướng tiếp cận với các thông tin du học.
Cách tìm hiểu thông tin du học của “con nhà nghèo”
Du học không phải là con đường dành riêng cho giới nhà giàu. Võ Tường An – cô gái 17 tuổi sinh ra ở Quãng Ngãi, vừa “ẵm trọn” học bổng của 12 trường đại học hàng đầu thế giới đã chứng minh điều đó.
Võ Tường An chia sẻ về cách tiếp cận thông tin du học
Cô gái giành học bổng toàn phần của 3 trường đại học lớn: Harvard, Yale và Stanford luôn nói mình không phải là “con nhà nghèo vượt khó” nhưng cũng không phải là “Con nhà người ta” được lớn lên trong nhung lụa. Tường An sinh ra ở, Bình Sơn, Quãng Ngãi – một vùng đất khó khăn, điều kiện giáo dục thiếu thốn, thông tin về du học không có nhiều.
An chia sẻ, cách đây nhiều năm, nơi cô sống và học còn chưa có trung tâm ngoại ngữ. Trong khi học sinh ở thành phố lớn dễ dàng nhận được thông tin về hồ sơ du học thì đối với Tường An (khi đó 14 tuổi) và phần lớn học sinh Quãng Ngãi, du học là một khái niệm rất xa vời.
“Nhưng sẽ luôn có cách này hay cách khác để giải quyết khó khăn”- An chia sẻ. Hè năm 14 tuổi, An có tham gia một hoạt động ngoại khóa tại trường ĐH Mississippi (Mỹ), kể từ đó, cô bắt đầu nhen nhóm giấc mơ du học. An lên mạng tìm hiểu thông tin về các trường quốc tế, chất lượng đầu vào, đâu ra, học phí hỗ trợ, cách làm hồ sơ…
Ngoài ra, An cũng tham dự các hội thảo, triển lãm du học, nhờ tư vấn từ thầy cô và bạn bè để biết thêm thông tin. Nhờ đó, Tường An khi ấy là nữ sinh 14 tuổi đã biết đến chính sách hỗ trợ tái chính tại trường nội trú John Bapst (Mỹ) và bắt đầu học THPT tại đây.
3 năm học phổ thông tại Mỹ đã mở ra cho An một thế giới mới. Với sự nỗ lực trong học tập, nắm bắt thông tin nhanh nên mới 17 tuổi, An đã giành được học bổng từ 12 trường đại học hàng đầu thế giới.
Du học cũng từng là giấc mơ xa xôi với cô gái nghèo Diệu Liên (19 tuổi, TP.HCM). Nhưng với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, Liên đã giành được học bổng 6,8 tỷ của trường ĐH Harvard.
Diệu Liên – cô gái nghèo “ẵm” học bổng 6,8 tỷ trường ĐH Harvard
Diệu Liên là một trong số ít học sinh tự lập trong việc nộp hồ sơ, xin học bổng, không qua bất cứ trung tâm du học nào. Cô nàng nảy nở giấc mơ du học từ khi là học sinh trường THCS Trần Đại Nghĩa. Thời điểm đó, cô được tiếp xúc với học bổng Astrar (Singapore) nhưng chỉ dừng chân ở vòng phỏng vấn.
Không nản chí, Liên tiếp tục tìm đến các hội thảo du học miễn phí để tìm kiếm thông tin. Có thể nghe, nói tiếng Anh, Liên còn tham gia trò chuyện với các giáo sư nước ngoài, nhờ họ tư vấn về cách chọn trường, làm hồ sơ xin học bổng. Cô nàng cũng không ngừng học tập để có điểm chuẩn hóa đáp ứng được tiêu chí của trường.
“Vì gia đình không có điều kiện nên mình phải chọn những trường không quan tâm đến tình hình tài chính của ứng viên. Đây cũng là một yếu tố khiến mình phải tỉ mỉ hơn trong việc tìm hiểu thông tin du học”, Liên chia sẻ.
Sau hơn 2 năm nỗ lực, cuối cùng vào ngày 1.4 vừa qua, Liên đã giành được tấm vé vào trường ĐH Harvard với mức học bổng hiếm có: 6,8 tỷ đồng.
Muốn đi du học phải chủ động tìm hiểu
Nguyễn Thị Mai (sinh viên năm 2 ngành Toán và Tài chính của trường Cass Business School- ngôi trường thương mại hàng đầu nước Anh) chia sẻ, “bí kíp” quan trọng nhất để “săn” được học bổng du học là chủ động tìm hiểu và có ham muốn được học ở nước ngoài.
Mai – nữ du học sinh trường thương mại hàng đầu nước Anh
Về cách tiếp cận thông tin, Mai chia sẻ: “Các bạn có thể tìm hiểu qua các hội thảo và triển lãm du học, trung tâm tư vấn du học… Khi đã xác định được nhóm trường muốn theo thì tìm đến trang web của các trường, trong đó có phần “scholarship” (học bổng), click vào sẽ có thông tin về làm hồ sơ ứng tuyển. Ngoài ra, khi làm thủ tục cũng nên tìm hiểu rõ hơn về yêu cầu của trường để biết cách đáp ứng. Thường thì mỗi trường đều có diễn đàn trò chuyện với các sinh viên”.
Phạm Ngọc (19 tuổi, Hà Nội), trước khi trở thành sinh viên của trường ĐH Temple (Mỹ) với mức học bổng toàn phần cũng có cả một quá trình tìm hiểu thông tin du học.
Phạm Ngọc, sinh viên năm nhất trường ĐH Temple (Mỹ)
Ngọc học cấp 3 tại trường Hà Nội – Amsterdam – “cái nôi” đào tạo du học sinh nên được tiếp cận với thông tin du học từ rất sớm. Ngọc thường xuyên hỏi han thầy cô, bạn bè, các anh chị đi trước để có kiến thức cơ bản về vấn đề này.
“Thông tin du học mình có được nhiều nhất và sâu nhất là nhờ tham gia VietAbroader, tổ chức du học cho du học sinh Việt sáng lập . Mình tham gia nhiều hội thảo tại đây, được tiếp xúc với các anh chị đi trước trong tổ chức, từ đó kiếm được rất nhiều thông tin về cách chọn trường, cách làm hồ sơ, bí quyết “săn” học bổng, cách học tại trường quốc tế, hòa nhập với văn hóa bản địa… Mình cũng trực tiếp tham gia nhiều dự án của tổ chức từ đó cóp nhặt được nhiều thông tin hơn”, Ngọc chia sẻ.
Ngọc cho hay, cậu còn tham khảo các trang web về thông tin du học do học sinh, sinh viên cung cấp và các diễn đàn cho học sinh trao đổi về thông tin du học.
Từ các năng lực học tập và kiến thức du học có được, Ngọc không chỉ giành học bổng toàn phần của trường ĐH Temple (Mỹ), lọt vào danh sách 50 học sinh xuất sắc nhất trong số hơn 900 tân sinh viên của ngôi trường này mà còn giữ vị trí trưởng ban tổ chức của các dự án phổ biến thông tin du học đến các học sinh.
Nguồn: Báo Mới