SSDH – Người Mỹ quan tâm đến giáo dục bằng cách rất cụ thể. Không chỉ tốt nghiệp trung học, mà còn tốt nghiệp tiểu học, học hết từng lớp, thậm chí cả “tốt nghiệp” lớp mẫu giáo, là ngày thiêng liêng đối với học sinh và cha mẹ họ. Phải chăng đó cũng là việc ngành giáo dục nước ta và cha mẹ học sinh nên học hỏi?
Học sinh trung học gốc Á, Phi, Âu đang học tập cùng nhau. Ảnh: TL |
“Anh Ngọc rửa xe nhanh lên không mình trễ giờ, 6 giờ 30 phải đến trường Duke dự lễ phát giải thưởng”.
Vợ tôi gọi lớn tiếng nhắc tôi từ trong garage. Tôi nhìn đồng hồ, chỉ mới có 6 giờ chiều. Chiều nay đi làm về sớm tôi đem máy bắn nước ra rửa xe để weekend (cuối tuần.BT) được nhàn hạ ngắm trời mây non nước, thay vì phải lao công chiến trường nơi rừng thiêng nước độc ở một cao nguyên hẻo lánh nào đó ngoài miền Bắc.
Từ nhà tôi đến trường học cậu con trai chỉ có năm phút. Tôi không phải là đàn bà, tắm rửa thay quần áo chỉ mất ba phút là cao lắm (trong khi đàn bà ngắm nghía bộ tủ quần áo chỉ để quyết định nên mặc bộ nào đã tốn hơn 30 phút). Xe thì tôi đã rửa xong ba chiếc, chỉ còn hai chiếc đang lau nửa chừng, 15 phút nữa là xong. Đi dự lễ phát giải thưởng ở cấp tiểu học hay trung học bên Mỹ chỉ là một vài tờ giấy lộn, làm gì mà nghiêm trọng và hào hứng như đi dự lễ thành công của mấy cô giải phẫu bơm ngực tốt nghiệp từ trung tâm giải phẫu thẩm mỹ “Em là đẹp” mà vợ tôi phải hối tôi làm nhanh cho xong như thế?
Dĩ nhiên là vợ chồng phải có cùng gout thì mới lấy nhau, nhưng có nhiều khía cạnh tôi và nàng ngược nhau như đến nhà bạn mời nhậu mà mình chỉ xin một lon Coca Cola. Vợ tôi thích đi dự lễ lạt, party (hội hè, bạn bè tụ họp .BT) trong khi tôi thì thuộc loại không muốn đến chỗ đông người. Party ở sở của nàng tôi thường không tham dự. Những lễ lạt, phát giải thưởng, sinh hoạt học đường của bốn đứa con nàng thường là người đi dự, rất hiếm khi tôi theo tháp tùng. Năm nay thì đặc biệt hơn một tí: cậu con út là đứa con cuối cùng tốt nghiệp trung học. Đây là lần cuối cùng trong đời tôi dự một buổi lễ trao giải thưởng cấp trung học có con của mình nên tôi đã đồng ý đi theo.
Năm 1975 tôi sang đây vào học ngay lớp 12 của Mỹ, cũng tốt nghiệp trung học Mỹ nên đi dự buổi lễ này gây ra cho tôi nhiều cảm xúc. May là cái cảm xúc này là nhớ lại ngày xưa tôi đi học ở Mỹ, chứ nếu ngày xưa khi đi học tôi có bồ là gái Mỹ nhưng chuyện tình Romeo & Juliet không thành – xin lỗi, Tài Ngọc và nàng Jennifer Smith da trắng, tóc vàng, mũi cao, mắt xanh không thành – bây giờ tôi đi dự lễ của con mà cứ nhớ lại Jennifer thì ở bên Mỹ, cho dù đàn bà không mang guốc, tôi chắc chắn vợ tôi cũng sẽ xuống Chinatown tìm mua đôi guốc để phang lên đầu chồng.
Ở Mỹ, trung học chia làm hai cấp, cấp 1 và cấp 2, trường học khác nhau. Cấp 1 từ lớp 6 đến lớp 8, học ở Junior High School. Cấp 2 học từ lớp 9 đến lớp 12, học ở High School. Học sinh lớp 9 gọi là Freshman, lớp 10: Sophomore, lớp 11: Junior, và lớp 12: Senior. Điểm để đánh thứ hạng là A (4 điểm), B (3 điểm), C (2 điểm), D (1 điểm), F (Fail- Rớt). Để ý là sau D nhẩy ngay sang F mà không có E vì họ sợ người ta nghĩ lầm E là Excellent (Giỏi). Theo hệ thống điểm này thì ví dụ nếu học sinh điểm trung bình là 3.3 thì sẽ được xếp hạng vào B+, trung bình 3.8 thì là A. Buổi lễ hôm nay dành cho các học sinh lớp 12 (Senior), với điểm trung bình là A, kể cả A- hay A+.
Mỹ là quốc gia số một lợi dụng bất cứ cơ hội gì cũng tạo ra được một lý do kỷ niệm hay lễ lộc để gây ra lợi ích về thương mại; tốt nghiệp trung học ở Hoa Kỳ cũng thế. Họ tổ chức party, prom night (đêm vũ hội .BT) cho cả cấp 12 đi chơi, chụp hình lưu niệm, làm kỷ yếu lưu niệm, học sinh phải mặc áo choàng, đội mũ ở buổi lễ tốt nghiệp. Tất cả tạo ra biết bao nhiêu tiền cho các hàng quán tư nhân từ tiệm in, khách sạn, hí viện đến Disneyland, nhà hàng, công ty cho mướn xe limousine, cho mướn tuxedo, cho mướn áo choàng mặc khi tốt nghiệp. Ngày xưa tôi không tham gia vào bất cứ một sinh hoạt nào, ngay cả lễ tốt nghiệp ra trường tôi cũng chẳng đi dự, thế nhưng câu nói “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” rất đúng vào trường hợp của tôi.
Suy nghĩ cho kỹ thì tôi nghĩ nó hào hứng tham gia không hẳn là vì nó khác tính tôi, nhưng vì nó khác hẳn với tôi trong môi trường sinh sống. Nó sinh ở Mỹ, vì như thế dĩ nhiên là khi đi học thì cũng có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn với bạn bè và thầy cô. Những sinh hoạt này là lần cuối cùng trong cuộc đời trung học, rồi bạn bè phân tán không ai gặp nhau, do đó nó tham gia đi gặp nhau lần cuối cũng phải.
Trái ngược hẳn với tôi khi sang đây học lớp 12, bạn bè thân thuộc của mình bỏ lại hết ở Việt Nam, qua đây cả năm đi học chẳng thân với một ai. Thân làm sao được khi mình mở miệng nói ú ớ một ngôn ngữ lạ hoắc, bạn gái Mỹ đẹp mỹ miều trong lớp nói mình không hiểu, em rủ cuối tuần hai đứa đi chơi xem ciné mà mình lại hiểu là em rủ cuối tuần đi nhà thờ, thế thì có chết không?
Hơn nữa, tôi mặc cảm đủ mọi thứ khác. Cặp vợ chồng trẻ Mỹ bảo trợ tôi quá nghèo, sống mướn apartment (căn hộ chung cư .BT) nên khi dẫn tôi đi mua quần áo thì vào tiệm quần áo cũ second-hand mua quần áo cho tôi mặc. Học toán thì tôi không lo, vì toán chỉ có số, nhưng có một lớp tôi học bị điểm D, “You and the Law”. Họ nói “I love you” mình còn phải mở “từ điển Anh – Việt” Nguyễn Văn Khôn để dịch sang tiếng Việt, huống chi cái lớp về luật pháp của nước Mỹ thật là khó khăn này.
Có một bận cả lớp đi toà án, mỗi đứa phải đóng vai một nhân vật trong toà, đứa thì làm Thẩm phán, đứa thì làm công tố viên, đứa làm luật sư biện hộ, đứa làm thừa phán lại, đứa làm bồi thẩm đoàn, tôi thì đóng vai can phạm. Khi về lớp tuần sau thì ông thầy bịa ra một trường hợp xử án để cả lớp theo buổi án mình đã xem ở toà rồi diễn lại mỗi đứa trong một vai trò. Nhưng lần này thì tùy ý mỗi đứa hành động theo suy nghĩ của mình trong câu chuyện mới để xem có kết án can phạm hay không.
Tôi đóng vai can phạm, nói tiếng Anh ú ớ không hiểu gì cả, thằng luật sư biện hộ cho tôi người Mễ nói khá hơn tôi một tí. Từ cấp hạng 1 đến 10, 10 là giỏi nhất, tôi nói tiếng Anh chỉ được 2 thì nó nói tiếng Anh thông thạo cỡ 6. Thằng luật sư đã dở nói tiếng Anh ù ù cạc cạc, mình còn nói dở hơn nó gấp mấy lần.
Công tố viên người Mỹ trắng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của nó nên nó buộc tội mình thao thao bất tuyệt, trong khi thằng luật sư Mễ của mình im thin thít vì nó nói tiếng Anh đâu được giỏi. Đã thế, tôi cũng chẳng biện hộ được cho tôi, thằng công tố viên nó nói gì, mình không hiểu nhưng cứ nói “Yes, Yes” cho xong. Nói thêm dài dòng làm gì vì giọng tiếng Anh của mình “Ai lô vờ dzu” (“I love you”, nói bồi .BT) đặc mùi An Nam Mít, chỉ tổ cho cả lớp cười vào mũi. Vì vậy mà trong chớp nhoáng tôi bị chúng nó kết tội hiếp dâm, không phải một người mà cả mấy trăm nghìn người đàn bà ở thành phố San Diego! Bây giờ nghĩ đến cái lớp “You and the Law” ấy tôi vẫn còn cảm thấy quê xệ.
Một bận khác vào cuối năm sắp nghỉ lễ Giáng sinh, lớp học Anh văn của tôi tổ chức ăn uống. Lớp này học sinh người Việt, Mễ, Tầu, Mỹ, Ấn Độ đủ loại nên cô giáo đề nghị mỗi đứa nên mang một cái gì đặc sắc của quốc gia mình trình bày cho cả lớp xem. Đứa thì mang thức ăn đặc sản nước mình, cô Ấn Độ lên múa bụng, anh chị Mễ-Tây-Cơ mặc quần áo múa vũ technicolor của họ thật là đẹp, vài anh chị Mỹ lên hát. Riêng tôi thì lúc ấy thổi kèn harmonica nên chơi nổi, lên trước lớp nói là sẽ thổi một bài hát Việt Nam. Cả lớp vỗ tay ầm ầm, cô giáo ra hiệu cho cả lớp im lặng để nghe tôi thổi kèn.
Cô giáo này rất mến tôi, lý do là vì học sinh Việt Nam lúc bấy giờ ngoan ngoãn nghe lời thầy cô mà học cũng giỏi nên tôi lại càng nhất định không làm cho cô thất vọng. Lúc bấy giờ tôi không nhớ bản nhạc tên gì nhưng nghe rất nhiều lần khi còn nhỏ ở Việt Nam. Tôi lấy hết tài cùn thổi harmonica bản nhạc âm điệu vui nhộn lên bổng xuống trầm, hay còn hơn Louis Armstrong thổi kèn trumpet.
Khi tôi chấm dứt bản nhạc, cả lớp im lặng như tờ rồi mấy giờ đồng hồ sau mới có một vài người vỗ tay miễn cưỡng. Tôi quá tự tin cho tài thổi harmonica của tôi nên nghĩ là tiếng nhạc harmonica đã làm cho cả lớp sững sờ không ngờ là trong lớp có một học sinh tị nạn Việt Nam là thần đồng về âm nhạc. Nhưng đến khi cô giáo đến cạnh tôi nói thì thầm vào tai thì lúc ấy tôi chỉ muốn độn thổ: tôi thổi bài “Cánh bướm vườn xuân”, một bản nhạc ngoại quốc, Phạm Duy dịch lời Việt, mà tôi lại tưởng là nhạc Việt Nam! Bản nhạc ấy thật sự là của Tây Ban Nha.
Chẳng những cái kinh nghiệm ấy làm tôi quê hết chỗ nói nên không muốn đi dự sinh hoạt tốt nghiệp trung học, mà nó còn làm tôi ghét ông Phạm Duy cho đến bây giờ. Nếu ông ta không dịch bản nhạc ấy sang tiếng Việt thì làm gì mà tôi bị quê như thế?
Mở đầu buổi lễ hôm nay là quan khách đứng lên tuyên thệ trung thành với nước Mỹ: “Tôi tuyên thệ trung thành với lá cờ của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ và trung thành với quốc gia mà lá cờ tiêu biểu, một quốc gia dưới sự lãnh đạo của Đức Chúa Trời, bất phân chia, với tự do và công bằng cho tất cả mọi người” (I pledge allegiance to the flag of the United States of America, and to the republic for which it stands, one nation under God, indivisible, with liberty and justice for all). Khi đọc lời tuyên thệ này, mọi người phải đứng dậy nhìn về hướng lá cờ, quân nhân trong quân phục giơ tay ngang trán chào theo nghi thức quân đội, trong khi dân sự thì để tay phải che qua tim.
Sau đó là màn chào cờ, một cô lên hát quốc ca Hoa Kỳ. Dân Mỹ khác với dân Việt Nam và có lẽ khác với tất cả mọi người trên thế giới là họ bộc lộ tính tình của họ thẳng thừng. Chào cờ là một cá tính đó, chỗ nào họ cũng tỏ ra lòng ái quốc của mình. Mở đầu lễ tốt nghiệp: chào cờ. Mở đầu một buổi nhạc: chào cờ. Mở đầu một trận đấu thể thao: chào cờ. Sắp sửa động phòng: chào cờ. Chào gì mà chào lắm thế. Đi xem một trận đá banh thì khán giả ai cũng nóng lòng muốn hai đội banh giao chiến, đêm tân hôn khi lấy nhau ông chồng nào cũng muốn nhảy vào ái ân sau mấy mươi năm cua nàng bây giờ cá mới cắn mồi, có ai thèm để tâm lo việc chào cờ với chào kiếc.
Chào cờ xong là bắt đầu màn cho giải thưởng học bổng và bằng khen. Họ chiếu lên tường danh sách học sinh sẽ đi học vào đại học nào. Chỉ có một trường hợp đặc biệt là có hai anh được gọi lên bục ra mắt khán giả. Hai anh này xin vào Thủy quân lục chiến. Cử toạ đứng lên vỗ tay thật là lâu, có lẽ lâu nhất trong những giải thưởng trao khác.
Sau khi trao hết học bổng và bằng khen, họ gọi những học sinh có điểm hoàn hảo, 4.0, và học sinh giỏi nhất, nhì trường (Valedictorian, Salutatorian) lên trước mọi người để trao tặng dây chiến thắng. Tuần tới khi tham dự lễ ra trường, các anh chị này sẽ mang những vòng dây chiến thắng trên áo choàng tốt nghiệp của mình để ai cũng có thể biết họ là học sinh giỏi nhất trường.
Cuối cùng thì tất cả học sinh đứng lên để bố mẹ cho một tràng pháo tay. Một năm lại trôi qua, Simi Valley High School lại đào tạo thêm một số học sinh xuất sắc tốt nghiệp trung học.
Đứng lên cùng các bố mẹ khác vỗ tay cho con mình và rồi hoà nhập vào đám đông nói chuyện với thầy cô và các bố mẹ khác, cái nhìn của tôi với các học sinh trung học Mỹ tốt nghiệp niên khoá 2011 khác hẳn với cái nhìn của tôi với lính Mỹ mới đổ vào Sài Gòn tham dự chiến tranh khi tôi còn ở Việt Nam vào thập niên 1970. Cả hai đều cùng lứa tuổi, 18, 19, nhưng những cậu bé 18, 19 tuổi Mỹ ngày xưa tôi thấy ở Việt Nam dưới con mắt tôi là những “ông Mỹ” lớn con tôi sợ sệt thì ngày nay là những cậu bé mặt non choẹt hồn nhiên, sắp sửa bước sang chặng kế tiếp đại học để tiếp tục ngành học vấn. Khác với tôi, sang đây đi học xa lạ với bạn bè ngoại quốc, lo sợ kính cẩn khi nói chuyện với thầy cô, con trai tôi nói tiếng Anh không khác gì Mỹ con, đùa giỡn với bạn bè không một ai là Việt Nam, và nói chuyện thân thiện với thầy cô không một chút gì sợ hãi.
Thế hệ Việt Nam đã chấm dứt nơi tôi. Con trai tôi bây giờ đã hoàn toàn Americanized
Theo Viethome