Sẵn sàng du học – Đăng ký học ở trường Y là một điều cực kỳ khó. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bất đắc dĩ, khi mà sinh viên đó phải từ chối nhập học, vì vô vàn lý do như rắc rối gia đình, vấn đề cá nhân hay thay đổi ý định. Nếu bạn là sinh viên đó, bài viết này là dành cho bạn.
Một vài năm trước, đã từng có một sinh viên từ chối nhập học vì anh ấy bắt đầu một mối quan hệ nghiêm túc trong quá trình ứng tuyển. Sau khi anh ta được chấp nhận, anh ta lại từ chối nhập học vì anh ta phải rời xa người yêu của mình trong một thời gian dài nếu theo học. Một sinh viên khác lại từ chối vì cô ấy muốn tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
Sau đây là một vài lời khuyên dành cho bạn nếu bạn đang có ý định ứng tuyển trường Y khi mà bạn đã từ chối nhập học trước đó:
- Phòng bệnh hơn chữa bệnh
- Xin phép được rời ngày nhập học
- Tiếp tục trau dồi kiến thức
- Giải thích vì sao bạn từ chối nhập học trước đó.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Ứng tuyển lại khi mà bạn đã từ chối nhập học trước đó có thể khá rắc rối. Hội đồng tuyển sinh sẽ nghi ngờ liệu bạn có thực sự tận tâm với ngành Y hay không và liệu bạn có từ chối nhập học một lần nữa hay không.
Nếu bạn đang có ý định theo đuổi đam mê của mình, khoan hãy đăng ký học ở trường Y. Hơn nữa, chỉ đăng ký tại những trường mà bạn chắc chắn là sẽ theo học.
Một vài năm trước, có một ứng viên chỉ nhận duy nhất một lời mời nhập học, từ một trường duy nhất mà anh ta không muốn theo học. Điều này khiến anh ta phải khó xử khi ứng tuyển trường Y lại một lần nữa vì anh ta phải giải thích rõ tại sao anh ta lại từ chối nhập học. Sau này anh ta chia sẻ rằng anh ấy đăng ký trường đó vì muốn “thử xem sao.” Nếu bạn không muốn rước rắc rối không cần thiết, đừng làm như vậy.
Xin phép được rời ngày nhập học
Một vài trường Y cho phép ứng viên rời ngày nhập học khoảng một năm. Nếu bạn cần thêm thời gian để giải quyết vấn đề cá nhân, hãy hỏi nhân viên tư vấn liệu bạn có thể dời ngày hay không. Hầu hết các trường sẽ cho phép bạn rời, miễn là bạn có thể đưa ra lý do chính đáng và thuyết phục.
Tiếp tục trau dồi kiến thức
Dù cho bạn đã được chấp nhận trước đó, cũng đừng trở nên tự kiêu. Ngược lại, điều này có nghĩa là bạn càng nên tiếp tục trau dồi kiến thức để thể hiện rằng bạn vẫn đang rất tận tâm với ngành Y.
Bạn nên tiếp tục tham gia các đợt thực tập trải nghiệm, tham gia nghiên cứu khoa học hoặc phục vụ cộng đồng bằng bất kỳ hình thức nào khả thi. Điều này sẽ tạo ấn tượng tốt đối với hội đồng tuyển sinh.
Giải thích vì sao bạn từ chối nhập học trước đó
Hãy giải thích rõ lý do tại sao bạn từ chối nhập học trước đó. Luôn nhớ là hãy thành thật và thể hiện rõ sự chân thành. Hãy chỉ rõ rằng tình huống dẫn đến quyết định từ chối nhập học lúc đó đã thay đổi và bạn sẽ không từ chối nhập học một lần nữa.
Một sinh viên trước đó đã từ chối nhập học để hoàn thành một dự án nghiên cứu anh ta đang thực hiện. Khi anh ấy ứng tuyển lại, anh ấy đã nói rõ rằng muốn dành hết tâm huyết để hoàn thành dự án đó.
Chính bản thân anh ấy cũng không ngờ rằng dự án sẽ kéo dài đến như vậy. Hơn nữa, cố vấn nghiên cứu của anh ta cũng đã viết một bức thư giới thiệu cho anh. Vì vậy, trong lần ứng tuyển thứ hai, nhiều trường vẫn chấp nhận anh ấy, thậm chí còn nhiều hơn lần thứ nhất.
Điều quan trọng nhất bạn nên nhớ là nếu bạn từ chối nhập học trước đó, điều này có thể khiến hội đồng tuyển sinh nghĩ rằng bạn thiếu tâm huyết và không thực sự tận tâm cho ngành Y. Vì vậy, bạn nên tránh từ chối nhập học ngay từ ban đầu.
Tuy nhiên, trong trường hợp bất đắc dĩ, bạn cũng đừng quá tuyệt vọng. Miễn là bạn thể hiện được bạn vẫn rất tận tâm với ngành Y và đưa ra một lời giải thích chính đáng, bạn vẫn có khả năng cao được chấp nhận lần thứ hai.
Người dịch: Quốc Kỳ (SSDH)