SSDH – Tiếng Việt khác với tiếng Anh. Khi người Việt Nam nói tiếng Anh, trong tai người nước ngoài, tiếng phát ra dễ bị cứng nhắc và vô cảm.
Các ngôn ngữ
Thầy Jim nói “Hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới là ‘syllable-timed’ – là phát âm theo chữ. Điều này có nghĩa là mỗi chữ đều có một độ dài giống nhau. Và tiếng Việt là như vậy. Tuy nhiên, đối với tiếng Anh thì lại khác vì tiếng Anh sử dụng ‘rhythm and stress’ – ngữ điệu và trọng âm, chứ không phát âm từng chữ. Cụ thể thế nào, trong tiếng Anh, chúng ta có thể nói ‘hello’ hay là ‘hellooooo’ – tức là kéo rất dài chữ ‘o’ ở phía cuối ra. Không hề thay đổi ý nghĩa, và vẫn hiểu được khi chữ kéo dài ra. Vì vậy, tiếng Anh là một ngôn ngữ phù hợp cho mọi người hát.
Hay nếu ta đem so một tiếng khác với tiếng Anh: Tiếng Nhật chẳng hạn. Giống như tiếng Việt, tiếng Nhật là một ngôn ngữ ‘syllable-timed’.
Nani o shite imasu ka (Bạn đang làm gì?)
o o o o o o o o o (9 âm)
Mỗi chữ là một âm. Nhịp của mỗi âm là như nhau. Vì thế, xét về thời gian, mỗi âm tốn một lượng thời gian giống nhau. Nhưng trong tiếng anh, bạn nói:
What are you doing? (Bạn đang làm gì?)
O o o O o (5 âm/2 nhóm)
Trong cùng câu đó, tiếng Anh chỉ có 2 nhóm âm mà thôi. Và khi nói ra, độ dài của 2 nhóm âm này (‘What’ và ‘do’) là như nhau mặc dù số âm chúng sở hữu là khác nhau (3 âm và 2 âm). Nói cách khác, độ dài ngắn khi phát âm tiếng Nhật tỷ lệ thuận với số âm, trong khi tiếng Anh thì không hẳn như vậy.
Thầy lại nói “Chính vì tiếng Việt cũng là syllable-timed như tiếng Nhật. Tiếng Việt khác với tiếng Anh. Khi người Việt Nam nói tiếng Anh, trong tai người nước ngoài, tiếng phát ra dễ bị cứng nhắc và vô cảm. Chúng ta nhớ lại thầy Jim đã từng một lần nhắc đến vấn đề này trong bài: Phải biết “nghe” thì mới du học thành côngChính vì lí do này, người học tiếng Anh nhiều lúc gây mất thiện cảm khi giao tiếp. Bạn không nói với ngữ điệu và trọng âm thì người nghe sẽ chán ngán khi nghe bạn nói”.
Khó khăn vì khác biệt
Thầy Jim hết sức chia sẻ với người Việt về rào cản cơ bản trong phát âm. Thầy cũng hiểu người Việt tương đối cặn kẽ và nắm được nhiều lỗi thường thấy ở cách chúng ta phát âm tiếng Anh.
Chẳng hạn, thầy chỉ ra rằng người Việt thường có xu hướng “drop the last syllable” – tức là bỏ phụ âm cuối từ. Thầy nói trong tiếng Việt, như thế sẽ tương tự như là “không” mà nói thành “khôn”. Xu hướng hay thói quen này có thể làm hỏng câu chuyện. Ví dụ: người Việt chúng ta thường hay nói:
– Wig way ít da beag?
Trong khi câu đó là:
– Which way is the beach? (Bãi biển hướng nào vậy?)
Chúng ta cười những người nước ngoài khi họ nói
– toi khôn hỉu
thì họ cũng cười chúng ta tương tự.
Trong cái khó, ló cái “khăn”
Thầy còn nói điều quan trọng phải nhớ là rất ít người bản xứ phát âm rõ ràng. Hầu hết các âm nói ra luyến vào nhau; NHƯNG các động từ thì thường được phát âm khá rõ.
“What did you say?” – “bạn vừa nói gì?” sẽ luyến thành “whaddya say?”
Ví dụ khác:
“Where did you go?” – “bạn đã đi đâu?” sẽ luyến thành “where ja go?”
Trong cả 2 trường hợp đều có sự luyến từ nhưng phát âm các động từ thì không thay đổi.
Gỡ rối
Hai ngôn ngữ có cách phát âm thật khác nhau quá. Đã vậy, thói quen khi nói chuyện của người bản xứ lại còn làm cho ngôn ngữ nghe càng khó hiểu đối với người học.
Vậy thì học sinh cần làm gì để vượt qua rào cản tạo hóa?
Theo thầy Jim, có một vài thứ bạn phải học. Đầu tiên là…. thở. Đối với tiếng Anh, chúng ta hít vào, khi phát âm, chúng ta đẩy hơi lên từ màng ngăn hay cơ hoành và thoát ra qua miệng. Đối với tiếng Việt, cách thở khác hẳn, ta lấy khí vào từ mũi, và âm phát ra từ miệng. Vì vậy, các bạn nên luyện cách thở sao cho tốt.
Điều thứ 2 cần lưu ý là: cơ. Mỗi ngôn ngữ đều dùng các cơ khác nhau để tạo âm và học sinh cần phải luyện và điều khiển các cơ này. Chẳng khác mấy với bạn vào gym để tập các cơ vậy, bạn phải luyện thường xuyên để cơ khỏe. Sẽ mất thời gian, Arnold Schwarzenegger (diễn viên) đâu có biến thành Mr. Universe (giải người đàn ông đẹp) chỉ trong một tuần. Ông ta mất hàng vài năm trời để rèn luyện cơ thể.
“Để giúp các cơ của mình phát triển, để phát âm tiếng Anh chuẩn và rõ ràng sẽ mất vài năm. Đây là một quá trình lâu dài và bạn có quyết tâm để thực hiện không? Rất ít người học có thể nói tiếng Anh hoàn hảo, nhưng hầu hết tất cả các bạn đều có thể đạt đến “understandable” hay là “phát âm dễ hiểu”.
“Đa số các học sinh duy trì một số thói quen phát âm không tốt của mình, nhưng đây không hẳn là một vấn đề. Những người Pháp nói tiếng Anh là một ví dụ, bản thân tôi thường không chỉnh phát âm của họ bởi tôi thích giọng nói tiếng Anh của họ, hay và có duyên(sexy).”
Nắm bắt được ngữ điệu trong tiếng Anh dễ làm lắm, hãy bắt đầu hát theo những bài hát tiếng Anh, nhất là nhạc ballad. Nhạc ballad thường chậm và rõ từ, giống hệt nói chuyện, chỉ nhanh hơn một chút. Những người nước ngoài học tiếng Anh giỏi nhất đều thích âm nhạc cả; âm nhạc là cách dễ nhất và tiện nhất để học lấy ngữ điệu – rythm. Rất quan trọng, bởi tiếng Anh có nhịp khác với tiếng Việt như vậy, bạn không nắm được nhịp thì sẽ nhấn sai chỗ.
Câu chuyện về ngữ điệu và phát âm đến đây là hết. Đến lúc bạn bật YouTube lên và tìm vài bài hát hay rồi đấy!
Thục Uyên (SSDH) – Theo Dân Trí