Kể chuyện du học ở ‘thiên đường du lịch’

0

SSDH – Được mệnh danh ‘thiên đường du lịch’, Indonesia và Malta là địa điểm du học lạ lẫm với nhiều du học sinh. Hai du học sinh Việt mới đây đã chia sẻ với Tuổi Trẻ trải nghiệm thú vị của mình khi du học tại đấy.

du-hoc-sinh

Nguyễn Thị Lụa (thứ hai từ trái) và các du học sinh đến núi lửa Bromo cách Malang không xa – Nguồn Tuổi Trẻ

Tốt nghiệp đại học không lâu, Phạm Thượng Hải và Nguyễn Thị Lụa nhận được suất học bổng du học toàn phần đến Malta và Indonesia. Vượt qua khác biệt ban đầu về văn hóa, khí hậu, hai bạn trẻ đang hòa nhập và tìm thấy niềm vui trong đời sống người dân bản địa.

Thèm ăn món Việt ở Malang

Trong năm cuối học tại Trường ĐH Mở TP.HCM, Nguyễn Thị Lụa nộp hồ sơ cho chương trình học bổng Darmasiswa của Chính phủ Indonesia. Theo đó trong một năm, Lụa sẽ học tiếng Bahasa – ngôn ngữ chính thức của Indonesia, nghệ thuật và văn hóa nước sở tại.

Rời Việt Nam từ cuối tháng 8-2016, Lụa bắt đầu việc học tại Trường ĐH Malang, phía đông đảo Java – đảo lớn nhất Indonesia.

“Khác với nhịp sống hối hả, nhộn nhịp ở thủ đô Jakarta, thành phố Malang rất tĩnh lặng. Tuy nhiên, hình như người ở đây rất thích bắn pháo bông. Từ đám cưới, sinh nhật, lễ hội đường phố đến hoạt động trong trường, có khi bắn liên tiếp 3-4 ngày. Họ cho rằng bắn pháo bông là để thông báo niềm vui cho mọi người. Vì vậy, dù đang ngồi trong phòng học hay đi ngoài đường đều có thể bất chợt nghe những tiếng nổ lớn do pháo bông phát ra”, Lụa kể.

Được mệnh danh là “Paris của đông Java”, Malang có thời tiết mát mẻ, se lạnh như Đà Lạt với đồi núi, vườn cây bao quanh thành phố. Nhưng cuộc sống hơi tĩnh lặng, hoang vu.

Do thời gian học khá thoải mái (từ thứ 2 đến thứ 5), lớp của Lụa thường kéo đến các điểm du lịch vào các ngày nghỉ. Cuối năm ngoái, Lụa vô tình gặp một nhóm khách Việt Nam qua Malang tìm hiểu về nông nghiệp nên đã dẫn đường và thông dịch miễn phí cho họ đến các vườn táo nổi tiếng ở địa phương.

“Độc đáo ở chỗ Malang vẫn còn nhiều núi lửa đang hoạt động, thỉnh thoảng có động đất. Ký túc xá từng rung lắc hơn 6 độ Richter nhưng mọi chuyện vẫn bình an”, Lụa nhớ lại. “Nhưng điều đó càng khiến nhiều người tò mò đến ngắm miệng núi Bromo gần Malang, ồ lên khi nhìn thấy cột khói trắng bốc ca hàng kilômet và tận hưởng hoàng hôn, bình minh giữa điệp trùng mây núi”, cô nói.

Trong khi vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên mang lại nguồn cảm hứng cho Lụa, ẩm thực lại là nỗi buồn kéo dài nhiều tháng qua của cô. Người bản địa phần lớn theo đạo Hồi với nguyên tắc không ăn thịt heo, chuộng khẩu vị cay, nhiều nghệ và nấu khá khô so với thói quen của người Việt.

“Lúc mới qua mình có chuẩn bị chà bông và phải ăn lén rất khổ sở để giữ lịch sự với các bạn đạo Hồi ở cùng phòng. Khẩu phần ăn bên đây ít rau sống, ít canh, chủ yếu là củ nấu chín, thịt bò, gà. Nhiều lúc chỉ thèm mì gói Việt Nam thôi! Bù lại giá thực phẩm rẻ, một phần cơm chỉ khoảng 13.000 đồng Việt Nam”, Lụa cho biết.

Với học bổng toàn phần, Lụa còn nhận tiền sinh hoạt hằng tháng, tương đương 4 triệu đồng. Việc học ngôn ngữ Indonesia cũng trở nên dễ dàng vì Lụa đã có nền tảng sau bốn năm ĐH, nay được trau dồi trong môi trường giao tiếp thực sự với sinh viên Indonesia, Thái Lan, Mỹ, Madagasca.

Khi hoàn thành hai học kỳ, nhà trường sẽ trao chứng chỉ cho sinh viên trở về Việt Nam.

Không dám đem theo máy ảnh vì sợ… quên học

du-hoc-sinh

Phạm Thượng Hải “selfie” từ bờ biển Malta – Nguồn Tuổi Trẻ

Phạm Thượng Hải – tay “săn” giải thưởng tin học tại TP.HCM, cựu sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên, vừa du học thạc sĩ vào tháng 10-2016 theo chương trình học bổng toàn phần của Liên minh châu Âu.

Với ngành ngôn ngữ học tính toán (Computational Linguistics), Hải lần lượt trải qua hai môi trường: ĐH Malta (Cộng hòa Malta) và ĐH Karl (Cộng hòa Czech) trong hai năm, bằng cấp sẽ được công nhận trên toàn châu Âu.

Malta là quốc đảo nằm trong vùng Địa Trung Hải với diện tích khoảng 316km² (lớn gấp ba lần Q.9, TP.HCM). Phía bắc là Ý và châu Âu, phía nam và tây là châu Phi, Malta hòa trộn nhiều sắc màu văn hóa, chủng tộc.

“Nhìn chung không khí học tập rất thoáng và cởi mở kiểu châu Âu. Sinh viên tích cực phản hồi và giảng viên sẵn sàng điều chỉnh mức độ bài vở để phù hợp, hỗ trợ cho từng người sau giờ học. Chương trình học cũng dễ thở, nhưng nghe nói nếu chuyển qua Czech sẽ khác vì sinh viên ở đó học toán rất khủng”, Hải cho biết.

Nhà trường còn mở nhiều lớp ngoại khóa thú vị với học phí chỉ 5 euro/học kỳ. Từ võ thuật, ngoại ngữ, văn hóa đến lịch sử bản địa, sinh viên được trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về Malta. Hải cũng đăng ký nhưng không kịp vì sinh viên tranh nhau học, các lớp đầy nhanh chóng.

Ngoài miễn học phí, mỗi tháng Hải nhận khoảng 1.000 euro để lo chi phí sinh hoạt. Hải thuê một căn hộ ở cùng hai người bạn châu Á, tự nấu ăn và gần như không gặp vấn đề khác biệt trong ăn uống.

“Ở Malta có khá nhiều người Hàn và Philippines qua buôn bán, làm việc nên đồ ăn châu Á rất phổ biến. Tuy nhiên, giá thực phẩm khá đắt do Malta ít trồng trọt, đồ ăn trong siêu thị chủ yếu được nhập”, Hải kể.

Vào dịp Giáng sinh, Hải đã săn vé máy bay đến Rome và Vatican (Ý) chỉ với 40 euro cả đi về. Khi trở về Malta, trường “vắng tanh như chùa bà đanh” vì đa số sinh viên châu Âu đã về quê đón năm mới cùng gia đình.

Hải cho biết mùa đông ở Malta còn kéo dài tới tháng 3 với nhiệt độ thấp nhất khoảng 6 độ C, và anh thường chạy bộ ngoài bờ biển cho ấm người.

“Mình thấy người dân ở đây sống rất nhàn hạ nhưng vẫn khá giả, chỉ cần có nhà cho du khách thuê là sống thoải mái. Hoạt động kinh tế chủ yếu xoay quanh du lịch, tài chính, ngân hàng, nhịp sống không hối hả như Sài Gòn, Hong Kong hay Singapore. Cả đảo gần như không có khu công nghiệp, môi trường cực kỳ trong lành, biển luôn trong vắt”, Hải chia sẻ.

Anh chàng còn nói đùa: “Biết trước sẽ học ở thành phố du lịch nên mình không mang theo máy ảnh. Việc học hành không nặng nề, bốn bề là cảnh đẹp, khu du lịch, sợ mải miết chơi quên học!”.

Thái Hải(SSDH) – Theo Tuổi Trẻ

Share.

Leave A Reply