Hoài nghi về quyết định du học – cảm giác bất kì DHS nào cũng từng trải qua

0

Sẵn sàng du học – Thử nghĩ mà xem, trong khi bạn bè nơi quê nhà đã làm nên ông này, bà kia, yên bề gia thất, hầu bao rủng rỉnh, thì mình vẫn phải cắm mặt đi học, thời gian rảnh thì đi chạy bàn kiếm vài đồng xu lẻ. Cái tuổi 30 càng đến gần, thì một nỗi lo sợ mơ hồ lại càng xâm chiếm.

Bạn đang sống vì điều gì?

Một trong những cảm giác mà các du học sinh ít nhiều đã từng trải qua, đó là sự hoài nghi về quyết định đi du học của mình.

Có người khi mới đi du học chỉ dự tính ở nước ngoài khoảng 2-3 năm thôi, nhưng rồi kế hoạch thay đổi, hoặc là đổi ngành, hoặc là đổi nghề, chớp mắt đã 8-9 năm xa nhà.

Mà cuộc sống của du học sinh là cuộc sống vô định, chưa biết tương lai thế nào, nhỡ đâu học xong chính phủ lại đổi luật thì công toi, phải bắt đầu lại từ đầu. Nghề nghiệp cũng vậy, rất ít doanh nghiệp nước ngoài chịu tuyển du học sinh làm full time (toàn thời gian) vì giấy tờ rắc rối – đa số công việc đều ưu tiên cho thường trú nhân hoặc công dân mà thôi.

Tôi có những người bạn, sau khi học xong đã quyết định về lại Việt Nam vì cảm thấy ngôn ngữ là một trở ngại quá lớn cho việc tìm việc đúng ngành. Vì nói gì thì nói, trừ phi bạn sinh trưởng ở nước ngoài, hay học trung học ở trường quốc tế, tiếng Anh của bạn không thể nào sành sỏi như người bản địa được.

Ngay cả khi bạn đạt IELTS 8.0, 9.0 thì thứ tiếng Anh mà bạn sử dụng vẫn là tiếng Anh đã được “chuẩn hoá” để dạy cho người nước ngoài. Bạn vẫn thiếu mất cái văn hóa sâu sắc của người bản địa, vốn rất quan trọng trong những công việc liên quan đến khoa học xã hội, truyền thông hay thậm chí kinh doanh.

Những người chọn ở lại sau khi học xong, phần đông họ phải chấp nhận làm công việc trái ngành, mà phổ biến nhất vẫn là các công việc nhà hàng – khách sạn hoặc bán lẻ.

Nhưng ở Úc hay Mỹ có một cái rất hay, là dù bạn làm việc trong ngành nào, dẫu công việc có “tầm thường” tới đâu mà được trả đúng mức lương cơ bản, thì bạn vẫn có thể sống đủ, sống tốt.

Chính vì thế nên với nhiều người Úc, họ không lấy nhà cao cửa rộng làm mục tiêu của đời mình, mà theo đuổi những đam mê của bản thân. Có những nghệ sĩ ban ngày đi làm bồi bàn để đêm đến có thể cháy hết mình trên sân khấu. Có những cặp vợ chồng nổi hứng nghỉ việc bất tử để cùng gia đình khám phá nước Úc bằng xe van trong suốt một năm. Có những bác sĩ đóng cửa phòng mạch mấy tháng để đi khám bệnh từ thiện ở những nước nghèo.

Và các du học sinh cũng vậy. Một khi đã xác định được mục tiêu sống của mình, thì dù có phải dành thời gian sống ở nước ngoài 5 năm hay 10 năm, thì cũng không có gì phải hối hận.

duhocsinh

Hoài nghi về quyết định du học là cảm giác mà hầu như bất kỳ du học sinh nào cũng từng trải qua, từ lúc mới nhập học hay đến lúc tốt nghiệp ra trường (Ảnh minh họa: Pixel).

Chỉ lắng nghe thôi

Nhiều người mỗi khi bạn bè tâm sự một điều gì đó, hoặc chia sẻ về một vấn đề trong cuộc sống, thì thường đưa ra lời khuyên rằng "Nói vậy có ích gì?", hoặc cho rằng mình có nghe thì cũng chẳng giúp gì được cho người ấy. Thế nhưng họ đâu biết rằng, chỉ riêng việc lắng nghe cũng giúp đem lại an lạc rất nhiều cho người khác.

Là con người, ai cũng có nhu cầu được lắng nghe và thấu hiểu. Viết nhật ký, viết blog, chia sẻ hình ảnh và video trên mạng xã hội, chẳng qua chỉ là những hình thức khác nhau của việc thoả mãn nhu cầu được lắng nghe, được nói lên những gì mình suy nghĩ.

Đôi lúc, việc nói thành lời hoặc ghi thành con chữ cũng đủ để người ta sắp xếp các dòng suy tưởng lộn xộn trong đầu mình cho thành mạch lạc, rõ ràng. Và như thế, chỉ riêng việc lắng nghe mà không phán xét, hay thậm chí không đưa ra lời khuyên cụ thể nào, cũng đã là một món quà ta dành tặng cho người đối diện.

Cuộc sống hiện đại cung cấp cho chúng ta rất nhiều công cụ để gây xao nhãng tâm trí, giúp chúng ta tạm thời quên đi những vấn đề trong cuộc sống.

Mỗi khi bực dọc hay căng thẳng, chúng ta hay tìm đến mạng xã hội, hay lướt Youtube xem video giải trí. Thế nhưng những cảm xúc tiêu cực trong ta không chạy đi đâu cả, mà chỉ lặn sâu xuống tiềm thức, đợi đến một lúc nào đó sẽ bùng phát. Nhưng nếu có người chịu lắng nghe chúng ta tâm sự, thì ta có thể đối diện với những vấn đề đó một cách bình tâm và sáng suốt hơn.

Khi lắng nghe, bạn không cần phải làm gì cả, chỉ cần lắng nghe thôi. Tai vốn là để nghe, nhưng chúng ta lắm khi không lắng nghe những gì người khác đang nói. Chúng ta thường quá bận rộn phán xét, phản biện, hay đưa ra giải pháp hơn là chỉ lắng nghe.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói, "Khi truyền thông bị cắt đứt hay bị bế tắc, chúng ta khổ đau. Khi không có ai lắng nghe và hiểu ta, ta sẽ trở thành trái bom sắp nổ. Lắng nghe với tâm từ bi mang đến cho ta nhiều trị liệu. Đôi khi, chỉ cần mười phút lắng nghe sâu là chúng ta có thể được chuyển hóa và có lại nụ cười trên môi".

Đăng Trình (Thạc sĩ Truyền thông Đại học Melbourne, Úc)

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Dân trí

Share.

Leave A Reply