SSDH – Đã có không ít những băn khoăn cho rằng, du học tự túc (DHTT) đã tạo nên sự lãng phí không nhỏ về chất xám cũng như nguồn ngoại tệ đang bị “trào ngược” đến các nước phát triển.Vấn đề DHTT nếu Nhà nước và ngành giáo dục can thiệp không khéo dễ gây hiểu lầm.
Lãng phí là lãng phí nào?
Qua khảo sát ở nhiều Trung tâm tư vấn du học, có đến hơn 80% bạn trẻ bày tỏ mong muốn được về nước làm việc sau khi hoàn thành khóa học ở nước ngoài. Thế nhưng, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mới đây lại cho thấy một kết quả ngược lại, hơn 70% du học sinh tự túc đã lưu lại nước ngoài sau khi học xong để tiếp tục học cao hơn, hoặc tìm kiếm cơ hội làm việc ở nước sở tại.
Một nghiên cứu khác của Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học và nghề nghiệp cho thấy, thực tế các trường đại học, cao đẳng trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Và hiện nay các cơ quan, doanh nghiệp bắt đầu có xu hướng tuyển dụng nhân sự từ nguồn lực du học để lấp đầy khoảng trống này.
Từ đó, đã có không ít những băn khoăn cho rằng, du học tự túc (DHTT) đã tạo nên sự lãng phí không nhỏ về chất xám cũng như nguồn ngoại tệ đang bị “trào ngược” đến các nước phát triển.
Lý giải cho những băn khoăn này, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, một trong những nguyên nhân do nhiều người chưa thật sự tin tưởng vào chất lượng giáo dục trong nước, nên đã “đầu tư” cho con cái từ khá sớm để có điều kiện được hưởng thụ thành tựu ở các nền giáo dục tiên tiến. Ở một thực tế khác, nhiều nhà tuyển dụng nước ngoài thường không coi trọng tấm bằng đại học được đào tạo tại Việt Nam.
Họ nhận thấy, sinh viên trong nước nắm khá vững lý thuyết song lại rất lơ mơ về thực hành, yếu kỹ năng mềm. Đa số các công ty nước ngoài đã phải gửi nhân sự về nước họ đào tạo thêm về kỹ năng mới có thể tạm đáp ứng nhu cầu công việc.
Hàng năm, số lượng du học sinh (DHS) ra nước ngoài nghiên cứu và học tập đang có chiều hướng tăng lên không ngừng. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, năm 2012, có trên 100.000 DHS Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, trong đó khoảng trên 90% là DHTT. Ở các cường quốc về giáo dục như: Anh, Pháp, Mỹ, Úc… các DHS phải đóng học phí rất cao. Đơn cử như các trường cao đẳng cộng đồng ở Mỹ đã được nhiều phụ huynh lựa chọn vì phù hợp với khả năng tài chính eo hẹp.
Tuy thế, theo thông tin từ Lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh, mức học phí bình quân tại các trường này vào khoảng 7.000 – 9.000 USD hệ cao đẳng và 25.000 – 35.000 USD cho hệ đại học bốn năm. Điều này đồng nghĩa với dòng ngoại tệ đang “chảy ngược” từ Việt Nam tới các quốc gia phát triển. Tính cả chi phí sinh hoạt, ăn uống thì một năm mỗi gia đình cũng phải chi cho con em mình món tiền không nhỏ.
Đâu phải là “mốt”!
Vấn đề “chảy máu ngoại tệ” như thế đã rõ ràng. Còn chuyện “chảy máu chất xám” thì theo nhiều nhà phân tích đã không còn quá quan trọng trong xã hội toàn cầu hóa, hội nhập như hiện nay. Bởi theo GS. Nguyễn Minh Thuyết lý giải: “Nếu muốn đóng góp cho nước nhà không nhất thiết cứ phải về tận trong nước làm việc.
Thực tế đã có nhiều trí thức Việt Nam tuy sinh sống và làm việc tại các nước phát triển nhưng vẫn có những đóng góp quan trọng trong nước. Cái được ở đây là những ai có điều kiện học tập ở nước ngoài và họ thật sự mong muốn tiếp nhận tri thức thì sẽ có phông văn hóa rộng, kỹ năng làm việc tốt và tư duy độc lập cao”.
Môi trường học tập ở nước ngoài rất khắc nghiệt, đòi hỏi sinh viên phải có năng lực thật sự, nếu không sẽ bị đào thải ngay lập tức. Thế nhưng, nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con đi du học lại chỉ quan tâm đến khả năng tài chính, nên nhiều khi đã “tiền mất tật mang”. Theo ông Vũ Xuân Thăng, Phó tổng thư ký Liên hiệp Tư vấn du học Việt Nam (VIECA): “Một sai lầm của nhiều phụ huynh là cứ nghĩ rằng, chỉ cần bỏ tiền ra học là có thể lấy được tấm bằng “mác” ngoại.
Thậm chí nhiều gia đình còn sai lầm khi coi du học như một giải pháp để giáo dục con cái hư hỏng. Chúng tôi đã phải tư vấn cho họ hiểu rằng tài chính là cần thiết, nhưng năng lực của con em mình mới thật sự quan trọng để thành đạt”.
Thực tế thì không phải ở đâu, trung tâm tư vấn du học nào cũng sẵn sàng tư vấn, cung cấp thông tin xác thực vì lợi ích của sinh viên. Vì thế đã có tình trạng nhiều học sinh thi trượt đại học trong nước, ngoại ngữ phập phù nhưng vẫn được các trung tâm “chạy” đi du học.
Bà Lê Thị Yên Bình, Giám đốc Trung tâm ICED phân tích thêm: Những trường hợp sinh viên không đủ năng lực nhưng qua một trung tâm nào đó, vì lợi nhuận họ vẫn tìm cách hoàn tất thủ tục cho du học được. Nhưng khi sang nước bạn, nếu em nào không thực sự nỗ lực thì du học trở thành chuyến… du lịch dài ngày và tốn tiền!”.
Một trong những “lỗ hổng” quản lý DHTT là do hiện nay Bộ GD-ĐT chủ yếu chỉ quản lý được số DHS Việt Nam đi học nước ngoài do Bộ cử đi. “Những đối tượng do các cơ quan khác cấp học bổng cử đi học, được nước ngoài cấp học bổng trực tiếp và DHS tự túc thì công tác quản lý còn rất hạn chế vì khi đi học không có quy định phải làm thủ tục với Bộ GD-ĐT còn khi về nước thì một số ít DHS có liên hệ, nộp hồ sơ báo cáo tốt nghiệp đến Bộ GD-ĐT còn chủ yếu là không có liên hệ gì với Bộ”, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD-ĐT), cho biết.
Vấn đề DHTT nếu Nhà nước và ngành giáo dục can thiệp không khéo dễ gây hiểu lầm vì đó là quyền học tập của mỗi người nên cần có những định hướng chính xác và lâu dài. Bản thân ngành giáo dục phải nâng cao chất lượng đào tạo trong nước, cải thiện môi trường học tập, giáo trình học tập phải chuyên sâu chứ không dàn trải quá nhiều môn đại cương như hiện nay.
DHTT đang dần trở thành phổ biến. Đây không chỉ là nhu cầu chính đáng của mỗi người, mỗi gia đình, mà còn góp phần thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Song, do nhiều nguyên nhân đã khiến hiệu quả của loại hình học tập này chưa thật sự xứng đáng với tiềm năng vốn có… |
Đông Đức (SSDH) – Theo Thời báo du học