Du HS đặc biệt Ngọc Khánh: Cứ đi rồi khắc đến

0

SSDH – Sự gan dạ dẫn đến việc cô trở thành hoa hậu có tuổi đăng quang lớn nhất Việt Nam cho đến lúc này. Cô là Hoa hậu Việt Nam – Ngọc Khánh.

 

1 – Tôi thấy Ngọc Khánh lần đầu tiên ở phân viện Mẫu và thời trang khi cô đi thử áo dài chuẩn bị cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm ấy. Khánh hay gọi đùa đó là “quyết định liều lĩnh nhất đời cô”. Sự gan dạ ấy dẫn đến việc cô trở thành hoa hậu có tuổi đăng quang lớn nhất Việt Nam cho đến lúc này. Cũng vì thế cô cũng là hoa hậu có cách biểu hiện từ ăn mặc đến lời ăn tiếng nói chững chạc nhất trong các hoa hậu khi còn tại vị.

 

du-hs-dac-biet-ngoc-khanh--cu-di-roi-khac-den

 

Nên cũng không lấy làm lạ, sau hai năm “đi nhẹ nói khẽ cười duyên” cho ra dáng một hoa hậu, Ngọc Khánh chóng trở thành một MC duyên dáng của rất nhiều các chương trình lớn nhỏ, cả trên sóng truyền hình, sự kiện hay ngay trong các cuộc thi hoa hậu. Chả ai hơn được cô về kinh nghiệm phải làm gì để cho sân khấu kiểu như thế đẹp và không nhạt, bởi cô từ đó mà đi ra nên hiểu nó thật rõ, thật kỹ.

 

Ăn nói tốt, học Luật, đi du học tự túc một thời gian, Ngọc Khánh trở thành một phần khó thay thế trong đời sống văn nghệ cả nước, bởi cách dẫn chuyện, sự nhạy bén, tinh tế cũng như danh tiếng. Dẫn chương trình cùng Khánh, nhiều MC như Anh Tuấn hay Nguyễn Khắc Nguyện bảo họ có thể tự tin thả lỏng vì có một người nhanh nhạy nhất trong các MC nữ trợ giúp một cách hoàn hảo.

 

Chuyện đời không ngờ, Ngọc Khánh lặn mất tăm sau biến cố riêng. Cô chuyển sang làm quản lý và tiếp thị hàng may mặc và thời trang cao cấp, một nghề rất gần với cô, người ăn mặc rất có gu và nền nã. Làm công việc một thời gian, muốn biết nghề “ra tấm ra miếng”, nên Khánh tự tin bỏ tiền túi đi học “để biết ngọn ngành gốc rễ, không thì chơi vơi lắm” cô nói.

 

2 – Một ngày, trong lúc dọn dẹp máy tính, tôi thấy bộ ảnh tôi đã chụp Khánh ngay trước ngày cô đi xa. Nhớ Khánh, tôi cài trên trang tin cá nhân của mình cái ảnh chụp chân dung của cô và ghi bên dưới “Nhớ nàng”. Ngọc Khánh đẹp, đài các mà nhuần nhị, ung dung tự tại mà ngầm kiêu. Khó ai có thể có được cái thần thái như thế như Khánh trong ảnh của tôi, cũng chính vì thế mà chỉ muốn được chụp Ngọc Khánh mỗi khi cần một tấm chân dung dạng ấy.

 

Ngày hôm sau Khánh gọi: “Em về rồi nè bác, chụp hình không?” Tôi mừng như trẻ con được quà. Nói là nói thế chứ chúng tôi mà gặp nhau thì chuyện nói còn không hết, lấy đâu ra thời gian mà chụp ảnh. Khánh về gia hạn visa du học sinh, nhân tiện thăm mẹ đang một mình ở nhà. Thường xuyên hỏi thăm mẹ qua điện thoại nhưng cô vẫn phải “sờ tay nắn chân xem sao”.

 

Thoắt cái cô đã phải gia hạn visa ba lần, lần nào chúng tôi cũng gặp nhau. Với tôi, Ngọc Khánh dường như chẳng đi đâu xa, cô vẫn thế, như vừa tạt ngang vào từ đâu đó cạnh đây thôi. Những câu chuyện phố phường, những câu chuyện bạn bè không hề xa cách mà gần gũi, thân thuộc. Khánh luôn làm một cuộc gặp bất ngờ trở nên thú vị đầy màu sắc, hơn nữa, ngồi nói chuyện với một hoa hậu, một người đẹp ai chả sướng.

 

3 – Khánh xa Sài Gòn được gần ba năm, cô học ngành kinh doanh thời trang tại đại học San Francisco. “Không làm gì ngoài chuyện học”, kiến thức nhiều quá, không thu nhận hết rất phí, thời gian không có nhiều cho ngần đấy thứ nên vẫn phải chạy đua”, cô nói. Cảm giác thua thiệt vì bắt đầu lại muộn, vốn từ vựng chuyên dùng không nhiều, lại bị thói quen học tập thụ động, không dám bày tỏ chính kiến là rào cản lớn, nên Khánh phải mở mắt to, lắng tai nghe thật nhiều và cũng phải đọc thật nhiều nữa.

 

Ngọc Khánh sống ngay trong nội ô San Francisco, cách trường hơn chục phút đi bộ. Cuộc sống đô thị thuận tiện với giao thông công cộng dễ sử dụng, giúp Khánh có thể vừa đi vừa ung dung đọc sách vừa đi bộ vừa ngắm nghía cửa hàng cửa hiệu.

 

Ngọc Khánh cho biết, đã xác định đi du học cô cũng chấp nhận luôn khó khăn vất vả trong học tập cũng như sinh hoạt. Rất có thể vị trí, kinh nghiệm của cô có rất nhiều trước đây, nhưng với môi trường mới thì phải gầy dựng và bồi đắp từ đầu. Lúc này Khánh được nhận vào thực tập với nhóm stylist của hệ thống phân phối Macy’s trong chương trình Junior League Fashion Show – một chương trình biểu diễn và gây quỹ mà Macy’s liên kết với một trong những tổ chức từ thiện uy tín và lâu đời cả trăm năm ở San Francisco. Ngay cả khi là những công việc làm miễn phí như vậy, người ta cũng đòi hỏi sinh viên dự tuyển phải chuẩn bị hồ sơ kinh nghiệm, dự phỏng vấn rồi làm việc nghiêm túc trong nhiều ngày.

 

Vất vả nhưng bù lại Ngọc Khánh nói cô học hỏi rất nhiều, từ cơ cấu kho bãi, quản lý một hệ thống phân phối lớn, tới việc tìm ý tưởng sắp xếp phối hợp trang phục trình diễn, từ kiểm soát mọi thứ trên giấy tờ, hình ảnh và mã vạch… đến những việc đòi hỏi kiên nhẫn sáng tạo và khéo léo như làm nữ trang, chỉnh sửa trang trí thêm chi tiết cho trang phục trình diễn, làm đạo cụ… Khánh thấy trở thành stylist nghĩa là phải học và thực hành rất nhiều chứ không phải là đơn giản đặt chữ “stylist” trước tên của mình. 

 

4 – Tôi hẹn gặp Ngọc Khánh một ngày đầu tháng 4. Mùa xuân ở bờ Tây nước Mỹ không ấm áp một chút nào, dù có nắng. Tôi co ro trong bộ quần áo ấm đứng chờ, chợt thấy một cái bóng quần đỏ, áo khoác màu kem, khăn đỏ ào tới ôm chầm lấy tôi từ sau lưng, trời đang lạnh bỗng sáng bừng, ấm áp. Khánh đã lại cười vui.

 

Cô bảo San Francisco không phải là thành phố lớn, dân số nội thành cũng chỉ khoảng 1 triệu, nhưng quả thực đây là nơi hội tụ của tất cả những gì thú vị của thành thị và thiên nhiên. Thành phố vừa có vịnh có đảo vừa có rừng tự nhiên làm công viên, đường phố trập trùng lên dốc xuống đồi. Đang ở trong khu vực tài chính với những toà nhà văn phòng cao chót vót, nhưng chỉ 5 phút đi bộ thôi là cả một khoảng không xanh thẳm của vịnh San Francisco mở ra khoáng đạt. Thành phố cũng rất sống động với hàng loạt những lễ hội, triển lãm, trưng bày của các bảo tàng, gallery. Đặc biệt là rất nhiều bảo tàng nằm giữa công viên thiên nhiên hay nằm trên đồi ở những vị trí đắc địa nhất để ngắm thành phố.

 

Khánh làm hướng dẫn, cho tôi một ngày tưng bừng nhiều cảm xúc. Chúng tôi cùng nhau thưởng thức món càphê đặc biệt chỉ có tại San Francisco với cách pha chế đặc biệt. Khánh dắt tôi đến bảo tàng Young, một địa chỉ yêu thích của cô để xem triển lãm thời trang Jean Paul Gaultier, vừa xem vừa xuýt xoa khi nhìn thấy từng tiểu tiết đặc biệt được nhà thiết kế chăm chút cho bộ trang phục và… thèm. Thèm có những triển lãm như thế ở Việt Nam, thèm có những cơ hội giao lưu để nhiều người Việt có thể nhìn ngắm thế giới thời trang lấp lánh ấy tận nơi.

 

Chúng tôi trò chuyện lan man trong lúc hai anh em “xử” chung một cái bánh ngọt với hai ly trà ấm. Hỏi Khánh có nhớ nhà chưa, Khánh cười buồn, với cô chữ “nhà” lớn lắm, nó bao gồm cả mẹ cô, những người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Khánh nhớ chứ, nhớ lắm, nhớ cả cái nắng và cơn mưa ở Sài Gòn, những con đường và nơi chốn cô thường lui tới thành thói quen. Nhớ cảm giác hồi hộp nhưng đầy phấn khích của những giây đếm ngược trước khi lên sóng truyền hình “5, 4, 3, 2, 1, Kêu!” Thế nhưng, mỗi con người đều có vận mệnh và con đường riêng cho mình, một khi đã xác định được đó là gì, cứ đi rồi khắc đến. Khánh bảo cô tin là vậy.

 

Theo Phạm Hoài Nam (Sài Gòn Tiếp Thị)

Share.

Leave A Reply