Làm “vũ công” ở Harvard

0

SSDH – Ở trường ĐH Harvard, thành tích học tập của Nguyễn Hương Quỳnh Trang không thực sự nổi bật và ấn tượng. Tuy nhiên, tài năng nghệ thuật của cô thì khiến bất cứ sinh viên quốc tế nào cũng phải nể phục.

 

22112012duhocanh101.bmp

 

Không học xuất sắc vẫn có thể vào được Harvard

 

Mặc dù học trung học tại trường Quốc tế Hà Nội, tuy nhiên, Trang chưa bao giờ nổi bật với thành tích học tập. Điều khiến thầy cô và bạn bè biết đến Trang đó là các hoạt động ngoại khóa nhiệt tình, năng nổ và niềm đam mê đặc biệt với những điệu nhảy. Thậm chí, sau khi tốt nghiệp trường Quốc tế Hà Nội, Trang bày tỏ ý muốn gửi hồ sơ xin học bổng tại trường ĐH Harvard, mẹ cô khi đó cũng không dám kỳ vọng nhiều mà nói rằng: “Hãy thử xem con có thể làm được những gì”.

 

Chiến dịch săn học bổng được Trang khởi động từ năm lớp 11. Khi đó, cô bạn đã phải mò mẫm, theo dõi bảng xếp hạng cũng như tìm hiểu cặn kẽ yêu cầu của các trường ĐH Mỹ trên các website như CHEA, USNews, Collegeboard…

 

Cũng phải trải qua tới ba kỳ thi, Trang mới đủ điểm SAT cho vòng gửi hồ sơ. Tuy nhiên, theo Trang, điểm SAT cao không hẳn là yếu tố “đinh” để các trường ĐH top trên của Mỹ lựa chọn sinh viên. Thực tế là bản thân Trang cũng chỉ hoàn thành được 63% bài thi SAT và bài luận của cô cũng không thực sự được đánh giá cao. Nói vậy để thấy rằng, lý do để trường ĐH Harvard lựa chọn sinh viên cũng rất… vô cùng!

 

Dù không thực sự xuất sắc trong học tập nhưng bù lại, Trang đã từng tham gia khá nhiều hoạt động tình nguyện như Operation Smile (kêu gọi hỗ trợ kinh phí phẫu thuật cho trẻ em bị hở hàm ếch), Friendship Village (tuyên truyền ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam), là đồng tác giả của nhiều tác phẩm sân khấu – nghệ thuật được dàn dựng bởi Hanoi International Theatre Soceity… Với Trang, đó mới thực sự là điều giúp mang cô đến với nước Mỹ.

 

“Kết quả học tập chỉ là một phần trong đánh giá tổng thể của các trường ĐH Mỹ. Tất nhiên, bạn phải thông minh nhưng không nhất thiết phải trên đỉnh Olympia ở mọi lĩnh vực. Quan trọng hơn là họ – các trường ĐH Mỹ – nhìn nhận những việc bạn đã, đang và sẽ làm được cho xã hội”, Trang chia sẻ.

 

Nhảy múa trên đất Mỹ

 

Trang đam mê với những điệu nhảy từ khi còn tấm bé. Thậm chí, mẹ cô đã phải bỏ ra 1/2 số tiền lương hằng tháng để cô có thể theo học văn hóa và học nhảy tại trường Quốc tế Hà Nội.

 

Khi mới “chân ướt chân ráo” bước vào trường ĐH Harvard, Trang đã xin được đi làm thêm tại thư viện Widener, 20 giờ/ tuần để dành tiền đi học nhảy. Bước sang năm thứ hai, cô bắt đầu hành trình đạp xe từ trường Harvard tới Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) để tham gia trợ giảng kiếm tiền và học nhảy tại đây. 3 – 4 ngày/tuần như thế, bắt đầu từ khoảng 6h chiều và kết thúc vào 11h tối. Nhiều hôm trở về đến nhà, đồng hồ đã điểm sang… ngày hôm sau!

 

Hiện tại, số điệu nhảy mà Trang có thể biểu diễn nhiều không đếm xuể, từ cổ điển – hiện đại như Mambo, Swing, Salsa, Reggae, Waltz, Tango, Twist, Rock&Roll, Jazz, Meringué đến các điệu múa truyền thống của Việt Nam, ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Philippine… Cô gần như không vắng mặt trong bất cứ festival nào của sinh viên, không chỉ ở trường ĐH Harvard mà còn cả ở MIT, Boston, Dartmouth, Wesleyan…

 

Là đồng chủ nhiệm và cũng là một trong số ít giáo viên người châu Á của câu lạc bộ dancing trường ĐH Harvard, Trang đã từng “đem quân” đi “chinh chiến” khắp bang Massachusetts và giành không ít giải thưởng văn-thể-mỹ trong suốt hai năm qua.

 

Trang đang theo học song song hai ngành Toán và Tâm lý học. Sau khi tốt nghiệp, cô nói sẽ trở về Việt Nam và tìm kiếm cơ hội làm việc trong ngành giáo dục.

 

Thục Uyên ( Theo SVVN )

Share.

Leave A Reply