Giải đáp về Bảng xếp hạng các Trường đại học trên Thế giới

0

SSDH – Kết quả của bảng xếp hạng các Trường đại học trên Thế giới và Bảng xếp hạng Ngành học được tính như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu được phương pháp đánh giá và ý nghĩa của các kết quả từ bảng xếp hạng.

Trước khi bước sang tuổi 20, bạn đã phải đối mặt với một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời: nên chọn trường đại học nào. Lựa chọn này chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, tài chính và sự nghiệp của bạn trong tương lai. Hiểu được nỗi lo này, Times Higher Education (THE) đã tạo ra World University Rankings (Bảng xếp hạng các Trường đại học trên Thế giới) nhằm cung cấp cho người trẻ nguồn tư liệu đáng tin cậy, giúp họ đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

Bảng xếp hạng này sẽ thay đổi theo từng năm và bao gồm vô số trường đại học trên toàn thế giới. Với đội ngũ các nhà phân tích dữ liệu của riêng mình, THE cam kết đảm bảo tính minh bạch của mọi nguồn dữ liệu sơ cấp. Hầu hết những dữ liệu này đều được đăng tải công khai và là nguồn số liệu chính của các trường, bao gồm: số lượng sinh viên, tỉ lệ giới tính, tỉ lệ giảng viên – sinh viên, và tỉ lệ sinh viên quốc tế.

[Tham khảo: Top các trường ĐH thế giới năm 2022]

Mỗi trường đại học được đánh giá dựa trên 5 tiêu chí và sứ mệnh cốt lõi của các trường đại học hàng đầu thế giới, gồm có: giảng dạy (teaching), nghiên cứu (research), ảnh hưởng của nghiên cứu (citations), thu nhập ngành (industry income) và tầm nhìn quốc tế (international outlook). Bên cạnh việc tìm trường đại học theo bảng xếp hạng hoặc tìm tên cụ thể, bạn hoàn toàn có thể lọc các trường dựa trên 5 tiêu chí trên.

Phương pháp đánh giá

Link ảnh: https://www.timeshighereducation.com/student/sites/default/files/methodology_2edit.jpg

Giảng dạy (Teaching)

Đối với bất cứ một sinh viên hay môn học nào, yếu tố liên quan trực tiếp chính là môi trường giảng dạy: trường dạy những nội dung gì.

Các bảng xếp hạng được xây dựng dựa trên quan điểm rằng chất lượng giảng dạy của trường có thể được dự đoán dựa trên chất lượng của hoạt động nghiên cứu: tạo tri thức và truyền tải tri thức tại trường đại học.

Vì lí do này, tiêu chí Teaching được đo bằng 5 tiêu chí nhỏ khác: khảo sát danh tiếng, tỉ lệ giảng viên – sinh viên, tỉ lệ Tiến sĩ – sinh viên chưa tốt nghiệp, tỉ lệ Tiến sĩ được nhận thưởng – giảng viên hướng dẫn, và thu nhập. Đây đều là những chỉ số tốt để đánh giá uy tín, cơ sở vật chất và tài nguyên của môi trường giảng dạy và ảnh hưởng trực tiếp của chúng tới sinh viên.

Nghiên cứu (Research)

Một trường đại học với chất lượng giảng dạy tốt chưa chắc đã có chất lượng nghiên cứu cao. Tuy nhiên, nếu đang tìm kiếm ngôi trường cung cấp trải nghiệm học tập tốt nhất, bạn nên kết hợp tìm hiểu giữa chất lượng và số lượng nghiên cứu của trường.

Bên cạnh việc tìm hiểu ý tưởng, lí thuyết và kết quả từ các nguồn tài liệu học tập, bạn cũng nên học từ phía các nhà nghiên cứu. Nếu có cơ hội tiếp xúc với những nhà nghiên cứu giỏi, bạn có thể tích lũy được rất nhiều kiến thức về cả học thuật và thực tiễn. Tại những cơ sở nghiên cứu hàng đầu, bạn sẽ có cơ hội tận dụng các nguồn dữ liệu và cơ sở vật chất chỉ có ở những môi trường như thế. 

Tiêu chí Research được đo bởi khảo sát danh tiếng (đánh giá của sinh viên về công tác nghiên cứu khoa học của trường), khảo sát thu nhập (tầm quan trọng và chất lượng của nghiên cứu) và khảo sát năng suất (số lượng công trình nghiên cứu chất lượng cao được công bố).

[Tham khảo: Top những trường đại học tốt nhất ở Đức 2022]

Ảnh hưởng nghiên cứu (Citations)

Bài kiểm tra cuối cùng đối với chất lượng nghiên cứu chính là tác động của nó. Trong bảng xếp hạng, ảnh hưởng nghiên cứu của một trường đại học được đo bởi số lần công trình của 1 học giả tại trường được trích dẫn bởi 1 nghiên cứu viên khác.

Số lượt trích dẫn càng lớn, bạn càng có nhiều cơ hội tiếp cận với những học giả hàng đầu trong ngành và trao đổi thảo luận cùng họ.

Nói cách khác, ảnh hưởng nghiên cứu phản ánh mức độ đóng góp của trường đối với sự hiểu biết về thế giới. Mức độ đóng góp này vừa là thước đo chất lượng của một trường đại học, vừa là niềm tự hào của các học giả và sinh viên trong trường.

Thu nhập ngành (Industry Income)

Do liên quan trực tiếp tới các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh doanh và công nghệ nên yếu tố này đang ngày càng được xem xét nhiều hơn. Nó thể hiện ảnh hưởng thương mại của một nghiên cứu, phản ánh giá trị ngành của chính nghiên cứu đó.

Tiêu chí này sẽ có vai trò vô cùng quan trọng nếu bạn ưu tiên tính ứng dụng thực tiễn của các nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Tầm nhìn quốc tế (International Outlook)

Các trường đại học ngày nay không còn chỉ cạnh tranh trong phạm vi đất nước mình mà còn vươn ra ngoài thế giới nhằm thu hút những sinh viên và nghiên cứu viên tài năng.

Tầm nhìn quốc tế được đánh giá qua 3 chỉ số: tỉ lệ sinh viên quốc tế – sinh viên trong nước, tỉ lệ giảng viên quốc tế – giảng viên trong nước, và tỉ lệ nghiên cứu có sự tham gia của người nước ngoài.

Lợi ích của một môi trường quốc tế đối với trường đại học không chỉ dừng lại ở các cuộc thảo luận mở mang trí thức bằng những quan điểm khác nhau mà còn mang lại những mối quan hệ liên văn hóa.

Bất kỳ trường đại học nào không kết nối với quốc tế chắc chắn sẽ không thể cạnh tranh được với các trường khác trong một thế giới đang ngày càng hội nhập và di động.

[Tham khảo: Top 5 trường Đại học tốt nhất Canada năm 2022]

Bảng xếp hạng Ngành học (The Subject Rankings)

Bên cạnh Bảng xếp hạng các Trường đại học trên Thế giới, THE còn cung cấp 11 bảng xếp hạng chuyên ngành riêng giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về nhiều lĩnh vực khác nhau như: Nghệ thuật và Nhân văn; Lâm sàng, Tiền lâm sàng và Sức khỏe; Kỹ thuật và Công nghệ; Khoa học Đời sống; Khoa học Vật chất; Khoa học Xã hội; Luật; Tâm lý; Giáo dục; Khoa học Máy tính; Kinh tế và Kinh doanh.

13 chỉ số hiệu suất đều như nhau, nhưng trọng số của mỗi chỉ số đều được điều chỉnh để phù hợp với các tính năng và ưu tiên cụ thể của từng ngành học.

Người dịch: Thu Huyền (SSDH)

 

Share.

Leave A Reply