Hành trình ‘khổ tận cam lai’ của chàng du học sinh Việt trên đất Mỹ

0

SSDH – “Tại sao mình không quay trở về Việt Nam luôn đi mẹ? Mình sống ở đó tốt hơn mà”, Quân bắt đầu khóc khi thấy mẹ nấc lên từng cơn.

 

“Không, không được. Nếu bây giờ con trở về thì tương lai sẽ mịt mờ lắm. Nếu con không cố gắng, chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi tình cảnh địa ngục này”.

 

Bảng thành tích của Nguyễn Hoàng Quân:

  • Giải chứng nhận là 1 trong 20 đại diện xuất sắc nhất nước Mỹ về thành tích học tập năm 2015.
  • Giải thưởng Học Giả Thế Kỷ với số điểm cao nhất trên bang Massachusetts.
  • Giải Oberndorf Lifeline to Completion toàn quốc.
  • Học bổng Ruby Anniversary cao nhất của trường Bunker Hill.
  • Một trong 29 sinh viên xuất sắc được vinh danh tại Hạ Viện Massachusetts.
  • Học bổng Hiệp Hội Kỹ Sư từ chủ tịch hội đồng Bunker Hill.
  • Nằm trong danh sách Học Sinh Xuất Sắc Dean’s List 4 mùa liên tiếp.
  • Giải thưởng cho Học Giả Xuất Sắc của Viện Khoa Học Quốc Gia.
  • Bằng chứng nhận cống hiến cho hội Thanh Niên, Sinh Viên Châu Á.
  • Học bổng Kỷ Niệm của Gia Tộc Sivarubini Murugaiah.
  • Bằng chứng nhận thành quả xuất sắc dành cho Người Cố Vấn Học Sinh.
  • Huy chương Bạc cho đóng góp tình nguyện xã hội và giúp đỡ cộng đồng.

 

Những câu nói của mẹ trên giường bệnh cách đây 4 năm vẫn hằn sâu trong tâm trí của chàng trai 24 tuổi. Mẹ con Quân đã trải qua những ngày tháng đầu tiên trên đất Mỹ trong sự bế tắc và nhưng nếu không có khoảng thời gian đó, có lẽ cậu cũng không có được thành công như ngày hôm nay.

 

 Hành trình 'khổ tận cam lai' của chàng du học sinh Việt trên đất Mỹ

Hoàng Quân và mẹ tại lễ trao giải 29 Đại Diện Toả Sáng của bang Massachusetts. Ảnh: NVCC

 

‘Địa ngục’

 

Quân sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Khi nhận được hồ sơ bảo lãnh vào năm 2010 sau 13 năm chờ đợi, gia đình cậu đã quyết định không đến Mỹ định cư nữa vì cuộc sống đang khá yên ổn.

 

Tuy nhiên, khi hay tin người cha nuôi của mình bị chẩn đoán mắc bệnh viêm gan C và chi phí chữa trị cho ông ngày càng cao, Quân đã suy nghĩ lại. Cậu bàn bạc với mẹ và quyết định bỏ ngang đại học để sang Mỹ theo đuổi ngành dược sĩ và nghiên cứu thuốc.

 

Tin tưởng con, mẹ Quân đã cắt hộ khẩu và bán hết tài sản để đến quốc gia cách nửa vòng trái đất sinh sống. Cuối năm đó, họ đặt chân xuống thành phố Boston, bang Massachusetts, thành phố có nền giáo dục được xem là tốt nhất nước Mỹ.

 

Tuy nhiên, cuộc sống không hề dễ dàng như mẹ con Quân tưởng tượng. Để trang trải chi phí sinh hoạt, họ nộp đơn xin việc vào hơn 20 tiệm bánh và tiệm tạp hóa khác nhau nhưng không được nơi nào phản hồi. Lý do đơn giản là vì họ không biết tiếng Anh.

 

Nhờ một người quen giới thiệu, cuối cùng mẹ con Quân được nhận vào làm ở tiệm tạp hóa của một ông chủ người Mexico với mức lương chỉ 5 USD/giờ, trong khi lương tối thiểu tại thời điểm đó là hơn 8 USD/giờ.

 

Không chỉ bị bắt làm việc liên tục và đứng suốt 12 tiếng mỗi ngày, 7 ngày một tuần, hai người còn phải chịu áp lực tinh thần nặng nề vì ông chủ thường xuyên quát mắng. Trong một lần làm việc quá sức, mẹ Quân đã ngất xỉu. Chủ tiệm từ chối trả bất kì một khoản viện phí nào vì cho rằng họ không ký hợp đồng lao động.

 

“Lúc đó, mình cảm thấy vô cùng bất mãn và chỉ muốn quay trở về Việt Nam ngay. Nhưng rồi mẹ gọi mình lại giường bệnh và nói rằng ‘con đừng bỏ cuộc, con phải đi học để có một tương lai tốt hơn’ “, Quân kể lại với VnExpress. “Bà nói ‘nếu bây giờ con trở về, những người yêu thương chúng ta sẽ buồn lắm. Mẹ cũng vậy’ “.

 

Hiểu nỗi lòng của mẹ, Quân tự dặn mình phải tiếp tục bám trụ công việc bán thời gian ở tiệm tạp hóa với mức lương ít ỏi. Đồng thời, ngay ngày hôm sau, cậu cũng nộp đơn xin vào trường Cao Đẳng Cộng Đồng Bunker Hill với mục tiêu vừa đi làm vừa phải học thật tốt.

 

Đây chính là bước ngoặt lớn khiến cuộc đời Quân rẽ sang một trang mới. Nhờ chính sách quan tâm người nhập cư của trường, cộng với sự giúp đỡ từ bạn bè, khả năng tiếng Anh của Quân dần được cải thiện. Cậu cũng kiếm được công việc tốt hơn cho mẹ ở một tiệm làm móng tay của người Việt gần nhà.

 

Đúng lúc đó, Quân lại nhận được tin dữ khi mẹ cậu bị tổn thương xương và dây chằng ở tay do thời gian trước đó bưng đồ nặng. Bà phải đáp chuyến bay về Việt Nam để thực hiện phẫu thuật dây chằng vì bảo hiểm y tế cho người nhập cư không chi trả nổi số tiền phẫu thuật hơn 20.000 USD.

 

“Mình thật sự bị sốc nặng. Mình cầm lòng và nói rằng mẹ cứ yên tâm về phẫu thuật, ở đây mình có thể tự lo được tất cả mọi thứ. Nhưng khi máy bay chở mẹ cất cánh, mình khá hoang mang không biết mình có vượt qua nổi không”, Quân kể. “Bình tâm lại, mình quyết định đi tìm thêm việc làm để trả chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở đây”.

 

Giáo dục là lối thoát

 

Giữa năm 2013, ngoài việc tham gia đầy đủ 4 lớp khoa học khá khó, Quân cũng sắp xếp thời gian để làm thêm hai công việc là rửa chén tại nhà hàng vào ban đêm và làm móng tay vào cuối tuần. Chàng trai trẻ làm việc tổng cộng 40 giờ mỗi tuần và dành 40 giờ còn lại để học “điên cuồng”. Trung bình mỗi ngày, Quân chỉ ngủ khoảng 3-4 tiếng.

 

“Vừa đi học vừa đi làm, mình vẫn cố gắng hết sức để đạt được điểm A trong tất cả các môn vì mình tin giáo dục là lối thoát duy nhất để mình có một tương lai tốt hơn trên đất Mỹ này”, Quân nói. “Để giảm bớt chi phí cho việc học, mình cũng cố gắng nộp đơn vào tất cả các loại học bổng khác nhau từ trong cho đến ngoài trường”.

 

Một trong những lựa chọn mà Quân nhắm đến chính là Học Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT) vì ngôi trường này cung cấp một ngành học liên kết giữa nghiên cứu vật liệu để áp dụng vào chế tạo thuốc và giúp vận chuyển thuốc đến đúng cơ quan cần chữa trị. Đây chính là phương pháp tấn công tế bào ung thư hiệu quả và là mục tiêu mà Quân đang tìm kiếm.

 

Quân chuẩn bị hồ sơ để nộp đơn vào MIT trong vòng một năm. Một ngày điển hình của cậu bắt đầu lúc 5 giờ sáng để luyện thi SATs và TOEFL trước khi đến lớp học vào 8h30. Quân dành toàn bộ thời gian ở trường trong một ngày để hoàn thành hết tất cả bài tập được giao của tuần sau. Khi trời đã tối mịt và người đã mệt nhoài, cậu mới trở về nhà ngủ một giấc ngắn khoảng một tiếng trước khi bắt đầu ca rửa chén ban đêm tại nhà hàng.

 

 Hành trình 'khổ tận cam lai' của chàng du học sinh Việt trên đất Mỹ

Quân và vợ, Phương Linh tại lễ trao bằng chứng nhận Cống Hiến cho Hội Sinh Viên toàn trường Bunker Hill. Ảnh: NVCC

 

Những lúc Quân tưởng chừng mình không thể bước tiếp vì kiệt sức, sự động viên của mẹ và đặc biệt là người vợ trẻ Mai Nguyễn Phương Linh lại giúp cậu có thêm năng lượng để vượt qua mọi khó khăn.

 

Quân và Linh từng học chung trường trung học ở Việt Nam nhưng chỉ biết nhau khi trở thành sinh viên của Bunker Hill vào cuối năm 2011. Suốt quãng thời gian đầy thách thức sau đó, Linh là người nấu bữa trưa để Quân mang đến trường hằng ngày và cùng cậu giải quyết hết đống bài tập của tuần sau để kịp ca làm đêm.

 

Sự cố gắng hết mình của Quân và tình yêu của Linh cuối cùng cũng được đền đáp. Vào cuối mùa học năm đó, Quân không chỉ nhận được điểm A ở tất cả các môn mà còn được chọn vào Chương Trình Sinh Viên Danh Dự của Boston, giành được học bổng 10.000 USD từ Viện Khoa Học Quốc Gia, và được kết nạp vào Hội Sinh Viên Danh Dự Toàn Cầu Phi Theta Kappa. Bên cạnh đó, với thành tích hoạt động tại Hội Sinh Viên Học Sinh của trường, Quân cũng được hiệu trưởng tặng bằng cống hiến danh dự.

 

Được tiếp thêm tự tin, Quân nộp đơn xin thực tập tại MIT và may mắn trở thành một trong 10 người vượt qua gần 1.000 hồ sơ trên khắp nước Mỹ được nhận vào chương trình thực tập tại Viện Nghiên Cứu Kỹ Thuật Vật Liệu ở MIT vào hè năm 2014.

 

Ấn tượng trước nghị lực của chàng trai gốc Việt, tiến sĩ Helen Zeng, người hướng dẫn của Quân, đã viết một bức thư tiến cử cậu với ban tuyển sinh của trường. Với điểm số 3,95/4, điểm SATs cao, thành tích lãnh đạo và tình nguyện cùng câu trả lời thuyết phục cho câu hỏi “Tại sao bạn lại chọn MIT?”, đầu năm nay Quân đã giành được một suất theo học tại học viện danh tiếng này. Cậu được cấp học bổng 60.000 USD một năm trong ba năm cho đến khi tốt nghiệp cử nhân.

 

Luôn biết cho đi

 

Dự định của Quân sau khi tốt nghiệp là tiếp tục học lên tiến sĩ ở MIT để có thêm nhiều cơ hội nghiên cứu về các phương pháp điều trị ung thư. Bên cạnh đó, Quân đang làm nghiên cứu sinh cho một công ty dược phẩm để học hỏi thêm kinh nghiệm điều hành và quản lý công ty tại Mỹ.

 

“Mình ước mơ mở một công ty đa quốc gia về y sinh chuyên nghiên cứu, sản xuất và phân phối các vật dụng y tế chất lượng cao với mức chi phí thấp hơn cho Việt Nam và các nước lân cận, để tất cả mọi người trên thế giới đều được tiếp cận và sử dụng công nghệ y khoa tiên tiến nhất”, Quân nói. “Tự mình tạo ra những sản phẩm tuyệt vời cho người tiêu dùng là lý tưởng sống của mình”.

 

 Hành trình 'khổ tận cam lai' của chàng du học sinh Việt trên đất Mỹ

Quân nhận giải thưởng Học Giả Thế Kỷ nhờ số điểm cao nhất trên bang Massachusett. Ảnh: NVCC

 

Khi được hỏi về bí quyết thành công, Quân luôn cho rằng ngoài sự cố gắng của bản thân, đó còn là nhờ sự giúp đỡ từ những thầy cô và bạn bè xung quanh.

 

“Một người thành công đã chia sẻ bí quyết với mình rằng người thành công là người luôn biết cho đi mà không bao giờ đòi hỏi được nhận lại. Bạn hãy cứ quan tâm, chia sẻ và đối xử tốt với những người xung quanh mình, rồi sẽ có người thấy điều đó và giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn”, Quân nói.

 

Chính vì thế nên dù lịch học dày đặc, Quân vẫn cố gắng dành thời gian để chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những bạn trẻ đang ấp ủ ước mơ đặt chân vào những ngôi trường danh tiếng như MIT và Harvard. Quân đang phối hợp cùng bạn bè tổ chức một chương trình đặc biệt giúp các bạn trẻ có cơ hội thực tập tại MIT, vừa được tiếp cận với môi trường giáo dục ở Mỹ vừa lĩnh hội thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm, sau đó quay trở về hiện thực hóa ước mơ.

 

“Đó là một cách để mình trả ơn những người đã giúp đỡ mình trước đây”, Quân nói.

 

Quân cho hay điều khiến cậu tâm đắc nhất ở du học sinh Việt Nam đó chính là sự thông minh và cố gắng không biết mệt mỏi. Tuy nhiên, để du học, “bạn sẽ phải chuẩn bị tâm lý để vượt qua nỗi nhớ gia đình, tự trang trải chi phí sinh hoạt, cảm giác thua thiệt mọi người, thiếu thốn sự quan tâm, và muôn ngàn lý do khác khiến bạn muốn dừng lại ngay lập tức”, Quân chia sẻ.

 

“Hãy nhớ một điều rằng chỉ có chính bản thân bạn mới hạ gục bạn, còn tất cả những điều gì không giết chết được bạn thì chỉ càng làm bạn mạnh mẽ hơn thôi”, chàng trai 24 tuổi nói. “Bạn không cần phải làm một điều gì đó vĩ đại, chỉ cần làm những điều nhỏ nhặt xung quanh bạn bằng một tình yêu vĩ đại là đủ rồi”.

 

Nguồn: Vnexpress

Share.

Leave A Reply