Hướng dẫn tìm nhà cho du học sinh sắp qua Canada (Phần 1)

0

SSDH – Sau khi nhận được kết quả đậu Visa Canada thì 99% các bạn sẽ cài nhạc chuông bài gì mà “cầm tấm vé trên tay em bay đến nơi xa…” và điều lo lắng tiếp theo là tìm được một nơi ở phù hợp.

 

tim-nha-tai-canada

Mỗi một phụ huynh và du học sinh sẽ có một yêu cầu khác nhau và không có căn nào giống căn nào. Có bạn thì muốn phòng master bedroom với washroom riêng, có bạn lại nhất định tường phải màu trắng, cửa sổ phải hướng đông cho hợp mệnh thì học hành thi cử các thứ mới suôn sẻ, có bạn lại quả quyết “em có thể trả đến tận 500$/tháng, anh xem phòng nào tốt tốt ấy”, vân vân và mây mây

Có một định lý bất di bất dịch “Bất cứ Du học sinh nào rồi cũng sẽ ở không dưới 2 ngôi nhà ở Canada”.

Vì thế, đừng tìm một thuê nhà thỏa hết tất cả điều kiện của bạn đồng thời, nhưng hãy liệt kê ra những thứ ưu tiên với bạn tại thời điểm đó. Cuộc sống luôn thay đổi và chúng ta cũng sẽ thế.

Hãy viết xuống những điều dưới đây và sau đó xếp chúng theo thứ tự ưu tiên

  • Budget bao nhiêu
  • Khu vực
  • Vị trí phòng
  • Chủ nhà
  • Bạn cùng phòng
  • Hợp đồng dài hạn hay ngắn hạn

Càng liệt kê chi tiết thì bạn sẽ càng hình dung rõ nét hơn về mái ấm mới của bạn nơi xứ người.

Budget của bạn là bao nhiêu?

Đừng cố gồng người để chi ra một khoản hơn khả năng cho việc thuê mướn phòng để rồi phải thắt lưng buộc bụng cho những khoản khác như đồ ăn, giải trí, du lịch, trải nghiệm,… Tuy nhiên, cũng đừng cố tiết kiệm quá mức bằng cách share chung với người khác hoặc ở một căn phòng tồi tàn, ẩm thấp.

Đối với một số bạn, phòng chỉ là nơi quăng mình chìm vào giấc ngủ sau những ca làm thêm, những ngày chạy deadline thừa sống thiếu chết, nhưng với các bạn khác nó có thể xem như một khu phức hợp all in one gồm thư viện, bedroom, cinema, hotel, bar,…

Vì thế phải cân đo đong đếm thiệt kĩ càng. Nhất là trong mùa dịch này thì đúng là cả thế giới thu bé lại chỉ vừa 20m2 là có thật.

Giá phòng đơn tại Toronto hay các thành phố trung tâm gọi là tạm ổn cũng phải giao động từ 500-700$. Với các vùng xa hơn thì có thể sẽ mềm hơn một chút tầm 450$.

Location

Có rất nhiều bạn khi ở Việt Nam thường sẽ chọn các ngôi nhà gần trường học, ý mình là gần đến mức đi bộ được hoặc mở cửa sổ là nghe thấy tiếng thầy giáo giảng bài được ấy. Nếu trường của bạn không nằm ngay trung tâm thành phố như kiểu Q1 hay Hoàn Kiếm ở Việt Nam, thì bạn nên cân nhắc lại.

Ở gần trường tất nhiên là ưu việt trong chuyện di chuyển rồi, mưa không đến mặt nắng không đến đầu. Thêm cái khoản mấy người ở Việt Nam nhiều khi hay thật, chắc coi mấy chương trình Discovery, Man vs Wild rồi hay hù nhau Canada lạnh lắm, tuyết ngập trời, ở gần trường đi cho tiện càng tăng thêm cái sự hợp lý của lựa chọn này đối với phụ huynh và học sinh.

Tuy nhiên, với các trường không có campus ngay trung tâm, thì việc ở gần trường lại là một bất lợi khá lớn.

Thứ nhất là khu vực xung quanh trường hầu như không có nhiều khu vui chơi giải trí và việc làm thêm cho bạn sau giờ đi học mà bạn có thể đi bộ đến được. Ví dụ như Humber North Campus, Lakeshore Campus. Muốn đi làm thêm thì gần cũng phải đến Woodbine mall còn không thì phải bắt xe đến Kippling station rồi tiến về downtown cũng ngót nghét 45-60 phút. Còn Seneca Newnham campus thì phải đi về phía Finch Station, Fairview Mall hay Sheppard n Yonge chẳng hạn. Vì vậy, nếu bạn muốn đi hang out với bạn bè hay đi làm thêm thì sẽ phải di chuyển khá xa mới tới khu trung tâm, chưa kể lúc tối các khu vực gần trường lại càng vắng vẻ hơn rất nhiều.

Thứ hai là các nhà xung quanh trường thường cũ và giá cao do các chủ nhà nắm được nhu cầu tìm thuê của sinh viên quốc tế, nên họ sẽ tiết kiệm hơn trong khoảng renovation lại nhà vì lúc nào cũng khát phòng, có những căn thậm chỉ bị chia năm xẻ bảy, phòng cách phòng có mỗi cái vách ngăn mỏng lét rồi có cả gián và chuột do vấn đề vệ sinh chung và không hề rẻ chút nào. Mấy bạn ở khu Humber Lakeshore chắc có trải nghiệm.

Bí kíp là bạn nên chọn nhà chỉ cần nằm trên các line subway hoặc có buýt chạy qua. Miễn sao từ nhà bạn đến trường và chỗ làm trong bán kính dưới 30 phút đi phương tiện công cộng là hợp lý. Bạn sẽ tìm được nhiều nhà đẹp và giá tốt hơn.

Vị trí phòng

Thông thường nhà sẽ chia thành 3 tầng là basement, mainfloor và upstairs. Nhà ở Canada có khá nhiều dạng nên mỗi loại tầng lại có thêm vài kiểu khác nhau

Basement thì có basement chìm và basement nổi (Walkout basement). Basement chìm thì nằm hẳn dưới lòng đất, chỉ có một cái ô cửa rất nhỏ để lấy sáng. Ở basement vào mùa hè thì mát, vào mùa đông thì rất lạnh do nó là tầng hầm dưới đất mà. Không khí trong basement thường không có trong lành nên các bạn có vấn đề về hô hấp sẽ thỉnh thoảng thấy khó thở, và vì áp suất dưới lòng đất nên bạn có thể sẽ bị thêm triệu chứng đâu đầu và tăng nhãn áp. Basement mục đích khi xây dựng không phải để cho người ở trong thời gian dài mà thường để làm storage, entertainment room và workplace tức là chỉ xuống chơi mấy tiếng rồi lên lại mainfloor.

Basement cũng là nơi đặt các hệ thống như đường ống dẫn gas, nước nóng, máy giặt nên sẽ có tiếng ồn và nguy cơ rò rỉ. Cái cửa sổ nhỏ mình đề cập phía trên không phải để bạn mở ra đón khí trời nhé, vì nó sát đất mà, mở ra bụi bay vào đầy nhà. Nó để khi bị hỏa hoạn hay lỡ bị khóa trái basement từ phía trên thì bạn có thể đập cửa để thoát ra. Người ta cũng khuyến khích không nên ở dưới basement lâu hơn 6 tháng để tránh các bệnh xương khớp khi về già.

Walkout basement thì khác, có cửa ra vào và cửa sổ bình thường như tầng trệt. Nó là kiểu nhà giống như ở Đà Lạt bạn thường thấy nhà có cửa thấp hơn mặt đường một chút. Ở walkout basement thì khắc phục được các nhược điểm của basement chìm trừ vấn đề tiếng ồn từ các tầng mainfloor. Khi mình nói tới tiếng ồn không phải là như ở Việt Nam  dùng loa kéo mà hát karaoke nhé. Ở basement, đến cả tiếng bước chân hay tiếng dội cầu từ mainfloor bạn cũng nghe như như nhạc lossless, rất chill.

Mainfloor là tầng chính của ngôi nhà, nhà bình thường tối đa 2 phòng ở mainfloor thậm chỉ thường sẽ không có phòng ngủ tại tầng này. Vì nó bao gồm phòng khách, phòng ăn và bếp. Phòng mainfloor là phòng có nhiệt độ ổn định nhất so với các tầng còn lại của nhà vì hệ thống điều hòa trung tâm – central air conditioner thường đặt cảm biến nhiệt tại tầng này. Nghĩa là hệ thống này sẽ sử dụng nhiệt độ đo được ở tầng này làm tiêu chuẩn để tăng hay giảm nhiệt độ cho toàn bộ căn nhà. Tuy nhiên, chính vì tầng này bao gồm các khu vực sinh hoạt chung như living room, kitchen, nên bạn cũng sẽ bị ồn mỗi khi có người ra vào và sử dụng các khu vực trên.

Upstairs thì bạn được thoải mái, một mình một cõi, thường không bị ồn bởi các tầng dưới, nhưng điều đó không có nghĩa là không bị ồn bởi các phòng bên cạnh. Upstairs thường là tầng có nhiều phòng nhất và các phòng ở Canada thường được ngăn bằng vách thạch cao nên cách âm khá kém. Thêm vào đó, vì là tầng trên cùng nên mùa hè sẽ nóng hơn các tầng còn lại và mùa đông thì cũng lạnh không kém. Còn một loại upstairs khác là tầng áp mái, giống như ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên trong poster minh họa phía dưới nè. Tầng áp mái hình tam giác của một ngôi nhà. Nhìn thì cinematic vậy thôi chứ cái trần nó hình tam giác nên không gian bị hẹp rất nhiều và không đặt được nhiều vật dụng. Thêm vào đó khi bạn nằm với trần nhà thấp và cắt góc sẽ có cảm giác bị đè nén nhiều bạn than phiền ngủ tầng này hay bị ngủ không sâu hoặc xảy ra hiện tượng bóng đè.

Giá phòng tăng dần từ Basement > Mainfloor > Upstairs

Kết thúc phần 1 ở đây nhé, hẹn các bạn phần hai nhé. Bài viết trên thổ địa Canada

SSDH Team

Share.

Leave A Reply