Sẵn sàng du học – Kết quả phỏng vấn 608 du học sinh đến từ 86 quốc gia khác nhau cho thấy rằng số sinh viên muốn tiếp tục sinh sống và làm việc tại Hà Lan ít hơn so với trước khi xảy ra đại dịch.
Trước đại dịch, khoảng 57,3% sinh viên mới tốt nghiệp hoặc sắp tốt nghiệp cho biết họ muốn ở lại Hà Lan, trong khi cuộc khảo sát gần đây ghi nhận con số giảm xuống còn 53,5%. Tuy nhiên, vẫn còn một số đối tượng chưa có kế hoạch chắc chắn sau khi hoàn thành khóa học, tỷ lệ này chiếm 4,8% trước khi dịch bệnh bùng phát và tăng lên đến 8,1% sau đó.
Cụ thể, theo Nuffic (tổ chức hoạt động trong lĩnh vực hợp tác giáo dục đại học quốc tế của Hà Lan), du học sinh không thuộc EU có nhiều khả năng muốn ở lại hơn các sinh viên châu Âu. Trước dịch, 72% sinh viên ngoài EU dự định xin giấy phép cư trú ở lại Hà Lan lâu hơn trước khi xảy ra COVID-19, con số này hiện tại đã giảm xuống còn 56%.
Ngoài ra, khảo sát trong số 131 học viên có bằng kỹ thuật quốc tế có 60% bày tỏ ý định muốn gắn bó lâu dài với Hà Lan, nhiều hơn so với 52% sinh viên trong các lĩnh vực nghiên cứu khác. Theo đó, tỷ lệ du học sinh có suy nghĩ tích cực về cơ hội việc làm tại Hà Lan đã giảm từ 57,3% trước đại dịch xuống còn 45,8%.
Một nghiên cứu năm 2019 của Văn phòng Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan cho thấy một sinh viên không thuộc EU đóng góp €68.500 cho nền kinh tế nếu họ học tại một trường đại học khoa học ứng dụng và €96.300 nếu họ là sinh viên đại học nghiên cứu.
Trong khi đó, mỗi sinh viên EU ngành khoa học ứng dụng cũng đóng góp €5.000, và con số này tăng lên €16.900 đối với ngành đại học nghiên cứu.
Vì vậy, nếu số lượng du học sinh ở lại quốc gia giảm xuống, Hà Lan sẽ thất thoát một khoản tiền rất lớn. Đại dịch Covid-19 thực sự ảnh hưởng vô cùng lớn tới nền giáo dục quốc tế Hà Lan. Covid thực sự đã ảnh hưởng lớn đến ý định du học, ở lại làm việc tại Hà Lan của sinh viên quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là tình trạng chung tại nhiều quốc gia Châu Âu khác.
Người dịch: Phương Thảo (SSDH)