SSDH – Đó là chia sẻ của Tống Diệu Quỳnh, người giành học bổng toàn phần của Chính phủ Australia và học bổng Fulbright năm 2016 của Mỹ.
Với bài luận và phần trả lời phỏng vấn thuyết phục, Tống Diệu Quỳnh vừa trở thành chủ nhân học bổng Fulbright 2016. Trước đó, cô cũng xuất sắc giành học bổng toàn phần của Chính phủ Australia (Australia Awards).
Bước đệm của cuộc đời
Đỗ Đại học Ngoại thương năm 2008, Diệu Quỳnh học Kinh tế đối ngoại – ngành hot nhất của trường. Tuy nhiên, cô gái sinh năm 1990 không nghĩ việc lấy tấm bằng đại học top đầu chỉ để kiếm việc lương cao. “Mình học Ngoại thương chỉ vì thích môi trường năng động”, Quỳnh tâm sự.
Tống Diệu Quỳnh. Ảnh: NVCC.
Từ nhỏ, Diệu Quỳnh đã xác định mục tiêu nghề nghiệp gắn với công tác xã hội. Thời sinh viên, cô tham gia nhiều tổ chức phi chính phủ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Gần đây nhất, Quỳnh kêu gọi ủng hộ quần áo ấm cho trẻ em Mèo Vạc, Hà Giang trong đợt rét kỷ lục ở miền Bắc. Cô cũng trực tiếp lên vùng cao trong những ngày giá rét để thực hiện các hoạt động của dự án.
Học tập để cống hiến cho xã hội là tinh thần mà cô gái chia sẻ trong bài luận và buổi phỏng vấn xin học bổng Mỹ. Cô bảo không dùng những mẫu câu “học bổng này là ước mơ của tôi” hay “Tôi muốn du học để đổi đời”. Thay vào đó, 9X cho các nhà tuyển chọn của Fulbright thấy việc du học sẽ giúp mình có kỹ năng cải thiện xã hội như thế nào. Quỳnh nhấn mạnh, học bổng chỉ là bước đệm.
“Đừng viết trong bài luận hay trả lời phỏng vấn rằng, học bổng này là ước mơ lớn nhất đời. Không ai muốn cấp học bổng cho người có tầm nhìn hạn hẹp, đặc biệt với Fulbright”, Diệu Quỳnh chia sẻ.
Về học tiếng Anh để lấy chứng chỉ du học, chủ nhân hai học bổng giá trị cũng chọn cách lấy kỹ năng thay vì điểm số. Nữ 9X cho biết, nỗi ám ảnh về điểm thi IELTS, TOEFL… là nguyên nhân chính khiến việc học như cực hình. “Tốt nhất, bạn hãy coi đó như một kỹ năng và tâm niệm rằng mình cần kỹ năng để làm việc tốt hơn”, cựu sinh viên Ngoại thương chia sẻ.
Để giành học bổng Fulbright, ứng viên cũng phải có thư giới thiệu của những người uy tín, am hiểu lĩnh vực mà mình định theo học. Hai năm sau khi tốt nghiệp cũng là thời gian Diệu Quỳnh tìm ra những người sẽ viết thư giới thiệu xin học bổng cho mình.
Cô từng có chuyến đi lên Mường Khương, Lào Cai kéo dài 3 tháng cùng một giáo sư nước ngoài. Hai người tiến hành các cuộc khảo sát xã hội học về cư dân tại đây. Sau này, chính vị giáo sư ấy đã viết thư giới thiệu xin học bổng cho Diệu Quỳnh.
Với học bổng Fulbright vừa giành được, Quỳnh có thể chọn Đại học Colombia hoặc Cornell – hai trường nằm trong top 8 trường hàng đầu tại Mỹ.
Sống để sẻ chia và trải nghiệm
Giành được học bổng kép, Quỳnh được bạn bè khuyên giữ cả 2 suất để phòng rủi ro. Nhưng ngay khi quyết định chọn Fulbright, 9X từ chối suất học bổng của chính phủ Australia, nhường cơ hội cho ứng viên khác.
Tiếp đó, cô gái này làm điều chưa từng có tiền lệ với các chủ nhân học bổng Fulbright, đó là đăng tin tìm kiếm người có dự định xin học bổng này để kèm cặp cho họ trong suốt quá trình viết hồ sơ và phỏng vấn.
Diệu Quỳnh thích ngao du và trải nghiệm. Ảnh: NVCC.
“Mình hy vọng việc người đi trước giúp người đi sau sẽ trở thành một thông lệ đẹp được các lứa Fulbrighters sau này áp dụng”, Quỳnh chia sẻ.
Diệu Quỳnh cũng rất thích ngao du trải nghiệm. Cô từng chinh phục thành công đỉnh Phan Xi Păng, Bạch Mộc Lương Tử, sống 3 tháng ở Lào Cai, lang thang một mình ở Xiêm Riệp (Campuchia). Với cô, đi và trải nghiệm là cách tốt nhất để tích góp những bài học cuộc sống.
Hiện Quỳnh là nhân sự của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) – tổ chức hoạt động vì quyền của các nhóm thiểu số trong xã hội. Trong thời gian du học sắp tới, cô sẽ học hỏi những kinh nghiệm làm công tác xã hội tại Mỹ để chia sẻ với những đồng nghiệp ở Việt Nam.
Nguồn: Zing