SSDH – Thầy giáo Anthony chia sẻ về cách giúp học sinh của mình nhớ từ mới qua các trò chơi nhỏ, thử thách, giải câu đố…
Từ vựng là điều căn bản mà một người học ngoại ngữ phải có được. Khi bạn đi du lịch, bạn sẽ chọn mang theo từ điển chứ không phải sách ngữ pháp. Vì vậy, mỗi giáo viên nên tập trung vào việc giúp học sinh của mình có một vốn từ vựng đáng kể. Biết càng nhiều từ vựng, bạn càng có thể diễn đạt rõ ràng.
“Tuy nhiên, việc giúp học sinh nhớ từ vựng không dễ. Mỗi giáo viên lại có cách dạy khác nhau. Còn tôi, tôi có một số phương pháp dạy từ mới tiếng Anh cho học sinh theo những nội dung khác nhau”, thầy giáo Anthony nói.
Phần một – Các hoạt động
1. Taboo (trò chơi có thể hiểu như trò “Đuổi hình bắt chữ”): Trò chơi “Taboo” được tổ chức rất đơn giản. Học sinh được ngồi theo nhóm với một chồng thẻ từ mới úp xuống. Một học sinh lật thẻ lên và cố giải thích, ví dụ… để khiến những bạn khác nhớ ra từ mới. Học sinh đoán được từ mới ấy sẽ nhận được thẻ đó và bắt đầu một lượt chơi khác. Cuối buổi học, người chiến thắng là người nhận được nhiều thẻ từ mới nhất.
Điều khiến trò chơi này trở nên rắc rối một cách thú vị hơn là chính học sinh nhận được thẻ từ mới sẽ phải đặt câu với chính những từ ấy. Thế nên, giành chiến thắng đôi khi lại là câu hỏi rắc rối “nho nhỏ” cho các bạn.
Trong suốt trò chơi, học sinh luôn tập trung vào các từ vựng và có cơ hội được nhớ lại các từ đã học.
2. Hot seat (Ghế nóng): Trò chơi được tôi sử dụng nhiều để giúp học sinh ôn từ và khuấy động không khí (warm – up). Lớp học được chia làm hai đội. Mỗi đội cử một bạn lên bảng, ngồi lên một chiếc ghế quay lưng với cả lớp. Các bạn còn lại trong đội cố gắng diễn tả từ vựng bằng cách diễn giải, ví dụ… để thi xem ai đoán ra nhanh hơn. Việc mỗi đội cố gắng diễn tả từ vựng khiến không khí trở nên thực sự sôi động. Bạn sẽ hiểu vì sao trò chơi này được gọi là “ghế nóng”.
Phần hai – Kỹ năng
1. The 24h hour game (Trò chơi 24 giờ): Dù gọi là trò chơi, The 24h hour game yêu cầu nhiều đến kỹ năng hơn. Tôi thử thách học sinh của mình bằng việc giao cho mỗi em 2 – 3 từ vựng (hoặc nhiều hơn). Các em phải dùng những từ này ở ngoài lớp học trong vòng 24h, gắn vào những ngữ cảnh thực tế hàng ngày và mang đến lớp giới thiệu cho các bạn khác. Mọi người cùng tranh luận về cấc câu vừa đặt được này và xem thử cách dùng nào chính xác.
Trò chơi này giúp các em chú ý hơn và ngữ cảnh dùng từ, gắn các cụm từ mới và các trường hợp hằng ngày và thực hành luyện tập với bạn bè, bố mẹ hay bất kì ai sẵn sàng nói tiếng Anh với chúng.
2. Vocabulary – Integrated Discussions (Thảo luận dùng từ vựng): Mỗi học sinh sẽ chọn 2 – 3 từ vựng mà sử dụng các từ này trong suốt buổi thảo luận. Mục tiêu của trò chơi là giúp các em tập thảo luận và quan trọng hơn, sử dụng từ mới một cách tự nhiên. Lúc đầu, buổi thảo luận sẽ hơi ngượng ngập vì mỗi em đều chỉ chú ý đến việc dùng từ mới của mình trong mọi câu nói. Tuy nhiên, càng về sau, các em càng sử dụng những từ này hợp lý, thuần thục và tự nhiên hơn.
3. Recycle, recycle, recycle (Tái tạo): Việc tái tạo từ – giúp học sinh nhớ những từ đã được học từ trước và dùng lại sau này là rất quan trọng. Tôi thường lồng ghép các từ đã học trong các bài mới sau này. Thêm vào đó, khi nói chuyện với học sinh, tôi cũng lưu ý hay dùng những từ mới này, cho học sinh giải các trò chơi đoán ô chữ có những từ này.
Nguồn: Vnexpress