Sẵn sàng du học – Chingiz Aitmatov (1928 – 2008) là nhà văn nổi tiếng nhất của Kyrgyzstan. "Giamilia – truyện núi đồi và thảo nguyên" là tác phẩm rất nổi tiếng của ông.
Tại Việt Nam, quyển sách này được in nhiều lần, dưới sự chuyển ngữ của các dịch giả xuất sắc: Cao Xuân Hạo, Phạm Mạnh Hùng, Nguyễn Ngọc Bằng, Bồ Xuân Tiến. Tác phẩm vừa được NXB Kim Đồng tái bản năm 2019.
Louis Aragon, nhà thơ Pháp nổi tiếng cũng đã dịch tác phẩm này sang tiếng Pháp từ năm 1959, với lời chú trên bìa: "Câu chuyện tình yêu đẹp nhất thế giới".
Trước khi nằm dưới sự ảnh hưởng của Sa hoàng Nga và sau đó là Liên xô, người Kyrgyz là một sắc dân du mục. Trong khi các dân tộc khác đã thể hiện văn hóa của họ trong các thể loại nghệ thuật “hữu hình” như kiến trúc và sách viết, thì người Kyrgyz vẫn bày tỏ thế giới quan, niềm tự hào và phẩm giá, những trận chiến và hy vọng về tương lai trong thể loại sử thi.
Danyar là một con người kể sử thi như vậy. Giọng hát của anh bay trên sự im lặng của thảo nguyên, tha thiết ca ngợi về quê hương và tình yêu, gây ngạc nhiên và thích thú với những người bạn đồng hành, và lấy được tình yêu cuồng nhiệt của cô gái mắt huyền Giamilia.
Các tác phẩm của Aitmatov – dù viết bằng tiếng Nga hay tiếng Kyrgyz – mùi vị của núi đồi và thảo nguyên tràn trề, là một tiếng nói không thể trộn lẫn. Ông đã mang Kyrgyzstan ra với thế giới, theo cái cách M.Gorky nói về sứ mệnh của nhà văn “thay vì lắng nghe tiếng vang của chính tâm hồn mình, nhà văn phải tự mình trở thành một tiếng vang cho thế giới”.
Aitmatov được biết đến nhiều ngoài biên giới và là một trong số những nhà văn Liên xô nổi tiếng với độc giả Âu – Mỹ. Để hiểu các chủ đề của trong tác phẩm của ông, cần phải hiểu về môi trường xã hội của người Kyrgyz qua nhiều thế kỷ và những giao thoa của nền văn hóa đó dưới nền văn hóa Nga, vốn tương đối xa lạ với họ, trong những năm Xô viết.
Một chủ đề chính trong các câu chuyện của Aitmatov liên quan đến sự bất bình đẳng giới của xã hội Trung Á truyền thống. Đó là tục đa thê – người đàn ông cưới vợ góa của người anh em mất sớm và hình thành “nhà bé”; nạn thất học trong trẻ em gái và phụ nữ; việc coi phụ nữ là hàng hóa.
Aitmatov đã thẳng thắn đối mặt với những vấn đề này và tạo ra một số nhân vật phụ nữ đáng nhớ như Giamilia và Altynai. Những người phụ nữ duyên dáng có ý chí mạnh mẽ này đã phá vỡ truyền thống và đặt ra những xu hướng mới cho những cô gái khác. Aitmatov cũng thể hiện tình cảm tương tự đối với trẻ mồ côi, đặc biệt là những cậu bé không cha (như trong một truyện khác của ông, "Con tàu trắng").
Tình yêu, tuy nhiên, bao giờ cũng là cốt lõi của câu chuyện. Chính nhờ tình yêu mà Giamilia đã phát hiện ra ánh sáng mới ở Daniyar, thứ mà cô mong muốn tìm thấy ở một người đàn ông nhưng Sadyk đã thất bại trong việc trao cho cô.
Ở vẻ lầm lì xa cách của Daniyar, cô tìm thấy sức mạnh nội tâm, lòng trắc ẩn và tình yêu. Không giống như người chồng Sadyk – người cô phải mỏi mòn chờ đợi một biểu hiện tình yêu qua một lá thư vô hồn để rồi thất vọng, với Daniyar, cô biết rằng anh yêu cô cũng đơn giản như cô yêu anh. Họ giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của tình yêu.
Một sự mở ngoặc thú vị, văn học Nga từ cổ điển đến thời Soviet luôn no nê những câu chuyện ngoại tình (hãy đọc Lev Tolstoy hay Antov Chekhov!). Nhưng có vẻ độc giả chẳng ham hố lên án những người phụ nữ ngoại tình ấy cho lắm, thậm chí còn cổ vũ và xót thương.
Tình yêu trong tiểu thuyết của Aitmatov cũng không chỉ đơn giản là lãng mạn giữa nam và nữ. Nó có vô số khuôn mặt – từ sự hấp dẫn đam mê giữa hai người trẻ, tình cảm trong gia đình Hồi giáo truyền thống, tình yêu sâu sắc đối với vẻ đẹp thầm lặng của thảo nguyên quê hương, đến tình yêu nghệ thuật và sự khao khát thể hiện bản thân.
Chính nhờ đôi mắt ngây thơ, mê hoặc và bối rối của cậu trai Seit – em chồng của Giamilia – người đọc có thể cảm nhận câu chuyện tình này một cách mê đắm nhất. Thông qua những “phản ứng hóa học” của Giamilia và Daniyar, Seit bừng tỉnh trước vẻ đẹp choáng ngợp của chính vùng đất bao quanh mình – từ thiên nhiên đến lịch sử, từ cổ xưa cho đến hiện tại.
Chính nhờ tiếng thì thầm của đôi uyên ương bên đống cỏ khô mà trái tim cậu mở ra tình yêu lớn dành cho thảo nguyên quê hương. "Câu chuyện tình yêu đẹp nhất thế giới" ở đây không chỉ là một chuyện tình nam nữ, mà còn là một tình yêu sâu sắc hơn – tình yêu dành cho vùng đất, cho truyền thống, cho âm nhạc, cho nghệ thuật, cho chính cuộc sống.
“Thảo nguyên cảm kích nghe tiếng người hát, sung sướng được vỗ về trong điệu hát thân quen. Lúa mì chín biêng biếc đang chờ thu hoạch rập rờn như làn nước mênh mang, và những vệt ánh sáng lúc sắp rạng đông lướt trên cánh đồng. Đám liễu già đông đảo ở cạnh nhà xay rung lá xào xạc, mấy đống lửa của các khu trại đồng bên kia sông đã tàn lụi, một bóng người cưỡi ngựa êm ru bên bờ sông nhằm hướng bản làng, lúc thì biến mất trong những khu vườn, lúc thì lại xuất hiện. Gió từ phía ấy thổi tới dần hương táo chín, hương mật ngọt của ngô đang trổ hoa thơm thơm như mùi sữa tươi mới vắt và mùi nồng ấm của kigiắc đang khô”.
Năm 2008, khi bệnh viêm phổi cướp đi mạng sống Aitmatov, trên đường phố Kyrgyzstan người ta có thể thấy nhiều người, cả nam lẫn nữ, khóc lóc và giơ tay lên trời trong tuyệt vọng. Một ông lão Kyrgyz ngồi cạnh chiếc radio nhỏ trên ghế đá công viên, nước mắt chảy dài khi nghe tin.
Aitmatov được đông đảo dân chúng Kyrgyz yêu quý. Sau khi Kyrgyzstan độc lập, Aitmatov từng đại diện cho quốc gia trẻ này với tư cách là đại sứ tại Liên minh châu Âu, NATO, UNESCO và nhiều quốc gia khác. Ông là một trong những thứ quý giá nhất mà đất nước thảo nguyên của ông có thể đưa ra để “khoe” với thế giới.
Cá Domino (SSDH) – Theo news.zing